Tại sao kiểm tra đột xuất bệnh viện?
Mới đây, trang web của Sở Y tế TP.HCM đăng nội dung: “ Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM cần xem lại hình thức kiểm tra như vừa qua vì đã gây bức xúc cho người bệnh và tâm lý bất ổn cho cán bộ viên chức của các bệnh viện”.
Chờ khám bệnh tại một bệnh viện ở TP.HCM – Ảnh: N.C.T.
Ý kiến này được đăng công khai trên trang web của Sở Y tế TP.HCM liên quan đến việc trong hai ngày cuối tuần vừa qua (ngày 23 và 24-11) BHXH TP tiến hành kiểm tra đột xuất người bệnh nội trú ngoài giờ hành chính tại nhiều bệnh viện trên địa bàn TP.HCM.
Tại sao kiểm tra đột xuất?
Các bệnh viện bị BHXH TP kiểm tra đột xuất gồm Viện Y dược học dân tộc, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Q.4, Bệnh viện Q.8.
Theo báo cáo nhanh của các bệnh viện, đoàn kiểm tra của BHXH TP yêu cầu các bác sĩ trực cung cấp số liệu bệnh nhân nằm viện của từng khoa, đi kiểm tra từng giường bệnh, nếu có bệnh nhân tại giường thì hỏi có bị nằm ghép không… Dù bệnh nhân rất đông nhưng các y bác sĩ trong tua trực phải đáp ứng các yêu cầu, các lãnh đạo bệnh viện cũng rất bất ngờ với mục đích kiểm tra này.
Cụ thể, tại Viện Y dược học dân tộc đoàn kiểm tra có mặt lúc 16h30 ngày 23-11. Lúc này gần hết giờ làm việc của viện nhưng viện trưởng và một số cán bộ viên chức của đơn vị buộc phải ở lại tiếp đoàn. Kết quả tất cả bệnh nhân đang nằm viện đều có mặt tại giường bệnh, các phòng bệnh đều có máy lạnh.
18h cùng ngày, đoàn đến Bệnh viện Nhi đồng 1 khi lãnh đạo và cán bộ viên chức của bệnh viện đã về. Biên bản làm việc ghi nhận tại khoa thận nội tiết có 73 bệnh nhân lưu trú tại 11 phòng. Kiểm tra trực tiếp tại 5 phòng có 32 bệnh nhân đăng ký lưu trú thì có 3 bệnh nhi ra khuôn viên bệnh viện chơi.
Video đang HOT
Theo yêu cầu của đoàn kiểm tra, bệnh viện phải phát loa phát thanh khắp bệnh viện để mời các cháu đang được cha mẹ cho xuống sân bệnh viện chơi quay lên khoa để kiểm tra có đúng như vậy không.
Tương tự, tại Bệnh viện Y học cổ truyền có trên 280 bệnh nhân đang nằm viện. Tuy nhiên qua kiểm tra có 6 bệnh nhân không có mặt do có đơn xin về.
Theo Sở Y tế TP.HCM, đại diện một số bệnh viện cho rằng việc kiểm tra ngoài giờ hành chính, nhất là buổi tối gây hiểu nhầm cho một số bệnh nhân và ảnh hưởng đến công tác chăm sóc người bệnh tại các khoa.
Kiểm tra không ảnh hưởng người bệnh?
Ông Phan Văn Mến – giám đốc BHXH TP – cho biết đơn vị đang trong quá trình kiểm tra đột xuất việc kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT ở các cơ sở y tế. Về thời gian kiểm tra, ông Mến cho biết là trước 19h, do đó không ảnh hưởng gì đến người bệnh, kể cả nhân viên y tế.
“Việc kiểm tra này không nhất thiết phải gặp người bệnh mà có thể thông qua quan sát thực tế của kiểm định viên, qua công tác đối chiếu giấy tờ sổ sách có thể đánh giá được cơ sở y tế đó có chấp hành quy định hay không” – ông Mến nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tá Tỉnh, trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), nói hiện có hai phương pháp kiểm tra đối với các cơ sở y tế là kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất. Trong bối cảnh hiện nay, để đảm bảo quyền lợi của người bệnh, đồng thời xác minh các chi phí bất hợp lý, không đúng quy định thì kiểm tra đột xuất là điều cần thiết đang được các cơ quan BHXH thực hiện.
