Tại sao bệnh tay chân miệng năm nay nguy hiểm
Khoảng 21% trẻ mắc bệnh tay chân miệng năm nay do EV71, là chủng virus dễ biến chứng nặng và gây tử vong.
Phó giáo sư Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết 9 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận gần 62.000 trường hợp mắc tay chân miệng rải rác tại 63 tỉnh, thành phố. Trong đó có hơn 29.000 ca nhập viện và 6 người tử vong tại 5 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam.
Phó giáo sư Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TP HCM cho biết năm 2017 chỉ có một trường hợp tử vong do tay chân miệng và năm 2016 không có ca nào. So với cùng kỳ năm 2017, số mắc cả nước giảm 19%, số trường hợp nhập viện giảm 15%. Tuy vậy một số tỉnh thành ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây. Số mắc chủ yếu ghi nhận ở khu vực miền Nam.
Trẻ mắc bệnh gặp nhiều ở nhóm từ 1-5 tuổi, đặc biệt ở nhóm trẻ đi nhà trẻ và mẫu giáo. Các type virus chủ yếu là EV71 chiếm 21%, các EV khác 20%, Coxsackie A10 là 6%, Coxsackie A6 là 3%, virus đường ruột khác là 4%…
“EV71 là chủng dễ gây biến chứng nặng và gây tử vong, đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi”, phó giáo sư Phu phân tích.
Bác sĩ khám bệnh tay chân miệng cho trẻ tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Thành Nguyễn.
Phó giáo sư Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TP HCM cho biết 9 tháng đầu năm khu vực phía Nam ghi nhận 6 trường hợp tử vong vì tay chân miệng, trong khi năm 2017 chỉ có một trường hợp và năm 2016 không có ca nào. Bệnh tay chân miệng hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắcxin dự phòng.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 phân tích, những năm trước số trẻ mắc tay chân miệng do EV71 rất thấp. Loại virus này lây lan rất nhanh và diễn tiến nặng, sốt cao, dễ bị các biến chứng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh.
Các dấu hiệu đặc trưng của bệnh tay chân miệng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng bóng nước, thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Một số trường hợp bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não, màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Video đang HOT
Theo Tổ chức Y tế thế giới, năm 2018 dịch bệnh tay chân miệng ghi nhận tại các quốc gia khu vực Tây Thái Bình Dương như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore và phổ biến tại nhiều nước châu Á. Đặc biệt dịch tay chân miệng tại Malaysia với hơn 51.000 ca, trong đó có 2 trường hợp tử vong. 701 cơ sở bao gồm trường học, trung tâm chăm sóc trẻ và trường mầm non đóng cửa.
Từ tháng 9/2018, nhiều trẻ mắc tay chân miệng nặng vào điều trị tại các bệnh viện nhi ở TP HCM. Ảnh: Thành Nguyễn.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày ở cả người lớn và trẻ em, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống như ăn chín, uống chín. Vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng, tốt nhất là ngâm tráng nước sôi, đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày.
- Không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi, không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
- Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Lê Phương
Theo Vnexpress
Mình ngành y tế không thể chống nổi dịch
Ngành y tế đang "khá" đơn độc trong cuộc chiến với cùng lúc 3 loại dịch bệnh tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết. Nếu không có sự vào cuộc của hệ thông chính trị các cấp chính quyền và người dân mình ngành y tế không thể chống nổi dịch.
Đó là thông điệp được PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng nêu lên trong hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh diễn ra tại Viện pasteur, TPHCM ngày 10/10.
