Tách các Tổng công ty phát điện khỏi các tập đoàn sau cổ phần hóa
Các Tổng công ty phát điện sẽ được xem xét tách ra khỏi các Tập đoàn sau khoảng 2 năm kể từ khi được cổ phần hóa.
Kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Đề án Tái cơ cấu ngành điện giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thống nhất chủ trương cổ phần hóa các Tổng công ty phát điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).
Đến năm 2018, các Tổng công ty phát điện vẫn trực thuộc các Tập đoàn và do các Tập đoàn nắm giữ cổ phần chi phối.
Theo đó, giai đoạn đến năm 2018, các Tổng công ty phát điện vẫn trực thuộc các Tập đoàn và do các Tập đoàn nắm giữ cổ phần chi phối. Tuy nhiên, cần xem xét, bổ sung thêm nội dung về việc giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần xuống dưới mức chi phối. Kế hoạch tách các Tổng công ty phát điện ra khỏi các Tập đoàn sẽ được xem xét khi có đánh giá kết quả hoạt động của các Tổng công ty phát điện sau khoảng 2 năm kể từ khi được cổ phần hóa.
Thủ tướng cũng đã giao Bộ Công Thương nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến hoàn thiện Đề án Tái cơ cấu ngành điện giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025.
Trong đó lưu ý, thị trường bán buôn điện cạnh tranh và tái cơ cấu ngành điện phải bảo đảm mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh của ngành điện, gắn với việc tiếp tục chuyển đổi hoạt động theo cơ chế thị trường, tăng cường tính công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh trong điều kiện hội nhập quốc tế.
Các biện pháp thực hiện phải góp phần bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển mọi mặt kinh tế – xã hội của đất nước, tuyệt đối không để xảy ra các rủi ro thiếu điện do vấn đề thể chế và cơ chế hoạt động của ngành điện.
Video đang HOT
Thủ tướng lưu ý, các giải pháp tái cơ cấu ngành điện trong giai đoạn tới cần xem xét có lộ trình phù hợp với tiến độ của thị trường bán buôn điện cạnh tranh, đồng thời có xem xét đến việc chuẩn bị cho phát triển thị trường bán lẻ điện tiếp trong giai đoạn tiếp theo.
Tái cấu trúc ngành điện phải đảm bảo thu hút đầu tư nguồn lực hợp lý trong xã hội tham gia vào ngành điện, trong đó Nhà nước nắm giữ 100% hoạt động truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia, xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh.
Thủ tướng yêu cầu bổ sung, cập nhật trong Đề án các số liệu hiện trạng ngành điện đến hết năm 2015 kể cả về hạ tầng, mô hình tổ chức và hoạt động của thị trường phát điện cạnh tranh; rà soát, bổ sung thêm số liệu về quy hoạch phát triển ngành điện tại các mốc năm 2020 và 2025.
Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, cùng EVN rà soát thêm nội dung về cổ phần hóa các Tổng công ty điện lực hoặc các công ty điện lực trực thuộc, trong đó rà soát thêm phương án chỉ cổ phần hóa khâu bán lẻ, không cổ phần hóa khâu phân phối điện.
Đồng thời, Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương nghiên cứu, rà soát về tổ chức quản lý nhà nước đối với hoạt động của ngành điện tại Bộ để đề xuất, hoàn thiện bộ máy tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động của ngành điện.
Bộ Công Thương chú trọng công tác liên quan đến triển khai thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, giám sát cung – cầu điện hệ thống điện quốc gia và các vùng, miền; tăng cường công tác dự báo nhu cầu điện; rà soát, tính toán cơ cấu nguồn điện hợp lý có xem xét kỹ về phát triển năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường đối với nguồn nhiệt điện than./.
Theo_VOV
"Siêu" Ủy ban quản lý vốn Nhà nước: Tham vọng lớn, giám sát thế nào?
Dự thảo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thành lập Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp đang thu hút dư luận.
