Tái ngộ Châu Tinh Trì trong ‘Tuyệt đỉnh kungfu 3D’
Khoác lên chiếc áo mới, siêu phẩm võ thuật hài hước sẽ trở lại với khán giả vào đúng Giáng sinh năm nay.
Năm 2001, sau thành công của bộ phim Đội bóng Thiếu Lâm, Châu Tinh Trì quyết định tiếp tục thực hiện một dự án thuộc thể loại hành động – kỹ xảo khác nhưng quy mô hơn. Kịch bản Tuyệt đỉnh kungfu được anh lên ý tưởng, viết đề cương, sau đó 3 nhà biên kịch chuyên nghiệp cùng chấp bút. Châu Tinh Trì chia sẻ, phần lớn câu chuyện diễn ra trong phim đều lấy linh cảm từ những tác phẩm điện ảnh võ thuật, đặc biệt là những bộ phim của Lý Tiểu Long anh xem từ bé.
Công việc đầu tiên chuẩn bị cho Tuyệt đỉnh kungfu là xây dựng bối cảnh khu chung cư biệt lập cũ mang tên Chuồng Heo, nơi xảy ra toàn bộ câu chuyện. Mô phỏng từ khu chung cư Cửu Long ở Hong Kong thời thuộc địa, Châu Tinh Trì đã bỏ ra gần 50.000 USD với 4 tháng làm ngày làm đêm. Khu nhà gỗ chiếm diện tích một nửa sân bóng đá tiêu chuẩn. Đạo cụ và gia dụng được sử dụng trong phim đều là hàng quý hiếm được thuê từ các tiệm đồ cổ.
Tuyệt đỉnh kungfu khởi quay vào đầu tháng 6/2003 đến giữa tháng 11/2003 với kinh phí lên đến 20 triệu USD, trong đó 2/3 số tiền dành cho kỹ xảo. Ban đầu, công tác chỉ đạo võ thuật do đạo diễn Hồng Kim Bảo đảm trách nhưng vì một vài mâu thuẫn nên lấy lý do sức khỏe, sư huynh của Thành Long rút lui. Châu Tinh Trì mời Viên Hòa Bình – đạo diễn nổi tiếng của nhiều bộ phim võ thuật, hiện đang chỉ đạo cho bộ phim Ngọa hổ tàng long 2. Ông nhận lời ngay và bỏ tất cả những màn đánh đấm do Hồng Kim Bảo thiết kế trước đó.
Tuyệt đỉnh kungfu đã ưu ái dành nhiều đất diễn cho 2 nghệ sĩ Nguyên Hoa và Nguyên Thu – những ngôi sao võ thuật của thập niên 70 ở thế kỷ trước. Đảm nhận vai vợ chồng ông bà chủ khu chung cư Chuồng Heo, họ đã tạo dấu ấn mạnh mẽ, trở thành một trong những điểm thành công trong bộ phim này.
Video đang HOT
Tuyệt đỉnh kungfu hiện là bộ phim do Châu Tinh Trì đóng vai chính ăn khách nhất, từng đánh bại bom tấn Mỹ The Lord of the Rings: The Return of the King, trở thành tác phẩm đạt doanh thu cao nhất năm 2004 tại thị trường Trung Quốc với 28 triệu USD; phá vỡ doanh thu phòng vé tại Hong Kong với 7,86 triệu USD và hơn 100 triệu USD ở 72 quốc gia khác trên thế giới. Bộ phim cũng đã được đề cử 33 giải tại 22 LHP trong và ngoài Trung Quốc, giành được 6 giải Kim Tượng (Hong Kong) và 5 giải Kim Mã (Đài Loan).
Vào đúng Giáng sinh 24/12 tới đây, bộ phim Tuyệt đỉnh kungfu sẽ tái ngộ khán giả với định dạng 3D. Nhiều thước phim đã quay nhưng do thời lượng quá dài, buộc lòng phải cắt khi phát hành phiên bản trước sẽ xuất hiện trong bản dựng mới. Đây là món quà sinh nhật 10 tuổi ý nghĩa dành cho tác phẩm này khi khoác lên chiếc áo mới công nghệ tiên tiến nhất.
