Tại sao dầu thô WTI có mức giá -37,63 USD/thùng?
Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/4, giá dầu thô WTI (dầu ngọt nhẹ Tây Texas) sụt giảm tới 301% và rơi xuống mức giá -37,63 USD/thùng.
Một cơ sở khai thác dầu của Nga trên biển Caspi. Ảnh: AFP/TTXVN
Về lý thuyết, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Sàn giao dịch New York xảy ra tình trạng người mua không những không mất tiền, mà còn nhận lại được hơn 37 USD trên mỗi thùng dầu đặt mua.
Quy luật cung cầu chi phối giá và cú lao dốc lịch sử của dầu WTI cũng không là ngoại lệ. Bất chấp OPEC hồi tuần trước đạt thỏa thuận cắt giảm 10% sản lượng, tương đương giảm 9,7 triệu thùng/ngày, khủng hoảng nguồn cung dầu mỏ chưa có dấu hiệu được cải thiện. Kinh tế thế giới gần ở trang thái “đóng băng”, các biện pháp đóng cửa, hạn chế đi lại nhằm đối phó với dịch COVID-19 đã khiến cầu dầu mỏ suy giảm mạnh, dẫn đến dư thừa khoảng 20 triệu thùng dầu/ngày trên thị trường bất chấp cắt giảm của OPEC .
Các kho chứa, tàu chở dầu công suất lớn đều đã ở trạng thái hết công suất. Điều tra của hãng tin Bloomberg ngày 21/4 cho biết nhiều nhà máy lọc dầu, công ty vận hành đường ống dẫn dầu tuyên bố chỉ tiếp nhận dầu nếu được khách hàng trả thêm tiền. Giá dầu nhập hàng ngày mà Enterprise Products Partners LP, một trong những công ty đường ống lớn nhất tại Mỹ, công bố ngày 20/4 đều ở mức giá âm. Tình trạng này cũng xảy ra tại một công ty vận hành đường ống khác là Plains All American Pipeline LP (Mỹ).
Tính trong 3 tuần qua, lượng dầu đổ về kho chứa tại Cushing, bang Oklahoma trung bình đạt 745.000 thùng/ngày, tương đương với lượng tiêu thụ của một quốc gia quy mô dân số trung bình ở châu Âu là Bỉ. Với tốc độ này, kho chứa Cushing – nơi chuyên thực hiện giao hàng vật chất cho các hợp đồng kỳ hạn với dầu WTI, sẽ đầy kín vào cuối tháng 5, điều chưa từng xảy ra.
Tuy nhiên, yếu tố cung-cầu sẽ không cắt nghĩa hết được mức giá âm xảy ra với dầu WTI trong phiên ngày 20/4. Tại thời điểm mức giá rớt xuống ngưỡng -37,63 USD/thùng, trong khi dầu WTI kỳ hạn tháng 6 vẫn được giao dịch trên mức 20 USD/thùng, còn dầu Brent biển Bắc kỳ hạn tháng 6 ở mức 27 USD/thùng, trước khi sút giảm xuống còn 25 USD/thùng thời điểm chốt phiên. Những quy định kỹ thuật của giao nhận hàng hóa phái sinh đã có tác động rất lớn trong trường hợp này, giải thích rõ hơn về mức chênh lệch giá giữa các kỳ giao hàng.
Về mặt thời điểm, hợp đồng dầu thô kỳ hạn tháng 5 sẽ đáo hạn trong ngày 21/4. Sau thời điểm này, những người nắm giữ vị thế mua (đã đặt mua) sẽ bắt buộc phải nhận dầu WTI vật chất. Tức là họ sẽ phải làm thủ tục để trước cuối tháng 5 đến kho chứa Cushing nhận dầu về, với mức tối thiểu là 1.000 thùng/1 lệnh mua.
Video đang HOT
Quy định này đã loại bỏ gần như tất cả những nhà đầu cơ cá nhân và tổ chức, kể cả các quỹ đầu tư chuyên nghiệp nhưng không có nhu cầu và năng lực nhận, chứa dầu vật chất. Không ai đặt mua và mang về thứ mà mình biết chắc chắn rằng không có nhu cầu sử dụng trên thực tế. Lệnh mua trong phiên giao dịch sát kỳ hạn chót kiểu này thường chỉ xuất hiện từ những người mua thực, đó là các hãng, cơ sở lọc dầu, vận tải hàng không. Nhưng cả những thực thể đó giờ cũng đang “bội thực” dầu và không có khả năng giải cứu thị trường. Tình trạng bán tháo xảy ra trong ngày 20/4 và thậm chí lan sang cả ngày 21/4, nên giá dầu xuống mức âm là điều có thể hiểu được.
