Tại sao người gốc Ấn là nhóm cử tri quan trọng trong bầu cử Mỹ?
Nhóm người nhập cư lớn thứ hai ở Mỹ phần lớn ủng hộ các ứng viên đảng Dân chủ, nhưng kể từ bầu cử năm 2016, họ ngày càng dành nhiều ủng hộ cho Tổng thống Donald Trump.
Người tham gia sự kiện “Howdy, Modi” tại Houston, Mỹ ngày 22/9/2019. Ảnh: Getty Images
Theo tờ Foreign Policy, trong chục năm qua, đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ đã coi người Mỹ gốc Ấn là một nhóm dân số ngày càng có ảnh hưởng. Mặc dù họ chỉ chiếm 1% trong số toàn bộ cử tri nhưng họ là nhóm người nhập cư lớn thứ hai ở Mỹ (sau người gốc Mexico).
Cộng đồng Mỹ gốc Ấn cũng ngày càng mở rộng nhanh chóng. Theo điều tra dân số Mỹ, từ năm 2000 tới 2018, dân số người Mỹ gốc Ấn tăng gần 150%. Cộng đồng này cũng là nhóm thiểu số có thu nhập cao nhất ở Mỹ. Thu nhập trung bình của họ là 100.000 USD năm 2015, gần gấp đối thu nhập bình quân quốc gia năm đó.
Do đó, người Mỹ gốc Ấn là nhóm người tài trợ của cả hai đảng, đóng góp gần 10 triệu USD cho ứng viên Dân chủ trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Trong bầu cử năm 2020, chiến dịch tranh cử của cả Tổng thống Trump và ứng viên Dân chủ Joe Biden đều nỗ lực phát sóng quảng cáo trên truyền hình nhằm vào cử tri gốc Ấn. Các quảng cáo bằng tiếng Hindi và các phương ngữ khác của ông Trump và Biden cạnh tranh nhau, chạy giữa các bộ phim Bollywood và chương trình truyền hình Ấn Độ trên các mạng truyền hình Ấn Độ nổi tiếng ở Mỹ như TVAsia và Sony Entertainment TV.
Bà Kamala (phải) và ông Biden. Ảnh: Bloomberg
Khi chọn bà Kamala Devi Harris, thượng nghị sĩ bang California có mẹ là người Ấn Độ, làm ứng viên liên danh tranh cử, chiến dịch của ông Biden đã huy động được sự ủng hộ to lớn từ cộng đồng Mỹ gốc Ấn. Bà Harris luôn tự hào vì mang hai dòng máu và nguồn gốc Ấn Độ, nhờ đó thu hút được nguồn tài trợ từ cộng đồng gốc Ấn. Tại một sự kiện gây quỹ hồi tháng 9, Quỹ Chiến thắng Biden đã thu về kỷ lục 3,3 triệu USD từ cộng đồng Mỹ gốc Ấn.
Video đang HOT
Tất nhiên, một số người lo lắng khi người Mỹ gốc Ấn chuyển sang ủng hộ Tổng thống Trump với số lượng lớn khi thấy quan hệ của ông với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tốt đẹp. Hai nhà lãnh đạo đều có phong cách chính trị tương đồng, thu hút người dân bằng đường lối dân túy, quan điểm cứng rắn chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo.
Khảo sát của YouGov gần đây cho thấy 72% cử tri Mỹ gốc Ấn ủng hộ ông Biden. Trước đây, 77% ủng hộ bà Hillary Clinton năm 2016 và 84% ủng hộ ông Barack Obama năm 2012. Khảo sát cũng cho thấy số người Mỹ gốc Ấn ủng hộ ông Trump tăng lên 22% so với 16% năm 2016. Mặc dù đa số người gốc Ấn tiếp tục ủng hộ ứng viên Dân chủ nhưng dường như đảng Cộng hòa đang có chút thành công trong thu hút sự ủng hộ từ cử tri gốc Ấn.
Như trong bầu cử năm 2016, ngay cả một sự thay đổi nhỏ cũng tạo nên tác động lớn. Điều quan trọng nhất trong ảnh hưởng của cộng đồng gốc Ấn là có nhiều cử tri ở các bang dao động. Texas, Michigan và Pennsylvania đều có cộng đồng gốc Ấn đông. Trong bối cảnh cuộc đua có thể rất sít sao thì ngay cả sự ủng hộ nhỏ có thể tạo nên thắng-thua.
Mặc dù đa số người Mỹ gốc Ấn có thể vẫn thiên về Dân chủ trong các vấn đề nội địa, nhưng “yếu tố Modi” vẫn quan trọng. Nhiều người trong cộng đồng này tiếp tục ủng hộ Thủ tướng Modi và đặc biệt là quan điểm của ông trong vấn đề Kashmir. Khi ông Modi tới thăm thành phố Houston ở Mỹ, ông được 50.000 người chào đón cùng Tổng thống Trump.
Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa đã giành được ngày càng nhiều sự ủng hộ nhờ liên kết giữa cử tri gốc Ấn và sự ủng hộ của họ dành cho Ấn Độ. Điều này thì đảng Dân chủ đôi khi khó thực hiện vì thường chỉ trích vấn đề nhân quyền của ông Modi.
Thủ tướng Ấn Độ Modi (trái) và Tổng thống Trump. Ảnh: AP
Do đó, cả hai đảng đang đặt cược lớn vào cộng đồng gốc Ấn. Chiến dịch của ông Biden đang nhờ vào quyền lực của người nổi tiếng gốc Ấn. Đầu tháng 10, họ đã tổ chức bữa tiệc ảo với người nổi tiếng như Mindy Kaling, Lilly Singh và Kumail Nanjiani nhằm nỗ lực tiếp cận và khuyến khích cử tri Ấn trẻ tuổi.
Tương tự, chiến dịch của Trump gần đây đã phát động “Tiếng nói Ấn Độ ủng hộ Trump”, một liên minh Mỹ gốc Ấn trong chính phủ và khu vực tư do con trai ông Trump dẫn đầu. Sứ mệnh của Donald Trump Jr. là vinh danh quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu toàn diện với Ấn Độ và xây dựng quan hệ đối tác Mỹ-Ấn.
Mặc dù người Mỹ gốc Ấn có xu hướng thiên tả nhưng trong bốn năm qua, họ không có sự ràng buộc với đảng nào ở Mỹ. Do quan điểm của người Mỹ gốc Ấn có ảnh hưởng tới chính trị Ấn Độ nên ngày càng có nhiều tiếng nói bảo thủ trong cộng đồng những người Mỹ gốc Ấn sinh ra ở nước ngoài và quan tâm tới vấn đề nội bộ của Ấn Độ. Tổng thống Trump đã khiến một số nhà tài trợ nghiêng về cánh hữu, đặc biệt là những người coi ông là hình ảnh phản chiếu của Thủ tướng Modi. Người Mỹ gốc Ấn ủng hộ ông Trump đã tăng 8% từ năm 2016.
Trong bầu cử năm nay, cả hai đảng tiếp tục tranh giành nhóm cử tri này tại các bang chiến địa. Khi mà ngày càng tích cực trong chính trị, quyên góp nhiều hơn cho các ứng viên thì khó có thể bỏ qua hiện diện của nhóm gốc Ấn tại Mỹ. Cả phe Dân chủ và Cộng hòa đều công nhận tầm quan trọng của cộng đồng này và do đó, họ đang trở thành tâm điểm trong tranh cử.
Cuộc đua 'giành giật' nhóm cử tri gốc Ấn trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ
Hiện nay, cộng đồng người Mỹ gốc Ấn thường có xu hướng ủng hộ đảng Dân chủ đang ngả sang bỏ phiếu cho phe Cộng hòa.
Đội ngũ tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tung ra các quảng cáo chính trị tập trung vào cộng đồng Ấn kiều tại Mỹ, trong đó hé lộ một video có sự xuất hiện của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Các quảng cáo tranh cử này xuất hiện sau một nghiên cứu tại các bang chiến trường trong cuộc bầu cử Mỹ do Al Mason, đồng chủ tịch Ủy ban tài chính tranh cử trong cộng đồng người Mỹ gốc Ấn của ông Donald Trump tiến hành. Theo đó cộng đồng người Mỹ gốc Ấn thường có xu hướng ủng hộ đảng Dân chủ lại đang ngả sang bỏ phiếu cho phe Cộng hòa.
Thủ tướng Ấn Độ Naredra Modi và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sự kiện Namaste Trump tại thành phố Ahmedabad hồi tháng 2/2020. Ảnh: ANI
Đảng Cộng hòa tận dụng mối quan hệ Trump-Modi
Để tập trung vận động cộng đồng cử tri Ấn kiều với số lượng lên tới 2,5 triệu người, chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ tập trung khai thác các clip ngắn từ bài phát biểu của thủ tướng Modi và bài diễn văn lịch sử của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại thành phố Ahmedabad, Ấn Độ hồi tháng 2.
Trong một dòng Tweet công bố quảng cáo tranh cử của ông Trump, Kimberly Guilfoyle, Chủ tịch Quốc gia của Ủy ban tài chính tranh cử của Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: "Nước Mỹ mong muốn một mối quan hệ vĩ đại với Ấn Độ, mong muốn sự ủng hộ vĩ đại của những người Mỹ gốc Ấn."
