Tác hại khủng khiếp khi ăn phải bánh chưng luộc bằng pin, chuyên gia chỉ bí quyết nấu bánh ngon chuẩn vị
Việc cho pin vào luộc bánh, những kim loại độc hại trong pin sẽ thôi ra, ngấm vào từng miếng bánh, người dùng ăn phải sẽ gây hại cho toàn bộ những cơ quan nội tạng.
Bánh chưng là món ăn không thể thiếu vào dịp Tết, song do cuộc sống bận rộn, thay vì làm và nấu bánh chưng như trước đây, nhiều gia đình trẻ hiện nay chọn cách mua từ các cửa hàng.
Tuy nhiên, theo tiết lộ của nhiều thương lái, để tiết kiệm thời gian nấu bánh, các thương lái thường cho lõi pin vào khiến bánh vừa nhanh chín, vừa có màu đẹp. Điều này đã dấy lên lo ngại cho người tiêu dùng.
Bánh chưng luộc bình thường, vỏ có màu xanh nhạt hơn hoặc ngả thành màu hơi vàng. Ảnh minh họa
Trước đó, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) đã cảnh báo, việc cho pin vào nồi bánh gây ra rất nhiều tác hại nguy hiểm cho sức khỏe.
Theo chuyên gia, pin là nguyên liệu không được phép sản xuất và chế biến cùng bất cứ loại thực phẩm nào vì chứa nhiều kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadmium… Việc cho pin vào luộc bánh, những kim loại độc hại trong pin sẽ thôi ra, ngấm vào từng miếng bánh, người dùng ăn phải sẽ gây hại cho toàn bộ những cơ quan nội tạng trong cơ thể như não, thận, gan, phổi, toàn bộ hệ thống tiêu hóa và hệ sinh sản của bất cứ ai.
Ở mức độ nhẹ, cơ thể chúng ta sẽ ngay lập tức phản ứng với các triệu chứng ngộ độc tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa… Ở mức độ nặng, bạn sẽ bị tích lũy kim loại nặng trong cơ thể, dần dần có thể là nguyên nhân tiềm ẩn gây nên những căn bệnh mãn tính, nhất là ung thư. Nếu chẳng may ăn phải bánh chưng luộc pin nhiễm chì cao, chì nhiễm vào máu sẽ gây thiếu máu, suy dinh dưỡng, có thể bị di chứng mù lòa… vô cùng đáng sợ.
Tuyệt chiêu giúp bánh chưng ngon chuẩn vị
- Để bánh chưng có màu xanh đẹp, người ta thường dùng lá riềng giã nát, sau đó hòa với nước, lọc lấy nước cốt, rồi trộn vào gạo bếp trước khi gói. Khi nấu chín, bánh sẽ mang màu xanh vô cùng hấp dẫn.
- Ngoài lá riềng, bạn cũng có thể dùng lá nếp xay nhỏ với nước rồi lọc lấy nước cốt, ngâm cùng gạo. Gạo ngâm ngấm màu xanh và rất thơm nhờ đó bánh sẽ có màu đẹp. Tuy nhiên cũng nên cho số lượng vừa phải nếu không mùi lá nếp sẽ át mùi của bánh chưng.
Video đang HOT
- Trước khi luộc bánh, dùng các lá thừa chèn dưới đáy nồi và xung quanh mặt trong của nồi để bánh không bị cháy mà còn thơm và xanh hơn.
Ảnh minh họa
- Để bánh đỡ bị bẩn do nhựa của lá dong chảy ra, khi luộc được một nửa thời gian thì vớt bánh ra rửa bề mặt với nước lạnh, thay nước luộc rồi nấu tiếp. Sau khi vớt bánh, dùng khăn nhúng nước lã lau sạch bên ngoài và dùng vật nặng để ép để bánh đặc săn chắc.
- Ngoài ra, muốn bánh chín nhanh, lá xanh đẹp mắt, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh có thể sử dụng trong muối trị bệnh dạ dày natri hydro carbonat (NaHCO3, là chất được phép dùng trong công nghệ thực phẩm). Muối này sẽ tạo ra môi trường kiềm, giúp tinh bột được thủy phân, nhanh nhừ hơn. Thậm chí, khi luộc bánh chưng, cho muối này vào cũng khiến lá xanh hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý là dùng nhiều sẽ bị nồng.
Cách nhận biết bánh chưng luộc pin
Ảnh minh họa
Để nhận biết bánh luộc bằng pin bằng trực quan thật không dễ dàng. Tuy nhiên cần cảnh giác với các bánh có màu xanh mướt hơn thường. Vì bánh chưng luộc theo phương pháp truyền thống, thời gian luộc khoảng tầm 8-10 giờ, lá thường ngả màu, hơi vàng và khó xanh mướt.
Ngoài ra, bánh chưng bị ép chín nhanh nên bánh sẽ không được dẻo, thơm mùi vị đặc trưng giống như bánh chưng luộc thông thường.
Để tránh mua phải bánh chưng luộc bằng pin bạn nên lựa chọn địa chỉ bán bánh uy tín, có thương hiệu hay mua tại những cửa hàng, siêu thị lớn. Nếu có điều kiện thì bạn nên tự gói bánh tại nhà vừa tạo không khí Tết đầm ấm vừa đảm bảo bánh chưng sạch, được luộc theo phương pháp truyền thống.
M.H (th)
Theo giadinh
Vụ nước sạch ở Hà Nội nhiễm độc: Chuyên gia khẳng định mùi khét của nước không phải là Styren có trong dầu thải
Chuyên gia khẳng định, Styren là chất không màu, không mùi. Mùi khét có trong nước chủ yếu là kim loại nặng bị bào mòn trong quá trình thiết bị, máy móc vận hành.