Giá xăng dầu được niêm yết tại trạm xăng ở Plano, Texas, Mỹ ngày 20/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Thủ phạm “đạp” giá dầu xuống mức -37,63 USD/thùng cũng đã bắt đầu được nhận diện. Đó là các Quỹ hoán đổi danh mục (ETF) lớn chuyên về giao dịch dầu thô và hàng hóa phái sinh. Trong đó, Quỹ Dầu Hoa Kỳ (United Oil Fund LP, mã chứng khoán USO) được xem là tác nhân chính gây ra cú lao dốc lịch sử của giá dầu.
Điều tra của Bloomberg cho thấy USO huy động được dòng tiền đầu tư lên đến hàng tỉ USD trong vài tuần gần đây. Chính USO nắm giữ khoảng 25% tổng hợp đồng giao nhận dầu WTI kỳ hạn tháng 5 và khi không có nhu cầu thực, USO không còn cách nào khác là bán tháo.
Như vậy, giá dầu xuống mức -37,63 USD/thùng là tổng hợp của nhiều nguyên nhân: Chênh lệch cung-cầu, cơ chế vận hành của hợp đồng kỳ hạn và cả yếu tố kỹ thuật khi CME Group – đơn vị vận hàng Sàn Giao dịch Hàng hóa New York, công bố quyết định chưa có tiền lệ về cho phép giao dịch hàng hóa ở mức giá âm. Nó cho thấy một thực tế thị trường dầu mỏ đang ở vào giai đoạn bất ổn và còn lâu mới có thể hồi phục.
Sự cố này cũng phản ánh độ chân thực của thị trường dầu mỏ thời COVID-19. Đó là, một trong những hàng hóa quan trọng bậc nhất của thế giới đang dần mất đi ảnh hưởng, vị thế, khi tình trạng dư cung kéo dài đang nhấn chìm các kho chứa dầu, tàu chở dầu và đường ống dẫn dầu. Nhà phân tích kỳ cựu Ed Morse tại CitiGroup cho rằng cần coi biến cố ngày 20/4 là một lời cảnh báo cho thị trường tới đây nếu năng lực dự trữ dầu của thế giới tệ đi nhanh chóng. Không loại trừ dầu Brent biển Bắc kỳ hạn tháng 6 cũng sẽ lại có mức giá âm trong phiên giao dịch “áp chót” ngày 30/4.
Cú đổ vỡ này cũng khiến mọi quyết định của OPEC về cắt giảm sản lượng hay áp thuế nhập khẩu đối với dầu mỏ đều ít có giá trị. Theo Bob McNally, một nhà tư vấn và nghiên cứu về dầu mỏ, thực tế này có thể vẽ lại bản đồ quyền lực dầu mỏ và cơ chế vận hành ngành công nghiệp dầu mỏ toàn cầu. Các nước phụ thuộc nhiều vào dầu, từng được hưởng lợi lớn từ dầu mỏ trong 20 năm qua như Nga và Saudi Arabia sẽ phải chấp nhận ảnh hưởng suy giảm.
Việc sử dụng nguồn cung làm vũ khí để thao túng, khống chế giá dầu như trước đây sẽ không còn hiệu quả. Các tập đoàn dầu khí lớn của thế giới Exxon Mobil Corp., Royal Dutch Shell Plc sẽ phải thu hẹp kế hoạch kinh doanh, duy trì tiền mặt bằng mọi giá.
Còn ở tầm vĩ mô, giá dầu lao dốc sẽ phát đi làn sóng giảm phát cho nền kinh tế toàn cầu, gây thêm khó khăn cho các ngân hàng trung ương vốn đang nỗ lực giữ nhịp thở cho nền kinh tế bị dịch COVID-19 tàn phá nghiêm trọng.
Hoài Thanh
Lực bán tăng mạnh trên sàn Phố Wall, Dow Jones lao dốc hơn 400 điểm
Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 15/4, khi dữ liệu kinh tế ảm đạm làm tăng lo ngại về tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các chỉ số chính của sàn Phố Wall đều giảm mạnh khi các ngân hàng báo cáo lợi nhuận yếu kém, dấy lên nỗi lo về tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với nền kinh tế Mỹ.
