Tài sản nợ xấu Sacombank đấu giá là khoản nhận nợ của Trầm Bê?
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank từng nói trong số tài sản bất động sản mà ông Trầm Bê nhận trách nhiệm nợ có Khu Công nghiệp Đức Hòa Long An. Lần này Sacombank bán đấu giá hàng loạt quyền sử dụng đất tại khu công nghiệp Đức Hòa III – Long An. Có hay không sự liên quan đến khoản nhận nợ của Trầm Bê?
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) vừa thông báo về việc tổ chức bán đấu giá tài sản hàng loạt tài sản tại xã Mỹ Hạnh Bắc và xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Đây đều là quyền sử dụng đất tại khu công nghiệp Đức Hòa III – Long An với tổng diện tích đấu giá lên đến gần 923 ha, tổng giá khởi điểm gần 10.000 tỷ đồng. Phiên đấu giá sẽ được tổ chức vào ngày 18.12 tại Hội sở của Sacombank.
Loạt nợ xấu của nhiều doanh nghiệp có chung một ông chủ
Cụ thể gồm tài sản thứ nhất là Quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Đức Hòa III – Long An với tổng diện tích 3.722.303 m2. Chủ đầu tư là CTCP Đầu tư Xây dựng Kinh doanh Hạ Tầng Khu công nghiệp Sài Gòn Long An và một phần của CTCP Đầu tư AMIC. Giá khởi điểm là hơn 4.000 tỷ đồng.
Tài sản đấu giá thứ hai là Quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Đức Hòa III – Long An với tổng diện tích 2.749.134 m2. Chủ đầu tư là CTCP Đầu tư Xây dựng Liên Thành Long An, CTCP Long “V”, CTCP Phát triển Long Đức – ILD và CTCP Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Mười Đây. Giá khởi điểm là gần 3.132 tỷ đồng.
Tài sản thứ ba là Quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Đức Hòa III – Long An với tổng diện tích hơn 2.753.730 m2. Chủ đầu tư là CTCP Đầu tư Đức Hòa III – Resco và một phần của CTCP Đầu tư AMIC. Giá khởi điểm gần 2.855 tỷ đồng.
Khu công nghiệp Đức Hoà III – Long An (Ảnh: IT)
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, CTCP Đầu tư Xây dựng Kinh doanh Hạ Tầng Khu công nghiệp Sài Gòn Long An (SLICO) thành lập vào tháng 4.2003, có mã số thuế là 1100640894. Công ty do ông Ngô Trí Dũng làm đại diện luật. Công ty vẫn đang hoạt động; có ngành nghề kinh doanh địa ốc, kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; cho thuê: nhà kho bãi, văn phòng, nhà xưởng.
CTCP Đầu tư AMIC được thành lập tháng 3.2005, cũng do ông Ngô Trí Dũng làm chủ và đại diện pháp luật. Ngành nghề kinh doanh cũng giống với SLICO. Doanh nghiệp này là chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Song Tân – Đức Hòa III với diện tích 316 ha.
Video đang HOT
Tương tự, CTCP Đầu tư Xây dựng Liên Thành Long An thành lập tháng 12.2009, CTCP Long “V” thành lập vào 7/2004 và đều do ông Ngô Trí Dũng làm chủ và đại diện theo pháp luật, với ngành nghề kinh doanh là Xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác. Tại KCN Đức Hòa III, mỗi doanh nghiệp này được cấp phép đầu tư diện tích đất 100 ha.
CTCP Đầu tư Phát triển Long Đức – ILD thành lập vào tháng 5.2005 do ông Phạm Tiến Trân làm chủ sở hữu và giám đốc, ngành nghề chính là Xây dựng dân dụng và công nghiệp. Vào tháng 4.2011, UBND tỉnh Long An ban hành quyết định thành lập KCN Đức Hòa III-Long Đức tại xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Diện tích khu công nghiệp là 175,27 ha, do Long Đức-ILD làm chủ đầu tư.
