‘Tai nạn giao thông đang ở mức khẩn cấp’
“Tai nạn giao thông mỗi năm khiến hơn 10.000 người chết. Đây là tình trạng khẩn cấp nên giải pháp phải tương ứng chứ không thể bình bình được. Đề nghị có cuộc giám sát tối cao về vấn đề này”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói.
Tại cuộc giám sát của Ủy ban Quốc phòng An ninh sáng 30/8 về chủ đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong các hoạt động kinh doanh vận tải bằng ôtô, hàng loạt vấn đề được các đại biểu đặt ra cho Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng và các bộ, ngành liên quan.
Theo đại biểu Ngô Văn Hùng, thời gian qua, một số đơn vị không chấp hành đúng quy định trong vận chuyển hành khách như tuyển dụng lái xe, buông lỏng quản lý dẫn tới lái xe vi phạm luật lệ, gây tai nạn thảm khốc và làm người dân hoang mang. Tình trạng này, theo đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, khiến nhiều gia đình không dám đi chung trên một phương tiện. Tuy nhiên, sau các vụ tai nạn, kết luận lại chưa rõ ràng, minh bạch. Các đại biểu yêu cầu Bộ trưởng Thăng nêu giải pháp khắc phục.
Các đại biểu Ngô Văn Hùng và Trần Đình Thu cho biết, một số sở giao thông vận tải thiếu trách nhiệm trong cấp giấy phép kinh doanh, việc quản lý chủ doanh nghiệp hết sức lỏng lẻo, lái xe núp dưới bóng doanh nghiệp hoạt động nên khi vi phạm lái xe chịu trách nhiệm là chính.
“Tại một số cơ sở sát hạch đào tạo lái xe chất lượng đào tạo rất kém. Học viên chỉ cần nạp tiền là qua. Rồi việc khám sức khỏe định kỳ, có lái xe khi tai nạn mới biết nghiện ma túy”, đại biểu Trần Đình Thu nêu thực trạng.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Nhìn ở góc độ người thực thi công vụ, Phó chủ nhiệm ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, tiêu cực, tham nhũng của lực lượng cảnh sát giao thông là một thực trạng. Điều này cũng đã được Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới công bố sau một cuộc điều tra xã hội học. “Tiêu cực trên các trục đường là một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông. Chúng tôi cho rằng, giải pháp của mọi giải pháp là quy được trách nhiệm đến cùng”, bà Nga nói.
Thừa nhận thực tế này, Bộ trưởng Thăng cho hay, Bộ Giao thông và Bộ Công an đã phối hợp kiểm tra kiểm soát. Để hạn chế, theo ông khi đưa ra văn bản phải khả thi, xử lý vi phạm phải công khai, minh bạch. Khi xây dựng văn bản phải đơn giản, giữa người thực thi và người bị xử lý có cùng cách hiểu chứ không phải để người thực thi công vụ “vận dụng”.
“Người thực thi phải nghiêm minh, không bao che, bảo kê, vi phạm đến đâu xử lý đến đấy thì sẽ tạo ra ý thức của người tham gia giao thông, người lái xe. Tôi tin rằng, cùng với các giải pháp tuyên truyền, giáo dục đạo đức sắp tới kết quả sẽ chuyển biến”, ông Thăng nói.
Chia sẻ với Bộ trưởng Giao thông, Trung tướng Đỗ Đình Nghị (Phó tổng cục trưởng tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội – Bộ Công an) cho hay, tiêu cực của lực lượng thực thi công vụ rõ ràng là một thực trạng. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cũng đã trả lời.
“Nhưng khi đánh giá, tôi cho rằng, lực lượng cảnh sát giao thông có vai trò hết sức quan trọng. Năm 2012, hai đồng chí hy sinh khi làm nhiệm vụ, 101 đồng chí bị thương, 5.000 trường hợp không nhận tiền của lái xe. Còn để giải quyết tiêu cực trong ngành thì Bộ Công an xác định đây là nhiệm vụ quan trọng nhưng không thể giải quyết trong ngày một ngày hai”, ông Nghị nói.
