Tại sao ca sĩ Đại Nhân 32 tuổi đã bị tai biến?
Nam ca sĩ Đại Nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng gần như liệt nửa người và bị méo miệng vì tai biến. Nhiều người bất ngờ khi anh mắc bệnh thường chỉ gặp ở người lớn tuổi.
Trưa 24/2, trên Facebook, ca sĩ Đại Nhân cho biết anh đã nhập viện cấp cứu vì tai biến tắc mạch máu não. Nam ca sĩ 32 tuổi bày tỏ rất bất ngờ vì còn trẻ vẫn có thể mắc tai biến.
Đại Nhân phải cấp cứu trong viện sau khi phát hiện bị tai biến. Ảnh: FBNV
Đột quỵ không miễn nhiễm với người trẻ
PGS.TS Nguyễn Văn Thông, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết đột quỵ hay còn được gọi là tai biến mạch máu não như trường hợp của ca sĩ Đại Nhân là điều có thể xảy ra với bất kỳ ai. Đột quỵ là kết quả của các yếu tố diễn tiến âm thầm, kéo dài trước đó mà bệnh nhân, đặc biệt là người trẻ thường chủ quan, không ngờ tới.
Theo bác sĩ này, người dân thường có quan niệm chỉ người lớn tuổi mới có nguy cơ xảy ra đột quỵ. Tuy nhiên, ngày nay đột quỵ có xu hướng xảy ra cả ở những người trẻ tuổi.
Căn nguyên cơ bản khiến người trẻ có thể dẫn đến đột quỵ như mất ngủ, căng thẳng, stress thường xuyên, lối sống ít vận động, lạm dụng đồ có cồn, thuốc lá, chất kích thích, hội chứng chuyển hóa, bệnh mạn tính và tâm lý chủ quan, không dự phòng, có thể bỏ qua các triệu chứng để cấp cứu kịp thời.
Trong khi đó, người trẻ dù ở độ tuổi 20, 30 không miễn nhiễm với đột quỵ bởi bởi căn bệnh này không chừa một ai. Theo thống kê tại các bệnh viện, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên, trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó số lượng nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.
Video đang HOT
Ngoài ra, một số bệnh và thói quen làm tăng nguy cơ đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, tăng mỡ (cholesterol). Hơn thế, người ít vận động hoặc béo phì, nguy cơ đột quỵ xảy ra thường rất cao.
Cách xử lý khi bị tai biến mạch máu não?
“Tai biến mạch máu não là một cấp cứu y tế khẩn cấp để ngăn chặn hoặc phục hồi các mô não bị tổn thương cấp và ngăn chặn các tổn thương thần kinh sau đột quỵ, tức tránh tàn phế mà không tăng tỷ lệ tử vong. Gia đình cần nhanh chóng đưa bệnh nhân tới bệnh viện để xử lý kịp thời, giảm tới mức tối thiểu khối lượng mô não bị tổn thương. Lưu ý, thời gian mất là não mất”, PGS Nguyễn Văn Thông khuyến cáo.
Theo thống kê tại các bệnh viện, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên. Ảnh: Picurams
Người dân cần lưu ý dấu hiệu nhận biết tai biến mạch máu não, bởi điều đó có ý nghĩa sống còn đối với bệnh nhân:
- Đột ngột tê dại, yếu hoặc liệt ở mặt, tay hoặc chân, một bên cơ thể.
- Nói hoặc lĩnh hội khó khăn.
- Đột nhiên mờ, giảm hoặc mất thị lực một mắt hoặc cả hai.
- Chóng mặt, mất thăng bằng hoặc mất phối hợp động tác.
- Đột nhiên đau đầu nặng nề không giải thích được nguyên nhân.
PGS Thông tư vấn trong trường hợp người bệnh có các dấu hiệu như trên nhưng vẫn tỉnh, người nhà phải đặt họ trong tư thế nằm nghiêng, đầu hơi nâng nhẹ, không cho ăn uống, lấy bỏ đờm dãi trong miệng để tránh gây khó thở. Trường hợp bệnh nhân bị liệt, khi vận chuyển cần trợ giúp và đặt nghiêng người về bên lành.
Nếu người bệnh lơ mơ, cần kiểm tra mạch, nhịp thở, đặt bệnh nhân tư thế nằm nghiêng về bên không liệt, đầu nâng nhẹ. Nếu người bệnh hôn mê, người nhà cũng cần tiến hành các bước trên.
