Tại sao Iran đổi giọng?
Thế giới sẽ ở trong tình trạng rất tồi tệ nếu như Iran xây dựng vũ khí hạt nhân. Nhưng nếu như khuyến khích Iran cùng tham gia vào các vấn đề rộng hơn của Trung Đông, Tehran có thể sẽ nghĩ lại.
Tổng thống Iran Ahmadinejad thăm quan cơ sở hạt nhân cùng với các chuyên gia
Các nhà ngoại giao phương Tây đã mô tả các cuộc đối thoại giữa nhóm P5 1 và Iran tại Istanbul là “mang tính xây dựng” và “hữu ích”. Nhưng các tính từ này – dù mang tính tích cực – chắc chắn vẫn là một sự cải thiện về thuật ngữ mà các quan chức thường dùng để mô tả chính sách ngoại giao của Iran trước đó.
Kể từ tháng 5/2010, khi nhóm P5 1 bác bỏ đề xuất trao đổi nhiên liệu mà Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Iran đều đồng tình, hoạt động ngoại giao lập tức khựng lại. Trong suốt thời kỳ cuối năm 2010 và sang cả năm 2011, Iran tiếp tục làm giàu và cất trữ uranium, và các chiều hướng thật sự của việc ngăn chặn hạt nhân có vẻ như lại trở thành cuộc khẩu chiến và cả nguy cơ bạo lực.
Video đang HOT
Các cuộc ám sát các nhà khoa học của Iran (nhiều người cho rằng tình báo Israel là Mossad đứng sau vụ việc này) đều được đáp trả bằng các cuộc tấn công nhằm vào mục tiêu Israel ở Ấn Độ. Trong khi đó, Liên minh châu Âu có động thái trừng phạt nhằm vào xuất khẩu dầu mỏ của Iran sau khi Iran đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz – nơi mà 20% lượng dầu mỏ thế giới được trung chuyển qua đây.
Năm 2012 bắt đầu với việc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có chuyến công du tới Washington. Nói tại cuộc gặp với Ủy ban Công vụ Mỹ – Israel, ông Netanyahu cho rằng chương trình hạt nhân của Iran rõ ràng là vì mục đích quân sự, thậm chí ông còn minh họa: nếu như sinh vật nào đi giống như con vịt và kêu quàng quạc như vịt, thì rõ ràng đó phải là con vịt.
Trong khi đó, các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lại gần kề, ứng cử viên Mitt Romney của phe Cộng hòa đang chỉ trích ông Obama là “vô trách nhiệm”, và so sánh ông Obama với Tổng thống Jimmy Carter trong suốt cuộc khủng hoảng con tin hồi năm 1979-1981.
Ví Obama với Carter, hay với mọi tổng thống Mỹ khác, là một hành động có tính toán nhưng vô trách nhiệm. Hành động này hiếm khi thể hiện mối lo ngại vì lợi ích quốc gia, và rõ ràng chỉ được coi là vì lợi ích của cá nhân người ví von. Tìm mọi cách để lôi kéo các cử tri Mỹ đang lo âu, ông Romney sau đó hứa hẹn rằng dưới bất kỳ chính quyền Washington nào của ông đều sẽ “giải quyết” chương trình hạt nhân (của Iran) một cách triệt để. Điều này sẽ chỉ khiến cho những người ở Tehran thúc giục Lãnh đạo Tối cao của Iran từ bỏ Hiệp ước phổ biến vũ khí hạt nhân và tạo ra hơn một lý do cho Tehran theo đuổi bom hạt nhân.
Tất cả những thực tế trên cho thấy bước lùi trong các cuộc đàm phán hồi tháng Tư còn xa mới được coi là “khả quan”. Chỉ vài ngày trước khi các cuộc đàm phán này bắt đầu, các tờ báo bảo thủ của Iran đưa tin rằng phương Tây đã dọa nạt và rằng Iran nên tiếp tục làm giàu uranium bất kể cộng đồng quốc tế phản đối ra sao. Các nhà ngoại giao nhóm P5 1 không ngạc nhiên khi nghi ngờ rằng các cuộc đàm phán sẽ chẳng có kết quả gì đáng chú ý và sợ Iran sẽ có các chiến thuật trì hoãn. Nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn lại là cảm giác sau đó.
