Tắc vòi trứng: triệu chứng âm thầm, biến chứng nguy hiểm
Vòi trứng là ống dẫn noãn từ buồng trứng tới tử cung, có một đầu hở mở vào ổ bụng để đón noãn còn đầu kia thông với buồng tử cung.
Noãn và tinh trùng sẽ kết hợp tại vòi trứng tạo thành trứng đã thụ tinh, sau đó mới di chuyển vào buồng tử cung và làm tổ.
Tắc vòi trứng là gì
Vòi trứng là ống dẫn noãn từ buồng trứng tới tử cung, có một đầu hở mở vào ổ bụng để đón noãn còn đầu kia thông với buồng tử cung. Noãn và tinh trùng sẽ kết hợp tại vòi trứng tạo thành hợp tử, sau đó mới di chuyển vào buồng tử cung và làm tổ. Tắc vòi trứng một bệnh phụ khoa không hiếm gặp ở nữ giới. Tắc vòi trứng (tắc đường ống dẫn trứng) là tình trạng vòi trứng bị hẹp, hoặc tắc hoàn toàn, cản trở việc tinh trùng gặp trứng và sự di chuyển của trứng về tử cung sau khi thụ tinh.
Ảnh minh họa.
Nguyên nhân tắc vòi trứng
- Nguyên nhân bẩm sinh: Vòi trứng bị chít hẹp có thể là do bẩm sinh (gây thiếu hụt cả một phần hay cả vòi trứng), tuy nhiên trường hợp này rất hiếm.
- Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do nhiễm khuẩn (phổ biến nhất là vi khuẩn lậu), mà đầu tiên là những nhiễm khuẩn ở âm đạo, cổ tử cung. 15% số phụ nữ bị nhiễm khuẩn lậu ở cổ tử cung tuy không thể hiện triệu chứng nhưng đã phát triển thành viêm vòi trứng cấp mà hậu quả là chít hẹp hoặc tắc vòi trứng. Đơn giản là nhiễm khuẩn đường sinh dục thường có xu hướng lan dần từ dưới lên trên, trong đó các bệnh lây lan qua đường tình dục cũng được xem là tác nhân chuyển tải nhiễm khuẩn đi lên. Vi khuẩn theo tinh trùng khi quan hệ tình dục, qua cổ tử cung để vào tử cung và lan lên 2 vòi trứng.
- Trong một số ít trường hợp, nhiễm khuẩn 2 vòi trứng có thể xảy ra do viêm ruột thừa hoặc nhiễm khuẩn huyết nặng chứ không phải do lây truyền qua đường tình dục. Hoặc có thể hẹp tắc vòi trứng là do biến chứng co kéo, dính tạng sau phẫu thuật như mổ ruột thừa… gây ra.
Video đang HOT
Tắc vòi trứng không có biểu hiện rõ ràng, các dấu hiệu tắc vòi trứng dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các triệu chứng bệnh lý khác. Đa phần mọi người không phát hiện được triệu chứng tắc vòi trứng, mà chỉ phát hiện ra khi thực hiện thăm khám. Một số triệu chứng có thể gặp trong bệnh lý tắc vòi trứng như:
- Kinh nguyệt không đều: Có nhiều nguyên nhân khiến chu kì kinh nguyệt bị rối loạn như: stress, sử dụng thuốc, bị u nang buồng trứng, hội chứng buồng trứng đa nang,… Và tắc vòi trứng cũng có thể gây ra tình trạng kinh nguyệt không đều. Tuy nhiên nhiều trường hợp tắc vòi trứng chu kỳ kinh nguyệt vẫn không bị rối loạn.
- Bụng dưới khó chịu cũng có thể là dấu hiệu tắc vòi trứng: Bị đau bụng âm ỉ hay quằn quại, sưng cứng bụng… nhiều người thường nghĩ đó là vấn đề về đường tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu là phụ nữ xuất hiện kèm với chứng đau lưng, đi tiểu nhiều lần, tiểu dắt… thì cũng nên nghi ngờ đó là triệu chứng bệnh tắc vòi trứng.
- Triệu chứng khác: Tăng dịch tiết âm đạo, đau khi giao hợp, rối loạn chức năng tiêu hóa, mệt mỏi… cũng có thể là triệu chứng của tắc vòi trứng.
Hậu quả của tắc vòi trứng
Khó thụ thai khi bị tắc vòi trứng:
Điều này là dễ hiểu khi ống dẫn trứng đóng vai trò quan trọng: vận chuyển tinh trùng, thụ tinh với trứng và vận chuyển trứng thụ tinh đến tử cung. Khi ống dẫn trứng bị tắc, hoặc bị tổn thương thì chức năng này sẽ bị liên lụy. Hơn nữa, vòi trứng bị viêm tắc cũng có thể ảnh hưởng đến cơ chế rụng trứng, làm cho khả năng thụ thai thành công giảm đi. Về lâu dài, nguy cơ vô sinh hiếm muộn ở phụ nữ là hệ quả tất yếu.