Nhiều người thường hay nhầm lẫn đột quỵ với trúng gió vì có triệu chứng khá giống nhau như nhức đầu, xây xẩm. Trúng gió là hiện tượng người bất ngờ cảm lạnh, mệt mỏi, chóng mặt khi thay đổi thời tiết. Còn quá trình đột quỵ diễn ra rất nhanh, nếu bệnh nhân không được kịp thời phát hiện, cấp cứu và điều trị đúng cách sẽ dẫn đến tử vong, hoặc may mắn qua khỏi nhưng phải chịu di chứng tàn tật suốt đời.
Theo Zing
Người đàn ông Hàn Quốc bị đột quỵ trong xưởng sản xuất
Đang điều hành sản xuất, ông Kim bất ngờ đau đầu dữ dội rồi ngã quỵ ra sàn, khi vào viện đã liệt nửa người.
Ông Kim Jung Soo 40 tuổi làm việc tại Hải Phòng từ năm 2017 đến nay. Ngày giáp Tết, ông bị đột quỵ tại công ty, được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Việt Tiệp.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ não, xuất huyết dưới nhện do vỡ phình động mạch cảnh. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ở Hà Nội điều trị khi đã hôn mê sâu, phải thở máy qua nội khí quản, liệt nửa người phải, huyết áp cao.
Bệnh nhân được các bác sĩ chuyên khoa đột quỵ não, can thiệp mạch, ngoại thần kinh phối hợp cấp cứu, can thiệp đặt nút coil phình mạch. Các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh cũng lên phương án sẵn sàng phẫu thuật nếu có hiện tượng phù não tiến triển. Bệnh nhân bị xuất huyết dưới nhện cấp tính, ổ máu tụ lớn nhu mô, phình động mạch cảnh 2 bên phức tạp, tiên lượng nguy cơ tử vong lên tới 70%.
Nhờ được can thiệp mạch kịp thời, nút kín hoàn toàn 2 túi phình lớn, loại trừ triệt để nguy cơ vỡ tái phát, kết hợp chăm sóc hô hấp tích cực, bệnh nhân đã tự thở sau 10 ngày hôn mê.
Hiện ông được ra viện và có thể tiếp tục làm việc bình thường.
Ông Kim hồi phục sau 10 ngày hôn mê do đột quỵ não. Ảnh: Thúy Ngọc.
Mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 người bị đột quỵ, 50% trong số đó tử vong, 90% để lại di chứng. Tỷ lệ tử vong do đột quỵ chỉ sau ung thư. Nếu được cứu sống, nhiều bệnh nhân đối diện nguy cơ tàn phế do các biến chứng như rối loạn nhận thức, mất khả năng vận động, nhiễm trùng đường tiết niệu, khó khăn khi nói hoặc nuốt, rối loạn tâm lý...
Đột quỵ gồm 2 thể diễn biến là nhồi máu não và xuất huyết não. Khung giờ vàng cấp cứu cho bệnh nhân đột quỵ là trước 4,5 giờ, khi đó bác sĩ có thể dùng thuốc tiêu huyết khối. Sáu giờ kể từ khi đột quỵ, bác sĩ vẫn có thể can thiệp cơ học lấy huyết khối cho bệnh nhân. Tuy nhiên hiện nay chỉ 3,5% bệnh nhân đột quỵ kịp đến viện trong khung giờ vàng.
Dấu hiệu nhận biết đột quỵ là người bệnh đột ngột yếu, tê hay liệt mặt tay chân, đặc biệt là ở một bên của cơ thể. Nói bị líu lưỡi, không rõ chữ, khó diễn đạt. Đột ngột mất thị lực, đặc biệt chỉ ở một mắt.
Khi có người đột quỵ, tuyệt đối không cạo gió, giật tóc, nặn chanh vào miệng... Cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng điều trị càng sớm càng tốt.
Lê Nga
Theo VNE
Nên ăn uống như thế nào khi bị đột quỵ não? Đột quỵ não gây tổn thương chức năng thần kinh với các biểu hiện đột ngột như hôn mê, liệt nửa người, nói ngọng, nuốt bị sặc... Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp người bệnh tránh tai biến, nhanh phục hồi. Theo PGS.TS Trần Đình Toán, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng lâm sàng, đột quỵ não (tai biến mạch máu não,...