Dự thảo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thành lập Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp đang thu hút sự chú ý của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều. Với việc trực tiếp quản lý tới 30 tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn, sự ra đời của "siêu" ủy ban này được kỳ vọng sẽ ngăn được tình trạng vốn nhà nước đang bị hao mòn như hiện nay. Tuy nhiên, còn nhiều dấu hỏi lớn về tính khả thi và hiệu quả của mô hình này, nhất là giám sát như thế nào, khi trao quá nhiều quyền lực cho một ủy ban như thế này?
"Siêu" ủy ban nhằm thúc đẩy quá trình cổ phần hóa
Lâu nay, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn trực thuộc các bộ chủ quản. 9 tập đoàn kinh tế và 21 tổng công ty thuộc sự quản lý của các Bộ gồm: Công Thương, Tài chính, Giao thông Vận tải, Xây dựng... tổng tài sản ước khoảng 2,2 triệu tỷ đồng, tức là gần 100 tỷ USD.
Mô hình này đang cho thấy nhiều bất cập. Bởi các cơ quan chủ quản vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước lại vừa đại diện chủ sở hữu, chẳng khác nào "vừa đá bóng vừa thổi còi". Những lợi ích kinh tế to lớn từ các tập đoàn, tổng công ty này là một trong những lý do khiến các cơ quan chủ quản chần chừ hoặc không muốn cổ phần hóa. Thế nhưng khi thua lỗ mất vốn nhà nước thì không truy được trách nhiệm cụ thể.
Với việc thành lập Ủy ban quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ không còn là "con cưng" của các bộ chủ quản nữa mà thuộc quản lý của cơ quan chuyên trách. Theo dự thảo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, Ủy ban này là cơ quan trực thuộc Chính phủ, trực tiếp thực hiện quyền chủ sở hữu, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn và tài sản nhà nước tại 30 tập đoàn, tổng công ty, bao gồm cả Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Đồng thời, ngăn chặn trường hợp doanh nghiệp nhà nước rót vốn hàng nghìn tỷ đồng, nhưng thua lỗ như đạm Ninh Bình, gang thép Thái Nguyên, Xơ sợi Đình Vũ...
Ông Nguyễn Tú Anh - Trưởng ban Chính sách Kinh tế Vĩ mô (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương) cho biết: "Muốn đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa này thì phải nhanh chóng tách quyền lợi của bộ chủ quản ra khỏi doanh nghiệp nhà nước. Việc lập Ủy ban sẽ thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, giảm số lượng doanh nghiệp, nhà nước chỉ nắm 1 số doanh nghiệp quan trọng về an ninh quốc phòng hoặc tư nhân chưa tham gia được. Tuy nhiên, phải có cơ quan giám sát quyền lực của ủy ban này chứ không thể biến thành "siêu bộ" lại làm chậm quá trình cổ phần hóa. Khó nhất là cơ chế hoạt động như thế nào."
Giám sát thế nào để đảm bảo không nảy sinh tiêu cực
Sở dĩ gọi đây là "siêu" Ủy ban bởi cơ quan này nếu được thành lập sẽ quản lý tất cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn. Các chuyên gia cho rằng sẽ có nhiều thách thức đặt ra. Ủy ban này quản lý vốn lên cả trăm tỷ đô la Mỹ, lại được phép duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh của 30 tập đoàn, tổng công ty làm dấy lên mối lo "siêu quyền lực", "siêu độc quyền". Trong khi, các doanh nghiệp này thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, thì liệu Ủy ban này có đủ năng lực để phê duyệt và đảm bảo bảo toàn và tối đa hóa giá trị vốn đầu tư và tài sản nhà nước theo phương thức đầu tư hay không.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì lo ngại, với trọng trách lớn và nhiều quyền lực như vậy thì giám sát thế nào để đảm bảo không nảy sinh tiêu cực: "Quản lý nguồn lực quá lớn, phức tạp vì có nhiều tập đoàn, tổng công ty nhiều ngành nghề khác nhau, quy mô vốn lớn. Các tập đoàn, tổng công ty hoạt động còn nhiều yếu kém thua lỗ. Quản lý đòi hỏi phải có năng lực. Có lẽ phải tính thêm về mặt chức năng, quy mô lớn thế đòi hỏi nhân lực thế nào, gắn với hiệu quả hoạt động. Lớn như thế thì giám sát thế nào là một vấn đề lớn. Bây giờ không thể nào trở lại câu chuyện bộ chủ quản được. Nhưng lập ủy ban như thế nào thì phải có bàn luận nghiêm túc có giải pháp tin cậy."
