Tài khoản giao thông sẽ là lời giải cho bài toán “phạt nguội”?
Có ý kiến cho rằng đề xuất có tính khả thi, cần thiết và phù hợp nhưng cũng có ý kiến cho rằng đề xuất này đang đẩy cái khó cho người bị quản lý
Nhằm giải bài toán về tình trạng người vi phạm giao thông chây ì không chịu nộp phạt, Dự thảo Luật Giao thông vận tải đường bộ (sửa đổi) đang được Bộ GTVT xây dựng đưa ra lấy ý kiến, đáng chú ý có quy định chủ xe ô tô sẽ buộc phải có tài khoản ngân hàng để phục vụ việc xử phạt nguội.
Hình ảnh phương tiện vi phạm được camera ghi hình tự động
“Phạt nguội” là cụm từ mà người dân đã quen dùng để gọi thay cho hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thông qua việc sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, cụ thể là thiết bị ghi hình ( camera giám sát) được thực hiện tự động. Quy định về “phạt nguội” đã được hướng dẫn tại Thông tư 06/2017/TT-BGTVT ngày 28/2/2017 của Bộ Giao thông vận tải. Tuy nhiên, việc thực thi trên thực tế không đạt hiệu quả do người vi phạm trốn tránh hoặc cố ý không thực hiện nghĩa vụ nộp phạt.
Ngay khi đề xuất của Bộ GTVT được đưa ra lấy ý kiến đã có những quan điểm khác nhau. Có quan điểm ủng hộ, đồng thời đề xuất nên gọi đó là tài khoản giao thông và cho rằng, có tài khoản này sẽ giúp hạn chế tiêu cực trong xử lý vi phạm của các lực lượng thực thi nhiệm vụ. Quan điểm của một chuyên gia giao thông đô thị lại cho thấy không nên quá kỳ vọng vào việc lập tài khoản cho chủ sở hữu ô tô để giúp công tác xử phạt giao thông trở nên thuận lợi hơn, cái chính vẫn là ý thức của người dân.
Theo đánh giá của Luật sư Trần Sỹ Tiến (Công ty luật Hà Nội VDT), đề xuất này hoàn toàn khả thi. Bởi tương tự như các loại chứng nhận đăng kiểm phương tiện, bảo hiểm bắt buộc… thì nay, người tham gia giao thông với phương tiện xe cơ giới sẽ phải có thêm một loại giấy tờ nữa là thông tin tài khoản giao thông. Đây cũng có thể coi là một điều kiện để phương tiện giao thông được phép lưu hành.
Còn Luật sư Hoàng Ngọc (Văn phòng luật sư Nhiệt tâm và Cộng sự) cho rằng, yêu cầu phải có tài khoản giao thông để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nộp phạt là cần thiết và phù hợp. Quy định này không chỉ đảm bảo cho việc thực thi các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; bổ sung thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước; cảnh cáo, răn đe đối với người vi phạm, hạn chế những vi phạm xảy ra trên thực tế, thiết lập trật tự an toàn giao thông. Một yếu tố cũng rất quan trọng khi có quy định này đó là góp phần làm minh bạch, chống tiêu cực đối với lực lượng thực thi pháp luật.
Cho biết, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng thành công và hiệu quả phương pháp này, nhưng theo luật sư Hoàng Ngọc, muốn xây dựng và áp dụng quy định này đạt hiệu quả tại Việt Nam sẽ phải giải quyết rất nhiều vấn đề.
Video đang HOT
Thứ nhất, pháp luật hiện tại không có quy định bắt buộc người dân nói chung, chủ phương tiện nói riêng phải mở tài khoản ngân hàng. Trường hợp tài khoản mở ra nhưng không có tiền hoặc không có đủ tiền để thực hiện nghĩa vụ nộp phạt thì rất khó để thực thi quy định này. Nếu quy định chủ phương tiện phải “ký quỹ” một khoản tiền cố định trong tài khoản trong suốt thời gian sở hữu phương tiện để chờ xử phạt vi phạm hành chính là không phù hợp. Cơ sở nào để xác định số tiền tối thiểu trong tài khoản của chủ phương tiện khi các hành vi vi phạm có khung phạt khác nhau.
