Tại sao Mỹ bị Trung Quốc “qua mặt” ở châu Phi?
Trong dòng thời sự được báo chí Pháp quan tâm, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Châu Phi do Tổng thống Barack Obama triệu tập tại Washington và kết thúc hôm 8/8/2014, vẫn được chú ý.
Trung Quốc hiện diện trên khắp lục địa đen.
Nhật báo Le Figaro đã đăng ý kiến của bà Laurence Daziano, Giảng sư tại Học viện Khoa học Chính trị Pháp Sciences-Po, nhận định rằng cố gắng của Hoa Kỳ nhằm chiêu dụ châu Phi đã quá muộn, vì Trung Quốc đã đi trước, và đang áp đặt uy thế của Bắc Kinh tại đấy.
Dưới tựa đề “Tại sao Mỹ bị Trung Quốc qua mặt ở châu Phi”, tác giả bài viết trước tiên ghi nhận là vị tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ đã đợi tới nhiệm kỳ 2 của mình mới công du châu Phi, rồi sau đó là triệu tập Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Châu Phi.
Đối với Daziano, hội nghị Washington đã đến quá muộn màng vì châu Phi hiện đã quay sang các cường quốc đang trỗi dậy như Ấn Độ, Brazil, và nhất là Trung Quốc được cho là đã thành công trong việc áp đặt uy thế của mình trên lục địa da đen.
Bài phân tích đã nêu bật ba nhân tố làm nền tảng cho chính sách chinh phục châu Phi đã được Bắc Kinh tiến hành từ hàng chục năm nay mà kết quả rõ nhất là Trung Quốc đã vươn lên thành đối tác thương mại số một của châu Phi từ năm 2009.
Yếu tố thứ nhất trong chính sách này là viêc Trung Quốc xem châu Phi là đối tác thương mại chiến lược. Các số liệu cụ thể cho thấy rõ điều đó. Vào năm 2013, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Phi đã đạt mức 25 tỷ USD, với khoảng 2.500 doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động tại đấy. Trao đổi thương mại Trung Quốc-châu Phi đã lên đến 210 tỷ USD.
Vấn đề là giao thương Trung Quốc-châu Phi sẽ còn tăng thêm vì hai lý do : Bắc Kinh có một khối tiền dự trữ khổng lồ (3.800 tỷ USD) để đầu tư, và Trung Quốc cần thị trường để tiêu thụ hàng hóa made in China. Thị trường châu Phi rất tốt vì sẽ đạt mức 2 tỷ dân từ nay đến năm 2050.
Yêu tố thứ hai: Trung Quốc cần đến một khối lượng nguyên liệu và quặng mỏ khổng lồ để duy trì tốc độ tăng trưởng, điều mà chỉ có châu Phi mới cung ứng nổi. Đặc trưng số một trong quan hệ buôn bán Trung Quốc-châu Phi là vị trí ưu tiên cho lãnh vực nguyên liệu.
Nhân tố thứ ba mang tính chất chính trị. Cả Trung Quốc lẫn châu Phi đều có một cái nhìn mới về thế giới, một cái nhìn chung cho các quốc gia đang trỗi dậy. Đó là mong muốn lật đổ trật tự cũ thoát thai từ Đệ nhị Thế chiến, với Phương Tây thống trị phần còn lại của thế giới. Từ vấn đề phát triển, biến đổi khí hậu, cho đến vấn đề cân bằng chiến lược, châu Phi và Trung Quốc thường chung quan điểm…
Trong bối cảnh kể trên, đối với Laurence Daziano, nỗ lực chiêu dụ châu Phi của Hoa Kỳ coi như bị bóp nghẹt ngay từ trong trứng nước. Dĩ nhiên, Mỹ vẫn có mức tăng trưởng mạnh mẽ, và một thế thượng phong đáng kể về mặt công nghệ. Tuy nhiên kho dự trữ tăng trưởng và nguyên liệu dùng cho tăng trưởng lại ở châu Phi và Trung Quốc.
Theo NTD/Bizlive