Donald Trump Jr. , con trai của Tổng thống Mỹ là người dẫn đầu chiến dịch vận động cộng đồng Ấn kiều cũng retweet lại thông tin này. Với tiêu đề 'Thêm 4 năm nữa", video dài 107 giây bắt đầu với đoạn băng mang tính biểu tượng khi thủ tướng Modi và Tổng thống Trump tay trong tay, đi cùng nhau tại Sân vận động NRG ở thành phố Houston trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Ấn Độ tới Mỹ năm ngoái, nơi mà hai người cùng diễn thuyết trước hơn 50.000 người Mỹ gốc Ấn. Tại đây, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Ấn dành 'những lời có cánh' cho nhau. Thủ tướng Ấn Độ từ lâu đã là tâm điểm chú ý trong cộng đồng người Mỹ gốc Ấn.
Những lần xuất hiện của ông trước công chúng tại Mỹ đều tạo ra kỷ lục về số người tham gia. Bài phát biểu của ông tại Madison Square Garden năm 2015 và tại Silicon Valley 2 năm sau đó đều thu hút hơn 20,000 người tham dự, biến Modi trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài duy nhất đã từng nhiều lần diễn thuyết trước đám đông lớn tới như vậy tại Mỹ.
Phần thứ hai của đoạn quảng cáo là về bài phát biểu của Trump tại Ahmedabad tháng 2. Các quảng cáo tranh cử của đảng Cộng hòa ra đời nhằm tận dụng mối quan hệ tốt đẹp giữa Tổng thống Mỹ và thủ tướng Ấn Độ và ảnh hưởng lớn của ông Modi với cộng đồng người Mỹ gốc Ấn.
'Cuộc chiến' nhằm lôi kéo cử tri gốc Ấn
Các cử tri gốc Ấn đột nhiên lại được quan tâm đặc biệt trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay. Theo một công bố mới đây của nhóm thành viên gốc Ấn thuộc đảng Dân chủ, tại các bang chiến trường, số lượng cử tri Ấn kiều lên tới 1,3 triệu người.
Khảo sát của Mason được tiến hành trước khi cựu phó Tổng thống Mỹ Joe Biden chọn thượng nghị sỹ gốc Ấn Kamala Harris làm ứng cử viên Phó Tổng thống của mình. Đây được coi là bước đi của lãnh đạo đảng Dân chủ nhằm chiếm sự chú ý của nhóm cử tri gốc Ấn trước các nỗ lực của đảng Cộng hòa.
Trong cuộc đua tranh để chiếm cảm tình của người Mỹ gốc Ấn, đảng Cộng hòa và Tổng thống Donald Trump đang giành ưu thế. Trong một số phát biểu và văn bản vài tuần qua, lãnh đạo đảng Dân chủ thừa nhận mối quan hệ tốt đẹp giữa Tổng thống Mỹ và thủ tướng Ấn Độ có thể lấy mất nhóm cử tri lớn của đảng này trong cuộc bầu cử tháng 11.
Đội ngũ tranh cử của ông Trump tin rằng cộng đồng Ấn kiều có thể đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử tới, đặc biệt tại các bang như Michigan, Pennsylvania, Ohio. Đảng Cộng hòa còn tạo ra các liên minh riêng rẽ của người Mỹ gốc Ấn và người Sikh. Đây là lần đầu tiên, một chiến dịch tranh cử Tổng thống ở Mỹ lập ra liên minh cho những người Hindu.
Đảng Dân chủ cũng đang nỗ lực tranh thủ nhóm cử tri gốc Ấn. Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ Tom Perez đã có bài phát biểu trực tuyến trước cộng đồng Ấn kiều. Hôm 15/8, cả Biden và Harris đã có bài diễn văn ghi hình tại một sự kiện của người Mỹ gốc Ấn. Những người ủng hộ đảng Dân chủ cũng đang lên kế hoạch cho ít nhất 2 clip quảng cáo chính trị theo phong cách Bollywood nhằm lôi kéo cử tri gốc Ấn khi chỉ còn 70 ngày nữa là tới cuộc bầu cử./.
Trump có 'đốn hạ' được Biden bằng tranh luận? Tổng thống Trump đã có màn "so găng" cuối kỷ luật và tốt hơn, nhưng nhiều chuyên gia nhận định nó khó tạo cú hích tranh cử. Trước cuộc tranh luận cuối, nhiều nhà phân tích đã nhận thấy tình thế bất lợi trong các cuộc thăm dò của Tổng thống Trump có điểm tương đồng với rủi ro cao mà cựu tổng...