Tài chính tiêu dùng đẩy mạnh cơ cấu nợ cho khách hàng cá nhân ảnh hưởng dịch Covid-19
Để hỗ trợ cho khách hàng gặp khó khăn vì bị mất việc làm hoặc thu nhập giảm sút do ảnh hưởng bởi Covid-19, các công ty tài chính đã đẩy mạnh tái cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ và giãn thời gian trả nợ cho khách hàng.
Cơ cấu nợ cho khoản vay nhỏ, lẻ
Dù Việt Nam đã khống chế thành công, nhưng dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới nhiều ngành, nghề khiến hàng ngàn lao động bị mất việc, qua đó khiến nhiều khoản nợ vay tiêu dùng khó trả đúng hạn buộc các công ty tài chính. Để hỗ trợ khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng bởi Covid-19, các tổ chức tín dụng đã tái cơ cấu nợ, giảm lãi vay cho khách hàng.
Ông Lee Ja-Yong, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Tài chính Mirae Asset (Việt Nam) – Mirae Asset Finance Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, công ty đã đẩy mạnh cơ cấu nợ cho khách hàng trong mùa dịch Covid-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Đến thời điểm hiện nay, Mirae Asset Finance Việt Nam đã cơ cấu nợ cho 1.200 khách hàng; giãm lãi cho 1.445 khách hàng. Tổng số tiền Công ty tái cơ cấu, hỗ trợ cho khách hàng là 12 tỷ đồng.
“Lúc đầu, Công ty dự tính sẽ hỗ trợ khách hàng từ tháng 3/2020 đến cuối tháng 6/2020, nhưng giờ kéo dài đến hết tháng 8/2020″, Lee Ja-yong cho biết thêm.
Tương tự, ngay từ ngày 14/3/2020, Công ty tài chính HD SAISON đã triển khai hàng loạt chính sách thiết thực như miễn, giảm lãi vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng.
Đây được coi là nỗ lực của HD SAISON nhằm chung tay cùng toàn xã hội khắc phục hậu quả của Covid-19 trong khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng chịu thiệt hại lớn suốt thời gian qua.
Tính tới giữa tháng 5/2020, HD SAISON đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 1.000 khách hàng với tổng số dư nợ hơn 3 tỷ đồng, miễn giảm lãi suất cho hơn 1.000 khách hàng với tổng số dư nợ là gần 14 tỷ đồng.
Được biết, chính sách này sẽ tiếp tục được duy trì và Công ty đang tiếp nhận số lượng lớn đơn xin hỗ trợ miễn, giảm lãi suất và cơ cấu khoản vay từ khách hàng.
Video đang HOT
Trong khi đó, nhằm bảo vệ các khoản cho vay mới, FE Credit chọn cắt giảm doanh số ở phân khúc khách hàng rủi ro cao, ưu tiên người dùng hiện có với chất lượng tín dụng tốt nhằm tăng chất lượng tài sản.
Bên cạnh đó, đơn vị còn tập trung nguồn lực để đẩy mạnh thu hồi nợ, sử dụng các công cụ giảm thiểu rủi ro, tập trung vào nhóm người dùng phân khúc ít rủi ro với các điều chỉnh hợp lý trong chính sách cho vay. Các hoạt động cụ thể cho từng nhóm khách hàng cũng được công ty triển khai, mang đến kết quả kinh doanh khả quan trong quý I/2020.
Tăng cường kiểm soát nợ xấu
Lãnh đạo NHNN cho biết, trong điều hành tín dụng, bám sát diễn biến dịch Covid-19, NHNN kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đảm bảo chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng khôi phục nhanh chóng sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, theo NHNN, dưới tác động của dịch Covid-19, do cầu tín dụng tăng thấp, đến ngày 29/5/2020, tín dụng tăng 1,96% so với cuối năm 2019. Còn đến ngày 16/6, tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng lên mức 2,13% so với đầu năm nay, chỉ bằng 1/2 so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2019 tín dụng ngành ngân hàng tăng 5,7%), do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Về cơ cấu tín dụng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho hay, tín dụng nông thôn tăng 0,3% so với đầu năm nay; tín dụng xuất khẩu tăng 4,94% (6 tháng đầu năm 2019 tín dụng xuất khẩu tăng trên 10% trong); tín dụng lĩnh vực công nghệ tăng 2,92% so với đầu năm; công nghiệp phụ trợ 2,27%; doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 0,7% và tín dụng tiêu dùng cũng giảm.
Với các công ty tài chính, ông Lee Ja-Yong cho biết, 5 tháng đầu năm nay, Mirae Asset Finance Việt Nam giải ngân 2.370 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cuối năm 2019. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên Công ty cũng đã thận trọng trong việc kiểm soát rủi ro.
