Tại Hà Tĩnh: Rượu và bi kịch gia đình
Làng quê nghèo Xuân Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh bao đời êm ấm, nép mình sau lũy tre làng với bạt ngàn hương lúa. Bỗng nhiên một ngày, câu chuyện người con vô tình giết cha xay ra, phá đi sự yên bình ngàn đời…
Chỉ vì “bạo lực gia đình”
Chúng tôi tìm về xã Bắc Sơn trong một ngày mưa xối xả. Căn nhà cấp bốn xập xệ lạnh lẽo của ông bà Dương Văn C, SN 1966, và Lê Thị V, SN 1966, khói hương vẫn còn nghi ngút trên bàn thờ của người xấu số.
Một phụ nữ tiều tụy với vành tang trắng trên đầu bước ra, khuôn mặt vẫn còn nét thảng thốt nhìn chúng tôi bằng ánh mắt vô hồn ráo hoảnh. Bà là vợ của nạn nhân trong vụ án và cũng chính là mẹ của đứa con mang tội tày trời Dương Đình Hân, SN 1995.
Bà kết hôn với ông C vào năm 1987. Sau nhiều năm chung sống, họ sinh được 3 người con, Hân là con trai út. Trước đây, gia đình bà V tuy rất nghèo nhưng hạnh phúc, luôn ngập tràn tiếng cười con trẻ.
Nhưng sự đói nghèo cứ dai dẳng bám riết lấy gia đình bà cũng như dân làng vùng Bắc Sơn. Có lẽ cũng tại cái nghèo mà ông C – chồng bà đâm ra nghĩ quẩn, cục cằn. Rồi ông tìm đến rượu để giải sầu, để quên đi thực tại của gia đình và bản thân. Rồi những cơn say cứ tăng dần lên. Không biết từ bao giờ ông C cứ say là chửi bới và rượt đuổi đánh đập vợ con tàn nhẫn. Những người con đã nhiều lần chứng kiến cảnh bố trở về trong cơn say, rồi thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với mẹ của mình.
Khi tỉnh rượu, hình như ông C cũng ân hận và thương vợ con. Ông hứa với vợ con không say nữa, và lặng lẽ hơn. Cũng chính vì rượu đã khiến ông phải nhập viện nhiều lần. Vì vậy, vòng luẩn quẩn rượu, bệnh tật, nghèo đói cứ bám lấy gia đình ông bà.
Ngôi nhà cấp bốn toềnh toàng đã nghèo lại càng nghèo hơn, hạnh phúc gia đình không còn trọn vẹn, không khí trong nhà nặng nề hơn bởi hình ảnh người cha say xỉn suốt ngày. Mà quái ác là hễ cứ uống rượu vào là ông C mất hết tính người, như một con thú hoang, hết đánh vợ lại chửi con. “Bạo lực gia đình” cứ tiếp diễn từ năm này sang năm khác.
Video đang HOT
Bà V buồn sầu khi nói về bi kịch đau thương của gia đình mình. Ảnh: Thủy Tiên
Lúc 9h sáng 4-8-2012, ông C từ đâu ngật ngưỡng về nhà. Lúc đó bà V đang giặt quần áo, ông C chửi nhưng hình như bà đã quen với việc này nên lặng im. Và có thể sự nhẫn nhịn của vợ càng làm ông nổi điên hơn, ông lao vào bếp cầm lấy con dao dùng thái rau lợn rượt đuổi chém bà.
Biết con ma men đang làm chồng mình mất hết tính người, bà V Hoảng loạn bỏ chạy và kêu cứu, ông C chạy theo chém loạn xạ trong điên loạn. Bà bị chém một nhát vào vai chảy máu, rồi ngã xuống hố nước phía sau nhà.
Lúc này các anh chị đi vắng hết, chỉ còn lại mỗi mình Hân ở nhà. Thấy mẹ bị thương, lo sợ bố có thể gây ra chuyện lớn nên Hân lao ra ngăn ông C lại. Nhưng con ma men càng làm ông C trở nên hung hãn, lao vào đánh luôn cả Hân. Thấy bố như con thú, Hân vớ một chiếc gậy tre dài khoảng 70cm với ý định chống đỡ với con dao trên tay bố mình. Nhưng ông C vẫn lao tới, bổ con dao xuống người vợ, cây gậy tre trong tay Hân cũng vung lên theo phản xạ và trúng vào đầu ông C.