Bộ trưởng Đinh La Thăng tại phiên giải trình. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Video đang HOT
Đại biểu Lê Thị Nga chưa thỏa mãn với các giải pháp. Theo bà, với thực trạng hơn 10.000 người chết mỗi năm vì tai nạn giao thông, đây đang là tình trạng khẩn cấp.
“Tình trạng khẩn cấp thì giải pháp phải tương ứng chứ không thể bình bình được. Tôi đề nghị có cuộc giám sát tối cao về vấn đề này”, bà Nga nói. Cũng theo bà, các cơ quan chức năng cần lưu ý thêm nguyên nhân kinh tế. Bởi chi phí xăng dầu, cầu đường tăng, thêm việc “làm luật” đã trở thành gánh nặng khiến lái xe, chủ xe tiếp tục vi phạm.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, thực tế là các văn bản của Chính phủ như nghị định 91, 93 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô chưa cụ thể và chưa chặt chẽ. Quan điểm của Bộ là sửa đổi, bổ sung làm sao để nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, phân cấp rõ và triệt để trách nhiệm quản lý, bộ làm gì, địa phương làm gì. Cụ thể là đưa vào quy định trách nhiệm của chủ phương tiện.
“Lâu nay cứ một vụ tai nạn xảy ra thì chỉ nghĩ đến trách nhiệm lái xe. Bây giờ chúng tôi đặt lại vấn đề là trách nhiệm chủ doanh nghiệp thế nào, trách nhiệm quản lý nhà nước thế nào. Cứ để khoán trắng cho lái xe như vậy thì tình trạng lái xe quá 4 giờ liên tục, quá 10 giờ một ngày là đương nhiên, dẫn đến áp lực, buồn ngủ, dễ gây tai nạn”, Bộ trưởng Giao thông nói.
Ông thừa nhận, thời gian qua công tác thanh, kiểm tra còn hạn chế, có tình trạng buông lỏng quản lý nhà nước; việc kiểm tra sức khỏe nhiều trường hợp chỉ là hình thức, thậm chí có lái xe nghiện ma túy vẫn được chứng nhận.
Đối với thực trạng chất lượng ở các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe, ông Thăng cho rằng, lỗi là của quản lý nhà nước. Hiện, các trung tâm không có xe số tự động để giảng dạy, chương trình, nội dung bài giảng còn bất cập…
“Có giai đoạn bùng nổ các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe nên vấn đề kiểm soát chất lượng chưa tốt. Vừa qua khi kinh tế khó khăn, người dân mua xe ít thì các trung tâm lại hạ phí, cạnh tranh không lành mạnh”, ông Thăng cho hay.
Theo ông, các trung tâm đào tạo, sát hạch thì phải dạy cho người ta lái xe chứ không phải là vào đăng ký để có bằng. Sắp tới, Bộ sẽ đưa công nghệ hiện đại vào thi cử, hạn chế thấp nhất mức tác động của con người.
Đối với việc kiểm soát chất lượng phương tiên, Bộ Giao thông sẽ phối hợp với Bộ Công thương trong việc nhập khẩu, rà soát lại việc hoán cải xe; tăng cường đặt các trạm cân trên các tuyến đường, phạt thật nặng các vi phạm, đặc biệt là phạt đối với các chủ xe. “Sắp tới Bộ sẽ có đợt kiểm tra đồng loạt trên 15 tỉnh về tải trọng xe. Nhiều người gửi thư, nhắn tin cho tôi là hoan nghênh kiểm tra tải trọng xe, nhưng cần làm chặt chẽ, công khai, minh bạch”, ông Thăng nói.
Nguyễn Hưng
Theo VNE
Công an hàng loạt tỉnh phản pháo Bộ trưởng Đinh La Thăng
Bộ trưởng Đinh La Thăng giải thích với Chính phủ lý do triển khai xây dựng mở rộng Quốc lộ 1, Quốc lộ 14 bị đẩy giá, chậm là do có tình trạng giang hồ cát cứ.
"Đặc biệt, đã có tình trạng giang hồ cát cứ, xã hội đen, thế giới ngầm ở địa phương thâu tóm nguồn cung vật liệu xây dựng", Bộ trưởng Thăng ấm ức
Giang hồ cát cứ, xã hội đen thâu tóm
Lý do này được đưa ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2013. Bộ trưởng Bộ Giao thôngVận tải Đinh La Thăng cho biết, hiện nay, Bộ Giao thông đang tiến hành triển khai xây dựng mở rộng Quốc lộ 1, Quốc lộ 14 theo Nghị quyết của Chính phủ. Tuy nhiên, các dự án giao thông này đều đang "đội" giá, tiến độ chậm.
