Tai biến sản khoa: đừng đổ lỗi tại vô tình
Liên tiếp gần 10 ca tử vong mẹ con do tai biến sản khoa chỉ trong một tháng vừa qua. Đáng chú ý trước khi vào viện, các cặp mẹ con đáng thương này đều có một thai kỳ mạnh khỏe.
Một cuộc chuyển dạ mẹ tròn con vuông có quá khó giữa thời đại y học tiến bộ này? – Ảnh: T.T.D.
Đã có ba trong số kết luận nguyên nhân tử vong (tại TP.HCM, Hưng Yên và Đồng Nai) là do thuyên tắc ối, một tai biến khó cứu ngay cả ở nước ngoài. Nhưng lật lại hồ sơ các ca tai biến sản khoa thời gian qua để thấy không hoàn toàn do vô tình.
Những cái kết đau lòng
Trong báo cáo ngày 3/5/2012 gửi Bộ Y tế về trường hợp tử vong mẹ con sản phụ N.T.M.H. (39 tuổi) vào Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi hôm 21/4, cho thấy thời điểm vào viện ngoài tình trạng ra máu âm đạo, sức khỏe sản phụ H. hoàn toàn bình thường. Chẩn đoán lúc vào viện là thai 36 tuần dọa đẻ non, theo dõi tiền sản giật/vết mổ cũ đã 5 năm.
Nhập viện một ngày, sản phụ H. vẫn tỉnh táo. Nhưng khoảng bốn giờ sau đó, đến 0h35 ngày 23/4, bệnh nhân đau đầu, chóng mặt, huyết áp, mạch tăng vọt, tiền sản giật nặng. Đến 5h ngày 23/4 mạch, huyết áp tiếp tục tăng cao. Đến 5h30 huyết áp tiếp tục ở mức cao, tim thai khó nghe, vết mổ ấn tức, phiên trực thống nhất chẩn đoán theo dõi nứt vết mổ cũ, tiền sản giật đe dọa sản giật.
Sản phụ được chuyển mổ 20 phút sau đó, kết quả mổ ra bé gái cân nặng 1.700 gam, thở thoi thóp và chết sau năm phút hồi sức, mẹ bé được chẩn đoán vỡ tử cung dọc theo vết mổ cũ, vỡ bàng quang, rách cổ tử cung, rách âm đạo, tiền sản giật nặng và đã tử vong hôm 30/4.
Nhìn bức ảnh anh B.A.C., chồng sản phụ N.T.T.T. (ở huyện Thống Nhất, Đồng Nai) bế cậu con trai còn đỏ hỏn đã mồ côi mẹ khó ai cầm được nước mắt. Trước đó hôm 2-5, sản phụ T. sinh con trai ở Bệnh viện Cao su Đồng Nai và tử vong sau đó do băng huyết, mất nhiều máu kéo dài và không phục hồi.
Theo kết luận của hội đồng chuyên môn Sở Y tế Đồng Nai, trong khi sinh sản phụ gặp biến chứng gây mất máu, nếu được xử trí kịp thời sẽ cầm được máu, tránh được tử vong, nhưng tai biến xảy ra, người nhà bệnh nhân mới được yêu cầu chạy đi… mua máu cách đó vài kilômet!
Đầu tháng 5/2012, trong lần siêu âm gần nhất trước lúc sinh, chị N.T.H. (25 tuổi, Hà Nội) nhận được kết quả tiên lượng từ bệnh viện chuyên khoa sản ở Hà Nội: con chị sẽ nặng 4kg. Với vóc người vừa phải, gia đình đinh ninh chị sẽ phải chờ mổ đẻ. Song bác sĩ lại chỉ định đẻ thường. Quá trình chuyển dạ bắt đầu gặp khó khăn khi đầu em bé quá to có thể không lọt vừa khung chậu của người mẹ. Đến khi cố đưa em bé ra ngoài, vai bé sơ sinh nặng cân cố choài ra nhưng mắc kẹt rồi… bị gãy. Kết quả sau sinh cho thấy em bé cân nặng thực lên đến 4,8kg, bệnh án bác sĩ ghi “gãy vì vai to”.
Chủ yếu diễn ra ban đêm
Theo thống kê của Vụ Bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), tỉ lệ tử vong mẹ/100.000 trẻ đẻ sống ở VN đang ở mức 69 ca/100.000 trẻ đẻ sống. So với năm 2002, tỉ lệ này đã giảm mạnh (năm 2002 lên đến 165 ca tử vong mẹ/100.000 trẻ đẻ sống). Nhưng VN vẫn đang là nước có tỉ lệ tử vong mẹ vào loại cao nhất thế giới. Vì sao vậy?
Video đang HOT
Phải chăng do thiếu tiền?