Cú vụt của Hân đã làm ông C gục ngay tại chỗ. Quá hoảng loạn, cả bà V và Hân cùng hô hào hàng xóm đến trợ giúp đưa ông C lên BV đa khoa tỉnh. nhưng do mất nhiều máu, vết thương ở chỗ quá hiểm nên ông C. đã tử vong.
Nỗi đau còn lại
Dương Đình Hân bị CA huyện Thạch Hà ra lệnh bắt khấn cấp. Chiều 5-8-2012, ngày đưa tiễn ông C về nơi an nghỉ cuối cùng cũng là ngày CQCA ra tiếp quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Dương Đình Hân để lại rõ hành vi tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”.
Cả làng ai cũng tiếc thương cho ông C đoản mệnh. Tội nghiệp cho Dương Đình Hân bởi từ trước đến nay Hân là đứa con ngoan. Cũng chỉ vì rượu mà một người chết, một người phải vướng vào lao lý khi tuổi đời còn rất trẻ.
Rồi đây Hân cũng bị pháp luật xử lý nghiêm minh. Nhưng còn sự giày vò, ân hận chắc chắn sẽ theo Hân suốt cả cuộc đời.
Giá như ông C là người cha mẫu mực, chính quyền địa phương mạnh tay, cương quyết hơn với nạn bạo hành gia đình thì nỗi đau này đâu đổ xuống nhà bà V. Và trong mỗi chúng ta, ai cũng sống tốt hơn, có trách nhiệm hơn với gia đình của mình thì chắc chắn, những bi kịch này không thể xay ra.
Theo PLXH
Vụ sập tường làm 3 công nhân tử vong: Nỗi đau người ở lại
Vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào khoảng 15 giờ ngày 22/6 tại Công ty may LEOJIN (Khu công nghiệp Đồng Văn, huyện Duy Tiên, Hà Nam) khiến 7 công nhân bị trọng thương, hiện đã có 3 người tử vong. Trong số các nạn nhân, có những người là lao động chính, khiến gia đình họ gặp vô vàn khó khăn.
Ngày định mệnh
Ngày 26/6, chúng tôi tìm đến những gia đình có người thân gặp nạn trong vụ sập tường Công ty may LEOJIN, chứng kiến một không khí ảm đạm, tang thương đến nao lòng. Phần lớn các nạn nhân tử vong và bị trọng thương còn rất trẻ, trong đó có nhiều người là trụ cột gia đình. Tại gia đình nạn nhân Nguyễn Thị Thoa (SN 1973, trú ở xã Đại Cương, huyện Kim Bảng, Hà Nam), khi tiếp xúc với chồng và hai con đang học tiểu học của chị chúng tôi được biết hoàn cảnh của chị rất khó khăn. Trước khi đi làm ở Công ty LEOJIN, cuộc sống của vợ chồng chị Thoa chỉ trông vào mấy sào ruộng. Thấy cuộc sống vất vả, anh Chiến - chồng chị Thoa đã mở quán sửa chữa điện tử để tăng thêm thu nhập, còn chị Thoa thì xin vào làm công nhân tại xưởng cắt của Công ty LEOJIN, thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng.
Anh Chiến và các con bên di ảnh người vợ xấu số.
Ảnh: Khánh Hào
Từ ngày vợ mất, anh Chiến cứ như người mất hồn, ngồi thơ thẩn bên di ảnh vợ. Nhìn hai đứa con thơ của chị Thoa vẫn hồn nhiên đùa nghịch chạy quanh bàn thờ mẹ, nhiều người không cầm được nước mắt. Anh Chiến nghẹn ngào: "Khoảng 3 giờ 30 chiều 22/6, tôi nhận được tin vợ bị tai nạn đang cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam nên vội cùng người thân tìm đến. Tuy nhiên, khi đến nơi thì vợ tôi đã tử vong trước đó ít giờ đồng hồ. Chẳng biết trong thời gian tới mấy bố con sống thế nào nữa".
Một nạn nhân khác là chị Nguyễn Thị Hạnh (SN 1981, trú tại xã Bạch Hạ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cũng có hoàn cảnh khá éo le. Chồng chị Hạnh mới mất cách đây 2 năm, để lại trên đôi vai gầy của chị 2 đứa con nhỏ dại. Cuộc sống của 3 mẹ con bữa no, bữa đói, chị Hạnh đã gửi các con cho bố mẹ đẻ trông nom rồi xin vào làm công nhân tại xưởng cắt. Mới làm được ít tháng thì chị đã gặp phải tai nạn lao động và tử vong. "Thương hai đứa nhỏ lắm các chú ạ, giờ đây chúng mất cả cha lẫn mẹ, không hiểu mấy đứa trẻ sẽ sống ra sao", một người thân của chị Hạnh ngậm ngùi.