CTCP Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Mười Đây thành lập vào tháng 11.2007 do ông Trần Trọng Hòa làm chủ với ngành nghề kinh doanh chính là Kinh doanh kho bãi; Kinh doanh bất động sản. Được biết, KCN Đức Hòa 3 – Mười Đây có tổng diện tích 137 ha, nằm tại ấp Tràm Lạc, xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa. Năm 2010, UBND tỉnh Long An giao đất cho CTCP Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Mười Đây đợt 2 để đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Đức Hòa 3 – Mười Đây. Diện tích đất được giao là hơn 20.700 m2
CTCP Đầu tư Đức Hòa III – Resco thành lập tháng 8.2014, thuộc sở hữu của Giám đốc Ngô Thanh Quốc. Trụ sở tại xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An với ngành nghề kinh doanh cho thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê kho tàng, bến bãi.
Sacombank rốt ráo xử lý nợ liên quan đến Trầm Bê?
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank từng nói mục tiêu trong năm 2017 của Sacombank là xử lý 15.000 – 20.000 tỷ đồng nợ xấu. Tính đến tháng 8, Sacombank đã thu hồi được 6.000 tỷ đồng nợ xấu. Nếu lượng nợ xấu đấu giá lần này thành công thì rất có thể Sacombank sẽ hoàn thành chỉ tiêu xử lý nợ xấu năm nay.
Trước đó, ông Minh từng công bố khoản nợ của ông Trầm Bê, cựu Phó chủ tịch HĐQT Sacombank và vừa bị bắt vì liên quan đến đại án thất thoát 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng.
Cụ thể, ông Trầm Bê có nhận trách nhiệm xử lý các khoản vay với số nợ gốc là 35.400 tỷ đồng và giá trị tài sản bảo đảm là 43.000 tỷ đồng; trong đó 33.000 tỷ đồng là bất động sản và 10.000 tỷ đồng là cổ phiếu. Tài sản bất động sản này gồm nhiều dự án lớn ở khu vực trung tâm như quận 1, 3, 5, 9, Thủ Đức, các tỉnh như Long An, Cần Thơ có khả năng thu hồi cao. Cụ thể như các Khu Đô thị và Công Nghiệp Bình Chánh TP.HCM; Khu Công nghiệp Đức Hòa Long An; Khu Đô thị Bình Trưng, quận 2, TP.HCM,…
Ông Minh cũng đánh giá khả năng thu hồi các khoản nợ này là 100% “bởi các khách hàng vay đều đang rất có thiện chí hợp tác và tất cả các khoản vay đều có tài sản bảo đảm là bất động sản và cổ phiếu STB của Sacombank”.
Có hay không khoản nợ xấu tại Khu công nghiệp Đức Hoà III – Long An là khoản nợ mà ông Trầm Bê nhận trách nhiệm xử lý (Ảnh: Minh Huệ)
Tuy nhiên, lần đấu giá này có liên quan đến Khu Công nghiệp Đức Hòa – Long An, một trong những tài sản bất động sản mà Trầm Bê nhận trách nhiệm nợ. Theo tìm hiểu của người viết, hiện tỉnh Long An có 2 khu công nghiệp mang tên “Khu công nghiệp Đức Hoà I” và “Khu công nghiệp Đức Hoà III”.
Khu công nghiệp Đức Hoà I được đầu tư bởi Liên doanh giữa Công ty CP Đầu tư Xây dựng Long An (IDICO), Tập đoàn xi măng Hạnh Phúc. Hiện IDICO đã niêm yết trên sàn UpCom và báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016 không ghi nhận khoản vay nào tại Sacombank. Do vậy, khả năng ông Minh nhắc đến Khu công nghiệp Đức Hoà III với một nhóm doanh nghiệp ở trên. Nếu đúng như vậy, có lẽ ông Minh và Sacombank đang rốt ráo xử lý những khoản nợ xấu liên quan đến ông Trầm Bê.
Theo Danviet
Tháng 1-2018: Xử Trầm Bê, Phạm Công Danh và Huyền Như
Dự kiến trong tháng 1-2018, hai vụ án liên quan đến ngân hàng được TAND TP.HCM đưa ra xét xử.
Được biết trong tháng 1-2018, TAND TP.HCM sẽ đưa hai đại án ngân hàng ra xét xử.
Thứ nhất là vụ Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên phó phòng Quản lý rủi ro VietinBank Chi nhánh TP.HCM) và đồng phạm bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ( Huyền Như giai đoạn 2). Thứ hai là vụ Trầm Bê (nguyên phó chủ tịch HĐQT kiêm chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank) và Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB, chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Thiên Thanh). Trầm Bê và 43 bị cáo bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Phạm Công Danh giai đoạn 2).
