Tác động vụ hành quyết con tin lên chính sách đối ngoại Nhật Bản?
Nhật Bản, quốc gia vốn luôn cảm thấy xa lạ với những vấn đề địa chính trị, vừa trải qua một cú sốc khi hai công dân của nước này bị các phần tử Hồi giáo cực đoan tại Syria giết hại.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (giữa) rời cuộc họp nội các tại Tokyo sau khi đoạn băng video mới được công bố ngày 1/2 (ảnh: AFP/ TTXVN)
Quốc đảo này đã đóng cửa với thế giới bên ngoài trong hai thế kỷ nằm dưới sự cai trị của Samurai. Sau đó, sự nổi lên của chủ nghĩa quân phiệt và việc chiếm đóng các nước láng giềng trước khi xảy ra Chiến tranh Thế giới Thứ hai đã gây ra những hậu quả thảm khốc, khiến Nhật Bản quay trở lại với chủ nghĩa biệt lập. Trong hai thập kỷ qua, Nhật Bản đã nhiều lần muốn vươn ra bên ngoài, và Thủ tướng Shinzo Abe hiện đang thúc đẩy việc Nhật Bản đóng một vai trò quốc tế lớn hơn khi tìm cách nới lỏng những hạn chế về quân sự được quy định trong Hiến pháp – một động thái gây ra nhiều tranh cãi.
Như những gì Nhật Bản đã học được từ lịch sử, vươn ra thế giới bên ngoài không tránh khỏi sẽ gặp rủi ro. Câu hỏi đặt ra là liệu những rủi ro đó có khiến Nhật Bản lại rút vào vỏ bọc của mình hay không.
Người dân Nhật Bản tham gia cuộc tuần hành trong im lặng tại thủ đô Tokyo, bày tỏ sự tiếc thương đối với Kenji Goto (ảnh: AFP/TTXVN)
Các nhà phân tích cho rằng còn quá sớm để dự báo về tác động của vụ khủng hoảng con tin do tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng thực hiện tới chính sách của chính phủ và tâm lý của xã hội Nhật Bản. Những gì trong quá khứ cho thấy, mặc dù tỏ ra lo ngại, song Nhật Bản có thể sẽ tiếp tục dần mở rộng vai trò quân sự của mình. Điều này sẽ được thể hiện rõ trong thời gian tới, khi Quốc hội Nhật Bản được cho là sẽ chấp thuận những đề nghị của ông Abe để cho phép Lực lượng Phòng vệ được quyền hành động nhiều hơn.
Lên nắm quyền trong 2 năm qua, ông Abe đã có nhiều chuyến công du nước ngoài hơn những người tiền nhiệm, gặp gỡ hàng chục người đồng cấp ở khu vực Mỹ Latinh, châu Phi, châu Âu và Đông Nam Á. Chuyến đi gần đây nhất của ông là tới Trung Đông, nơi ông cam kết sẽ cung cấp viện trợ phát triển và viện trợ nhân đạo cho những quốc gia đang chiến đấu chống lại IS. Nhật Bản đang tìm cách đóng một vai trò quốc tế lớn hơn bằng việc tham gia nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố, cho dù Nhật Bản không thể đóng góp quân vì những quy định trong Hiến pháp của nước này.
Video đang HOT
Con tin người Nhật Bản Kenji Goto cầm bức ảnh thi thể Haruna Yukawa, một con tin khác của Nhật Bản bị IS hành quyết (ảnh: AFP/ TTXVN)
Trong bài phát biểu tại Cairo ngày 17/1, ông Abe nói: “Nhật Bản sẽ làm tất cả những điều này nhằm giúp ngăn chặn mối đe dọa từ IS. Tôi sẽ cam kết hỗ trợ 200 triệu USD cho những quốc gia đang chiến đấu chống lại IS, nhằm giúp các nước này tăng cường lực lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng…”. Trong đoạn phim đăng tải trên mạng chỉ ba ngày sau đó, IS đã cáo buộc Nhật Bản đóng góp tiền để “giết hại phụ nữ và trẻ em” và đe dọa sẽ giết hai con tin người Nhật Bản mà chúng đang bắt giữ.