Theo Bộ trưởng Thăng, nguyên nhân là do gặp khó khăn ở khâu giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, xã hội đen ở địa phương thâu tóm nguồn cung vật liệu xây dựng.
Bộ trưởng Thăng nêu: 'Hiện nay, hàng loạt các dự án vướng mặt bằng như: Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Cầu Nhật Tân, cao tốc Sài Gòn - Long Thành... đều chậm tiến độ thi công do liên quan đến công tác bàn giao mặt bằng của đia phương. Thậm chí, tổng mức đầu tư của hầu hết dự án giao thông tăng lên cao là do giải phóng mặt bằng chậm'.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải &'mách' Chính phủ về lo lắng trong việc cung cấp nguồn vật liệu xây dựng để tiến hành thi công các dự án. &'Hầu như nguồn vật liệu ở địa phương đã cấp cho doanh nghiệp tư nhân khai thác. Đặc biệt, đã có tình trạng giang hồ cát cứ, xã hội đen, thế giới ngầm ở địa phương thâu tóm nguồn cung vật liệu xây dựng'.
"Chính điều này làm cho nguồn cung vật liệu cho các nhà thầu thi công gặp khó khăn, giá tăng cao, tiến độ chậm, chất lượng không đảm bảo. Thậm chí, nhiều mỏ nguyên vật liệu nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền địa phương. Đơn vị khai thác dùng mọi cách để chèn ép, cá biệt có thể dính dáng đến xã hội đen để bắt chẹt nhà thi công," Bộ trưởng Thăng ấm ức.
Một lãnh đạo Bộ GTVT chiều 1/7 ủng hộ quan điểm của Bộ trưởng Thăng cho rằng có một thực tế, do đòi hỏi của kinh tế thị trường nguồn mỏ vật liệu đã được địa phương cấp phép cho các đơn vị, cá nhân khác nhau trên địa bàn khai thác.
"Trước đây các doanh nghiệp xây dựng công trình giao thông vào tới tận các khu mỏ để tự khai thác, nên kiểm soát được từ đầu tới cuối chất lượng vật liệu, còn giờ thì phải mua lại của các doanh nghiệp địa phương. Dù tất cả nguyên liệu đầu vào đều phải kiểm soát hết, nhưng sẽ khó hơn", vị lãnh đạo Bộ GTVT trình bày thêm.
"Tại nhiều dự án phát hiện nguồn vật liệu không đảm bảo phải loại, đổ đi nhiều. Nếu thấy vật liệu có nghi vấn, xét nghiệm lại mà thấy không đảm bảo thì yêu cầu đổ khỏi công trường", vị lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định.
Đổ cho giang hồ làm chậm tiến độ là vô lý
Trước thông tin mà Bộ trưởng Thăng đưa ra, ông Nguyễn Huy Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên phản bác lại: 'Làm gì có chuyện đó. Nếu nói dự án đường Hà Nội - Thái Nguyên bị chậm tiến độ, đẩy giá thì không thể bởi đây là vùng giáp ranh với Hà Nội', ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, trước đây ông từng nghe chuyện nhà thầu đang lấy đá ở địa phương này thấy chỗ khác rẻ hơn lại đi đến chỗ khác lấy nên có sự tranh chấp giữa các đại lý với nhau.
'Chứ còn việc giang hồ, xã hội đen cát cứ nguồn vật liệu xây dựng thì tôi chưa bao giờ nghe thấy. Nếu mà nói có việc đó làm chậm tiến độ là vô lý', ông Tuấn bức xúc.
Bộ trưởng nói ở nơi khác, Thanh Hóa không có chuyện này
Ông Trần Văn Thực, Chánh văn phòng Công an tỉnh Thanh Hóa cũng không đồng tình với nguyên nhân mà Bộ trưởng Đinh La Thăng phản ánh với Chính phủ.