“Mục tiêu giải ngân hàng Công ty có thay đổi sau khi đại dịch xảy ra, tình hình kinh doanh tháng 4-5/2020 cũng bị ảnh hưởng bởi dịch. Kế hoạch tăng trưởng đưa ra năm nay của Công ty khó có thể đạt được, nhưng chúng tôi đang cố gắng để thể đạt 90% kế hoạch năm”, ông Lee Ja-Yong nói.
Cũng theo ông Lee Ja-Yong, với chủ trương giảm cho vay tiền mặt đối với công ty tài chính theo quy định mới của NHNN, Công ty chuyển sang đẩy mạnh cho vay liên kết với các điểm bán. Mirae Asset Finance Việt Nam có định hướng mở 8.000 điểm dịch vụ với các điểm bán để giảm thiểu rủi ro và giải ngân có mục đích rõ ràng.
Trong khi đó, để phát triển bền vững, FE Credit chọn tập trung phục vụ nhu cầu của khách hàng thông qua quy trình tự động hóa. Qua Covid-19, quá trình số hóa diễn ra nhanh hơn, thích nghi với các hoạt động “bình thường mới” và phục vụ người tiêu dùng sau dịch.
Hệ thống cho phép đơn vị lựa chọn phân khúc khách hàng ít rủi ro hơn với các sản phẩm phù hợp. Sau khi hoàn thành sẽ giúp FE Credit tự động hóa tất cả các tương tác với người dùng, cải thiện trải nghiệm của họ và đảm bảo hiệu quả về chi phí, thời gian tiếp cận thị trường của sản phẩm.
Đối với lĩnh vực tài chính tiêu dùng nói riêng, công ty đặt niềm tin vào triển vọng phát triển và khả năng cải thiện chất lượng tài sản của ngành, khi nền kinh tế tăng tốc trở lại.
Thực tế, lợi nhuận biên (NIM) trong cho vay của công ty tài chính tăng tương đối tốt so với ngân hàng, tuy nhiên trong năm 2020, lợi nhuận biên của công ty tài chính khó tránh ảnh hưởng do dịch bệnh. Mặt khác, công ty tài chính sẽ ảnh hưởng bởi sự siết chặt giải ngân bằng tiền mặt của NHNN.
Đồng thời, sự cạnh tranh cho cho vay tiều dùng cũng khá gay gắt. Lâu nay các ngân hàng chủ yếu cho vay tiêu dùng là mua nhà và ô tô, nhưng gần đây ngân hàng lại quan tâm cả cho vay điện máy…
Đáng chú ý, lãnh đạo NHNN đưa ra khuyến cáo, tỷ lệ nợ xấu của ngành sẽ tăng do tác động của dịch covid-19. Cơ quan quản lý đưa ra tỷ lệ kiểm soát nợ xấu đối với tỷ lệ không quá 5,5%.
Lãnh đạo các công ty tài chính cũng thừa nhận, nợ xấu đối với tín dụng tiêu dùng sẽ tăng lên trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng sẽ không quá nghiêm trọng.
Tài chính tiêu dùng bắt tay hỗ trợ cá nhân vay vốn
Thu nhập sụt giảm, nhiều cá nhân vay tiêu dùng mất khả năng thanh toán và đứng trước nguy cơ rơi vào nợ xấu. Các công ty tài chính tiêu dùng đã tung ra các gói hỗ trợ khách hàng, song giới chuyên gia khuyến cáo, người vay nên chủ động tìm phương án tài chính, tránh tình trạng nợ xấu.
Cá nhân khi vay vốn nên tính toán sao cho tiền gốc và lãi phải trả hàng tháng chỉ chiếm 30% tổng thu nhập, để tránh rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán.
Mất khả năng trả nợ vì dịch bệnh
Anh Nguyễn Đình Quân, nhân viên phụ trách mảng dịch vụ visa, hộ chiếu của một công ty xuất khẩu lao động tại Hà Nội cho biết, từ sau Tết đến nay, 80% nhân viên công ty anh đã được thông báo nghỉ việc không lương, chưa biết bao giờ mới được gọi đi làm trở lại. Không có thu nhập, trong khi khoản vay 50 triệu đồng mua xe máy và máy vi tính trả góp vẫn phải trả gốc và lãi đều đặn làm anh lo lắng.
Không riêng anh Quân, dịch bệnh kéo dài 4 tháng qua đã khiến gần 5 triệu lao động cả nước mất việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, thu nhập giảm sút. Trong số này, có rất nhiều người đang vay tiêu dùng và thế chấp bằng khoản thu nhập hàng tháng. Mất việc, giảm thu nhập đồng nghĩa với khả năng trả nợ đúng hạn trở nên rất khó khăn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận định, trong bối cảnh hiện nay, sự hỗ trợ của ngân hàng, công ty tài chính là rất cần thiết đối với người vay. "Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi suất... là phao cứu sinh với nhiều khách hàng lúc này. Theo tôi, các ngân hàng, công ty tài chính nên xem xét cơ cấu nợ, giãn nợ cho khách vay tiêu dùng ít nhất 3-6 tháng. Với người vay, để tránh rơi vào tình trạng nợ xấu, cần chủ động tìm đến các công ty tài chính, ngân hàng để chứng minh thiệt hại do Covid-19 và đề nghị được hỗ trợ", ông Hiếu nói.
