Tái đàn lợn, Bộ trưởng NNPTNT đề nghị doanh nghiệp làm “hạt nhân”
Sáng 26/12, tại hội nghị triển khai một số giải pháp thúc đẩy sản xuất đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, các doanh nghiệp sẽ phải trở thành “hạt nhân” trong việc tái đàn, chăn nuôi an toàn sinh học.
Nhiều nơi đang tái đàn hiệu quả
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi đã được kéo giảm tới mức xuống thấp nhất. Dự báo hết tháng 12/2019, số lợn buộc tiêu hủy là khoảng 40.000 con, giảm 74% so với tháng 11/2019 và giảm 97% so với tháng 5/2019 (tháng cao điểm dịch bệnh, cả nước buộc phải tiêu hủy tới hơn 1,27 triệu con lợn).
Ngay khi dịch bệnh xảy ra, trước nguy cơ thiếu thực phẩm, Bộ NNPTNT đã chủ động phát triển chăn nuôi gia cầm, gia súc lớn và thủy sản, do vậy tổng sản lượng các loại thực phẩm trong năm 2019 đã tăng hơn 726.000 tấn so với năm 2018.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT nhìn nhận, sản lượng thịt lợn cả năm 2019 ước đạt khoảng 3,3 triệu tấn, giảm 13,5% so với năm 2018 (bao gồm giảm khoảng 9% do thiệt hại bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi và gián tiếp do chưa tái đàn).
Hiện ở nhiều nơi đã có sản phẩm thịt lợn từ quá trình tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Hải Đăng
Video đang HOT
Theo số liệu của Cục Thú y, tổng đầu lợn cả nước hiện còn khoảng 25 triệu con, trong đó đàn nái là 2,7 triệu con; các doanh nghiệp tập trung nhiều nguồn lực đầu tư giữ đàn lợn cụ kỵ, ông bà, hiện còn khoảng 109.000 con (90%); do đó cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu nhân giống phục vụ tái đàn lợn.
Nhiều địa phương đã chỉ đạo tái đàn lợn có kết quả tốt như Hưng Yên, Hải Dương, Phú Thọ, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bình Định, Đồng Nai… Cả nước đã có 860 vùng, cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh và hàng chục doanh nghiệp chăn nuôi lớn bảo đảm an toàn sinh học.
Theo lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang, đến nay tỉnh đã có 221 xã qua 30 ngày không có dịch tả lợn châu Phi. Trên địa bàn tỉnh duy trì 2 cơ sở cung cấp giống gốc để cung ứng con giống cho các hộ đủ điều kiện tái đàn, nhờ đó đến nay Bắc Giang đã có 63.000 lợn nái, 900.000 lợn thịt. Dự kiến đến tháng 6/2020 Bắc Giang sẽ có trên 1,1 triệu con lợn. Riêng dịp Tết Nguyên đán, người chăn nuôi trong tỉnh sẽ cung ứng 37.000 – 38.000 tấn thịt các loại.
Trong khi đó, bà Hoàng Thị Tố Nga – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Nam Định cho biết, kiểm đếm trong từng hộ dân vào tháng 8/2019, toàn tỉnh có tổng số 167.000 con lợn thịt, trọng lượng gần 14.000 tấn; đàn gia cầm tăng 14,6%, thuỷ sản tăng 10%. Với tình hình này Nam Định không thiếu thịt nhưng giá sẽ vẫn tăng.
Đề nghị doanh nghiệp lớn bắt tay làm chuỗi
Chia sẻ thông tin tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Tuế – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho biết, Dabaco vẫn luôn bán lợn hơi với giá thấp hơn thị trường và đang cùng với một số doanh nghiệp lớn khác như C.P tham gia bình ổn giá. Hiện C.Pcó đàn lợn thịt 230.000 con, lợn nái tăng 7%.
Đại diện Masan thì đề nghị Bộ NNPTNT đứng ra kết nối các công ty, doanh nghiệp chuyên về chăn nuôi như C.P, Dabaco với doanh nghiệp chế biến để hình thành các chuỗi. Nếu có chuỗi này, giá thịt lợn ngoài chợ sẽ khó nhảy vọt lên 200.000 đồng/kg như hiện nay mà có thể thấp hơn, cũng như không xảy ra tình trạng găm hàng, thổi giá.
Đồng tình với ý kiến này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nói: Nếu các doanh nghiệp lớn như C.P, Masan, Mavin, Green Feed, Dabaco cùng bắt tay nhau làm ăn theo chuỗi thì sẽ không có chuyện giá lợn hơi tăng phi mã như hiện nay. Nguồn cung để phục vụ tái lợn hiện tương đối dồi dào, nhiều nơi đã có sản phẩm tái đàn và sau tháng 1 đàn lợn sẽ tăng lên rõ rệt, thời gian tới giá chắc chắn sẽ bớt nóng.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Ngành thịt lợn trong thời gian qua đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào chuỗi như Công ty C.P, Masan… “Trong tái đàn chăn nuôi, doanh nghiệp là “hạt nhân” với vai trò vừa là người dẫn dắt giá, vừa là nơi cung cấp con giống, quy trình kỹ thuật an toàn sinh học. Hiện 109.000 con giống cụ kỵ và 2,7 triệu lợn nái tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp lớn, có vai trò quyết định đến chăn nuôi tập trung, quy mô lớn và an toàn” – Bộ trưởng nêu rõ.