Chửa ngoài tử cung:
Thông thường noãn và tinh trùng sẽ kết hợp tại vòi trứng tạo thành trứng đã thụ tinh rồi di chuyển vào buồng tử cung và làm tổ. Nếu vòi trứng bị tắc cho trứng đã gặp tinh trùng nhưng không thể di chuyển qua vòi trứng để về tử cung làm tổ, từ đó có thể phát triển ngay tại vòi trứng, dẫn đến mang thai ngoài tử cung. Mang thai ngoài tử cung là một trong những biến chứng sản khoa nguy hiểm, bởi nếu không phát hiện kịp thời và xử lý đúng sẽ gây ra tình trạng vỡ vòi trứng, chảy máu trong ổ bụng dẫn đến sốc mất máu và tử vong.
Điều trị tắc vòi trứng
Chẩn đoán xác định tắc vòi trứng dựa vào chụp X-quang tử cung, vòi trứng, buồng trứng có bơm chất cản quang; siêu âm, nội soi tử cung, buồng trứng.
- Điều trị nội khoa: Bơm hơi vòi trứng hoặc dùng thuốc kháng viêm corticoid bơm vào vòi trứng kết hợp với kháng sinh có thể giải quyết được 8 – 10% số trường hợp
- Điều trị ngoại khoa: Đa phần bệnh nhân cần phải điều trị bằng phẫu thuật (vi phẫu thuật được thực hiện dưới kính hiển vi để có thể nối 2 đầu vòi trứng…) hoặc qua soi ổ bụng, soi buồng tử cung để gỡ dính, lấy nhân dưới niêm mạc tử cung, cắt vách ngăn tử cung…Tuy nhiên, khả năng có thai sau điều trị khá bấp bênh. Ngoài ra, khả năng thụ thai phụ thuộc vào tuổi của người bệnh và mức độ tổn thương của vòi trứng. Cũng có trường hợp đậu thai sau điều trị nhưng là thai ngoài tử cung.
Kết luận
Tắc vòi trứng thường là hậu quả của viêm vòi trứng cấp mà nguyên nhân ban đầu là các nhiễm khuẩn đường sinh dục như viêm âm đạo, viêm tử cung, viêm niệu đạo… Chính vì vậy, cách tốt nhất để phòng ngừa chít hẹp vòi trứng là phát hiện và điều trị sớm các nhiễm khuẩn đường sinh dục. Nếu được điều trị kịp thời, các nhiễm khuẩn phần phụ sẽ không phát triển lên trên gây viêm vòi trứng hoặc viêm tiểu khung. Khi phát hiện tắc vòi trứng, cần được tư vấn và điều trị tại các bệnh viện lớn chuyên Sản phụ và hiếm muộn.
Theo CSTY
Có nên thông vòi trứng khi bị ứ dịch?
Em bị ứ dịch vòi trứng, có nên đi thông vòi hay điều trị bằng phương pháp nào hiệu quả hơn, thưa bác sĩ? (Loan)
Ảnh minh họa
Trả lời:
Ứ dịch vòi trứng là một dạng tắc vòi trứng, khiến cho tinh trùng và trứng không thể gặp nhau, dẫn đến vô sinh hiếm muộn.
Thông thường, bệnh nhân khi bị tắc vòi trứng sẽ nghĩ đến thông vòi trứng. Tuy nhiên, đây là phương pháp cổ điển nhằm cố gắng phục hồi lưu thông vòi trứng và tỷ lệ thành công thấp.
Nguyên nhân là bên trong vòi trứng còn các vi lông mao giúp trứng di chuyển khi ứ dịch đã tổn thương và hỏng hoàn toàn, phẫu thuật thông vòi không giúp vi lông mao này hồi sinh được. Khi thông vòi trứng, tỷ lệ có thai sau mổ rất thấp và nguy cơ chửa ngoài tử cung cao do phôi không di chuyển được đến buồng tử cung.
Để điều trị ứ dịch vòi trứng, bệnh nhân được chỉ định thụ tinh nhân tạo (IVF). Đây là phương pháp tối ưu, đem lại hiệu quả cao. Sản phụ sẽ được kiểm tra lại vòi trứng vì ứ dịch vòi trứng cũng là một nguyên nhân khiến chuyển phôi thất bại. Dịch từ vòi trứng sẽ chảy ngược lại vào buồng tử cung dẫn tới gây độc phôi hoặc là trôi phôi ra ngoài tử cung.
Sau đó, bác sĩ tiến hành kẹp vòi trứng hoặc cắt vòi trứng tùy trường hợp trước khi chuyển phôi. Những trường hợp nếu có phôi nhiều thì có thể chuyển thử vì bản thân ứ dịch vòi trứng chỉ làm giảm tỷ lệ đậu thai chứ không khiến tỷ lệ đậu bằng 0%.
Ngoài ra, ứ dịch vòi trứng là bệnh lý mang tính chất cơ học. Bệnh nhân nên tránh các phương pháp uống thuốc để thông vòi. Với tình trạng ứ dịch nặng, nên tránh bơm thông vòi do nhiều rủi ro cho sức khỏe và tính mạng của người phụ nữ.
Bác sĩ Vương Vũ Việt Hà
Phó Trưởng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện
Theo VNE
5 căn bệnh ở buồng trứng dễ gây vô sinh mà phái nữ không nên chủ quan bỏ qua Buồng trứng vốn là cơ quan sinh sản quan trọng của phái nữ nên nếu gặp phải một số bệnh lý ở khu vực này thì hội con gái nên chủ động đi chữa trị ngay. Viêm buồng trứng Viêm buồng trứng có thể gây ra tình trạng rối loạn rụng trứng và làm ảnh hưởng trực tiếp tới ống dẫn trứng. Lúc...