Tai nạn chết người ở nơi “không ai dám ra đường khi trời mưa”
Người dân nơm nớp sống chung với đường dây điện tử thần lơ lửng trên đầu và tai nạn thì cứ liên tiếp xảy ra.
ảnh minh họa
Ngày 13/7, anh Nguyễn Minh Hiển ( thôn 3, Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội) trèo lên mái nhà của cô mình để lợp lại mái thì bị điện giật, rơi xuống đất và tử vong ngay tại chỗ. Anh Hiển đột ngột ra đi để lại người vợ trẻ và 2 đứa con thơ. Trường hợp xảy ra với anh Hiển không phải là cá biệt tại đây.
Nguyên nhân chính gây ra những tai nạn trên là do dòng điện 35kV đi sát các mái nhà, cửa sổ, ban công của hơn 40 hộ dân nơi đây. Vào những ngày mưa bão, người trong thôn không dám đi ra ngoài đường, đến gần nơi dòng điện chạy qua.
Và không phải bây giờ khi có người chết mà từ cách đây 20 năm người dân đã có đơn thư gửi các cơ quan chức năng yêu cầu bố trí lại đường điện này để tạo sự an toàn cho cuộc sống người dân. Thế nhưng trong 20 năm trời đó, mọi thứ vẫn dậm chân tại chỗ. Người dân nơm nớp sống chung với đường dây điện tử thần lơ lửng trên đầu và tai nạn thì cứ liên tiếp xảy ra.
Video đang HOT
Trọng Trinh – Minh Quý
Theo Dantri
Nguy cơ rò rỉ điện trong mùa mưa bão
Cơn bão số 5 đang đổ bộ vào đất liền, bão số 5 được dự báo là có sức gió mạnh, gây mưa lớn tại các tỉnh phía Bắc. Hà Nội bị ảnh hưởng của bão với lượng mưa rất lớn, ngày hôm qua nhiều tuyến phố đã bị ngập. Mỗi khi mưa bão, những ký ức tang thương từ tai nạn điện lại khiến người dân Thủ đô lo lắng. Dù đã có nhiều bài học đau xót vì bị điện giật chết trong mùa mưa bão nhưng cho tới nay việc đảm bảo an toàn điện tại thành phố vẫn còn nhiều vấn đề phải đặt ra.
Ám ảnh từ những vụ điện giật không đáng có
Theo dự báo, trong năm 2013 này, sẽ có từ 5-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta; trong đó, các vùng Bắc bộ và Hà Nội sẽ phải hứng chịu từ 1-2 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, tập trung vào tháng 7, 8, 9. Nhưng những cái chết thương tâm trong mùa mưa, vốn đã trở thành nỗi ám ảnh với tất cả những người dân. Còn nhớ trận mưa lũ lịch sử của Hà Nội năm 2008, trong vòng 5 ngày (30-10 đến 4-11), tại Hà Nội đã có tới 21 người thiệt mạng. 2 trong số đó tử vong do tai nạn điện giật khi lội trong dòng nước lũ do bị rò rỉ điện từ các tủ điện công cộng trên đường phố. Sau đó, trận mưa ngày 13-7-2010, dù chỉ diễn ra trong buổi sáng nhưng đã để lại hậu quả nghiêm trọng khiến 3 người chết. Trong đó, có 2 nạn nhận tại một cửa hàng gas nằm trên phố Trương Định khi di chuyển đồ đạc tránh nước ngập đã bị điện giật tử vong. Trường hợp còn lại là một sinh viên trường Cao đẳng Dược Hà Nội bị điện giật chết trong nhà trên phố Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội) khi xuống tầng đang bị ngập nước.
Những ám ảnh về tai nạn điện còn chưa hết thì mới đây, khoảng 10h sáng ngày 27-7, trước số nhà 296 Trần Quốc Hoàn (phường Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội) đã xảy ra vụ tai nạn điện nghiêm trọng. Nhóm công nhân thuộc Ban quản lý dự án quận Cầu Giấy đang thi công đào xới vỉa hè thì bất ngờ khoan trúng vào đường ống dẫn điện gây ra tiếng nổ lớn và bốc cháy. Vụ nổ khiến hai công nhân bị hất văng ra khoảng 3 mét, bỏng nặng, nhiều chỗ trên cơ thể bị cháy đen. Nguyên nhân của vụ điện giật này là do đâu?