Theo Zing
10 bộ phim hốt bạc nhất của Châu Tinh Trì
Mặc dù đạt doanh thu kỷ lục hơn 215 triệu USD nhưng "Tây du ký - Mối tình ngoại truyện" không được xếp vào danh sách vì anh chỉ đảm nhận vai trò đạo diễn.
Tuyệt đỉnh kungfu (2004)
Với vai anh chàng Tinh vô công rồi nghề muốn gia nhập bang Lưỡi búa, sau đó được phát hiện có tài thiên bẩm về võ thuật do tình cờ được đả thông kinh mạch, Châu Tinh Trì đã tạo nên một cơn lốc kinh hoàng tại phòng vé thời ấy. Tác phẩm sáng lập kỷ lục doanh thu tại Hong Kong với hơn 7,86 triệu USD, tại Trung Quốc là 28 triệu USD và hơn 100 triệu USD ở 72 quốc gia khác trên thế giới. Phim do Châu Tinh Trì tự biên, tự đạo, tự diễn.
Đội bóng Thiếu Lâm (2001)
Câu chuyện về một đội bóng đặc biệt gồm những đệ tử Thiếu Lâm với những tuyệt kỹ có một không hai đã mang về cho Châu Tinh Trì hơn 7,73 triệu USD ở Hong Kong, 50 triệu trên toàn thế giới và đặc biệt đã đưa hình ảnh của "vua phim hài Hong Kong" xâm nhập thị trường phim ảnh châu Âu. Mãi đến nay, Đội bóng Thiếu Lâm vẫn đang giữ kỷ lục phim Hoa ngữ ăn khách nhất tại Italy với 1.685.758 EUR (2 triệu USD).
Siêu khuyển thần thông (2008)
Không đánh đấm tưng bừng, không có những cảnh diễn chọc cười theo phong cách nhảm đặc trưng, song bộ phim lại thu hút khán giả bằng câu chuyện cảm động, ly kỳ của 2 cha con ông Chu (Châu Tinh Trì đóng) và cậu con trai Tiểu Địch (Từ Kiều đóng) cùng sự xuất hiện của chú chó đồ chơi mang tên "Trường Giang số 7". Tác phẩm đạt doanh thu 6,57 triệu USD tại Hong Kong, hơn 32,5 triệu USD ở Trung Quốc. Đây là bộ phim lãi to của Châu Tinh Trì vì đầu tư chỉ 20 triệu USD nhưng tổng doanh thu toàn cầu lên tới 54 triệu USD.
Thẩm tử quan (1992)
Với nét diễn hài tưng tửng, miệng nói tay làm, Châu Tinh Trì đã tạo ra một trạng sư Tống Thế Kiệt rất khác với hình ảnh của nhân vật nổi tiếng trên sân khấu ca kịch. Anh kết hợp ăn ý với nữ danh ca Mai Diễm Phương khi đóng vai vợ chồng, hấp dẫn khán giả rồng rắn vào rạp. Doanh thu 6,44 triệu USD ở Hong Kong và hơn 4 triệu USD tại Trung Quốc so với những tác phẩm sau này khá khiêm tốn, nhưng vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, đó là những con số mơ ước. Đặc biệt, với vai Tống Thế Kiệt, Châu Tinh Trì đã đoạt giải Ảnh đế - Nam diễn viên chính xuất sắc nhất LHP châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 37 tổ chức ở Hàn Quốc năm 1992.