Cho tới giờ vẫn chẳng có gì mấy xảy ra, nhưng có một sự thay đổi có thể thấy trong giọng điệu của Iran và thậm chí có thêm các cuộc đàm phán sẽ tiến hành thêm vào tháng 5 này tại Baghdad. Vậy là lần đầu tiên trong suốt nhiều năm qua, có một số dấu hiệu lóe lên niềm hy vọng. Tại sao vậy?
Sợ hãi. Iran giờ đây đang chịu vô cùng nhiều sức ép. Nền kinh tế Iran đang gặp phải một vấn đề nghiêm trọng; các lệnh trừng phạt đang làm trầm trọng thêm hệ quả từ việc quản lý tài chính yếu kém trong nhiều thập kỷ trong nước. Trừng phạt các ngân hàng của Iran tức là bóp nghẹt các phương tiện của Iran trong hoạt động thương mại quốc tế, và điều then chốt là nó tác động lên lợi nhuận từ việc kinh doanh với bên ngoài. Các lệnh trừng phạt lên dầu lửa của Iran sẽ chỉ khiến cho các vấn đề trên thêm trầm trọng hơn.
Trừng phạt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran – giờ đây đang là một nhân tố kinh tế hàng đầu ở Iran – là một động thái đặc biệt sắc sảo, vì chỉ cần trừng phạt một tổ chức ở Iran có sức tác động về mặt chính trị đủ để gây ảnh hưởng tới Lãnh tụ Tối cao Ali Khamenei.
Thực tế là, những người cứng rắn ở Iran tin rằng, phương Tây đang suy yếu, và Mỹ sau khi sa lầy ở Iraq và Afghanistan sẽ không dại gì mà dây vào một cuộc chiến nữa trong lúc gặp khủng hoảng thế này. Các đe dọa từ phía Israel tuy đáng ngại thật, nhưng Tehran tính toán (có thể chính xác) rằng Israel không có đủ phương tiện để tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran cho “ra trò”. Và trên thực tế, những người “cứng rắn” ở Tehran lại hoan nghênh việc tấn công. Thiệt hại có thể không đáng kể, nhưng họ lại có cớ chính đáng để sở hữu bom hạt nhân.
Nếu muốn ngăn chương trình hạt nhân của Iran, hành động quân sự không phải là giải pháp, kể cả việc chỉ tăng cường các sức ép tài chính lên Cộng hòa Hồi giáo cũng vậy. Iran không giống Triều Tiên. Tehran hiểu rõ lịch sử vĩ đại của dân tộc mình và họ nhận thức rằng mình có vai trò như là một “người chơi” chính trên trường quốc tế. “Chúng tôi là một đất nước vĩ đại, với lịch sử 5000 năm” – Đại sứ của Iran tại cơ quan Năng lượng Nguyên tử IAEA nói. Thông điệp này của ông Ali Asghar Soltanieh nằm trong cốt lõi thúc đẩy Iran và chính sách ngoại giao của họ.
Và điều này mang lại cơ hội, vì cuối cùng, những gì mà Iran muốn đó là một tầm ảnh hưởng lớn hơn. Các lệnh trừng phạt có hiệu quả thật đấy, nhưng đó mới chỉ là một nửa của cuộc chiến và chỉ là biện pháp trước mắt mà thôi. Còn về lâu dài, chỉ có một sự ràng buộc thật sự và bền vững mới phát huy tác dụng, bởi vì chỉ khi để Iran tái hòa nhập với nhóm lợi ích quốc tế mới là giải pháp thật sự.
Nên để Iran tham gia vào các cuộc thảo luận khu vực nhằm giải quyết các vấn đề đang tác động lên cả khu vực Trung Đông, và hỗ trợ họ cùng với việc đảm bảo cho họ tham gia vào các tổ chức quốc tế (như gần đây Mỹ và Israel ủng hộ tư cách thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới của họ).
Một thế giới với sự hiện diện của Iran được trang bị vũ khí hạt nhân sẽ còn tệ hơn nhiều so với hiện nay. Câu hỏi đặt ra là sẽ cần phải làm gì để ngăn điều này thành hiện thực. Cuộc đàm phán tới đây tại Baghdad sẽ mang lại cơ hội để ràng buộc Iran và có thể khiến Tehran sẵn sàng nhượng bộ hơn so với suốt thời gian qua. Gần một thập kỷ qua, Liên minh châu Âu đã có một cơ hội tương tự, và lần này, cơ hội sẽ không được phép lãng phí.
Theo VietNamNet