Tai họa từ… chiếc quần chíp giấy
Tớ vẫn nghe “đồn thổi” rằng quần chíp giấy vô cùng tiện lợi và dễ sử dụng, nào ngờ khi “tiếp cận” với “hắn”, tớ đã “được” cho một kỷ niệm nhớ đời!
Chuyện từ một chuyến du lịch
Tất cả “bi kịch” bắt đầu từ hôm mùng 2 – 9 vừa rồi, khi công ty mẹ tớ tổ chức cho đi chơi Cát Bà 3 ngày. Chưa được “mục sở thị” Cát Bà bao giờ nên đương nhiên là tớ rất háo hức và đồng ý tắp lự khi mẹ hỏi có muốn “bám càng” đi cùng không. Hai mẹ con đã chuẩn bị rất nhiều thứ (chủ yếu là cho tớ thui), riêng tớ còn “đánh lẻ” đi mua thêm 1 bộ đồ bơi “hoa lá cành” nữa cho “phong phú”.
Video đang HOT
Mất bao công chuẩn bị, ấy thế mà ngay trước hôm khởi hành thì tớ lại dính “đèn đỏ”. Chẳng lẽ lại ngậm ngùi ở nhà nhìn chuyến đi biển… “rời xa tầm tay” nên tớ quyết định “sống chung với bão”, vẫn tiếp tục đi, tự nhủ nếu “bí” quá không tắm biển được thì ít ra cũng “vớt vát” cái khoản ngắm cảnh. Nhưng nghĩ đến “thảm cảnh” ngày nào cũng thay đôi ba cái quần chip rồi lại giặt giặt phơi phơi trong khách sạn thì tớ lại thấy oải.
Ngẫm nghĩ chán chê, tớ chợt nhớ ra có lần mấy “nường” lớp tớ bàn tán về quần chíp giấy với “vô thiên lủng” ưu điểm, nào là vừa rẻ vừa gọn, nào là rất tiện lợi khi đi xa không phải giặt giũ, bla bla. Thế là tớ “ba chân bốn cẳng” ra chợ tìm mua ngay “món hàng cứu tinh”. Vừa nghe tớ hỏi, chị bán hàng tạp hóa đã đon đả: “Chíp giấy hả em, có nhiều loại lắm, 15k/bịch 8 cái thôi, em lấy 2 bịch dùng cho thoải mái nhé”. Thấy giá rẻ bất ngờ, tớ “hào phóng” mua liền 3 bịch… cho chắc ăn. Vì sợ mẹ tớ bắt ở nhà nên tớ đã “giấu nhẹm” chuyện “nguyệt san” đi và điềm nhiên “thẳng tiến” Cát Bà.
Đến tai họa bất ngờ
Đúng như tớ “tiên đoán”, vụ “đèn đỏ” đáng ghét đã khiến tớ đành phải ngậm ngùi… đứng trên bờ nhìn sóng biển. May mà phong cảnh ở Cát Bà tuyệt đẹp nên tớ cũng “nguôi ngoai” được phần nào. Suốt mấy ngày đi thăm Rừng quốc gia, thăm đảo thăm vịnh,… tớ đều “sủng ái” triệt để bọn chíp giấy. Quả đúng là tiện lợi thật và tớ hầu như không phải bận tâm tí nào đến vấn đề “thay đồ” cho “cô bé”. 3 ngày “ăn chơi nhảy múa” ở Cát Bà kết thúc cũng là lúc tớ kịp xài hết sạch sành sanh 3 bịch chíp giấy. Sung sướng vì chuyến đi chơi suôn sẻ, tớ còn nghĩ từ giờ trở đi sẽ dùng chíp giấy cho mỗi lần “đèn đỏ”, ngay cả khi không đi chơi xa cho tiện lợi.
