Tại sao khủng bố sẵn sàng tự sát?
Những vụ đánh bom liều chết liên tiếp thời gian qua cướp sinh mạng của hàng trăm người. Tại sao những kẻ cực đoan không sợ chết, sẵn sàng giật bom nổ tung thân thể thành vạn mảnh?
Hiện trường vụ đánh bom tự sát ở Lahore hôm qua Ảnh: Reuters
Hồi tháng 10/2015, hai kẻ đánh bom tự sát giết hơn 100 người bên ngoài một nhà ga tàu hỏa ở Ankara, thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng 11/2015, một nhóm cực đoan đánh bom và xả súng ở Paris, thủ đô Pháp, khiến 130 người thiệt mạng. Ngày 22/3, ba vụ đánh bom liều chết tại Brussels, thủ đô Bỉ, làm 31 người chết và hơn 300 bị thương.
Tất cả đều là “tác phẩm” của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Hôm qua (27/3), có tới 69 người thiệt mạng và hơn 300 bị thương, bao gồm nhiều phụ nữ và trẻ em, trong vụ đánh bom ở Lahore, Pakistan. Lần này, lực lượng Taliban tại Pakistan là thủ phạm cuộc thảm sát kinh hoàng.
Tất nhiên không phải bây giờ khủng bố mới liên tục đánh bom liều chết. Theo các tính toán sơ bộ, từ vụ khủng bố Đại sứ quán Mỹ tại Beirut (Lebanon) tháng 4/1983 đến nay đã có hơn 4.800 vụ tấn công tự sát trên khắp thế giới. Và sau mỗi cuộc tắm máu, người ta lại đặt ra hai câu hỏi lớn.
Đòn phản công
Thứ nhất, vì sao các tổ chức khủng bố lựa chọn phương án đánh bom liều chết? Thứ hai, tại sao những kẻ cực đoan được lựa chọn lại sẵn sàng tự giết mình?
Nhiều người khẳng định những kẻ cực đoan tin rằng sau khi hy sinh vì “thánh chiến” sẽ được lên thiên đường, nơi có 72 cô trinh nữ chờ sẵn, cung phụng chúng tới thiên thu. Nhưng thực tế, đó chỉ là quan niệm sai lầm. Kinh Koran của đạo Hồi không có chỉ dẫn như vậy.
Với câu hỏi đầu tiên, nghiên cứu của trung tâm Cơ sở dữ liệu khủng bố tự sát (CTD) thuộc Đại học Flinders (Australia) khẳng định chủ nghĩa tôn giáo cực đoan, cuồng tín không phải là lý do dẫn tới làn sóng đánh bom tự sát. Quả thật, các tổ chức khủng bố dùng tôn giáo để chiêu mộ và kích động thanh niên cực đoan.
Tuy nhiên làn sóng tấn công tự sát xuất phát từ một loạt nguyên nhân, từ ý đồ chính trị cho đến tâm lý. Đầu tiên, các vụ đánh bom tự sát có giá trị biểu tượng cao, cho thấy những kẻ thực thi quyết tâm và sẵn sàng dâng hiến cả tính mạng vì mục tiêu.
Đánh bom liều chết trở thành biểu tượng của đấu tranh (theo quan niệm của những kẻ cực đoan), giúp các tổ chức khủng bố kích động sự ủng hộ về cả tinh thần và tài chính, trở thành công cụ để chúng chiêu mộ thêm cực đoan. Như vậy, đánh bom tự sát là hiện tượng mang đậm bản chất chính trị.
Chuyên gia Robert Pape thuộc Đại học Chicago (Mỹ), người nghiên cứu các vụ tấn công tự sát từ thập niên 1980, còn nhận định bọn khủng bố tổ chức các vụ tấn công liều chết để phản ứng lại những cuộc can thiệp quân sự. IS là thủ phạm các vụ đánh bom tại Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Bỉ.