Tuy nhiên, theo ông Tỉnh, việc kiểm tra này không phải đồng loạt, chỉ tập trung vào một số cơ sở y tế lọt vào “tầm ngắm” bởi các dấu hiệu bất hợp lý trong chi phí BHYT hoặc có người dân phản ảnh. Thời gian kiểm tra không cố định, tùy thuộc vào sự sắp xếp đơn vị BHXH nhưng phải đảm bảo đúng quy định, không gây phiền hà cho người bệnh.
“Khi kiểm tra đột xuất BHXH chỉ cần đến thông báo cho cơ sở y tế biết về kế hoạch, họ sẽ cử người cung cấp các hồ sơ cần thiết, đồng thời dẫn cán bộ BHXH đi tận các phòng, khoa. Nhân viên kiểm định chỉ cần nhìn phía ngoài chứ không cần thiết đánh thức người bệnh lúc đêm hôm để hỏi. Việc này BHXH VN đã có ý kiến chấn chỉnh” – ông Tỉnh khẳng định.
Có bệnh viện kê khống số người điều trị
Ông Nguyễn Tá Tỉnh – trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) – cho biết thực tế kết quả kiểm tra xác định có một số cơ sở y tế dù người bệnh BHYT không nằm điều trị nhưng vẫn kê “khống” số lượng, thời gian nằm viện điều trị của người bệnh. Đặc biệt, có nơi người bệnh chỉ bị các bệnh lý thông thường có thể cho thuốc điều trị ngoại trú nhưng lại cho nhập viện để tính thêm chi phí tiền giường vốn khá cao hiện nay.
HOÀNG LỘC
Theo tuoitre
Phát loa gọi bệnh nhi đang chơi dưới sân lên để... BHXH kiểm tra
Việc kiểm tra này đã khiến các bệnh viện không hài lòng và Sở Y tế TP.HCM đã lên tiếng phản ứng.
Đây là tấm hình xuất hiện trong bài viết đăng trên cổng thông tin điện tử Sở Y tế TP.HCM để phản ứng với BHXH TP.
Tối 25.11, trên Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế TP.HCM xuất hiện thông tin các bệnh viện (BV) và ngành y tế TP.HCM phản ứng với cách làm của Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM về việc kiểm tra đột xuất BV ngoài giờ hành chính, ngày cuối tuần.
Theo đó, trong 2 ngày 23 và 24.11, đoàn kiểm tra của BHXH TP.HCM đã đột xuất kiểm tra người bệnh nội trú vào ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ tại Viện Y học dân tộc, BV Y học cổ truyền, BV Nhi đồng 1, BV Q.4 và BV Q.8.
Theo Sở Y tế TP, đây là lần đầu tiên mà các BV của ngành y tế thành phố phải tiếp đoàn kiểm tra đột xuất của BHXH trong giờ trực như vậy. Mặc dù bệnh nhân rất đông nhưng các y bác sĩ trong tua trực phải đáp ứng các yêu cầu của đoàn kiểm tra. Lãnh đạo các BV cũng rất bất ngờ với hoạt động này của BHXH và bất ngờ với mục đích kiểm tra.
Theo báo cáo nhanh của các BV, đoàn kiểm tra BHXH yêu cầu các bác sĩ trực của các khoa cung cấp số liệu bệnh nhân nằm viện của từng khoa, đi kiểm tra từng giường bệnh xem có bệnh nhân tại giường không, nếu thấy bệnh nhân có tại giường thì hỏi bệnh nhân xem có bị nằm ghép không... Mặc dù phải lo chăm sóc bệnh nhân trong giờ trực nhưng các y, bác sĩ cũng phải đáp ứng các yêu cầu của đoàn kiểm tra.