Theo ông Thực, những năm trước đây tại khu vực khu kinh tế Nghi Sơn có nghe câu chuyện cát cứ nguồn vật liệu xây dựng gây khó khăn cho việc triển khai các dự án. 'Thế nhưng 2 năm nay UBND tỉnh tập trung chỉ đạo Công an Tỉnh làm quyết liệt, biểu hiện này được ngăn chặn. Hiện nay không có đơn vị nào phản ảnh lên về vấn đề này', ông Thực nói.
'Mới đây tại hội nghị triển khai kế hoạch mở rộng Quốc lộ 1A cũng chưa thấy có nhà thầu nào phản ánh. Cơ quan cũng không nhận được đơn từ về vấn đề này. Hiện Quốc lộ 1A đang mở rộng đoạn Thanh Hóa - Nghệ An cũng không có đơn vị nào báo cáo hay phản ánh với đơn vị Công an tỉnh', ông Thực diễn giải.
Bình luận về việc Bộ trưởng Thăng nói dự án chậm, đội giá, ông Thực cho rằng không biết các địa phương khác thế nào nhưng ở Thanh Hóa công an tham gia chỉ đạo đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng. 'Việc bộ trưởng nói có thể chung là như thế ở nơi khác, chứ Thanh Hóa không thấy biểu hiện', ông Thực cho biết.
Kiểm tra lại không thấy. Chẳng qua thiếu tiền
Ông Nguyễn Huy Hải, Chánh văn phòng Công an tỉnh Bình Phước khẳng định: "Công an tỉnh chưa nhận được bất kể một phản ánh nào về tình trạng đó của các đơn vị thi công. Qua thực tế theo dõi của công an tỉnh thì hầu hết vật liệu được vận chuyển bằng xe của các đơn vị thi công, xe của đơn vị nào vận chuyển cho đơn vị đó".
Tuy vậy, Công an tỉnh Bình Phước cũng đã chỉ đạo lực lượng rà soát lại toàn bộ nguồn cung vật liệu và các công trình giao thông để nắm chắc lại một lần nữa xem có vấn đề gì không.
"Tôi khẳng định là tới nay địa bàn tỉnh Bình Phước chưa phát hiện có tình trạng như đồng chí Bộ trưởng Giao thông đã nói", ông Hải nói thêm.
Về việc còn có không tình trạng ngăn trở các nhà thầu chở vật liệu từ địa phương khác tới thi công công trình, ông Hải cũng khẳng định là không có hiện tượng đó.
Theo ông Hải, nguồn vật liệu làm đường chủ yếu là cát và đá địa phương đều có sẵn, cát thì sông gần đó các nhà thầu tự khai thác, còn đá thì doanh nghiệp địa phương rất nhiều có cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân khai thác.
"Nếu không có dự án thì cũng chẳng còn biết bán cho ai. Giờ kinh tế đình đốn, cũng chẳng có mấy dự án cần vật liệu. Ngay cả các chủ mỏ đá cũng ngán không dám bán cho các nhà thầu vì không đòi được tiền. Có thực trạng như thế".
Và thực tế, theo Chánh văn phòng Công an Bình Phước, giờ nhà thầu cũng chỉ làm chủ yếu theo kiểu đối phó. Việc chính là chắp vá, san lấp những chỗ hư hỏng, ổ gà, ổ voi tạm thời để phương tiện lưu thông dễ dàng, còn để tiến hành thi công mặt đường bài bản, đúng yêu cầu kỹ thuật là đường mới thì vẫn dậm chân tại chỗ. Ông Hải dùng từ "chậm lắm".
Về lý do dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14 qua tỉnh Bình Phước chậm tiến độ, theo ông Hải chủ yếu là từ lý do kinh tế, thiếu nguồn vốn đầu tư.
Theo xahoi
Ra chính sách 'trên trời', chưa ai bị giáng chức? "Hàng chục năm nay chưa thấy cán bộ nào bị thôi việc hay giáng chức, bồi thường do ban hành văn bản bất hợp lý", Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Lê Thị Nga phát biểu trong phiên thảo luận hội trường về kinh tế xã hội sáng nay. Lọt lưới Trong 7 phút ngắn, bà Lê Thị Nga (ĐB tỉnh Thái...