Liên quan đến kết quả và các mẫu xét nghiệm nước nhiễm dầu thải có hàm lượng Styren cao cấp từ 1,3 đến 3,65 lần theo quy định vừa được công bố, PV Báo Gia đình & Xã hội đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) về bản chất của dầu thải và mức độ độc hại của các chất có trong dầu thải.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định: "Styren là hợp chất không màu, không mùi, không vị. Khi hòa tan với nước, Styren không gây phản ứng hóa học.
Hàm lượng Styren trong Tiêu chuẩn của Bộ Y tế năm 2018 là cực thấp, không đáng được gọi và đáng chú ý trong an toàn thực phẩm, an toàn nguồn nước. Có thể nói chất này là vô nghĩa".
Nhiều tảng dầu thải được phát hiện trên vách suối, cách Nhà máy nước mặt sông Đà khoảng 800m.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh lý giải: "Lượng Styren có trong dầu khuếch tán ra rất ít. Khi khuếch tán, Styren có công thức hóa học là từ poly-styren sau đó phân giải thành Mono-styren và hàm lượng Styren này rất ít. Giả sử Styren có trong nước thì bản chất chất này không màu, không mùi, không vị và không gây phản ứng hóa học với nước thì lấy cớ gì để người dân ngửi thấy Styren trong nước? Rõ ràng nguyên nhân gây mùi không phải là do Styren. Hơn nữa, bản thân Styren không phải là chỉ số đánh giá chất lượng nguồn nước".
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh lập luận: "Dầu nhớt ban đầu là hợp chất hữu cơ (Carbon Hydro-no), có màu vàng nhẹ, trong và sánh. Trong quá trình bôi trơn thiết bị vận hành thì dầu máy bị đốt cháy thành chất hóa học. Lúc này, dầu nhớt màu vàng trong sẽ biến thành hóa chất hỗn hợp màu đen đặc. Dầu nhớt bị đen đặc này chính là chất độc, khi cho xuống nước thì thủy sinh chết.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội).
Thứ hai, trong quá trình thiết bị máy móc vận hành, các kim loại, hợp kim cấu thành nên thiết bị đó sẽ bị bào mòn và hòa vào dầu. Trong kim loại bị mòn ra đó có rất nhiều kim loại nặng như sắt, thiếc, chì, asen, thủy ngân... Điều này đồng nghĩa, dầu thải luôn chứa rất nhiều kim loại nặng.
Khi dầu này hòa vào nước thì một bộ phận dầu sẽ bổi trên bề mặt nước, còn một bộ phận chất độc là kim loại nặng đang hòa tan và khuếch tán trong nước. Đã hòa tan vào nước thì không thể xử lý được. Dầu có thể vớt được nhưng cũng không thể triệt để. Chúng ta có thể tự chứng minh bằng cách vớt dầu trên bề mặt nồi canh. Chắc chắn là không thể vớt hết được".
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định, mùi khét chúng ta ngửi được chính là mùi khét của kim loại nặng bị bào mòn trong quá trình vận hành, đây là chất độc. Nếu như nước ăn có dầu thải máy vào là gây độc, bất luận dầu nào đều gây độc, mà đã gây độc là phải loại.
"Tiêu chuẩn đánh giá của nước bằng cảm quan là không vị, không màu, không mùi. Khi nước đã có màu hoặc có mùi thì chắc chắn là ô nhiễm. Chúng ta không thể cho rằng đây là mùi Clo. Vì Clo có mùi hắc nhưng không khét. Clo là chất cần thiết dùng để sát trùng, trong sát trùng nước thì luôn cho dư so với năng lực sát trùng của Clo. Ví dụ cho 0,5mgr Clo/lít là đủ để sát trùng. Trong vụ việc, Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà sử dụng lượng Clo cao hơn nữa cũng không sao nhưng mùi hắc khét trong nước chắc chắn không phải Clo, bởi Clo bay hơi rất nhanh. Đặc biệt khi đun nóng, Clo nhanh chóng trở về trạng thái không màu không mùi và không vị", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, trong kim loại bị mòn ra đó có rất nhiều kim loại nặng như sắt, thiếc, chì, asen, thủy ngân... Điều này đồng nghĩa, dầu thải luôn chứa rất nhiều kim loại nặng.
Đồng quan điểm, Th.S Đỗ Thanh Bái, chuyên gia môi trường, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Hoá học Việt Nam cho biết: "Dầu thải có rất nhiều chất khác nhau, có những chất không tan trong nước và có những chất tan trong nước, có những chất tạo mùi nhưng có chất khác tạo vị lạ".
Th.S Đỗ Thanh Bái khẳng định: "Bản thân dầu là độc rồi, nhưng đây là dầu thải đã qua bôi trơn động cơ nên tính động mạnh và tính độc rất đa dạng. Có nhiều loại độc khác nhau. Không chỉ có chất Styren mà có rất nhiều chất độc khác nhau như Benzen, Xylenes, Sturen... rất nhiều chất tạo ra mùi khét. Tuy nhiên, có thể trong quá trình phân tích thì cấu trúc các chất này có thể gần giống với cấu trúc của Styren nên quy vào Styren. Bởi vì tính độc Styren không bằng những chất khác và Styren cũng không có màu, không mùi, không tan trong nước".
Bảo Loan
Theo giadinh.net
Dinh dưỡng hợp lý ngày Tết Bổ sung rau xanh, salad bên cạnh thịt mỡ, dưa hành; ăn không quá no; tránh lạm dụng bia rượu; uống thêm sữa... giúp cơ thể khỏe mạnh tận hưởng ngày xuân. Dưới đây là một số cách cân bằng dinh dưỡng, để người già lẫn trẻ nhỏ có thể ăn uống thoải mái mà vẫn có lợi cho sức khỏe. Cân bằng...