Giải quyết hai đại án này là Chánh Tòa Hình sự TAND TP Phạm Lương Toản và Phó Chánh Tòa Hình sự Huỳnh Anh Kiệt. Cả hai vụ án đều do VKSND Tối cao ra cáo trạng truy tố rồi ủy quyền cho VKSND TP.HCM thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử.
Được biết vụ án Huyền Như sẽ được xét xử trước vào đầu tháng và tiếp theo là vụ Phạm Công Danh công tác chuẩn bị xét xử đang được tiến hành. Dự kiến vụ Phạm Công Danh sẽ xét xử kéo dài đến cận tết Nguyên đán.
Như Pháp Luật TP.HCM từng thông tin, năm 2014, TAND TP kết luận Huyền Như chiếm đoạt 4.000 tỉ đồng của nhiều khách hàng và phạt Như tù chung thân về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Sau đó, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM hủy một phần bản án sơ thẩm để điều tra lại đối với Như và đồng phạm về hành vi chiếm đoạt 1.300 tỉ đồng của năm công ty vì có dấu hiệu tham ô tài sản.
Đầu năm 2017, TAND TP dự kiến xử giai đoạn 2 đại án này song tiếp tục yêu cầu điều tra bổ sung vì cho rằng hành vi của Như và đồng phạm có dấu hiệu tham ô tài sản. Đến nay, VKSND Tối cao tiếp tục giữ quan điểm truy tố Như và đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo Huyền Như trong đại án chiếm đoạt 4.000 tỉ sau đó cấp phúc thẩm huỷ một phần án để điều tra xét xử lại
Còn trong vụ Trầm Bê và Phạm Công Danh, tháng 9-2012, sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận phương án tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Đại Tín (sau đổi tên thành VNCB), Phạm Công Danh đã đưa người vào tiếp quản, điều hành mọi hoạt động của VNCB. Phạm Công Danh còn chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ khống vay vốn để rút tiền sử dụng trong khi VNCB đang bị NHNN đưa vào diện kiểm soát.
Bị cáo Phạm Công Danh tại đại án 9.000 tỉ giai đoạn 1
Do có mối quan hệ quen biết, Trầm Bê và thuộc cấp đã giúp sức cho Phạm Công Danh rút tiền của VNCB thông qua tiền gửi của VNCB tại Sacombank để trả nợ thay cho sáu công ty do Phạm Công Danh thành lập, điều hành. Vì sáu công ty của Phạm Công Danh không trả được tiền, Sacombank đã cấn trừ các khoản tiền gửi của VNCB. Hành vi của các bị cáo gây thiệt hại cho VNCB 1.800 tỉ đồng.
Cạnh đó, Phạm Công Danh và đồng phạm dùng tiền gửi của VNCB tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) để bảo lãnh, trả nợ thay cho 11 công ty, mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty TNHH MTV Trung Dung do Phạm Công Danh thành lập, điều hành, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.700 tỉ đồng.
Ngoài ra, Phạm Công Danh còn dùng tiền gửi của VNCB tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) để bảo lãnh, trả nợ thay cho 12 công ty do mình thành lập, điều hành, gây thiệt hại cho VNCB hơn 2.500 tỉ đồng.
Cần nhắc lại, trong giai đoạn 1 của đại án này, hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đã xác định Phạm Công Danh chỉ đạo thuộc cấp dùng các công ty do mình thành lập ký hợp đồng khống, rút tiền từ VNCB để chi tiêu cá nhân và trả nợ cho Tập đoàn Thiên Thanh, gây thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỉ đồng... Hai cấp tòa đã phạt Phạm Công Danh 30 năm tù về các tội cố ý làm trái..., vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Theo Hoàng Yến
Ngân hàng vào cuộc... siết nợ Hàng loạt ngân hàng đang ráo riết thu giữ nhiều tài sản đảm bảo của khách vay, trong đó đa số là tài sản bất động sản. Động thái này được xem là mở đầu cho quá trình xử lý "cục máu đông" nợ xấu tồn đọng lâu nay trong hệ thống các tổ chức tín dụng theo tinh thần Nghị quyết 42....