Tác hại của rượu đối với gan Các giải pháp phòng tránh
Theo thống kê, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 trên thế giới về tiêu thụ rượu bia. Rượu gây viêm gan cấp và mạn tính, gan nhiễm mỡ, có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan mà vẫn không có cảm nhận gì bất thường cho đến khi quá muộn.
Rượu hủy hoại gan như thế nào?
Gan là cơ quan đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể, đặc biệt là chức năng chuyển hóa và tổng hợp các chất cần thiết cho sự sống. Gan còn mang một trọng trách lớn, đó là lọc và giải độc cho cơ thể. Rượu là một độc chất đối với cơ thể mà gan giữ nhiệm vụ khử bỏ độc chất đó. Nếu uống ít, cơ thể sẽ tự đào thải rượu ra ngoài ngay khi được hấp thụ vào máu, một phần nhỏ được bài tiết qua mồ hôi, nước tiểu, và hơi thở. Còn 90% lượng rượu vào trong cơ thể sẽ do gan đảm nhiệm việc chuyển hóa thành các chất không độc hại để thải loại ra ngoài.
(Theo Hiệp Hội Rượu Bia Việt Nam)
Uống quá nhiều rượu, gan sẽ bị “kiệt quệ” và chất aldehýt là độc chất được tạo ra từ rượu sẽ trực tiếp phá hủy tế bào gan. Mặt khác, tửu lượng của mỗi người cũng rất khác nhau. Có người chỉ cần uống vài ly là mặt đỏ bừng, choáng váng, nhức đầu buộc phải dừng nhưng cũng có người càng uống mặt tái xanh và vẫn tỉnh bơ. Đó là do khả năng chuyển hóa cồn ở gan khác nhau ở mỗi người.
Rượu bia là nguyên nhân gây viêm gan thường gặp, chỉ đứng hàng thứ hai sau viêm gan do siêu vi ở nước ta. Đầu tiên, rượu có thể gây viêm gan cấp tính. Rượu làm rối loạn chuyển hóa mỡ, tăng tích tụ triglyceride ở gan, làm cho gan bị nhiễm mỡ. Giai đoạn đầu, hầu như bệnh nhân không hề có triệu chứng gì đặc biệt ngoài xét nghiệm cho thấy có tình trạng tăng men gan (men AST, ALT và GGT). Bệnh gan diễn biến thầm lặng và khó nhận biết. Bình thường chỉ có 25% tế bào gan hoạt động, còn 75% để dự trữ. Do vậy, khi hơn 75% tế bào gan bị tổn thương mới có biểu hiện suy chức năng gan trên lâm sàng.
Uống bao nhiêu rượu là nhiều?
Tác hại của rượu đối với gan không liên quan đến loại rượu mà tùy thuộc vào nồng độ cồn chứa trong loại rượu đó. Người ta ước tính cứ mỗi một lon bia 330ml tương đương với một ly rượu vang cỡ trung bình 135ml, bằng rượu mạnh khoảng 30ml vì cùng chứa một lượng cồn khoảng 10g. Mỗi ngày tiêu thụ trên 60g cồn ở nam, và hơn 40g cồn ở nữ sẽ làm tăng nguy cơ bệnh gan do rượu.
Ngoài ra, nếu chỉ uống rượu mà không ăn kéo dài như vậy lâu ngày, người nghiện rượu sẽ bị suy dinh dưỡng nặng khiến cơ thể thiếu dưỡng chất và vitamin để hóa giải độc chất và tái tạo lại tế bào gan đã bị hư hại.
Video đang HOT
Lời khuyên của bác sĩ
Biện pháp duy nhất để chữa bệnh chỉ là ngưng uống rượu. Nếu bệnh nhân vẫn tiếp tục uống, gan sẽ bị ngộ độc và tổn thương mạn tính, dần dần sẽ dẫn đến xơ gan mặc dù nhiều bệnh nhân vẫn không có cảm nhận gì bất thường.
Người bệnh nên điều trị tích cực kết hợp với kiêng rượu hoàn toàn để có thể “cứu vớt” phần gan còn lại và bệnh tình sẽ thuyên giảm.
Nếu người bệnh vẫn tiếp tục uống rượu, gan mất dần các khả năng hoạt động, sẽ xuất hiện các biến chứng như cổ trướng (bụng to do tích tụ dịch), ói ra máu, hôn mê, suy thận và có thể chuyển sang ung thư gan… Rượu còn ảnh hưởng đến việc chuyển hóa một số thuốc cho nên khi uống rượu nhiều, bệnh nhân rất dễ bị ngộ độc thuốc, nhất là các loại thuốc có hại cho gan. Đặc biệt là uống paracetamol chung với rượu càng rất nguy hiểm vì sẽ làm cho gan bị viêm hoại tử nặng hơn.
