Tại sao mẹ có… bạn trai?
Mẹ em làm kế toán công ty, còn chú đó làm bảo vệ. Em nói với mẹ rằng hai người không cân xứng về mọi mặt, em không thể chấp nhận người đàn ông ấy về ở ngôi nhà của em.
Kính gửi chị Hạnh Dung,
Em sống với mẹ từ nhỏ. Ba mẹ em chia tay năm em chín tuổi, giờ em đã 25, sắp lập gia đình. Thời gian này, em và chồng chưa cưới bận rộn lo chuẩn bị hôn sự. Vợ chồng em sẽ có nhà riêng, cũng chỉ là một căn hộ nhỏ thôi, nhưng tụi em đã dồn hết công sức vào để biến nó thành một tổ ấm tuyệt vời.
Khi loay hoay mua sắm cho ngôi nhà trong mơ của mình, em giật mình nhận ra: từ nay mẹ sẽ ở một mình trong ngôi nhà cũ, nơi hai mẹ con đã từng gắn bó từ khi em còn bé tí đến giờ. Em thấy thương mẹ, nhận ra mình thật ích kỷ, chỉ nghĩ đến niềm vui của mình.
Nhưng sự thật không phải như vậy. Hôm vừa rồi về nhà em bị một cú choáng váng toàn tập: mẹ em có bạn trai, bạn trai của mẹ đến chơi ngay lúc em có mặt ở nhà. Bạn trai mẹ trông trẻ lắm, chừng ngoài 40, trong khi mẹ đã 48 tuổi. Em ngạc nhiên hỏi mẹ thì biết hai người quan tâm đến nhau đã mấy tháng nay.
Mẹ em làm kế toán công ty, còn chú đó làm bảo vệ. Mẹ nói sau khi em đám cưới và ổn định cuộc sống, thì mẹ cũng cần có cuộc sống riêng của mình. Em nói với mẹ rằng hai người không cân xứng về mọi mặt, em không thể chấp nhận người đàn ông ấy về ở ngôi nhà của em.
Mẹ em không nói gì, nhưng em biết tính mẹ, xưa nay đã quyết chuyện gì đừng hòng ai thay đổi được. Mấy ngày gần đây, mỗi lần nói đến chuyện này là em la hét, khóc lóc, còn mẹ im lặng bỏ vào phòng. Đám cưới của em nhuốm màu đen tối rồi chị ạ. Mỗi lần nghĩ tới mẹ, em chỉ muốn gào lên: “Tại sao mẹ lại làm như thế?”.
Video đang HOT
Thảo Trân (TP.HCM)
Em Thảo Trân thân mến,
Tình thương mẹ trong em vẫn là tình thương của một cô bé con, muốn giữ riêng mẹ cho mình, không chia sẻ với bất kỳ ai khác. Vì vậy, trong cuộc nói chuyện với mẹ, cô bé con ấy đã la hét, khóc lóc, mà chưa hề biết lắng nghe. Bây giờ, cũng khó có thể “hô biến” cô bé con ấy thành một người phụ nữ trưởng thành ngay được.
May mắn sao, điều em và mẹ đang cần nhất cũng là vị thuốc thần diệu có thể chữa được phần nào căn bệnh kịch phát này, đó là thời gian. Em đang cần thời gian tập trung cho đám cưới. Hãy dành thời gian riêng cho em và bằng cách đó cũng dành thời gian riêng cho mẹ. Em sẽ thấy mọi việc đỡ căng thẳng hơn.
Muốn vậy, em hãy hỏi và nghe mẹ nói, ngắn gọn thôi cũng được, dự định về cuộc sống riêng của mẹ như thế nào. Đám cưới của mẹ không đột ngột xảy ra đâu – mẹ em là người đã có kinh nghiệm sống và qua một lần đổ vỡ. Rất có thể, mẹ em không định cưới hỏi gì.
