Tái cơ cấu nông nghiệp: Không chạy theo số lượng
Hơn 10 năm qua, nông nghiệp luôn đạt được tốc độ tăng trưởng cao, trung bình hàng năm tăng 5,4% về giá trị. Tuy nhiên, tỷ trọng nông nghiệp trong tổng GDP cả nước đang có xu hướng giảm dần qua các năm. Năm 2010, chiếm 24,5% GDP nhưng năm 2012 chỉ còn 21,6%. Giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng như lúa gạo, thủy sản, cà phê, đồ gỗ… tăng qua các năm, nhưng năng suất, thu nhập của nông dân lại giảm qua từng thời kỳ. Ngành nông nghiệp đang đối mặt với tăng trưởng chậm.
Nền nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với một loạt khó khăn
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách (Viện Chiến lược và phát triển nông nghiệp, nông thôn) dẫn chứng: “Năng suất lao động của nông dân Việt Nam thấp hơn cả Lào và Campuchia, khả năng huy động quỹ đất đã đến ngưỡng khi đất nông nghiệp đang san sẻ bớt cho công nghiệp, dịch vụ, chất lượng đất cũng sụt giảm do sử dụng quá đà phân bón, thuốc trừ sâu”. Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, với xu thế phát triển chung, ngành nông nghiệp đang đối mặt với không ít thách thức: Nhu cầu sử dụng các sản phẩm nông nghiệp tiếp tục tăng nhưng hướng đến chất lượng, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, an ninh sinh học….
Mặc dù Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản mạnh, nhưng chất lượng và VSATTP vẫn gây nhiều bức xúc trong xã hội, cản trở nông sản Việt thâm nhập thị trường thế giới. Tỷ lệ nông sản xuất khẩu bị từ chối và bị liệt vào danh sách phải kiểm soát chặt chẽ tại các nước là khá cao. Có tồn tại này theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, những năm qua, chúng ta quá chú trọng vào số lượng mà chưa quan tâm đến chất lượng. Nông nghiệp vẫn chưa nhận được sự đầu tư đúng mức. Vốn đầu tư của xã hội vào lĩnh vực nông nghiệp giảm từ 13,8% năm 2000 xuống còn 6% vào năm 2012. Đặc biệt, đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm từ 8% năm 2001 xuống còn chưa đầy 1% trong năm 2012. Trong khi vốn đầu tư đã ít, việc phân bổ vốn đầu tư trong ngành nông nghiệp lại mất cân bằng, chiếm đến 84,1% (giai đoạn 2006-2010) được đầu tư vào thủy lợi để trồng lúa.
“Không thể phát triển một nền nông nghiệp bền vững nếu chỉ dựa mãi vào việc độc canh cây lúa. Cũng không thể giữ mãi cách đầu tư như bấy lâu, dồn tiền đầu tư thủy lợi chỉ để phục vụ trồng lúa”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định.
Video đang HOT
Theo ông Cao Đức Phát, những khó khăn trực tiếp của ngành nông nghiệp cần được giải quyết bằng những biện pháp căn cơ, bao quát mang tính hệ thống hơn. “Nền nông nghiệp cần xây dựng những guồng máy để làm ra các sản phẩm cụ thể, tái cơ cấu nông nghiệp chính là điều chỉnh các guồng máy để làm ra sản phẩm đạt mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. Quan trọng không phải số lượng sản phẩm”. Tất cả các ngành từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… đều phải cơ cấu lại. Đất lúa không nhất thiết chỉ để trồng lúa, tùy theo nhu cầu thị trường có thể điều chỉnh sang trồng các loại cây khác…
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Bộ NN&PTNT đã hoàn thiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trình Chính phủ. Tăng đầu tư cho ngành nông nghiệp giai đoạn 2011-2015 lên 239.400 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 tăng lên 478.800 tỷ đồng. Chuyển dịch cơ cấu đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, giảm đầu tư thủy lợi, tăng đầu tư nông nghiệp và thủy sản. Giữ ổn định 3,8 triệu ha đất lúa với tổng sản lượng hàng năm đạt 45 triệu tấn, trong thủy sản, tôm được xem là sản phẩm chiến lược giai đoạn tới…
Theo ANTD
4 Bộ trưởng được đề xuất trả lời chất vấn tuần tới
Đoàn thư ký kỳ họp vừa gửi tới các đại biểu danh sách các bộ trưởng được đề xuất trả lời chất vấn. Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son.