Nếu chỉ là gan nhiễm mỡ đơn thuần hoặc viêm gan nhẹ, việc ngưng rượu có thể giúp gan hồi phục hoàn toàn. Ngay cả khi gan đã bị xơ hóa, việc cai rượu cũng giúp làm giảm hoại tử gan và chậm tiến triển của bệnh. Tuy nhiên, việc từ bỏ rượu còn liên quan đến nhiều yếu tố: ý chí của người bệnh, tình trạng lệ thuộc vào rượu (nghiện rượu) và các điều kiện về gia đình, xã hội, môi trường sống… có giúp bệnh nhân thực hiện được việc từ bỏ rượu hay không?
Bên cạnh việc cai rượu, người bệnh gan do rượu cần phải ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nhiều đạm và dầu thực vật, tránh mỡ động vật, bổ sung các vitamin C, E, B, giảm cân nếu bị béo phì. Có thể sử dụng các loại thuốc bảo vệ tế bào gan, chống oxýt hóa, làm cải thiện tình trạng viêm. Đặc biệt, chất phospholipid, thành phần chính trong thuốc bổ trợ gan có khả năng tu sửa và khôi phục chức năng màng tế bào gan đã bị tổn thương, góp phần ngăn ngừa các tác hại của rượu trên gan đồng thời giúp làm lành quá trình tổn thương viêm gan do rượu, làm chậm tiến trình xơ hóa gan.
Theo TTVN
Ăn uống thế nào khi bị viêm gan?
Các bệnh về gan, nhất là viêm gan, có thể ảnh hưởng đến việc ăn uống ngược lại, vấn đề dinh dưỡng không đúng cách có thể làm cho bệnh gan bị nặng thêm. Do đó, việc ăn uống đúng cách khi bị bệnh cũng được xem là một biện pháp điều trị không dùng thuốc.
Dinh dưỡng hợp lý khi bị viêm gan là thực hiện một chế độ ăn uống cân đối giữa các thành phần chất đường, chất béo, chất đạm và các vitamin, khoáng chất. Ngoài ra, cũng cần kết hợp các biện pháp nghỉ ngơi, điều tiết làm việc, sinh hoạt thể lực sao cho phù hợp để tăng cường sức lực, chống chọi với bệnh tật và làm cho bệnh mau hồi phục.
Dinh dưỡng khi bị viêm gan cấp
Trong viêm gan cấp, tế bào gan bị phá hủy cấp tính. Các hoạt động bình thường của gan có thể bị xáo trộn, thường biểu hiện bằng các triệu chứng như mệt mỏi và rối loạn tiêu hóa: chán ăn, ăn không tiêu, sình bụng, tiêu chảy nhất là hay bị nôn ói. Khi bị viêm gan cấp, chúng ta cần áp dụng một chế độ nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý. Không nhất thiết phải kiêng ăn quá mức mà ngược lại cần phải ăn đầy đủ dinh dưỡng và năng lượng. Năng lượng này rất cần để gan hồi phục nhanh và cơ thể mau lấy lại sức.
Nên chọn các thức ăn dễ tiêu hóa, chẳng hạn: các chất bột - đường dễ hấp thu như: gạo, ngũ cốc, đường, mật ong và hoa quả ngọt. Vì vậy, bệnh nhân thường được khuyên ăn nhiều trái cây ngọt như chuối nhưng không có nghĩa là "ăn chuối để chữa bệnh viêm gan". Riêng các chất đạm, nên chọn các loại có giá trị dinh dưỡng cao nhưng ít chất béo: lòng trắng trứng (không ăn lòng đỏ trứng), các loại thịt cá nạc, sữa không béo, đậu hũ. Lượng đạm cần cung cấp đầy đủ như một người bình thường (tức là 50 - 70g mỗi ngày). Tuy nhiên, nếu bị viêm gan quá nặng, bắt đầu có triệu chứng lơ mơ báo hiệu tình trạng sắp bị hôn mê thì phải giảm lượng đạm
Một vấn đề hết sức quan trọng bắt buộc phải tuân thủ, đó là ngưng hẳn rượu bia và các thức uống có cồn cho đến khi gan hồi phục hoàn toàn. Thận trọng khi sử dụng các lọai thuốc vì một số thuốc có thể gây độc cho gan như: thuốc an thần, các thuốc giảm đau - chống viêm, ngay cả paracetamol. Khi cần sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào, nên hỏi ý kiến của thầy thuốc chứ không được tự ý uống.
Nếu bệnh nhân bị nôn ói liên tục hoặc tiêu chảy nhiều, cần được nhập viện để truyền dịch và nuôi ăn bằng đường truyền tĩnh mạch. Nếu chỉ buồn nôn nhẹ thì có thể điều trị ở nhà bằng cách dùng một số thuốc chống nôn thông thường. Nên chia thành các bữa ăn nhỏ trong ngày, ăn từng ít một, đừng ăn một lần quá no. Bệnh nhân viêm gan thường hay bị chán ăn và nôn ói vào buổi chiều cho nên có thể cho ăn nhiều hơn vào buổi sáng, còn chiều tối nên ăn nhẹ hoặc uống sữa để tránh tình trạng đầy bụng và nôn sau khi ăn. Khi gan hồi phục hoàn toàn, có thể ăn uống trở lại như bình thường.