Video đang HOT
IS mở chiến dịch tấn công tự sát ở nước ngoài do chiến dịch không kích của liên quân Mỹ, Nga và những đợt phản kích của quân đội Syria đã dồn chúng vào góc tường. Thống kê của hãng phân tích tình báo IHS Jane’scho thấy IS đã đánh mất hơn 22% diện tích lãnh thổ chúng kiểm soát ở Syria và Iraq từ đầu năm 2015 đến nay.
Có nghĩa là các vụ tắm máu như ở Paris và Brussels xảy ra là do IS suy yếu đi. Tương tự, Taliban thỉnh thoảng tổ chức các cuộc đánh bom tự sát đẫm máu tại Paris, mới đây nhất là ở Lahore, cũng xuất phát từ thế yếu. Từ tháng 6/2014, quân đội Pakistan mở chiến dịch tấn công trên bộ và không kích dữ dội các mục tiêu của Taliban tại vùng rừng núi phía tây bắc, gần biên giới Afghanistan.
Các khu vực xảy ra đánh bom tự sát trên thế giới từ năm 1983 đến 2015. Ảnh: Đại học Chicago
Tâm lý báo thù
Về vấn đề tâm lý của những kẻ đánh bom tự sát, sự nhục nhã và khát vọng báo thù là hai yếu tố mấu chốt. CTD cho biết phần lớn những kẻ đánh bom tự sát không phải là người điên rồ, cuồng tín như mọi người nghĩ, mà là những người có tâm lý bình thường, tham gia sâu vào các mạng lưới xã hội và rất gắn kết với cộng đồng địa phương.
Nhiều người cho rằng gốc rễ của chủ nghĩa khủng bố “thánh chiến” không phải là đạo Hồi, mà xuất phát từ “tội ác của phương Tây”, đặc biệt từ “chủ nghĩa đế quốc Mỹ” sau vụ tấn công 11/9, bao gồm vụ xâm lược Iraq năm 2003. Sự kiện đó làm bùng lên tâm lý giận dữ, khát khao báo thù của người Hồi giáo cực đoan.
Và các chuyên gia cũng từng cảnh báo về tình trạng nhiều thanh niên Hồi giáo sống ở các nước phương Tây bị gạt ra bên lề xã hội, không có cơ hội sự nghiệp, bị phân biệt đối xử. Làn sóng bài Hồi giáo, chống nhập cư bùng lên càng khiến tình trạng này trở nên căng thẳng. Đó là lý do nhiều thanh niên Hồi giáo rời bỏ quê nhà, đến Syria và Iraq để gia nhập IS.
Tháng 9/2007, lực lượng Mỹ tấn công một trại huấn luyện của phiến quân nổi dậy Iraq tại thị trấn Singar, gần biên giới Syria. Họ tìm thấy nhật ký của hàng trăm tay súng nước ngoài. Trong số đó có 137 người Libya, bao gồm 52 đến từ thị trấn nhỏ Darnah. Trong nhật ký, các tay súng này thể hiện rõ sự tuyệt vọng, giận dữ, cảm giác bất lực, truyền thống phản kháng cộng với yếu tố tôn giáo.
Những màn tra tấn của lính Mỹ đối với nghi phạm khủng bố tại nhà tù Abu Ghraib tại Iraq không chỉ là sự sỉ nhục đối với cá nhân các tù binh, mà còn bị xem là sự sỉ nhục đối với cả đất nước Iraq. Do đó, sau khi các bức ảnh chụp cảnh lính Mỹ tra tấn tại Abu Ghraib được công bố, các vụ đánh bom tự sát tại Iraq bùng lên dữ dội.
Giáo sư Riaz Hassan của Đại học Flinders là người viết cuốn Life as a weapon: The global rise of suicide bombings (Tính mạng là vũ khí: Sự trỗi dậy toàn cầu của đánh bom tự sát). Ông khẳng định đối với mỗi cá nhân tham gia đánh bom tự sát, mục tiêu không phải là giết chóc. Những kẻ cực đoan này muốn dùng một mũi tên nhắm vào nhiều đích.
