Tắc nghẽn cảng biển lan rộng sang châu Á
Dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường biển trên toàn cầu trong tháng 6 này đang gặp tình trạng tắc nghẽn ở mức đỉnh điểm.
Dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường biển trên toàn cầu trong tháng 6 này đang gặp tình trạng tắc nghẽn ở mức đỉnh điểm trong vòng 18 tháng qua, trong đó tình hình đặc biệt phức tạp ở một số cảng châu Á và châu Âu. Điều này cho thấy tác động kéo dài của tình trạng gián đoạn hoạt động vận chuyển trên Biển Đỏ, buộc các hãng vận tải biển phải chuyển hướng tàu để tránh các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở vùng biển này.
Tàu container tại cảng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Theo số liệu thống kê của hãng nghiên cứu thị trường vận tải biển Linerlytica, 60% trong số các tàu đang chờ cập cảng thuộc về khu vực châu Á. Trong đó, cảng container của Singapore – cảng lớn thứ hai thế giới – đang rơi vào tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng tồi tệ nhất kể từ đại dịch COVID-19.
Cơ quan Hàng hải và Cảng Singapore (MPA) hồi cuối tháng 5 cho biết, thời gian chờ trung bình để tàu container cập bến là từ 2-3 ngày, so với thông thường là chưa đầy một ngày. Trong khi đó, số liệu của Linerlytica và hãng cung cấp dữ liệu vận tải biển theo thời gian thực PortCast, thời gian chờ đợi có thể lên tới một tuần.
Do tình trạng tắc nghẽn như vậy, một số tàu đã buộc phải từ bỏ việc ghé cảng ở Singapore theo kế hoạch ban đầu, chuyển đến ghé cảng ở các nước láng giềng, đặt ra sức ép lớn hơn cho nhà quản lý cảng ở các nước như Malaysia và Trung Quốc. Mặc dù giới chức cảng của các nước này cũng đang đưa ra các phương án dự phòng, song cũng không thể “một sớm một chiều” giải quyết được tình trạng chờ đợi. Số tàu container chờ cập cảng Port Klang và Tanjung Pelepas của Malaysia đã tăng, trong khi thời gian chờ tại các cảng ở Trung Quốc cũng đã tăng lên, trong đó, bận rộn hơn cả là cảng Thượng Hải và Thanh Đảo với số lượng tàu chờ cập cảng xếp hàng dài.
Tình trạng tắc nghẽn tương tự cũng đang xảy ra tại các cảng ở Địa Trung Hải. Theo đó, hãng vận tải biển Maersk của Đan Mạch cho biết sẽ bỏ qua hai hải trình từ Trung Quốc và Hàn Quốc đến các cảng ở châu Âu từ đầu tháng 7.
Trong khi đó, các công ty vận chuyển hàng hóa quốc tế cho rằng mùa vận tải biển cao điểm hằng năm đã đến sớm hơn dự kiến, làm trầm trọng hơn tình trạng tắc nghẽn. Theo hãng cung cấp dịch vụ vận tải biển Dimerco, mùa cao điểm thường bắt đầu từ tháng 6, song năm nay đã đến từ tháng 5.
Theo ông Niki Frank, Giám đốc điều hành phụ trách chi nhánh châu Á – Thái Bình Dương của công ty dịch vụ vận chuyển hàng hóa DHL Global Forwarding, mùa vận tải biển cao điểm đến sớm dường như được thúc đẩy bởi các hoạt động bổ sung hàng hóa lưu kho, đặc biệt là ở Mỹ, và do các nhà sản xuất và nhà bán lẻ muốn vận chuyển hàng hóa về kho lưu của mình sớm hơn so với mọi năm khi dự đoán nhu cầu có thể tăng mạnh mẽ hơn.
Mùa cao điểm đến sớm đã khiến giá cước vận tải biện tăng phi mã ngay từ tháng 5, mặc dù giá ổn định trong tháng 4.