Gia hữu hỉ sự (1992)
Trong bộ phim Tết vui nhộn này, Châu Tinh Trì đóng vai Thường Hoan - một chàng phát thanh viên luôn nghĩ đến sex và cơ thể phụ nữ, mãi đến khi gặp Hà Lý Ngọc (Trương Mạn Ngọc đóng) mới nếm trải mùi vị của sự đau khổ vì tình. Còn có mặt Trương Quốc Vinh, Mao Thuần Quân, Huỳnh Bá Minh, Ngô Quân Như... tác phẩm đạt doanh thu 6,3 triệu ở Hong Kong, gần 2,9 triệu tại Trung Quốc
Đào học uy long (1991)
Châu Tinh Trì đóng vai chàng cảnh sát được giao nhiệm vụ trà trộn vào trường trung học tìm kiếm một khẩu súng bị thất lạc, gặp và đem lòng yêu cô giáo phụ đạo xinh đẹp do Trương Mẫn thể hiện. Đây là một trong những tác phẩm phối hợp ăn ý nhất của anh và bạn diễn vong niên Ngô Mạnh Đạt, đạt doanh thu kỷ lục năm 1991 tại Hong Kong với 5,65 triệu USD và 3,7 triệu ở Trung Quốc.
Đổ thánh (1990)
Trong bộ phim được xếp vào top những tác phẩm đề tài cờ bạc kinh điển của điện ảnh Hong Kong, Châu Tinh Trì thể hiện vai chàng thanh niên nhà quê Tả Tụng Tinh được chú Ba (do Ngô Mạnh Đạt đóng) bảo lãnh từ Đại lục sang Hong Kong. Vô tình phát hiện cậu cháu có khả năng đặc biệt nên chú Ba tìm mọi cách biến Tả Tụng Tinh trở thành thần bài. Phim đạt doanh thu 5,33 triệu USD, phá vỡ mọi kỷ lục phòng vé trước đó, đồng thời đưa Châu Tinh Trì lên ngôi "vua phim hài Hong Kong".
Lộc đỉnh ký (1992)
Tái hiện hình ảnh Vi Tiểu Bảo bằng sự sáng tạo độc đáo và diễn xuất đặc biệt của mình, Châu Tinh Trì đã làm thay đổi hoàn toàn nhân vật chàng thái giám dỏm vốn rất quen thuộc trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung.Lộc đỉnh ký là tác phẩm ăn khách thứ 3 trong số 7 phim của Châu Tinh Trì ra rạp năm 1992, đứng sau Thẩm tử quan và Gia hữu hỉ sự, với 5,26 triệu USD tại Hong Kong và hơn 2 triệu tại Đài Loan.
Thực thần (1996)
Nhân vật do Châu Tinh Trì đảm nhận trong phim là một đầu bếp tài giỏi, cao ngạo, sau khi được phong danh hiệu "Vua đầu bếp" từ Pháp trở về Hong Kong bị người bạn thân bán đứng, khiến thân bại danh liệt, phải lưu lạc chốn giang hồ. Không những mang lại nhiều tiếng cười, vai diễn của anh đã sáng tạo nên nhiều câu nói được khán giả bắt chước. Phim có doanh thu tại Hong Kong chỉ thua Lộc đỉnh ký vài USD và được xấp xỉ 1 triệu USD ở Trung Quốc.
Gia hữu hỉ sự 2 (1997)
Sau thành công của Gia hữu hỉ sự (1992), Tết năm 1997, phần 2 của bộ phim này ra đời, đạt doanh thu 5,21 triệu USD ở Hong Kong. Châu Tinh Trì đóng vai Thiêm - cậu em út vô công rồi nghề, chỉ thích ăn chơi bị 2 người anh lừa trúng vé số, dẫn đến việc đắc tội với trùm xã hội đen. Đóng vai bạn gái của Châu Tinh Trì trong phim là mỹ nhân gốc Việt Chung Lệ Đề.
Theo Zing
Những mỹ nhân Hoa ngữ bị đạo diễn la mắng trên phim trường Hiện tại là những ngôi sao vạn người mê nhưng thuở mới vào nghề, Lý Băng Băng, Dương Mịch, Thang Duy... từng bị chửi té tát vì diễn kém. Năm 17 tuổi, tham gia bộ phim điện ảnh Đồng thoại Bắc Kinh, vì không thể diễn cảnh khóc nên Dương Mịch bị đạo diễn lớn tiếng. Dù vậy, cô vẫn không thể rơi...