Và cũng rất có thể một vài tháng nữa mối quan hệ giữa họ sẽ chấm dứt. Bây giờ em căng thẳng có khi còn đẩy hai người họ gắn bó với nhau hơn. Thật bình tĩnh nghe mẹ, rồi em có thể đưa ra những đề nghị của mình, ví dụ mẹ hãy làm các thủ tục cần thiết để đảm bảo tài sản trước khi cưới, ví dụ em sẽ cùng mẹ tìm hiểu kỹ hơn về nhân thân người đàn ông đó, để mẹ không gặp phải cú sốc nào khi không có em bên cạnh…
Tất cả những điều đó nếu được trình bày với tình cảm của một đứa con gái yêu thương, lo lắng cho mẹ, chắc chắn mẹ em sẽ suy nghĩ, cân nhắc. Khi đã biết khoảng thời gian mẹ dự định cho kế hoạch riêng, em sẽ tự sắp xếp những việc còn lại.
Ở tuổi xế chiều, phụ nữ hay sợ cô đơn. Đây cũng là giai đoạn tâm tính người phụ nữ thay đổi đột ngột dưới tác động của hormone, tuổi tác. Những điều này, một cô gái 25 tuổi khó chia sẻ hết. Em thương mẹ, rồi tình thương ấy sẽ trưởng thành, chín chắn hơn, và em sẽ nhận ra cần tôn trọng mẹ, tôn trọng cuộc sống độc lập của mẹ khi em đã tách ra khỏi cuộc sống ấy. Việc mẹ có bạn trai không phải là chuyện sai trái gì.
Hãy nói chuyện với mẹ về những lo lắng của em, nhưng đừng bắt buộc mẹ phải sống theo ý em. Đây là hai cuộc sống của hai người phụ nữ riêng biệt. Chúc em hạnh phúc, mãi giữ được mẹ và tình yêu thương của mẹ.
Hạnh Dung
Sống chung với bố mẹ, đàn ông không lớn được
"Đàn ông khó mà lớn nếu sống trong vòng tay của bố mẹ". Câu nói này chắc sẽ chạm đến lòng tự ái của khá nhiều đàn ông Việt.
"Đàn ông khó mà lớn nếu sống trong vòng tay của bố mẹ". Câu nói này chắc sẽ chạm đến lòng tự ái của khá nhiều đàn ông Việt. Nhưng đó là sự thật ở rất nhiều gia đình sống nhiều thế hệ hiện nay của người Việt.
Cô bạn tôi lấy chồng người Hà Nội. Gia đình chồng có hai anh em. Cô em gái lấy chồng ở gần nhà bố mẹ đẻ. Còn chồng bạn tôi con một nên đừng mơ tưởng đến việc ra ở riêng. Bố mẹ chồng bạn tôi đã về hưu. Thời gian của ông bà là vô biên nên ngoài việc tập thể dục, đi chợ, gặp gỡ bạn bè thì ông bà tập trung chăm cháu.
Vợ chồng cô bạn có ông bà chăm cháu quả là yên tâm đi làm. Viên chức nhà nước, lương ăn theo bậc phẩy, cho nên thu nhập của cả hai vợ chồng cộng lại coi như đủ sống. Mỗi tháng hai vợ chồng gửi bố mẹ được 4 triệu còn lại thiếu thừa đâu là ông bà có lương hưu bù vào.
Ngày ngày trôi đi, cuộc sống cứ tiếp diễn như vậy. Lấy nhau 6, 7 năm trời nhưng cả hai vợ chồng bạn tôi không có một đồng tiền tích lũy nào cả. Cô bạn tôi nhiều lúc chán nản tâm sự: "Lấy nhau, năm đầu chưa con cái, cuộc sống còn dễ thở. Tuy nhiên, năm nối năm, cuộc sống không thấy khá hơn tý nào. Nhà cửa ở với bố mẹ mọi thứ có sẵn, không bao giờ chồng cô nghĩ đến việc sắm sửa. Bởi có nghĩ thì đào đâu ra tiền mà sắm. Nhiều lúc bảo chồng rằng hãy tìm thêm cơ hội kiếm tiền nhưng anh thản nhiên nói rằng 'Cứ ước mơ viển vông, như thế này là thấy hài lòng rồi, cần gì phải bươn bả cho vất vả. Nhà cửa đó còn phải lo gì nữa".