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đang đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn theo hướng thu gọn còn khoảng 200 doanh nghiệp nhà nước. Trong khi đó, 30 doanh nghiệp nằm trong danh mục đưa về Ủy ban quản lý đa phần đều thuộc diện phải cổ phần hóa, thoái vốn thời gian tới, rồi đưa về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Vậy đến năm 2020, khi doanh nghiệp nhà nước giảm dần về số lượng thì việc lập ra Ủy ban như vậy có cần thiết không, hay lại tạo ra sự chồng chéo với SCIC, vốn đang thực hiện việc quản lý và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Chưa kể, việc thành lập Ủy ban này có thể làm chậm tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn. Bởi, quá trình chuyển đổi, tách doanh nghiệp nhà nước ra khỏi Bộ chủ quản sẽ mất nhiều thời gian, nên những đơn vị chưa muốn cổ phần hóa có thể lấy lý do chuyển đổi sang Ủy ban để dừng lại, nghe ngóng.
Ông Đặng Quyết Tiến nói: "Nếu mô hình này ra đời cách đây 10 năm thì hoàn toàn phù hợp vì khi đó khối lượng DNNN của ta còn rất nhiều và rất cần có một bộ máy để quản lý, đôn đốc. Theo lộ trình cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020 và sau 2020 thì khối lượng DNNN đã sắp xếp cơ bản rồi, có còn phải một bộ máy cồng kềnh hay không, đấy là cái chúng ta cần phải tính. Mô hình kinh nghiệm của Trung Quốc họ cũng ra một ủy ban nhưng sau đấy thì người ta nhận thấy để quá lâu mô hình ủy ban sẽ dẫn đến độc quyền và trì trệ, dẫn đến lại phải sắp xếp lại. Do đó, cuối cùng Uỷ ban đó được sắp xếp lại theo hướng tách hết chức năng chủ sở hữu ra dưới mô hình công ty đầu tư vốn. Vì vậy, điều quan trọng là nên chọn mô hình nào cho hợp lý."
Việc xây dựng một mô hình quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty là vô cùng cấp bách, trong bối cảnh, khối doanh nghiệp Nhà nước luôn trong tình trạng thua lỗ, mất vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng, khiến dư luận bức xúc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù lựa chọn mô hình nào cũng phải đảm bảo tính khả thi, thúc đẩy được quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, bảo toàn và phát huy giá trị vốn đầu tư và tài sản nhà nước. Đặc biệt là phải có cơ chế giám sát đủ mạnh và chặt chẽ, nếu không nguy cơ độc quyền hay làm méo mó thị trường là mối lo có thể nhìn thấy trước.
Việt Hà
Theo_VOV
Các ông lớn nói gì về siêu bộ quản lý 5 triệu tỉ đồng? Phương án lập "siêu bộ" quản lý các doanh nghiệp nhà nước đang có nhiều ý kiến trái chiều. Như tin đã đưa, Bộ KH&ĐT vừa công bố dự thảo nghị định về việc thành lập Ủy ban Quản lý, Giám sát vốn và tài sản Nhà nước (gọi tắt là ủy ban) đối với 30 tập đoàn, tổng công ty thay vì...