Có lẽ, trong số những nạn nhân xấu số, gia đình anh Bùi Quốc Hương (SN 1979, trú tại xã Yên Bắc, Duy Tiên, Hà Nam) có hoàn cảnh đáng thương nhất. Anh Hương sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mất sớm, mẹ anh ở vậy nuôi 3 người con. Điều đáng nói, hai người anh của anh Hương, một người bị chất độc da cam, một người bị dị tật bẩm sinh. Do vậy, anh Hương đã sớm phải bươn chải kiếm sống để phụ giúp mẹ lo cho các anh trai.
Năm 2011, anh Hương lập gia đình với chị Đặng Thị Thúy (SN 1984). Hằng ngày chị Thúy đi làm việc tại xưởng may của Công ty LEOJIN, còn anh Hương làm thuê cho cửa hàng cơ khí gần nhà. Trước khi vụ tai nạn xảy ra, thương vợ đang mang thai tháng thứ 8, anh Hương đã nghỉ việc ở cửa hàng cơ khí và xin vào Công ty LEOJIN để tiện đưa đón vợ đi làm. Nhưng mới làm được 5 ngày thì anh Hương gặp nạn và tử vong.
Sai đến đâu, xử đến đó
Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Trần Thị Thuần (mẹ anh Hương) cho biết cuộc đời bà chịu quá nhiều đắng cay. Sinh được 3 người con thì chỉ có Hương là tỉnh táo và là trụ cột của gia đình. Bà Thuần nức nở: "Do công việc nhà nông khó khăn, Hương phải làm đủ mọi công việc để kiếm tiền lo cho cả gia đình. Thấy vợ sắp đến ngày sinh mà vẫn phải tự đi đến Công ty nên Hương đã làm đơn xin vào xưởng cắt của Công ty để hai vợ chồng đưa đón, chăm sóc nhau. Không ngờ mới vào làm được 5 ngày thì con tôi đã mãi mãi ra đi. Mấy hôm trước Hương còn, động viên tôi cố giữ gìn sức khỏe để còn chăm cháu nội, vậy mà...".
Nghe mẹ chồng kể, chị Thúy khóc nấc lên. Chị Thúy cho biết, chị làm bên xưởng may, chồng chị làm bên xưởng cắt nên chỉ cuối giờ làm việc thì hai vợ chồng mới được gặp nhau. "Khoảng 16 giờ, khi tôi đang làm việc thì một tiếng động rất mạnh bên xưởng cắt nên chạy sang, khi ấy tôi thấy toàn bộ bức tường ngăn giữa xưởng may và kho chứa nguyên liệu bị đổ sập. Lúc biết chồng là một trong những nạn nhân của vụ sập tường, tôi đã ngất đi".
Trao đổi về vụ việc trên, Thiếu tướng Nguyễn Văn Khuông- Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam cho biết: "Bức tường ngăn giữa xưởng may và kho chứa nguyên liệu cao khoảng 2 mét, phần sập dài khoảng 12 mét. Nguyên nhân sập tường có thể do khối lượng vải ở phía kho tương đối nhiều, gây sức ép lên bức tường. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Công an tỉnh Hà Nam đã nhanh chóng huy động lực lượng phối hợp với các cơ quan liên quan có mặt giải quyết kịp thời. Phía Công ty cũng tập trung vào công tác cứu hộ, cứu nạn, hiện họ đã hỗ trợ cho những gia đình có nạn nhân tử vong 20 triệu đồng. Sáng 23/6, lãnh đạo công ty này cũng đã đi động viên thăm hỏi gia đình các nạn nhân. Cơ quan Công an đang khẩn trương xác minh, sai đến đâu sẽ xử lý đến đó".
Theo Giadinh.net
"Sao ba năm rồi mẹ vẫn chưa ngủ dậy?" Sau thảm họa chìm đò trên sông Gianh (xã đảo Quảng Hải, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), làm chết 42 người vào sáng ngày 30 Tết Kỷ Sửu, người ta đổi tên làng này thành làng "mồ côi"... Ngày định mệnh Sáng sớm 30 Tết Kỷ Sửu, người dân sống hai bên bờ sông Gianh thuộc hai xã Quảng Thanh và Quảng Hải...