Việc chỉ quy định đối với chủ xe ô tô, trong khi mô tô, xe gắn máy và phương tiện khác cũng là những phương tiện tham gia giao thông đường bộ và chịu sự điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ, có thể sẽ gây ra sự tranh cãi?
Rồi trường hợp xe công, xe bộ ngành tham gia giao thông có vi phạm thì khoản tiền nộp phạt sẽ được trừ thẳng vào tài khoản của bộ, ngành đó. Đây vốn là nguồn chi từ ngân sách nhà nước, như vậy tiền thuế của dân lại phải trả cho việc vi phạm pháp luật của các bộ, ngành là không phù hợp.
Hay trường hợp chủ phương tiện cho mượn xe hoặc đã chuyển nhượng nhưng bên mua chưa làm thủ tục đăng ký sang tên sở hữu. Điều này sẽ gây ra khó khăn trong việc xác định người vi phạm cũng như xử phạt người vi phạm.
Vấn đề bảo mật thông tin tài khoản của chủ phương tiện sẽ được xử lý ra sao?
Để đảm bảo áp dụng mô hình này rộng rãi trên toàn quốc, theo luật sư Hoàng Ngọc, trước hết nên áp dụng thí điểm đối với một nhóm chủ thể tại một số địa phương đáp ứng được điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật.
Luật sư Tạ Quốc Long (Công ty luật Đức Bảo) có cách nhìn khác khi cho rằng, giải pháp này dường như một lần nữa đi vào lối mòn cũ của việc quản lý nhà nước. Đó là dễ cho người thực thi pháp luật mà đẩy cái khó lại cho người bị quản lý.
Theo luật sư Tạ Quốc Long, nếu lấy lý do phải làm như vậy để tránh sự chây ỳ là không thỏa đáng bởi chúng ta có thể áp dụng các quy định có tính chất tuần tự để xử lý hành vi đó như tăng mức phạt nếu không chấp hành đúng thời hạn xử phạt hoặc tước quyền điều khiển phương tiện… nhằm tăng nặng hình phạt cho hành vi không tuân thủ pháp luật.
Có thể thấy, đề xuất phải có tài khoản tại ngân hàng để phục vụ việc xử phạt vi phạm giao thông là một giải pháp mạnh nhằm xử lý tình trạng chây ỳ nộp phạt, góp phần nâng cao ý thức của chủ phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, việc thực thi trên thực tế cần phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục thì mới đem lại hiệu quả; tránh trường hợp lạm dụng quy định về xử phạt gây bức xúc cho người tham gia giao thông.
Song song với việc áp dụng xử phạt, Nhà nước cần đồng bộ hóa và hoàn thiện các công cụ khác như hệ thống hạ tầng cơ sở; tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức tham gia giao thông. Bởi nếu chỉ tập trung vào một công cụ là xử phạt vi phạm hành chính, coi đây là cách thức duy nhất để quản lý giao thông thì cách quản lý này sẽ mang tính chất cực đoan đồng thời tác động ngược đến ý thức của người tham gia giao thông./.
Theo An Minh/VOV.VN
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương bị "Út trọc" qua mặt?
Nguyên Chủ tịch UNND tỉnh Bình Dương đã có bút phê vào văn bản xin không xử phạt hành vi kinh doanh xăng dầu kém chất lượng cho phía ông Đinh Ngọc Hệ (nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng) gây thất thoát ngân sách trên 1,4 tỉ đồng.
Theo dự kiến, ngày 30/7 đến 1/8 tới, Toà án Quân sự Quân khu 7 sẽ xét xử inh Ngọc Hệ (tức Út "trọc" - nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn) về các tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức.
"Út trọc" mạo nhận xăng quân sự để không bị phạt.
Ngoài ra, các bị can Trần Xuân Sơn (Giám đốc chi nhánh công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn), Trần Văn Lâm (Tổng giám đốc điều hành công ty cổ phần đầu tư Thái Sơn), Đại tá Bùi Văn Tiệp (nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không-Không quân) bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ.