Cụ thể, tại Viện Y dược học dân tộc, lúc 16 giờ 30 ngày 23.11, đoàn kiểm tra bất ngờ có mặt tại đây, viện trưởng và một số cán bộ viên chức của viện buộc phải ở lại tiếp đoàn, trong khi chuẩn bị đi về vì hết giờ làm việc. Qua kiểm tra trực tiếp một số khoa, đoàn kiểm tra ghi nhận tất cả bệnh nhân đang nằm viện đều có mặt tại giường bệnh và các phòng bệnh đều có máy lạnh
Tại BV Nhi đồng 1, lúc 18 giờ cùng ngày, khi lãnh đạo và cán bộ viên chức của BV đã về thì đoàn kiểm tra BHXH TP đến nên điều dưỡng trưởng Khoa Cấp cứu và bác sĩ của Phòng Kế hoạch tổng hợp phải tiếp đoàn. Đoàn BHXH đến Khoa Nội tổng quát 1 và Khoa Thận nội tiết để kiểm tra.
Biên bản làm việc ghi nhận: tại Khoa Nội tổng quát 1 có 80 bệnh nhân tại 14 phòng; đoàn kiểm tra đi kiểm tra trực tiếp tại 5 phòng có 22 bệnh nhân nội trú, trong đó có 2 bệnh nhi ra khuôn viên BV chơi; tại Khoa Thận nội tiết có 73 bệnh nhân lưu trú tại 11 phòng, đoàn kiểm tra đi kiểm tra trực tiếp tại 5 phòng có 32 bệnh nhân đăng ký lưu trú thì có 3 bệnh nhi ra khuôn viên BV chơi cho khây khỏa. Theo yêu cầu của đoàn kiểm tra, BV phải phát loa phát thanh khắp BV để mời các cháu quay lên khoa để đoàn BHXH kiểm tra có đúng như vậy không.
Ngày 24.11, đoàn kiểm tra BHXH TP đến BV Q.4 và BV Q.8. Tại BV Q4, có 93 bệnh nhân đang nằm viện, qua kiểm tra trực tiếp tại các Khoa Y học cổ truyền, Khoa Nội, Khoa Ngoại, kết quả tất cả bệnh nhân đều có mặt tại phòng. Tại BV Q.8 có 95 bệnh nhân đang nằm viện, qua kiểm tra có 2 bệnh nhân đi ăn cơm và mua đồ dùng cá nhân nhưng có người nhà tại giường bệnh. Tại BV Y học cổ truyền có trên 280 bệnh nhân đang nằm viện, qua kiểm tra có 6 bệnh nhân không có mặt do bệnh nhân có đơn xin về, theo yêu cầu của đoàn kiểm tra BV đã cung cấp cho đoàn 6 đơn xin về của bệnh nhân và người nhà.
Đại diện một số bệnh viện cho rằng việc kiểm tra ngoài giờ hành chính, nhất là buổi tối đã gây hiểu nhầm cho một số bệnh nhân và ảnh hưởng đến công tác chăm sóc người bệnh tại các khoa.
Do nhân viên y tế trực ngoài giờ hành chính có số lượng hạn chế chủ yếu là để phục vụ cho bệnh nhân nên việc tiếp đoàn kiểm tra đã làm mất thời gian của khoa và một số cán bộ viên chức của bệnh viện (do là ngày nghỉ nhưng phải vào bệnh viện để tiếp đoàn kiểm tra của BHXH).
Theo Sở Y tế TP.HCM, số lượt khám chữa bệnh của TP luôn chiếm 1/4 của cả nước, trong đó bệnh nhân các tỉnh chiếm hơn 50%. Các BV tuyến cuối của TP luôn trong tình trạng quá tải, phải nỗ lực hết mình để đáp ứng mong đợi của người bệnh.
Do vậy, các BV đang quá tải muốn giữ lại bệnh nhân khi đã khỏi bệnh là điều khó có thể xảy ra. Sở Y tế TP.HCM mong rằng BHXH xem lại hình thức kiểm tra như vừa qua đã gây bức xúc cho người bệnh và tâm lý bất ổn cho cán bộ viên chức của các bệnh viện.
Theo thanhnien
Đà Nẵng lên kế hoạch giảm tải bệnh viện Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ vừa ký quyết định ban hành Kế hoạch giảm quá tải bệnh viện đến năm 2025. Mục tiêu cụ thể đề ra là giảm công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện, nhất là các bệnh viện hạng 1 (Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ Sản - Nhi, Bệnh viện Ung...