Những cái bẫy trên đường
Tại Nghị định 106/2005 của Chính phủ có quy định, về khoảng cách an toàn, đường cáp điện ngầm phải cách 1m so với mặt đất (loại đất ổn định) và 1,5m (đất không ổn định). Tuy nhiên, theo lời khai ban đầu của 2 công nhân trong vụ điện giật ngày 27-7 trên đường Trần Quốc Hoàn thì họ khoan trúng dây điện cách mặt đất chỉ khoảng 20cm, như vậy chỉ đạt 1/5 so với quy chuẩn. Theo các chuyên gia ngành điện, với khoảng cách chỉ 20cm, khi xảy ra mưa lớn, ngập úng, lớp đất cách điện (nếu có) cũng không thể làm tốt chức năng an toàn. Nguy cơ xảy ra rò rỉ điện là rất lớn.
Thông thường, đối với các đường dây cáp ngầm ngoài quy định về khoảng cách so với mặt đất còn phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt khác để tránh tình trạng rò rỉ điện ra bên ngoài. Chẳng hạn như quy định các mối đấu nối với nhau phải đảm bảo có sự cách nước, va chạm..., để làm được điều này phải có (tuynen - hầm ngầm) để đưa các dây điện vào bên trong. Ngoài ra, khi chôn cáp điện dưới lòng đất phải lát lớp cát cách điện, cát chống xê dịch và kèm theo các tấm biển chỉ dẫn có dây điện phía dưới. Khi làm xong các công đoạn đó phải có máy dò (máy đo điện) xem điện có rò rỉ ra ngoài hay không, vì chôn cáp điện dưới lòng đất là mang điện xuống nước.
Hà Nội vốn rất dễ bị ngập úng khi có mưa lớn xảy ra và nếu như việc hạ cáp ngầm làm ẩu không an toàn, có khả năng rò rỉ điện sẽ biến Hà Nội thành một biển nước nhiễm điện.
Không những thế, hiện nay dự án hạ ngầm đường điện trên thành phố còn chưa hoàn thành xong. Hà Nội còn tồn tại nhiều các cột đèn, tủ điện ở vị trí thấp đã cũ, bị hỏng hóc cũng khó khả năng gây rò điện. Đặc biệt khi những thiết bị điện này đang hỏng hóc, bộ phận tiếp đất kém khiến chúng trở thành những cái bẫy chết người. Ông Phùng Việt Tiệp (Viện Vật lý, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) nhận định: "Hà Nội hiện đang dở dang với những công trình hạ ngầm, những quy hoạch mới. Thế nhưng, cùng với những thiết bị đã để lại trên đường phố từ nhiều năm trước, đường phố Hà Nội hiện nay xuất hiện thêm nhiều tủ điện, bố trí dày đặc khắp các tuyến phố như phố Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo... sẽ rất nguy hiểm nếu nước ngập tràn vào. Đó sẽ trở thành những cái bẫy vô cùng nguy hiểm mà không mấy ai để ý".
Có một điều mà các chuyên gia ngành điện đều biết, dòng điện vài chục miliampe đã có thể gây chết người, trong khi cầu dao ngắt tự động (CB) tại rất nhiều trụ chiếu sáng (sử dụng công nghệ lỗi thời) chỉ hoạt động với dòng điện vài chục ampe. Giờ lại thêm những chiếc bẫy ngầm, không đủ khoảng cách an toàn so với mặt đất, khi xảy ra nhiễm điện, chạm chập, hậu họa sẽ thật khôn lường.
Phòng còn hơn chống?