"Cứ như thế không biết đến bao giờ chồng mình mới lớn được, mới trưởng thành và mới là bờ vai để vợ con tin tưởng bấu víu".
Nói xong cô bạn tôi chép miệng thở dài "ông ấy đâu biết được, để mọi thứ trong gia đình trôi chảy như này vợ ông ấy phải tranh thủ làm đủ mọi việc để kiếm tiền. Cứ nhắc đến tiền là ông ấy lại mắng té tát nói mình tham vọng. Có gì bố mẹ lo hết, sao phải xoắn".
"Đúng thế, sáng dậy, mẹ chồng hoặc vợ lo ăn sáng cho cả nhà. Chồng mình ra khỏi nhà với cái bụng đã ấm và quần là, áo lượt. Chiều tối muộn trở về cơm canh đã sẵn trên bàn, con cái sạch sẽ thơm tho. Gần như mọi công việc trong gia đình dường như anh ấy chả phải lo. Nếu có động vào cái gì thì lại được ông bà vuốt theo 'để đấy bố/mẹ làm cho'. Cứ như thế dần dần anh ấy chả đoái hoài gì đến việc nhà. Chả bao giờ anh ấy hỏi vợ xem nhà có bao nhiêu tiền tích lũy. Cũng chả thấy anh ấy nói đến ước mơ, dự định trong tương lai. Anh ấy bằng lòng với tất cả mọi thứ đang hiện có".
Nhìn ra xung quanh, những cặp vợ chồng bạn tôi ở tỉnh lẻ lên thành phố lập nghiệp. Khó khăn chồng chất, không có bố mẹ đỡ đần. Chính vì thế khó bó cái khôn, vợ chồng cùng sắp xếp công việc khoa học, rồi cả hai đỡ đần nhau trong việc nhà, đón con...Rồi cũng vì khó khăn nên ai cũng mơ ước phấn đấu mua được cái nhà cũng yên tâm hơn. Cứ như thế nhiều gia đình bạn tôi thay đổi trông thấy. Từ lúc chỉ là hai bàn tay trắng giờ thì nhà cửa, con cái đề huề, còn có thêm vài miếng đất làm vốn.
Hoàn cảnh khiến con người vươn lên, thay đổi cuộc sống. Nhưng nhiều người đàn ông lại không muốn thay đổi hoàn cảnh. Bản thân họ thấy cuộc sống hiện tại quá an toàn và không muốn phá vỡ để xông lên. Dù ngoài kia có bão giông thì trong nhà luôn có bố mẹ và vợ lo rồi, đâu cần phải sôi sùng sục kiếm tiền làm chi.
Chính những suy nghĩ đó đã giết chết sự tiến thủ của người đàn ông, trụ cột trong gia đình bạn tôi. Mặc kệ vợ bươn bải với cuộc sống còn ta "sáng cắp ô đi, chiều thong dong phóng xe về. Tối ung dung cầm điện thoại lướt facebook đến giờ đi ngủ và mai lại một ngày mới như vậy".
"Cứ như thế không biết đến bao giờ chồng mình mới lớn được, mới trưởng thành và mới là bờ vai để vợ con tin tưởng bấu víu", cô bạn tôi thở dài than thở./.
Theo Hạ Anh/vov.vn
Tình yêu của cô gái Việt mắc ung thư và 'chú' người Nhật hơn 15 tuổi Cách nhau 15 tuổi, Minh Anh hay gọi đùa bạn trai là "chú". Từ những ngày đầu phát hiện ung thư, anh luôn là người ở bên chăm sóc, giúp đỡ cô nơi đất khách quê người. Minh Anh (25 tuổi) sinh ra tại Đà Nẵng và sang Nhật Bản học tập, làm việc từ năm 2014. Cách đây hơn 2 tháng, sau...