Danh sách cụ thể Đoàn Thư ký chuyển tới đại biểu, ngoài 4 Bộ trưởng này còn có Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình.
Các đại biểu được đề nghị chọn 4 trong số 5 vị này để chất vấn trực tiếp tại hội trường vào tuần tới (từ 12-14/6).
Sau phần đăng đàn của 4 Bộ trưởng, trưởng ngành được chọn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ báo cáo làm rõ thêm các vấn đề được đại biểu cùng cử tri quan tâm và trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Cao Đức Phát, Phạm Thị Hải Chuyền được đề xuất "ngồi ghế nóng" trong kỳ họp này (ảnh: Việt Hưng).
Đoàn Thư ký cũng chuẩn bị một số nhóm vấn đề gợi ý để tổ chức chất vấn.
Cụ thể, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát sẽ trả lời về biện pháp khắc phục, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp gắn với giải quyết việc làm, tăng xuất khẩu nông sản. Nhóm vấn đề thứ 2 dành cho người đứng đầu ngành nông nghiệp là là cơ chế chính sách hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, ông Phát còn phải chuẩn bị nội dung về công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thức ăn chăn nuôi để hạn chế tiêu cực và thúc đẩy sản xuất.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son được đề xuất giải trình về trách nhiệm đối với việc quản lý thông tin các trang mạng xã hội của tổ chức và cá nhân, biện pháp đấu tranh, hạn chế khắc phục. Đoàn thư ký cũng gợi ý thêm vấn đề vai trò quản lý của Bộ về thị trường truyền thông, quản lý tần số, an ninh mạng...
Giải pháp tăng cường phát huy mặt tích cực của công tác tuyên truyền về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, công tác quản lý nhà nước về báo chí để hạn chế tiêu cực như đưa tin sai sự thật, giật gân... cũng nằm trong nhóm vấn đề dành cho Bộ trưởng Son.
Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao & Du lịch Hoàng Tuấn Anh cũng được dự kiến ba nhóm vấn đề liên quan đến khắc phục tồn tại về sự "xuống cấp" đạo đức, văn hóa trong xã hội, hạn chế trong công tác bảo tồn tôn tạo di tích lịch sử văn hóa...
Nhóm vấn đề dành cho Viện Trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình được đề xuất trả lời về tình hình thực hiện nghị quyết của Quốc hội về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm gắn với trách nhiệm của ngành.
Ngoài ra, Đoàn Thư ký kỳ họp cũng dự kiến nhiều vị Bộ trưởng, trưởng ngành khác tham gia phiên chất vấn với tư cách những người "chia lửa" trong phần chất vấn của các Bộ trưởng được chọn. Như vậy, phiên chất vấn tới đây sẽ hội tụ gần như đầy đủ các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các cơ quan khác của khối tư pháp...
Danh sách 4 Bộ trưởng và Viện trưởng VKSND tối cao được đề xuất trả lời chất vấn kỳ này cũng chưa hẳn đã "khép" lại. Quyết định cuối cùng sẽ do chính lựa chọn, ý kiến, đề xuất của các đại biểu được tổng hợp sau việc Đoàn thư ký gửi phiếu xin ý kiến này. Rất nhiều vấn đề "nóng" đang được dư luận và các đại biểu quan tâm như giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, gói cứu trợ 30.000 tỷ đồng dành cho bất động sản... vẫn "rộng cửa" chất vấn. Các Bộ trưởng đã đăng đàn tại kỳ họp trước vẫn hoàn toàn có thể tiếp tục trả lời chất vấn kỳ này
Theo Dantri
1/2 số người thất nghiệp là thanh niên Hơn 73 triệu thanh niên đang thất nghiệp trên toàn thế giới và tình hình có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn; 50% số người thất nghiệp Việt Nam là thanh niên - đây là những thông tin ảm đạm trong báo cáo xu hướng việc làm toàn cầu cho thanh niên 2013 do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công...