Có một thực tế khác đang diễn ra là tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện hiện nay rất phổ biến, đặc biệt là ở ngoại thành, vùng ven, nơi có đường cao áp chạy qua. Việc vi phạm hành lang an toàn lưới điện cũng là một nguy cơ gây ra các vụ tai nạn điện. Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cho biết, hiện có trên 1.550 điểm vi phạm nghiêm trọng, có nguy cơ ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của người dân nếu sự cố xảy ra. Những vi phạm hành lang an toàn lưới điện thường là không đảm bảo khoảng cách an toàn từ đường điện đến khu dân cư sinh hoạt. Gây nguy hiểm cho người dân và đường dây điện. Theo cơ quan này, năm 2012, Hà Nội xảy ra nhiều vụ việc vi phạm hành lang lưới điện, trong đó đáng kể nhất là vụ 5 hộ gia đình ở phố Lãng Yên bị đường dây cao áp 110Kv Hoàng Mai - Trần Hưng Đạo phóng điện gây hư hại thiết bị, nhưng may mắn không có người chết. Nếu như mưa lớn, xảy ra ngập úng, chắc chắn điều may mắn đó sẽ khó xảy ra.
Ông Nguyễn Phước Quý Hải, Phó trưởng Ban Kỹ thuật sản xuất - phụ trách an toàn điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: "Việc thiết kế và thi công lắp đặt các công trình điện đều phải đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Trong quá trình vận hành lưới điện, các vị trí có nguy cơ về mất an toàn đều phải khắc phục và xử lý ngay. Hàng năm, trước mùa mưa bão, EVN đều chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra, rà soát phương án phòng chống lụt bão, tuyên truyền về một số nguy cơ có thể gây ra tai nạn điện trong nhân dân. Khi có gió bão cấp 6 trở lên, sẽ cắt điện các tuyến dây nổi cho đến khi bão tan mới kiểm tra, khôi phục lại. Những khu vực ngập sâu, có thể ảnh hưởng đến an toàn đều được đơn vị điện lực chủ động cắt điện".
Tuy nhiên, thực tế thì các vụ tai nạn điện vẫn diễn ra, trong khi những cơn bão ngày càng mạnh và khó lường hơn thì hệ thống lưới điện vốn chằng chịt, chắp vá chỉ được chống đỡ bằng những cây cột điện đã xuống cấp theo thời gian có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Như vụ cháy ngày 9-6 vừa qua tại cột điện đối diện số 98 Cầu Giấy, cả bó dây điện, cáp... chỉ được cuốn trên một cây cột điện mỏng manh lại nằm ngay trong khu vực đông dân cư.
Hà Nội đặt mục tiêu tới năm 2015 sẽ hoàn thành mục tiêu đưa Thủ đô thành một "thành phố không dây", nhưng tuyến cáp điện đã hạ ngầm được thi công trớt trát, không đảm bảo an toàn như trên. Không ai dám cam đoan sẽ không xảy những vụ việc như trên đường Trần Quốc Hoàn ngày 27-7 vừa qua. Song bên cạnh đó, các tủ điện, bốt điện hỏng hóc ở vị trí thấp đang còn tồn tại trên đường phố Hà Nội cũng là một nguy cơ lớn gây rò rỉ điện ra môi trường trong những ngày mưa bão. Mùa mưa bão đến người dân cần cẩn trọng trong việc sử dụng điện tại gia đình. Song những sự cố rò điện trên đường phố, người dân có muốn phòng cũng không được. Mà cần sự kiểm tra, đảm bảo an toàn của các cơ quan chức năng. Cái người dân cần là phải làm sao để không còn những nguy hiểm chực chờ trên phố, không còn những cái chết thương tâm nữa.
Đỗ Nguyễn
Theo ANTD
Nửa đêm đi cứu diều, bị điện cao thế phóng nguy kịch Tiếc con diều mắc trên đường dây điện, đang nửa đêm, cậu bé cầm dao lẻn ra ngoài đi cứu diều. Theo thông tin từ gia đình, chiều 12/3, trong lúc thả diều với nhóm bạn cùng xóm, con diều của em P.V.T. (14 tuổi, ngụ tại huyện Hóc Môn, TPHCM) bị vướng vào đường dây điện cao thế. Tiếc diều, T. định...