Đánh giá của nhiều chuyên gia thì do địa hình hiểm trở, y tế cơ sở thiếu thốn, tập quán người vùng cao còn lạc hậu, bà con muốn sinh con ngoài rừng, sinh tại nhà đã khiến tỉ lệ tai biến sản khoa nhiều vùng ở mức cao.
Bà Lưu Thị Hồng, phó vụ trưởng Vụ Bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), cho hay từ năm 2009 đến nay ngân sách chi cho chín nội dung, trong đó nội dung làm mẹ an toàn và chăm sóc sinh sản chỉ vỏn vẹn vài trăm triệu đồng/địa phương/năm. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng sự bất hợp lý, thậm chí lạc hậu trong bố trí nhân lực, phân công ca kíp của ngành y tế VN, sự yếu kém của y tế cơ sở mới là yếu tố chính dẫn đến tai biến y tế, nhất là tai biến sản khoa nhiều đến như vậy.
Khảo sát năm 2011 của Bộ Y tế tại 30 bệnh viện trực thuộc (trong đó có 27 bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1) cho thấy 93% bệnh viện được khảo sát tổ chức trực 24/24 giờ, phân bổ nhân lực chủ yếu vào ban ngày. Thời điểm này trung bình một điều dưỡng phải chăm sóc trực tiếp 6,5 người bệnh, nhưng điều dưỡng làm đêm phải chăm sóc 23 người bệnh.
“Việc phân bổ như trên cho thấy tỉ lệ người bệnh/1 điều dưỡng quá cao, dẫn đến quá tải công việc đặc biệt tại các khoa cấp cứu, khoa ung bướu, chăm sóc ban đêm, không an toàn cho cả người bệnh và nhân viên y tế”, báo cáo này cho hay. Và có lẽ trùng hợp với nhận xét này, hầu hết các ca tai biến sản khoa xảy ra trong một tháng qua chủ yếu diễn ra vào ban đêm.
“Từ nay đến cuối năm không chết mấy nữa đâu”!
Câu trả lời vô tiền khoáng hậu trên là từ một quan chức của Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế, khi được hỏi về lý do dồn dập xuất hiện tai biến sản khoa thời gian qua. Theo quan chức này, các ca tử vong thời gian qua phải nhận xét từ sai sót của cả hai phía: bệnh viện và sản phụ.
“Có biết các sản phụ tử vong đều sinh con thứ ba, hai con đầu đều là gái, cố đẻ con thứ ba không? Phía sản phụ cũng có lỗi, nhưng tế nhị chúng tôi không muốn nói. Lỗi từ phía bệnh viện cũng có nhưng là những lỗi nhỏ. Đừng có hỏi nguyên nhân tại đâu, từ ai, quan điểm đó là không xây dựng”, quan chức này thản nhiên cho hay.
Vẫn theo khảo sát tại 30 bệnh viện của Bộ Y tế, đang có nhiều sai sót về chuyên môn được cho là chuyện bình thường tại bệnh viện. Trong đó có việc người nhà bệnh nhân đang được “nhường” việc chăm sóc cho bệnh nhân, kể cả những việc chuyên môn như thay chai truyền dịch, bóp bóng, cho ăn qua ống thông, trong khi những bất cẩn do thiếu chuyên môn đều có thể dẫn đến tai nạn cho bệnh nhân.
Trở lại các báo cáo tử vong mẹ – con trong một tháng gần đây, điều dễ nhận thấy nhất là không có phần giải trình trách nhiệm. Người ta chỉ thấy một báo cáo “đẹp”: bệnh viện đã làm hết trách nhiệm và bệnh nhân tử vong là ngoài mong muốn. Những điều người ta muốn được thấy, như có hay không chậm trễ trong chẩn đoán và xử trí, trách nhiệm thuộc về khâu nào, ca kíp nào, lý do tại sao… lại hoàn toàn thiếu vắng.
Rất khó xác định được trách nhiệm trong các tai biến y khoa nói chung và sản khoa nói riêng, ngoại trừ có một hội đồng chuyên môn độc lập, đủ mạnh và đủ chuyên môn để đánh giá, nhưng thật khó để có một hội đồng như thế!
Luật khám chữa bệnh có hiệu lực thực hiện từ năm 2011 đã quy định bệnh viện mua bảo hiểm nghề nghiệp cho thầy thuốc, tiến tới có những hội đồng độc lập từ bên thứ ba xác định trách nhiệm của các bên, nhưng đến giờ vẫn chưa có bệnh viện nào triển khai. Lý do được nói đến vẫn là tiền. Nhưng an toàn và trách nhiệm với người bệnh thì chưa thấy đề cập.