Dinh dưỡng khi bị viêm gan mạn
Khi gan bị viêm mạn tính, đa số các bệnh nhân không có triệu chứng gì đặc biệt, họ vẫn cảm thấy bình thường mặc dù gan có thể đã bị hư hoại ngày một nặng hơn. Một số bệnh nhân có cảm giác mệt mỏi và ăn uống kém đi.
Chế độ ăn vẫn phải cân đối giữa các chất đường, đạm, béo và cung cấp đầy đủ năng lượng. Việc ăn uống đủ chất và năng lượng sẽ giúp cho bệnh nhân cảm thấy khỏe hơn và cơ thể có đủ sức chống chọi với tình trạng nhiễm trùng cũng như các tác dụng phụ do việc điều trị gây ra. Khi vẫn còn cảm giác ăn uống và tiêu hóa bình thường, nhất là chưa bị phù, bệnh nhân không cần thiết phải kiêng ăn quá mức. Chính vì ăn kiêng quá mức và nhất là thức ăn quá nhạt nhẽo sẽ làm cho bệnh nhân cảm thấy chán ăn. Ăn uống kém càng làm cho người bệnh bị mệt mỏi, thiếu sức để hoạt động và bệnh gan bị nặng hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân cần hạn chế bớt các thức ăn quá nhiều gia vị và dầu mỡ sẽ gây khó tiêu. Nên chọn các loại đạm có giá trị dinh dưỡng cao mà dễ tiêu hóa như: đậu nành, đậu hũ... Ở bệnh nhân viêm gan mạn tính, chất glycogen (một loại đường dự trữ ở gan) sẽ bị giảm, cho nên cần cung cấp đều đặn chất bột - đường như bánh, trái cây ngọt; nếu không, bệnh nhân dễ bị những cơn mệt lả, vã mồ hôi do giảm lượng đường trong máu.
Người bị viêm gan cấp nên ăn đều đặn chất bột - đường như bánh, trái cây ngọt
Dù bị bệnh gan mạn tính do bất kỳ nguyên nhân nào, bệnh nhân cũng không nên uống rượu bia nhiều vì sẽ làm cho tình trạng viêm gan bị nặng hơn. Bệnh nhân có thể uống mỗi ngày một viên thuốc bổ để cung cấp thêm các vitamin và khoáng chất cần thiết cho hoạt động bình thường của gan. Nếu viêm gan mạn do nghiện rượu, cần phải bổ sung thêm các vitamin nhóm B và acid folic.
ĂN UỐNG, SINH HOẠT KHI BỊ VIÊM GAN CẤP TÍNH
- Chế độ ăn cung cấp đầy đủ năng lượng và cân đối các thành phần đạm, béo, đường và vitamin, khoáng chất.
- Không kiêng khem quá mức.
- Hạn chế gia vị và dầu mỡ.
- Nên uống nhiều nước nhất là nước ép hoa quả.
- Ngưng hẳn rượu, bia.
- Nên chia nhiều bữa ăn nhỏ, mỗi bữa chỉ ăn một ít.
- Thận trọng khi sử dụng các thuốc.
- Nên nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng nhọc.
ĂN UỐNG, SINH HOẠT KHI BỊ VIÊM GAN MẠN TÍNH
- Không kiêng khem quá mức khi gan chưa bị suy nặng. Tiếp tục chế độ ăn cung cấp đủ năng lượng.
- Nên ăn nhiều chất đạm từ thực vật, chất bột - đường và rau quả tươi. Hạn chế bớt mỡ dầu và gia vị.
- Nếu bị viêm gan virút C mạn tính, không nên ăn các thực phẩm chứa nhiều chất sắt hoặc các thuốc bổ có chứa sắt.
- Tránh uống rượu bia.
- Nên uống thêm thuốc bổ đa sinh tố và thận trọng khi sử dụng các loại thuốc.
- Sinh hoạt bình thường. Tập thể dục, chơi thể thao vừa sức. Tránh các công việc quá nặng nhọc.
Theo Suckhoevadoisong
Kỹ năng sơ cứu con bị ngộ độc Trẻ uống nhầm dầu hỏa, nước rửa bát, ăn phải rau có thuốc trừ sâu...những lúc như vậy mẹ cần biết cách xử lý. Dạo quanh các trang báo mạng quen thuộc, tôi giật mình khi trang nào cũng đăng bài về ngộ độc xảy ra trong gia đình. Nơi thì ngộ độc vì chồng tưởng nhầm thuốc chống muỗi là bột canh...