Đó là tạo hiệu quả chính trị như mong muốn của tổ chức, “giải phóng” lãnh thổ, lấy lại danh dự, thể hiện sự không khuất phục, thỏa mãn tâm lý báo thù và rửa nhục… Chính vì tất cả nguyên nhân đó, đánh bom liều chết trở thành một chiến thuật, một thứ vũ khí cực kỳ hiệu quả của các tổ chức cực đoan.
Giáo sư Hassan cho rằng chỉ khi hiểu rõ được nguồn gốc của mọi vấn đề, các nước phương Tây mới có thể đưa ra được những chính sách hiệu quả để đối phó với chủ nghĩa khủng bố nói chung và các cuộc đánh bom tự sát nói riêng.
Theo Zing News
Sau Bỉ, Mỹ có an toàn trước khủng bố?
Sau cuộc tắm máu tại Brussels (Bỉ), giới chuyên gia an ninh một lần nữa đặt câu hỏi liệu Mỹ có đối mặt với một vụ tấn công khủng bố quy mô lớn tương tự.
Một cảnh sát Mỹ dẫn chó nghiệp vụ tuần tra ở sân bay O'Hare tại Chicago Ảnh: AP
Sau khi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) lên tiếng nhận trách nhiệm các vụ đánh bom tại thủ đô Bỉ, chính quyền các thành phố Paris (Pháp), London (Anh), Washington (Mỹ).. và nhiều nơi khác lập tức thắt chặt an ninh. Sự lo ngại tại Mỹ càng leo thang bởi tấn công nước Mỹ luôn là mục tiêu tối hậu của Hồi giáo cực đoan.
Mới đây, Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Jeh Johnson tuyên bố Washington chưa nhận được cảnh báo nào về một âm mưu tấn công quy mô lớn tương tự tại Mỹ. Dù vậy, ông Johnson cho biết Tổng cục An ninh vận tải đã triển khai lực lượng bảo vệ các sân bay và nhà ga ở Mỹ do lo ngại nguy cơ khủng bố theo kiểu "sói cô độc".
So với châu Âu, Mỹ có lợi thế lớn là có đại dương ngăn cản các tay súng cực đoan đang hoạt động tại Syria và Iraq. Đồng thời, Mỹ không phải vật lộn với số lượng lớn tay súng cực đoan bị IS chiêu dụ như các nước châu Âu. "Tại Mỹ, chỉ có cá nhân bị cực đoan hóa chứ cộng đồng thì không", báo Washington Post dẫn lời chuyên gia Seamus Hughes thuộc Trung tâm An ninh Mạng và nội địa của Đại học George Washington.
Không miễn nhiễm
Theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu Soufan Group, tính đến tháng 10/2015 đã có 470 công dân Bỉ tới Syria để gia nhập IS. Chuyên gia Matthew Levitt, giám đốc Chương trình Chống khủng bố và tình báo Stein của Viện Washington, nhận định vụ tấn công Brussels cho thấy ở châu Âu có một mang lưới cực đoan lớn.
Trong khi đó, Mỹ chỉ có khoảng 250 cá nhân tìm cách gia nhập IS. Giáo sư Charles Kurzman thuộc Đại học North Carolina xác định chỉ có 42 kẻ đến được Syria, Iraq hoặc Libya để trở thành khủng bố. 6 tên đã bị bắt và 20 thiệt mạng. Hàng chục nghi can bị truy tố ở Mỹ.
Tuy nhiên, Mỹ không miễn nhiễm với khủng bố. Tháng 12/2015, vụ xả súng của kẻ cực đoan ủng hộ IS tại San Bernardino, bang California, khiến 15 người thiệt mạng và 22 người khác bị thương. Các chuyên gia an ninh nhận định hệ thống giao thông Mỹ, đặc biệt các đường tàu điện ngầm rất dễ bị tấn công.