Theo Lan Anh – Ngọc Hà
Tuổi trẻ
Không khuyến khích sản phụ thai to đẻ thường
Liên quan đến ca tử vong vì thai to do sinh thường, PGS.TS Vũ Bá Quyết, PGĐ BV Phụ sản TƯ, cho rằng: "Tại viện, đã có thai phụ đẻ thường con nặng 4,6-4,8kg. Nhưng chúng tôi không khuyến khích những ca đó đẻ thường vì tiềm ẩn quá nhiều hiểm nguy.
PGS.TS Vũ Bá Quyết, PGĐ BV Phụ sản TƯ
PGS.TS Vũ Bá Quyết cũng trao đổi với phóng viên Dân trí xung quanh một số ca tai biến sản khoa gần đây.
Thưa ông, chỉ trong một thời gian ngắn mà liên tiếp có đến 6 ca tai biến sản khoa khiến mẹ chết, con nguy kịch (thậm chí tử vong). Ông đánh giá như thế nào về con số này?
Như Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc BV Phụ sản TƯ đã từng nhận định, đó hoàn toàn có thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Còn về tai biến sản khoa, đó là một nguy cơ luôn rình rập người phụ nữ. Các cụ cũng từng nói "chửa cửa mả" tức là nói đến những nguy cơ hiểm nguy thậm chí mất cả tính mạng của thai phụ trong quá trình vượt cạn.
Hiện nay, các tai biến sản khoa không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà trên thế giới, cũng có những tai biến tương tự. Tại Việt Nam, 5 tai biến sản khoa Bộ Y tế công nhận và cảnh báo, đó là tai biến chảy máu, nhiễm trùng, sản giật, vỡ tử cung và uốn ván ối. Đến nay, 5 tai biến này vẫn luôn được cảnh báo và chưa có gì thay đổi nhiều, chỉ có 2 tai biến có xu hướng giảm xuống là uốn ván ối và nhiễm trùng do chương trình tiêm chủng uốn ván cho thai phụ được thực hiện tốt và ngày càng có nhiều loại thuốc kháng sinh tốt.
Còn 3 tai biến còn lại vẫn rất nhiều, đặc biệt nổi lên 2 tai biến là chảy máu và vỡ tử cung. Nhất là tai biến chảy máu, là xu hướng tai biến sản khoa của tất cả các nước. Tại nước ta, đã có ca tai biến sản khoa mất máu phải truyền đến 60 lít máu. Còn ở viện tôi, các ca phải tuyền 20 - 30 đơn vị máu rất nhiều. Đó là những tai biến chỉ có thể giải quyết ở các bệnh viện lớn, gần ngân hàng máu.
Vì sao tai biến chảy máu ngày càng có xu hướng tăng lên, thưa ông?
Tai biến chảy máu có những trường hợp dù đẻ ở viện đầu ngành, ở các nước tiên tiến trên thế giới cũng không tránh khỏ. Xưa các cụ đẻ con thường dưới 3kg, giờ thì những "bé bự" 4kg - 4,5kg rất nhiều. Những ca này hoàn toàn có nguy cơ chảy máu kể cả đẻ thường hay đẻ mổ. Vì thai to, tử cung giãn căng quá gây đờ tử cung, tử cung không thể co lại được, máu chảy. Mặc dù hiện nay có nhiều loại thuốc tốt , kỹ thuật mổ tốt nhưng có những trường hợp, tử cung vẫn đờ, vẫn chảy máu.
Ngoài ra, gần đây người ta nói đến tắc mạch ối. Đâu là một tai biến bất khả kháng, đột ngột, không tiên lượng trước được bởi trong quá trình chuyển dạ, vì lý do nào đó gây tăng áp lực trương lực cơ gây vỡ ối, máu và nước ối tràn vào tuần hoàn người mẹ gây sốc phản vệ.
Ngoài những tai biến trên, ông có thể nói rõ hơn tai biến do thai to?
Tại sao có tai biến thai to? Có người thai 2kg không đẻ thường được, có trường hợp 4kg vẫn sinh thường. Điều đó phụ thuộc vào việc tiên lượng cuộc đẻ của bác sĩ. Người bác sĩ phải khám thai, theo dõi, hỏi tiền sử, khám khung chậu của người mẹ, tiên lượng về cân nặng của thai nhi qua siêu âm, ước lượng lâm sàng, thai trên 3,5kg là thai to.
Liên quan đến cân nặng thai nhi, việc ước lượng cân nặng thai nhi trên lâm sàng cũng có những xác suất nhất định. Ngay tại viện chúng tôi, nhiều ca được bác sĩ khám và chỉ định đẻ thường vì ước tính cân nặng thai nhi chỉ khoảng 3kg, nhưng khi sinh ra lại 4kg. Có những trường hợp bụng mẹ to như thai đôi, tưởng thai to trên 4kg chỉ định mổ thì khi sinh ra, em bé lại chỉ nặng 3kg.