Riêng Đại tá Phùng Danh Thắm, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc, Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo nguồn tin riêng của PV, cuối năm 2012, công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc Phòng ký hợp đồng hợp tác kinh doanh, thực chất là thuê xe của Lữ đoàn 343, để cho công ty TNHH vận tải Hải Hà thuê lại để kinh doanh xăng dầu. Đinh Ngọc Hệ ký quyết định thành lập chi nhánh công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc Phóng tại Bình Dương, bổ nhiệm Trần Xuân Sơn làm giám đốc chi nhánh. Sau khi được cơ quan chức năng cấp phép, công ty này đầu tư cơ sở vật chất mở cửa hàng xăng dầu.
Ngày 23/6/2014, Tổ kiểm tra liên ngành của Chi cục quản lý thị trường tỉnh Bình Dương tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh xăng dầu Thái Sơn, phát hiện cửa hàng chưa có hợp đồng đại lý và giấy chứng nhận kiểm định cột đo, đồng thời lấy 1 mẫu xăng A92 gửi đi kiểm nghiệm.
Đến ngày 2/7/2014, kết quả kiểm nghiệm mẫu xăng A92 tại cửa hàng xăng dầu Thái Sơn có trị số octan không đạt chất lượng. Sau đó, QLTT Bình Dương lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với 3.250 lít xăng A92 (không đạt chất lượng) còn tồn trữ tại cửa hàng và 17.228 lít xăng A92 đã bán ra ngoài thị trường, tổng số tiền phạt trên 1,448 tỉ đồng.
Ngay sau đó Ông Đinh Ngọc Hệ đã liên lạc với ông Lê Thanh Cung (lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương), giải trình trong đó mạo nhận số xăng dầu kém chất lượng là của một đơn vị không quân gửi tại cửa hàng xăng dầu để phục vụ mục đích quốc phòng, không bán ra ngoài thị trường, đồng thời xin miễn phạt. Tiếp đó, ông Lê Thanh Cung bút phê ý kiến vào tài liệu xin không bị phạt của phía ông Hệ, Chi cục quản lý thị trường tỉnh Bình Dương tin tưởng xăng quân đội nên không truy xuất tận cùng, không phạt số xăng kém chất lượng nói trên.
Cũng theo nguồn tin này, Đinh Ngọc Hệ đã chỉ đạo cấp dưới lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp quân đội, báo cáo sai sự thật với UBND tỉnh Bình Dương và cơ quan chức năng hợp thức hóa xăng dầu kém chất lượng, nhằm tránh bị xử phạt hành chính. Hành vi của Định Ngọc Hệ cùng đồng phạm gây thất thoát 1,4 tỉ đồng.
Cán bộ Đội kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Dương do tin tưởng vào hồ sơ giải trình của doanh nghiệp, tin tưởng xăng quân đội nên đã không truy xuất nguồn gốc xăng kém chất lượng, chưa làm đúng, chưa làm hết chức trách, nhiệm vụ được giao dẫn đến không phát hiện hành vi vi phạm.
Tuy nhiên quá trình điều tra, cơ quan chức năng không phát hiện động cơ vụ lợi, tiêu cực cá nhân, không có dấu hiệu đồng phạm. Nguyên nhân một phần có ý kiến bút phê của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ông Lê Thanh Cung nên không đủ yếu tố xử lý hình sự. Liên quan tới sai phạm này, cơ quan chức năng đã kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương xử lý nghiêm vi phạm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về công chức, viên chức.
Xuân Duy
Theo Dantri
Người tung tin "gạo cao su" trên Facebook vẫn chưa nộp phạt Ngày 23/1, tin từ lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Cà Mau cho biết, người tung tin thất thiệt "gạo cao su" trên Facebook đến nay vẫn chưa đóng tiền phạt hành chính. Theo lãnh đạo Sở TT&TT tỉnh Cà Mau, chị V.T.H. (SN 1994, ngụ xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) đến nay vẫn...