Chốt phiên giao dịch ngày 15/4, chỉ số Dow Jones rớt 445.41 điểm (tương đương 1,9%) xuống 23.504,35 điểm. Chỉ số S&P 500 sụt 2,2% còn 2.783,36 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite giảm 1,4% xuống 8.393,18 điểm. Cả Dow Jones và S&P 500 đều ghi nhận phiên tồi tệ nhất kể từ ngày 1/4/2020.
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên 15/4.
Dẫn đầu đà lao dốc trong phiên là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Cổ phiếu của Bank of America giảm hơn 6% sau công bố báo cáo lợi nhuận kém tích cực. Cổ phiếu Citigroup cũng mất hơn 5%. Năng lượng, vật liệu và tài chính là những lĩnh vực giảm mạnh nhất trong S&P 500, khi đều mất hơn 4%.
Doanh số bán lẻ tháng 3 của Mỹ có mức giảm kỷ lục 8,7%, ghi nhận tháng giảm mạnh nhất kể từ khi Bộ Thương mại Mỹ bắt đầu theo dõi dữ liệu này năm 1992. "Những điều chúng ta dự đoán có thể đã bắt đầu xảy ra. Các con số này phản ánh tác động từ việc đóng cửa nền kinh tế. Câu hỏi hiện nay là liệu sẽ mất bao lâu để nền kinh tế trở lại như cũ" - Quincy Krosby, chiến lược gia trưởng tại Prudential Financial nhận định.
Chính phủ Mỹ cho biết nhu cầu với các cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc và các nhà bán lẻ hàng hóa thiết yếu đã tăng vọt trong tháng trước trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng. Tuy nhiên, doanh số bán hàng tại nhiều ngành kinh doanh khác, như trạm xăng, đại lý ô tô và nhà hàng, đã lao dốc khi chính sách cách ly xã hội được áp dụng.
Bên cạnh đó, các chỉ số đánh giá sản xuất tại New York cũng sụt giảm với biên độ lớn nhất từ trước đến nay, thấp hơn cả thời kỳ Đại Suy Thoái. Chỉ số sản xuất Empire State Manufacturing Index ở mức -78,2, thấp hơn mức -34,3 trong khủng hoảng tài chính 2009.
Với các thông tin tiêu cực liên tiếp được đưa ra, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán đã đẩy mạnh bán ra, đẩy phố Wall giảm trở lại trong phiên thứ Tư, trả hơn nửa những gì đã có trong phiên thứ Ba.
"Điều này là dấu hiệu sắp dẫn tới một cuộc suy giảm rất nghiêm trọng bởi đây chỉ là sự khởi đầu. Vấn đề là người tiêu dùng không chi tiêu", chuyên gia trưởng về thị trường Peter Cardillo tại Spartan Capital Securities nhận xét, "Điều này có ý nghĩa gì? Theo tôi, chúng ta có thể sẽ chứng kiếnmột đỉnh ngắn hạn của thị trường tại đây".
Ngân hàng, một trong lĩnh vực đầu tiên công bố kết quả kinh doanh quý I/2020, đã đưa ra một đánh giá đầu tiên về thiệt hại mà đại dịch Covid-19 gây ra đối vớ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các ngân hàng lớn tại Mỹ đều báo cáo lợi nhuận giảm hơn 40% khi họ phải dành dự phòng hàng tỷ USD để xử lý rủi ro đối với các khoản vay, thẻ tín dụng và thế chấp.
Ngân hàng Bank of America cho biết lợi nhuận trong quý I giảm 45% khi dự phòng rủi ro cho vay tăng 3,6 tỷ USD do sự bùng phát của dịch Covid-19. Cổ phiếu của Goldman Sachs cũng giảm hơn 3% sau khi ngân hàng này báo cáo lợi nhuận giảm 46% lợi nhuận trong quý đầu tiên. Theo báo cáo mới nhất, lợi nhuận của Citigroup trong quý I cũng sụt 46% khi phải dự phòng rủi ro nhiều hơn với các khoản vay./.
Nguyễn Thu
Giá vàng sẽ diễn biến ra sao sau khi đạt đỉnh gần 8 năm? Giá vàng thế giới chốt tuần này ở mức cao nhất gần 8 năm và giá vàng trong nước cũng tái lập mốc gần cao nhất trong lịch sử. Giới chuyên gia dự báo giá kim loại quý này hoàn toàn có khả năng đạt mốc 2.000 USD/oz trong năm 2020. Tính đến thời điểm này, giá vàng miếng SJC tại thị trường...