Gần đây, công dân Mỹ Mohamad Khweis, đến từ Alexandria, (bang Virginia), bị lực lượng người Kurd tại Iraq bắt giữ sau khi đào ngũ khỏi IS. Trước đó, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) không biết gì về Khweis. Một quan chức chống khủng bố đã về hưu của FBI nhận định vụ việc đó cho thấy các tay súng "thánh chiến" đang trở nên thông minh hơn.
Giờ những kẻ cực đoan này không đến thẳng Thổ Nhĩ Kỳ để tuồn vào Syria và gia nhập IS nữa. Để tránh bị phát hiện, chúng di chuyển lòng vòng qua nhiều nước khác nhau. Ví dụ Khweis đến Anh, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ trước khi xâm nhập vào Syria.
Cảnh sát Mỹ săn lùng nghi can sau vụ xả súng ở San Bernardino. Ảnh: NYT
Việc những kẻ cực đoan sử dụng thiết bị điện tử mã hóa cũng cản trở các nỗ lực theo dõi của FBI. "Các mục tiêu lẩn khuất trong bóng tối. Đây chính là một điểm mù rất đáng sợ đối với chúng tôi", cựu quan chức FBI trên thú nhận.
Tấn công không cần IS
FBI đang cố gắng giải mã các liên lạc giữa nghi can Elton Simpson ở Arizona và một thành viên cấp cao của IS. Cách đây một năm, cả hai đã gửi nhiều tin nhắn mã hóa cho nhau trước khi Simpson tấn công khủng bố tại cuộc thi biếm họa nhà tiên tri Hồi giáo Muhammad ở Texas hồi năm ngoái.
Simpson và một kẻ khác bị cảnh sát Texas bắn chết. Nghi can thứ 3 Abdul Malik Abdul Kareem vừa bị kết án hỗ trợ IS. "Những kẻ âm mưu tấn công nước Mỹ và người dân Mỹ không còn ở xa nữa", đặc vụ FBI Justin Tolomeo phụ trách thành phố Phoenix, Texas, cảnh báo.
Các cơ quan an ninh Mỹ có một mạng lưới người báo tin đông đảo ở những nơi bọn khủng bố có thể hoạt động. Và khác với châu Âu, đa phần người Hồi giáo Mỹ sống hòa nhập với xã hội và cộng đồng. Họ từng nhiều lần mật báo cho cảnh sát về hành vi khả nghi của những kẻ cực đoan.
Giới chuyên gia an ninh nhận định nguy cơ khủng bố đáng kể nhất tại Mỹ là các "sói cô độc" bị tiêm nhiễm tư tưởng của IS và quyết định tổ chức tấn công mà không cần sự hướng dẫn của IS từ Syria. Trường hợp điển hình là vụ xả súng ở San Bernardino, California, khiến 14 người thiệt mạng và 22 người khác bị thương
Hồi tháng 11/2015, một sinh viên 18 tuổi ở Đại học California đâm trọng thương 4 người trước khi bị bắn chết. Cảnh sát xác định sinh viên này "tự cực đoan hoá" và không có quan hệ với bất kỳ tổ chức khủng bố nào.
Do đó, các vụ tấn công khủng bố hoàn toàn có thể xảy ra một cách đầy bất ngờ tại Mỹ.
Diệp Trà
Theo Zing News
Nổ ở Brussels không phải đánh bom liều chết, 3 nghi phạm đều trốn thoát Những kẻ khủng bố sân bay Zaventem ở Brussels không phải là các phần tử đánh bom liều chết. Một khẩu súng hóc đạn đã giúp Brussels thoát khỏi một cuộc thảm sát kinh hoàng. Hai anh em Khalid và Brahim el-Bakraoui. Giới chức an ninh Bỉ ngày 23/3 cho biết hai anh em Khalid El Bakaraoui và Ibrahim Bakaraoui chính là thủ...