Chưa kịp “cập nhật công nghệ mới” cho mẹ tớ thì chỉ 2 ngày sau khi từ Cát Bà về, “tam giác mật” của tớ đột nhiên bị ngứa điên ngứa đảo, “cô bé” xuất hiện những nốt mụn nhỏ màu đỏ, không những thế cả 2 bên “bàn tọa” và vùng thắt lưng cũng ngứa ngáy dữ dội. “Nghi án số 1″ đương nhiên là những chiếc chíp giấy (bởi vì ngứa theo … hình chiếc quần chíp mừ). Thế là dù rất không muốn, tớ đành phải “khai báo” thành thật với mẹ tớ bằng thái độ “tội lỗi” nhất có thể. Sau khi thuyết giảng 1 “bài” cho tớ, rằng thì là mà không được mua đồ linh tinh không nhãn mác ngoài chợ, rằng thì sao “đến tháng” mà không ở nhà, rằng là sao con dám giấu mẹ,… mẹ tớ tức tốc đưa tớ đi khám.
Mặc dù đã “chuẩn bị tinh thần” trước rằng nguyên nhân ngứa là từ chiếc chíp giấy nhưng khi nghe cô bác sĩ nói tớ vẫn… thấy hoảng hồn. Nguyên văn câu kết luận của cô í là như thế này: “Cháu đã bị viêm nhiễm vùng kín vì dùng đồ vệ sinh kém chất lượng, biểu hiện của viêm nhiễm loại này thường là ngứa ngáy khó chịu, ra nhiều khí hư, thậm chí đôi khi mọc những mụn nhỏ. Nếu không chữa trị sớm, có thể bị phát triển thành viêm âm đạo, tắc vòi trứng,…”. Nghe cô ấy nói, tớ sợ quá nhưng vẫn cố thanh minh: “Cháu mua loại chíp giấy có đóng trong bao bì hẳn hoi cô ạ. Với lại cháu chỉ dùng nó cùng với băng vệ sinh trong 2 – 3 tiếng là vứt đi ngay chứ không để lâu”.
“Cháu dùng băng vệ sinh 2 – 3 tiếng rồi bỏ là rất đúng. Tuy nhiên chíp giấy rất dễ gây viêm nhiễm vùng kín do khả năng hút ẩm kém. Cháu mặc loại quần này rồi bị mẩn ngứa, nổi mụn, đó là hiện tượng viêm da do tiếp xúc với sản phẩm gây dị ứng. Chíp giấy là sản phẩm sử dụng ngay, không qua giặt giũ, do đó bắt buộc khâu tiệt trùng vô khuẩn phải vô cùng đảm bảo. Song những loại chip không nhãn mác, không chứng nhận y tế vẫn bày bán tràn lan ngoài chợ mà cháu đã mua thì khả năng đảm bảo vô khuẩn là rất ít. Hơn nữa, đây là loại quần giấy nên rất mỏng, khả năng thấm hút ít nên dễ gây nhiễm khuẩn “vùng kín”. Đặc biệt là nếu mặc trong thời gian có kinh nguyệt thì nguy cơ viêm nhiễm lại càng cao hơn, do đây là thời gian rụng rứng nên dịch tử cung và dịch âm đạo tiết ra nhiều hơn những ngày thường”.
Trong khi tớ còn đang… vừa nghe vừa nghĩ thì mẹ tớ đã hỏi luôn: “Cháu nó bị viêm có nặng không hả cô? Điều trị như thế nào và mất bao lâu?”.
“Cháu bị viêm độ nhẹ thôi chị ạ. Thường thì điều trị bằng đặt thuốc, nhưng do cháu còn nhỏ và chỉ bị viêm nhẹ nên có thể xát thuốc ra bôi vào vùng kín, hàng ngày thêm thuốc uống nữa, sẽ khỏi sớm thôi”.
Quay sang tớ, cô ấy cười nói: “Lần sau, nếu cháu vẫn muốn dùng chíp giấy thì cố gắng tìm mua những loại có nhãn mác đàng hoàng ở siêu thị hoặc cửa hàng lớn. Song loại quần chíp tốt nhất cho “vùng kín”, cả trong những ngày thường lẫn những ngày đèn đỏ vẫn là quần bằng chất liệu cotton đã được giặt sạch sẽ và phơi khô cháu nhé”.
Sau “phi vụ” ấy, tớ phải bôi và uống thuốc một thời gian thì “cô bé” mới khỏe mạnh bình thường trở lại. Dĩ nhiên là từ ấy, tớ cũng nói lời bye bye luôn cả với mấy “em” chíp giấy và chỉ “sủng ái” mấy “em” cotton thui cho an toàn.