Video đang HOT
Theo Freightos – nền tảng đặt chỗ và thanh toán toàn cầu cho vận tải hàng hóa quốc tế, các hoạt động nhập khẩu hàng hóa lưu kho từ châu Á vào châu Âu đang có dấu hiệu bước vào mùa cao điểm, đẩy giá cước vận chuyển lên mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, dữ liệu của nền tảng định chuẩn giá cước vận tải biển Xeneta cho thấy, giá cước từ châu Á và Singapore đến các cảng ở Bờ Đông nước Mỹ hiện đang ở mức cao nhất kể từ tháng 9/2022. Giá cước vận tải đến các cảng ở Bờ Tây của Mỹ hiện cũng ở mức cao nhất kể từ tháng 8/2022.
Giới phân tích cảnh báo, chi phí vận chuyển leo thang sẽ làm gia tăng nguy cơ tăng giá đối với người tiêu dùng trong bối cảnh nhiều nước đang nỗ lực kiềm chế lạm phát.
Các hãng vận tải biển đối phó với Houthi như thế nào khi đi qua Biển Đỏ?
Trong khi một số hãng vận tải biển điều chỉnh tuyến đường để tránh bị lực lượng Houthi tấn công thì một số tàu container đang neo đậu ở Biển Đỏ đã tắt hệ thống theo dõi.
Các container trên tàu Maersk Gibraltar của Maersk ở cảng Algeciras, Tây Ban Nha ngày 19/1. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters ngày 19/12, các cuộc tấn công trong những ngày gần đây nhằm vào các tàu trên tuyến đường vận chuyển quan trọng ở Biển Đỏ đã làm dấy lên lo ngại về một đợt gián đoạn nữa đối với thương mại quốc tế sau đại dịch COVID, khiến lực lượng quốc tế do Mỹ dẫn đầu phải tuần tra các vùng biển gần Yemen.
Biển Đỏ nối với Địa Trung Hải bằng kênh đào Suez, tạo ra tuyến đường vận chuyển ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á. Khoảng 12% lưu lượng vận tải đường biển thế giới đi qua kênh đào này.
Các hãng tàu biển lớn như Hapag Lloyd, MSC và Maersk, tập đoàn dầu BP, tập đoàn tàu chở dầu Frontline cho biết họ sẽ tránh tuyến Biển Đỏ và đi qua Mũi Hảo Vọng ở miền Nam châu Phi.
Tuy nhiên, nhiều tàu vẫn đi qua Biển Đỏ. Dữ liệu theo dõi tàu của tập đoàn LSEG cho thấy một số tàu đã có bảo vệ vũ trang.
Theo LSEG, ít nhất 11 tàu container đang neo đậu ở Biển Đỏ giữa Sudan và Saudi Arabia. Các container này đã đi qua kênh đào Suez và đang di chuyển về phía Yemen, chở theo hàng tiêu dùng và ngũ cốc đến các quốc gia Singapore, Malaysia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất. Bốn tàu container của MSC ở Biển Đỏ đã tắt bộ thu phát kể từ ngày 17/12, có khả năng là để tránh bị phát hiện.
Ông Ioannis Papadimitriou, nhà phân tích vận tải hàng hóa cấp cao tại Vortexa, cho biết một số tàu đang cố gắng che giấu vị trí bằng cách chuyển tín hiệu đến các địa điểm khác để đề phòng khi đi vào bờ biển Yemen.
Ngày 15/12, tập đoàn Maersk của Đan Mạch đã tạm dừng tất cả các chuyến hàng container qua Biển Đỏ sau một sự cố liên quan tàu Maersk Gibraltar một ngày trước đó. Một số tàu đang neo đậu ở Biển Đỏ là tàu của Maersk.
Ngày 19/12, Maersk cho biết các tàu từng có lộ trình qua Biển Đỏ và Vịnh Aden đã tạm dừng di chuyển và sẽ đổi sang tuyến đường quanh châu Phi.
Động thái của các hãng vận tải biển diễn ra trong bối cảnh lực lượng Houthi ở Yemen tuyên bố hỗ trợ người Palestine đang bị Israel bao vây ở Dải Gaza bằng cách tấn công các tàu thuyền trên các tuyến đường vận chuyển quan trọng, thậm chí bắn máy bay không người lái và tên lửa vào Israel.
Mới đây, ngày 18/12, lực lượng Houthi đã tấn công hai tàu vận tải thương mại ở phía Nam Biển Đỏ.