Đây không phải là lần đầu tiên Nhật Bản đối mặt với một cuộc khủng hoảng như vậy. Năm 2004, Nhật Bản đã cử hàng trăm binh lính tới Iraq nhằm hỗ trợ công cuộc tái thiết của quốc gia này. Mặc dù không tham chiến, song hành động triển khai quân ở nước ngoài này đã phá vỡ chính sách trước đây của Nhật Bản. Để thực hiện được điều này đòi hỏi phải có một điều luật đặc biệt và mở rộng giới hạn của quyền tự vệ được quy định trong Hiến pháp – hành động bị một số người cho là đã đi quá xa. Ở trong nước, nhiều người phản đối việc triển khai quân tới Iraq.
Những hành động bạo lực đã gây sốc trên toàn thế giới, đặc biệt là tại Nhật Bản, nơi có tỷ lệ sở hữu súng và tỷ lệ giết người thấp nhất thế giới. So với Mỹ và châu Âu, đối với Nhật Bản, những rắc rối của Trung Đông dường như là vấn đề xa vời. Không giống như New York hay Paris, Tokyo chưa từng bị những phần tử Hồi giáo cực đoan tấn công. “Mainichi”, một trong những tờ báo lớn của Nhật Bản, bình luận: “Đây là điều bất thường khi Nhật Bản – quốc gia không tham gia các chiến dịch quân sự (chống lại tổ chức IS) – trở thành mục tiêu bị tấn công”. Báo này kết luận: “Chúng ta không còn sống trong thời đại mà chúng ta cảm thấy được an toàn chỉ vì chúng ta là người Nhật”.
Nhiều thập kỷ sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, Nhật Bản tập trung vào phát triển kinh tế và phụ thuộc nhiều vào sự bảo vệ của Mỹ để tránh khỏi những mối đe dọa toàn cầu. Ngày nay, mọi việc vẫn như vậy, tuy nhiên trong hơn 20 năm qua, Nhật Bản đã triển khai quân ở nước ngoài một cách rất thận trọng. Và động thái này đã gây ra nhiều rủi ro. Vượt qua sự phản đối của dư luận, năm 1992, Quốc hội Nhật Bản đã cho thông qua một đạo luật cho phép nước này cử binh lính và các lực lượng khác tham gia các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ). Một năm sau, một cảnh sát Nhật đã bị sát hại tại Campuchia. Kể từ đó, cảnh sát Nhật Bản rút khỏi lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, tuy nhiên quân đội Nhật Bản vẫn tiếp tục tham gia các sứ mệnh gìn giữ hòa bình khác.
Năm 2004, việc một con tin Nhật Bản bị giết hại tại Iraq đã làm gia tăng sức ép đòi rút quân về nước lên chính phủ, tuy nhiên sứ mệnh này vẫn được tiếp tục tới năm 2006.
Một thập kỷ sau, ông Abe lại nỗ lực thúc đẩy Nhật Bản đóng một vai trò lớn hơn trên trường quốc tế. Năm ngoái, ông đã tìm cách diễn giải lại Hiến pháp nhằm cho phép Nhật Bản, trong một số tình huống, được triển khai quân đội để bảo vệ các đồng minh bị tấn công. Ông vẫn cần Quốc hội thông qua những thay đổi pháp lý cần thiết để cho phép quân đội được hành động như vậy và thậm chí còn nhiều hơn nữa. Chắc chắn cuộc tranh luận sẽ còn nóng lên nữa, tuy nhiên đảng của ông Abe hiện đang chiếm đa số ghế trong Quốc hội và ông có thể sẽ thực hiện được mục tiêu của mình.
Theo TTK/baotintuc.vn
Nhật lộ yếu kém sau thất bại giải cứu con tin
Thất bại của Nhật Bản trong việc giải cứu 2 con tin bị nhóm phiến quân IS bắt giữ đã làm dấy lên nghi ngờ về khả năng giải quyết khủng hoảng quốc tế của nước này, đặc biệt là ở khu vực nơi Tokyo không có nhiều đòn bẩy ngoại giao như Trung Đông.