Theo Danviet
85% số xã của 9 tỉnh qua 30 ngày không có ổ dịch tả lợn châu Phi
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV về tình hình dịch tả lợn châu Phi và phương án tái đàn nhằm đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho những tháng cuối năm 2019, đầu năm 2020.
Mức độ thiệt hại đã giảm
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: "Nếu như tháng 6 là tháng đỉnh điểm, chúng ta phải tiêu hủy tới 1,2 triệu con lợn thì đến tháng này, chỉ còn dưới 400.000 con. Cho đến nay, chúng ta có 60% số xã qua 30 ngày dịch không còn vòng trở lại. Đây là một tín hiệu vui, trong đó có 9 tỉnh có trên 85% số xã qua 30 ngày không có dịch quay trở lại. Tại tỉnh Hưng Yên - tỉnh đầu tiên phát hiện dịch, đến nay, 100% số xã không còn, không có dịch quay trở lại".
Người dân tái đàn ở những nơi đảm bảo an toàn sinh học để đủ nguồn cung thực phẩm cho cuối năm. Ảnh: Tư liệu
Kết quả này có được là nhờ vào việc chúng ta đã hoàn toàn chủ động các chính sách ứng phó. Ngay sau khi xảy ra dịch, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng ngay cơ chế chính sách và liên tục được điều chỉnh theo tình hình thực tế. Đặc biệt, Thủ tướng đã nhắc yêu cầu chuẩn bị sẵn để kịch bản sau này hết dịch còn tăng đàn.
"Đến nay, hầu như các doanh nghiệp lớn và những hộ tuân thủ tuyệt đối chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học đều giữ được đàn. Chúng tôi về thăm Khoái Châu (Hưng Yên) cách đây khoảng 3 tuần, ở đây có khoảng 30 hộ nuôi 3.000 - 4.000 con lợn/hộ nhưng không hề bị dịch, do bà con tuân thủ tuyệt đối an toàn sinh học từ khâu thức ăn, con giống, người ra vào. Ngay cả khi đi nhận tiền mua bán thịt về, chủ trang trại còn phải xử lý tia cực tím. Dịch bệnh nguy hiểm nhưng nếu đồng lòng xử lý triệt để thì vẫn có thể ngăn chặn được" - ông Cường thông tin.
Về phương án bù lại thịt lợn, không để thiếu thực phẩm cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, về tổng thể, nguồn thực phẩm cung cấp cho thị trường không thiếu hụt. "Chúng ta mất 8,5% sản lượng thịt lợn. Nếu bằng mọi giải pháp tập trung, chúng ta có thể không để xảy ra thiếu hụt. Tuy nhiên, về vấn đề giá cao, việc này cũng phải thông cảm do bây giờ giá thành sản xuất cao hơn" - ông Cường nói.
Tổ chức tháng tiêu độc khử trùng
Bộ trưởng Bộ NNPTNT vừa có chỉ thị yêu cầu lãnh đạo các địa phương, ngành chức năng triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trong vụ đông xuân.
Chỉ thị nêu rõ, theo báo cáo tình hình dịch bệnh và kết quả giám sát các loại mầm bệnh nguy hiểm vẫn còn lưu hành ở mức cao tại nhiều địa phương trên cả nước. Nhận định vào các tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020 (vụ đông xuân), nguy cơ dịch bệnh xảy ra là rất cao.
Vì vậy, Bộ NNPTNT yêu cầu, UBND các tỉnh, Sở NNPTNT, các địa phương chỉ đạo tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các văn bản của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, của Bộ NNPTNT; rà soát, tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm phòng, trong đó chú ý các khu vực có ổ dịch cũ, các địa bàn có nguy cơ cao và địa phương bị ảnh hưởng lớn về thời tiết.
Đồng thời, các địa phương phải đồng loạt tổ chức thực hiện Tháng tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất từ ngày 1/11 - 1/12 tại các khu vực từng xuất hiện ổ dịch, khu vực sau lũ lụt, khu vực chăn nuôi mật độ cao, các chợ, cơ sở buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm.
Chấn chỉnh công tác thú y tại tuyến huyện, tuyến xã; đặc biệt chú trọng khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh, báo cáo số liệu dịch bệnh theo đúng quy định; tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép ra, vào Việt Nam.
Theo Danviet
Hậu dịch tả lợn châu Phi: Nhà nông loay hoay tìm cách tái đàn Chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát tốt dịch bệnh và tái đàn lợn ở những nơi phù hợp là những khuyến cáo của Bộ NNPTNT để khôi phục lại ngành chăn nuôi lợn sau một thời gian chống chọi với dịch tả lợn châu Phi. Khó khăn chưa từng có Kể từ thời điểm tháng 2/2019, khi những ổ dịch tả...