Tại sao F1, F0 không nên tự sử dụng máy thở oxy tại nhà?
Tôi được biết nhiều F0 sẽ có triệu chứng khó thở, cần thở oxy trong một số tình huống nguy kịch.
Xin hỏi bác sĩ tại sao khuyến cáo không nên sử dụng máy thở oxy tại nhà? (Hùng, TP HCM).
Trả lời:
Các F1 không có tiền sử bệnh lý cần thở oxy hay thở máy tại nhà thì không cần sử dụng máy tạo oxy hay máy thở tại nhà. Các F1 vốn dĩ chưa được xác định mắc bệnh, nên thường không có tổn thương phổi do bệnh Covid-19 và không có tình trạng giảm oxy máu. Nếu các F1 này tự ý sử dụng oxy sẽ có thể gây nguy hiểm vì nồng độ oxy trong máu quá cao có thể gây ra các biến chứng như xẹp phổi, giảm thông khí, ngộ độc oxy, bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non…
Đối với F0, 80% người bệnh chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, không cần thở oxy hay thở máy. Những F0 nếu giảm oxy máu và có chỉ định điều trị oxy liệu pháp, thì cần được đưa đến bệnh viện để theo dõi và điều trị.
Không được tự ý thở oxy hay thở máy tại nhà vì các lý do sau:
F0 khi trở nặng với suy hô hấp và giảm oxy máu, thường diễn tiến rất nhanh, không đáp ứng với thở oxy đơn thuần và cần các biện pháp điều trị tích cực hơn như đặt nội khí quản thở máy, thông khí nằm sấp, trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO)… Nếu người bệnh không được theo dõi sát tại các cơ sở y tế, tình trạng chuyển biến xấu nhanh khiến không kịp đưa đến cơ sở y tế, dẫn đến tử vong tại nhà hoặc trên đường vận chuyển đến cơ sở y tế.
Sử dụng máy tạo oxy, máy thở cần có trình độ chuyên môn nhất định và đúng tình trạng bệnh lý. Chỉ định sử dụng máy tạo oxy hay máy thở tại nhà cho một số trường hợp đặc biệt cần có hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ hoặc nhân viên y tế đủ trình độ chuyên môn. Nếu người đặc biệt này bị Covid-19, cần nhanh chóng cho nhập viện để theo dõi và điều trị, không được tiếp tục thở oxy hay thở máy tại nhà như trước.
Tự ý thở oxy tại nhà có thể dẫn đến nồng độ oxy trong máu quá cao, gây ra các biến chứng như xẹp phổi, giảm thông khí, ngộ độc oxy…, làm nặng thêm tình trạng bệnh lý hô hấp của người bệnh.
Tự mua máy tạo oxy hay máy thở để dành ở nhà là lãng phí vì không thể tự vận hành các máy móc này cách chính xác và phù hợp với người bệnh, đồng thời dẫn đến tình trạng khan hiếm những loại máy này trên thị trường, dẫn đến những người bệnh nặng thật sự cần các loại máy này thì lại không có để sử dụng. Ngoài ra, việc trữ các bình khí oxy tại nhà còn dẫn tới nguy cơ cháy nổ rất lớn.
Theo hướng dẫn ngày 14/7 của Bộ Y tế về vấn đề cách ly F1 tại nhà và quản lý điều trị bệnh nhân Covid-19: Không có khuyến cáo nào về việc F1 khi cách ly tại nhà phải theo dõi nồng độ oxy trong máu. Nếu có triệu chứng nghi ngờ nhiễm Covid-19 như ho, sốt, đau rát họng, khó thở, thì phải báo ngay cho cán bộ y tế.
Video đang HOT
Bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng đang điều trị tại các cơ sở y tế, có thể xuất viện vào ngày thứ 10 khi đảm bảo 2 mẫu bệnh phẩm liên tiếp (cách nhau tối thiểu 24 giờ) có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính với nCoV hoặc tải lượng virus thấp (giá trị CT 30) và tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú trong 14 ngày. Như vậy F0 được tự theo dõi tại nhà là những người bệnh đã ổn định, không bị suy hô hấp nên không cần thở oxy hay thở máy tại nhà.
Đối với người bệnh đã đủ tiêu chuẩn xuất viện theo quy định của Bộ Y tế và trong thời gian tự theo dõi tại nhà, nơi lưu trú 14 ngày, nếu tái dương tính thì không cần cách ly điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và không cần thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý ổ dịch. Các trường hợp này cần tiếp tục được theo dõi y tế, nếu xuất hiện triệu chứng thì liên hệ ngay với cơ sở y tế để được chăm sóc, theo dõi. Họ có thể sử dụng máy đo nồng độ oxy trong máu để tự theo dõi, nhất là khi cảm thấy mệt, khó thở nhiều hơn, nhưng không bắt buộc cũng như không có khuyến cáo phải sử dụng máy này tại nhà.
Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Vũ Anh Minh
Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM
Người nhà bệnh nhân Covid-19 ở Ấn Độ: 'Nhìn đâu cũng thấy tử thi'
Làn sóng Covid-19 thứ 2 gây ra hậu quả nặng nề cho Ấn Độ. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở Uttar Pradesh, khi nhiều người chết vì không được cứu chữa kịp thời.
Ông Niranjan Pal Singh, 58 tuổi, qua đời ngay trên xe cứu thương tại thành phố Kanpur, bang Uttar Pradesh. Trước đó, ông Singh bị 4 cơ sở y tế từ chối tiếp nhận điều trị, vì họ không còn đủ giường bệnh.