Ông có cho rằng, một phần nguyên nhân tai biến do áp lực cũng như tâm lý bác sĩ muốn bệnh nhân sinh thường?
Bác sĩ sản nói chung, tâm lý ai cũng muốn bệnh nhân đẻ thường vì nó tốt nhất cho mẹ và em bé. Nhưng với những thai to trên 3kg, bác sĩ bất cứ tuyến nào không dại gì cố đỡ đẻ, bắt bệnh nhân đẻ thường. Tai biến thai to này liên quan đến việc tiên lượng cân nặng thai, do bác sĩ không tiên lượng thai to. Còn nếu tiên lượng 4kg thì chắc chắn họ đã mổ. Vì thế phải theo dõi sát trong cuộc đẻ. Nếu cổ tử cung không tiến triển, đầu thai nhi không xuống thì chỉ định mổ. Tại viện có những ca đẻ thường 4, 6 - 4,8kg, nhưng đây là những trường hợp không tiên lượng con nặng đến vậy, còn không khuyến khích đẻ thường những trường hợp này vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Ảnh minh họa
Tỷ lệ mổ đẻ ở viện ông là bao nhiêu? Sau các ca tai biến này, có nhiều sản phụ xin mổ đẻ không thưa ông?
Tại viện tôi, tỷ lệ mổ đẻ là gần 50%. Nói nôm na ở Hà Nội, cứ hai người phụ nữ thì một người có vết mổ đẻ.
Tâm lý vào viện, sản phụ nào đau đẻ cũng xin mổ. Viện tôi cũng vậy, nhưng không phải ca nào xin cũng mổ vì mổ đâu có an toàn hơn đẻ thường, mổ cũng có tai biến của nó. Nhưng có điều, tai biến do mổ ít bị người nhà sản phụ "thắc mắc", kiện cao hơn các tai biến do đẻ thường.
Tỷ lệ mổ đẻ tại viện tôi là rất cao, dù Ban giám đốc luôn cố gắng siết chặt tỷ lệ này. Thời gian này, số ca mổ đẻ có vẻ tăng 1 - 2% ở những đối tượng lo lắng quá, ở những người thai to trên 3,5kg.
Còn hiện tại, do tâm lý, lượng thai phụ từ các tỉnh từ Hà Nam, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... lên thẳng tuyến trên khám đông hơn. Vì thế tỷ lệ xin mổ cũng tăng nhưng khi có ca xin mổ, chúng tôi luôn có bác sĩ kiên trì giải thích, tư vấn để sản phụ yên tâm theo dõi, nếu có vấn đề gì sẽ mổ ngay. Chúng tôi giải thích thì đa phần người bệnh nghe vì viện chúng tôi có uy tín, có phương tiện, máy móc theo dõi, đánh giá, tiên lượng... nếu đau đã có phương pháp giảm đau.
Thai phụ cũng không nên quá lo lắng tới các tai biến và cần theo dõi quá trình mang thai ở các cơ sở y tế chuyên khoa. Sau những sự việc xảy ra đã cảnh báo cho các bệnh viện, các cơ sở y tế cần quan tâm đến bệnh nhân. Vì thế bệnh nhân không nên quá lo lắng đổ xô lên trung ương khám, ào ào xin mổ đẻ. Vì không gì tốt nhất bằng đẻ thường.
Là bệnh viện tuyến đầu ngành, là Trung tâm đào tạo, ông có nhắn nhủ gì tới các bác sĩ sản tại viện cũng như tuyến cơ sở?
Đã là bác sĩ luôn phải trao dồi chuyên môn, tự rút kinh nghiệm cho bản thân sau mỗi trường hợp và phải luôn đọc sách, nâng cao năng lực chuyên môn. Không bác sĩ nào có thể tự nói mình giỏi vì nghề y rất đặc thù, mỗi bệnh nhân là mỗi hoàn cảnh, bệnh lý khác nhau. Vì thế, bác sĩ phải luôn luôn tự học, tự rút kinh nghiệm qua chính những bệnh nhân mình đã khám, chữa cho họ mới có thể nâng cao trình độ của mình.
Xin cảm ơn ông!
Hồng Hải (thực hiện)
Theo Dân trí
Phòng tránh tai biến sản khoa: Siêu âm liên tục là đủ? Vì là thủ tục bắt buộc trước khi nhập viện sinh nở nên thực tế các xét nghiệm máu, nước tiểu... cũng thường chỉ được thực hiện ở thời điểm này. Còn trước đó, thai phụ chỉ quan tâm siêu âm ở đâu, càng nhiều càng tốt và tin rằng vậy là đủ... Trong cả thai kỳ, chỉ cần siêu âm 3-4 lần...