Trên thực tế, thời gian qua, ngoài ngân hàng, rất nhiều công ty tài chính tiêu dùng đã chủ động trích một phần lợi nhuận để đưa ra các gói hỗ trợ người vay. Chẳng hạn, trong tháng 4/2020, Công ty Tài chính TNHH một thành viên Mirae Asset (Việt Nam) (MAFC) đưa ra gói hỗ trợ tài chính 10 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng đang vay vốn gặp khó khăn trong việc thanh toán khoản vay trong mùa Covid-19.
Trong khi đó, từ tháng 3/2020 đến nay, FE Credit đã giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất cho gần 185.000 khách hàng. Theo lộ trình, trong thời gian sắp tới, số khách hàng được hỗ trợ giãn nợ sẽ lên đến 250.000 khách hàng. Đại diện FE Credit chia sẻ, việc cắt giảm lãi suất và tái cơ cấu nợ cho các khách hàng sẽ khó tránh khỏi tác động tới lợi nhuận, song đây được xem là giải pháp phù hợp nhất, bởi FE Credit hiểu rằng, khách hàng là cốt lõi và đồng hành cùng khách hàng là tìm kiếm sự vươn lên trong bối cảnh khó khăn.
Đánh giá hoạt động cho vay có trách nhiệm của các công ty tài chính, song TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, công ty tài chính cũng là doanh nghiệp, nên sự hỗ trợ chỉ có giới hạn. Vấn đề cốt lõi nhất để khách hàng không rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, nợ xấu... là phải giúp doanh nghiệp phục hồi, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.
Tránh nghĩa vụ trả nợ sẽ càng rơi vào "bẫy" nợ xấu
PGS-TS. Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, Covid 19 xảy ra cho thấy vai trò rất lớn của giáo dục tài chính cá nhân. Trên thực tế, nhiều cá nhân khi vay vốn đã không tính toán kỹ phương án trả nợ, tiêu dùng quá mức, dẫn tới khả năng rơi vào nợ xấu. Covid-19 xảy ra khiến tình trạng này thêm trầm trọng.
Theo tư vấn của các chuyên gia tài chính, cá nhân khi vay vốn nên tính toán sao cho tiền gốc và lãi phải trả hàng tháng chỉ chiếm 30% tổng thu nhập, để tránh rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Tuy nhiên, nếu đã rơi vào tình trạng này, người vay cần bình tĩnh liệt kê lại các món nợ, các kỳ hạn trả nợ sắp đến và lập ra phương án xoay xở, cố gắng trả nợ đúng hạn để không bị chuyển nhóm nợ.
"Công ty tài chính hỗ trợ khách hàng, song khách hàng cũng cần có thiện chí trả nợ đúng hạn, không nên lợi dụng Covid-19 để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Việc thực hiện thanh toán đúng thời hạn không chỉ giúp khách hàng tránh lãi phạt, phí phạt, mà còn duy trì được điểm tín dụng tốt, từ đó có cơ hội vay vốn rẻ trong tương lai", Tổng giám đốc một công ty tài chính khuyến cáo.
Biện pháp lâu dài nhất để khách hàng sử dụng vốn vay hiệu quả, có kế hoạch chi tiêu và phương án trả nợ rõ ràng, có kỷ luật tài chính, theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàngNhà nước), là phải đặc biệt coi trọng vấn đề giáo dục tài chính cá nhân cho người lao động.
Cũng theo ông Hòe, các công ty tài chính, các tổ chức tín dụng nên công bố điểm tín dụng cá nhân cho người vay, tích hợp các yếu tố tính điểm chuẩn để gia tăng trách nhiệm người vay và khuyến cáo khách hàng không vay bằng mọi giá. Có trách nhiệm với khoản vay chính là cách giúp khách hàng nâng điểm tín dụng, có cơ hội tiếp cận vốn lãi suất thấp hơn, hạn mức cao hơn.
FE Credit đầu tư hệ thống xử lý hơn 1 triệu cuộc gọi/ngày Công ty tài chính tiêu dùng FE Credit hôm nay (7/4) công bố nâng cấp hệ thống chăm sóc khách hàng có thể đáp ứng hơn 1 triệu cuộc gọi /ngày. Genesys Enage (Mỹ) là đơn vị cung cấp giải pháp này Cụ thể, hiện nay, hệ thống công ty có thể xử lý xấp xỉ 10.000 cuộc gọi đến và 1,7 triệu...