"Đó là một ngày đau buồn của tôi. Nếu bố được điều trị sớm thì ông ấy có thể còn sống tiếp. Nhưng không ai giúp chúng tôi cả, từ nhân viên y tế, cảnh sát cho đến chính quyền địa phương", anh Kanwal Jeet Singh, con trai của ông Niranjan Pal Singh, nói với BBC .
Dịch Covid-19 khiến nguồn lực y tế ở Ấn Độ đến gần mức cực hạn. Rải rác trên cả nước, những trang thiết bị y tế thiết yếu như giường bệnh hay máy thở oxy dành cho những bệnh nhân có triệu chứng nặng cũng đang dần cạn kiệt.
Trong bối cảnh đó, Uttar Pradesh trở thành nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong làn sóng thứ 2 của dịch bệnh. Bang này có 240 triệu dân, tức cứ mỗi 6 người Ấn Độ thì một người đang sống tại Uttar Pradesh.
Là bang đông dân nhất của Ấn Độ, Uttar Pradesh trở thành điểm nóng trong làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19. Ảnh : NDTV.
Sự trợ giúp không tới kịp
Những trường hợp đau lòng như ông Niranjan Pal Singh giờ trở nên phổ biến ở khắp Uttar Pradesh.
Tính đến hết 19/4, Uttar Pradesh có tổng cộng 851.620 người mắc Covid-19 và hơn 9.800 trường hợp tử vong, so với dân số hơn 240 triệu người. Tuy nhiên, trong giai đoạn bùng phát mới, bang này đang chữa trị cho hơn 191.000 trường hợp nhiễm Covid-19.
Ngay cả Thống đốc Yogi Adityanath, nhiều quan chức chính quyền, và hàng trăm nhân viên y tế khác cũng không tránh được virus.
Tại thủ phủ Lucknow, tình hình cũng nghiêm trọng không kém phần còn lại trong khu vực.
Cũng giống như ông Niranjan Pal Singh, bệnh nhân Sushil Kumar Srivastava được gia đình giúp cho thở oxy và chở đi khắp các bệnh viện trong bang. Đến khi họ tìm được một bênh viện có thể tiếp nhận điều trị thì mọi việc đã quá muộn.
Nhiều bệnh nhân Covid-19 qua đời trên xe cứu thương tại bang Uttar Pradesh do các bệnh viện không còn đủ giường để tiếp nhận điều trị. Ảnh: Reuters.
Ông Ramesh Chandra, một cựu thẩm phán, phải viết thư khẩn cầu nhà chức trách di dời thi hài của vợ ông, sau khi bà qua đời vì Covid-19.
Trước đó, ông Chandra gọi hơn 50 cuộc điện thoại tới đường dây trợ giúp của chính quyền, sau khi hai vợ chồng ông được xác định dương tính với virus corona, nhưng không nhận được hồi đáp.
"Vì sự chậm trễ này mà vợ tôi phải ra đi vĩnh viễn" ông Chandra viết trong lá thư.
Cảnh tượng chưa từng thấy
Thành phố Varanasi, nơi mà người đại diện ở quốc hội chính là Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, cũng chứng kiến sự lây lan diện rộng của dịch bệnh.
Ông Vimal Kapoor, người vừa mất mẹ do Covid-19, miêu tả tình hình trong thành phố là "hết sức nguy cấp".
Xe cứu thương xếp hàng trước các bệnh viện tại Ấn Độ do tình trạng quá tải. Ảnh: BBC .
"Tôi thấy rất nhiều người chết dần trên xe cứu thương. Các bệnh viện buộc phải quay lưng với bệnh nhân vì không còn giường trống. Nhà thuốc không còn để bán, máy thở oxy thì thiếu hụt", ông Kapoor nói.
Khi ông đưa người mẹ 70 tuổi đến nơi hỏa táng, điều đập vào mắt ông là những thi hài chất đống.
"Tôi chưa bao giờ nhìn thấy điều này. Nhìn tới đâu cũng thấy xe cứu thương và thi hài", ông Kapoor nói trên BBC .
Trong ngày 20/4, bang Uttar Pradesh ghi nhận 30.596 ca nhiễm Covid-19 mới - kỷ lục về số người mắc bệnh trong một ngày tại bang này.
Tuy nhiên, sau khi so sánh dữ liệu chính phủ với số liệu từ các nhà tang lễ trong khu vực, một số nhà hoạt động tin rằng con số trên chưa phản ánh đầy đủ về tình hình dịch bệnh tại Uttar Pradesh.
Theo họ, nhiều trường hợp qua đời vì Covid-19, như ông Niranjan Pal Singh và mẹ của ông Vimal Kapoor, không được báo cáo lên chính quyền bang.
Một số chính trị gia cáo buộc Uttar Pradesh che giấu số liệu về ca lây nhiễm Covid-19, chỉ trích chính quyền bang này không chuẩn bị tốt cho làn sóng thứ 2 bằng cách dự trữ vật tư y tế, thuốc men, hoặc nâng cấp cơ sở hạ tầng khám chữa bệnh.
Việc nhiều nhân viên y tế mắc Covid-19 cũng được cho là một trong những nguyên nhân khiến làn sóng dịch bệnh thứ 2 thêm trầm trọng. Ảnh Getty Image.
Ở một góc nhìn khác, ông Anshuman Rai, người điều hành chuỗi phòng khám Heritage tại Uttar Pradesh, nói lý do khiến cho hệ thống y tế tại bang bị quá tải chính là do nhiều bác sĩ, y tá và các kỹ thuật viên cũng bị lây nhiễm trong làn sóng thứ 2 này.
"Thay vì làm việc gấp đôi công suất, các bệnh viện lúc này còn không thể hoạt động ở mức bình thường do bị thiếu hụt nhân lực trầm trọng", ông Anshuman Rai nói.