Dịch bệnh đang tấn công nhóm trẻ nhỏ lứa tuổi mầm non, mẫu giáo
Tính đến tuần đầu của tháng 10/2018, bệnh sốt xuất huyết tại nhiều tỉnh thành thuộc khu vực phía Nam còn ở mức cao. Nguy hiểm hơn, dịch tay chân miệng và dịch sởi đang hoành hành dữ dội ở nhóm trẻ nhỏ khiến bệnh nhi nhập viện tăng vọt, nguy cơ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Khu vực Đông Nam Bộ đang là điểm nóng của dịch bệnh. Báo cáo từ BS Trần Minh Hòa, phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Đồng Nai chỉ ra: "Tính đến ngày 8/10, Đồng Nai ghi nhận 2.880 ca tay chân miệng nhập viện và 5.480 ca điều trị ngoại trú. Nửa cuối của tháng 9 đến nay số ca bệnh tay chân miệng liên tục tăng cao, lên đến 200 ca nội trú, 500 ca ngoại trú mỗi tuần. Bên cạnh đó, từ tháng 8 đến nay bệnh sởi cũng liên tục tăng cao, hiện toàn tỉnh đã ghi nhận 190 ca mắc sởi, nhiều chùm ca bệnh đã xuất hiện trong cộng đồng.
Tương tự, tại Bình Dương từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh phát hiện 112 ca mắc sởi và hơn 3.000 ca bệnh tay chân miệng. Báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho thấy, dịch bệnh đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, nhóm trẻ hộ gia đình nhưng chưa có giải pháp hiệu quả trong xử lý dịch.
Khụ vực Đông Nam Bộ đang là điểm nóng của dịch bệnh, số ca nhập viện tăng cao
Điểm nóng nhất của dịch bệnh đang xảy ra tại TPHCM. Báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2018 ghi nhận 4.066 ca bệnh tay chân miệng nội trú và 21.322 ca điều trị ngoại trú. Bên cạnh đó Thành phố cũng ghi nhận 132 ca mắc bệnh sởi.
Theo phân tích của PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur, TPHCM khu vực Đông Nam Bộ nơi có dịch sởi, tay chân miệng đang ở mức cao đều có đặc điểm chung là khu vực có nhiều di biến động dân cư. Nhóm trẻ mắc bệnh tập trung ở các lứa tuổi mầm non, nhà trẻ.
Qua điều tra dịch tễ của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, dịch bệnh năm nay có chiều hướng phát sinh ở các khu chế xuất, khu công nghiệp. Đây là những nơi tập trung công nhân lao động, người nhập cư, đối tượng vãng lai di biến động liên tục. Thực tế khảo sát ghi nhận, khoảng 90% đối tượng là người nhập cư, công nhân chưa được tiêm chủng đầy đủ hoặc không rõ lịch sử tiêm chủng. Bên cạnh đó, điều kiện nhà ở, vệ sinh môi trường, nước thải, nước sạch vô cùng kém là điều kiện lý tưởng phát sinh dịch bệnh.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị các bệnh viện tăng cương phân luồng, cách li, điều trị sớm
PGS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, các địa phương có sự giao lưu đi lại thương xuyên, dân cư tập trung đông, điều kiện nhà ở chật chội, vệ sinh môi trường kém... là thực tế đang gây rất nhiều khó khăn cho việc kiểm soát dịch bệnh.
Đây không còn đơn thuần là vấn đề riêng của y tế mà là các vấn đề xã hội cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền và người dân, mình ngành y tế không thể chống nổi dịch. Ngành y tế mong sẽ có sự chung tay phối hợp của hệ thống chính quyền các địa phương, ban ngành đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng tham gia vào việc phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Để giảm tỷ lệ tử vong, điều trị hiệu quả cho bệnh nhân PGS.TS.BS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu các bệnh viện cần thực hiện triệt để các giải pháp phân luồng trong tiếp nhận bệnh nhân, phát hiện sớm, cách ly, điều trị kịp thời, không để quá tải, lây nhiễm chéo xảy ra.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Bộ Y tế họp khẩn cảnh báo 3 bệnh gặp nhiều nhất trong mùa đông xuân Tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết đều đang tiếp tục gia tăng và sẽ tiếp tục kéo dài đến hết tháng 11. Bộ Y tế nhận định định mùa đông xuân năm nay đây vẫn là 3 bệnh chủ đạo, trong đó đặc biệt chú ý bệnh tay chân miệng với số ca nhiễm vi rút EV71 gia tăng, biểu hiện nặng...