Các nguồn tin trong ngành cho biết tác động đến thương mại toàn cầu sẽ phụ thuộc vào thời gian khủng hoảng kéo dài, nhưng phí bảo hiểm và các tuyến đường dài hơn sẽ là gánh nặng mà các hãng vận tải phải chịu trước mắt.
Ông Papadimitriou nói rằng chi phí cho một chiếc tàu kích cỡ lớn nhất vận chuyển dầu thô từ Trung Đông đến châu Âu đã tăng 25% trong một tuần.
Dù vậy, theo ngân hàng Goldman Sachs, tình trạng gián đoạn dòng năng lượng ở Biển Đỏ khó có thể ảnh hưởng lớn đến giá dầu thô và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) vì các tàu có thể được chuyển hướng. Ngân hàng đầu tư này cho biết: "Chúng tôi ước tính rằng chuyển hướng vận chuyển toàn bộ 7 triệu thùng dầu mỗi ngày sẽ làm tăng giá dầu thô giao ngay so với giá lâu dài thêm 3-4 USD/thùng".
Một người mua napta ở châu Á cho biết các tàu của họ vẫn sử dụng tuyến Biển Đỏ vì sẽ mất thêm 7 - 14 ngày nữa nếu đi qua Mũi Hảo Vọng.
Một số chủ tàu chở dầu đang đưa ra một điều khoản mới để đưa tuyến đường qua Mũi Hảo Vọng vào hợp đồng vận chuyển để phòng ngừa.
Để đối phó với Houthi trên Biển Đỏ, Mỹ cùng với các nước đối tác đã thành lập liên minh an ninh gồm 10 quốc gia để bảo vệ các tàu thương mại.
Các container trên tàu Hapag-Lloyd Chacabuco trên sông Elbe ở Hamburg, Đức ngày 31/3. Ảnh: Reuters
Hãng thông tấn AFP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu tại Bahrain ngày 19/12 cho biết, thông qua "sáng kiến an ninh đa quốc gia", các nước muốn duy trì tự do hàng hải phải cùng nhau đối phó với thách thức do Houthi đặt ra.
Bộ trưởng Austin cho biết liên minh an ninh này sẽ hoạt động với mục tiêu đảm bảo tự do hàng hải cho tất cả các quốc gia và tăng cường an ninh và thịnh vượng trong khu vực.
Liên minh 10 nước này gồm Mỹ, Anh, Bahrain, Canada, Pháp, Italy, Hà Lan, Na Uy, Seychelles và Tây Ban Nha. Một số nước sẽ tiến hành các cuộc tuần tra chung, trong khi những quốc gia khác hỗ trợ công tác tình báo ở phía Nam Biển Đỏ và Vịnh Aden.
Ngoài lập liên minh mới trên, Mỹ cũng đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hành động chống các vụ tấn công của Houthi.
Hằng ngày, hai tàu khu trục Hải quân Mỹ là USS Carney và USS Mason đều đi vào eo biển Bab el-Mandeb để ngăn chặn các hành động gây nguy hiểm.
Quân đội Mỹ cho biết hôm 16/12, một tàu khu trục của lực lượng này tại Biển Đỏ đã bắn hạ 14 UAV được phóng từ các khu vực do Houthi kiểm soát ở Yemen. Lực lượng Hải quân Hoàng gia Anh cũng tuyên bố đã bắn hạ một UAV trong khu vực.
Cho đến nay, các lực lượng Mỹ vẫn chưa tấn công vào các mục tiêu của lực lượng Houthi ở Yemen.
Chuyên gia Torbjorn Soltvedt tại công ty phân tích Verisk Maplecroft nói với AFP rằng những vụ tấn công của Houthi đã trở thành một cuộc khủng hoảng an ninh hàng hải, gây tác động kinh tế và thương mại trong và ngoài khu vực.
Hai hãng tàu biển lớn dừng vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ Hai trong số các công ty vận tải đường biển hàng đầu thế giới là Maersk and Hapag-Lloyd ngày 15/12 thông báo tạm dừng các chuyến tàu đi qua eo biển Bab al-Mandab trên Biển Đỏ, do lo ngại về an toàn sau khi xảy ra những vụ tấn công nhằm vào các tàu thương mại trong khu vực. Tàu công-ten-nơ của Tập...