Người dân Nhật đọc báo về vụ giết hại con tin Kenji Goto (Ảnh: AFP)
Theo hãng thông tấn AFP, các nhà phân tích cho rằng tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã đánh một tiếng chuông cảnh tỉnh cho Nhật Bản, và cách thức xử lý của nước này với vụ việc cũng bộc lộ nhiều điểm yếu.
Khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, sự thiếu liên hệ và thông tin, cùng cách xử trí của Tokyo đã bộc lộ thiếu sót rõ ràng. Nhật Bản gần như đơn độc một mình cùng đồng minh chủ chốt Jordan - quốc gia cũng đang cố gắng giải cứu một phi công bị nhóm IS bắt giữ hồi cuối tháng 12 năm ngoái, khi máy bay của anh bị rơi tại miền bắc Syria, vùng lãnh thổ do nhóm phiến quân kiểm soát.
AFP dẫn lời giáo sư Takashi Kawakami, chuyên gia an ninh tại Đại học Takushoku, nhận định: "Chính phủ Nhật thiếu thông tin và điều đó cản trở họ giải quyết tình hình. Vụ giết hại là một lời cảnh tỉnh. Sau sự kiện này, chính phủ sẽ phải đẩy mạnh các hoạt động tình báo ở cả trong và ngoài nước".
Trong khi đó, ông Masanori Naito, giáo sư về Hồi giáo và Trung Đông tại Đại học Dashisha, nói rằng Tokyo lẽ ra nên tìm kiếm trợ giúp từ Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia gần đây đã giải cứu thành công con tin từ IS.
Ông Naito nói thêm "có vẻ như chính phủ sẽ cân nhắc việc sử dụng quân đội Nhật Bản" trong những tình huống công dân Nhật rơi vào nguy hiểm khi ở nước ngoài.
Tờ báo Yomiuri cũng nhắc đến quan điểm này, nói rằng "chính phủ và các bên lãnh đạo cần tiếp tục thảo luận về vấn đề này". Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã có nhiều động thái nhằm sửa lại Hiến pháp hòa bình để mở rộng khả năng quân sự của nước này, vốn bị giới hạn trong vai trò tự vệ từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Khả năng nâng cao vị thế của Nhật trên trường quốc tế của ông Abe bị ảnh hưởng sau vụ bắt cóc con tin. (Ảnh: AFP)
Vụ giết hại con tin cũng dấy lên lo ngại về khả năng nâng cao vị thế của Nhật trên trường quốc tế của ông Abe. Trong đoạn video do nhóm phiến quân IS công bố hôm 31/1, kẻ được coi là người hành quyết nhà báo Goto, con tin người Nhật thứ hai bị chặt đầu sau cái chết của Haruna Yukawa, đã đe dọa rằng vụ hành quyết này là kết quả của các chính sách "liều lĩnh" của Tokyo và sẽ tiếp tục gây ra "cơn ác mộng dành cho Nhật Bản".
Sự kiện này xảy ra sau khi ông Abe cam kết chi 200 triệu USD để hỗ trợ dân tị nạn từ các khu vực do phiến quân IS kiểm soát đến Syria và Iraq trong một chuyến thăm Trung Đông hồi tháng trước. Nhóm phiến quân đã yêu cầu một khoảng tiền chuộc tương đương để đối lấy 2 tù nhân bị bắt trước đó nhiều tháng.
AFP cho hay ông Abe đã biết phiến quân đang giữ 2 công dân Nhật khi ông tuyên bố về khoản viện trợ trên, và nhiều câu hỏi được đặt ra về tính đúng đắn của bước đi này.
Ông Tomoaki Iwai, giáo sư chính trị tại Đại học Nihon nói: "Ông Abe đưa ra khoản viện trợ với mục đích nhân đạo và đó là việc làm đúng đắn. Nhưng khi công bố, ông đã nói khoản tiền đó là để trợ giúp các quốc gia "đang đấu tranh chống lại phiến quân IS". Giáo sư Iwai đặt ra câu hỏi đó liệu có phải là cách nói phù hợp.
Nhật Bản thừa nhận các cuộc đàm phán đã bị ngưng trệ từ nhiều giờ trước khi nhóm IS tuyên bố về cái chết của phóng viên Kenji Goto. Các nhà ngoại giao chưa bao giờ thành công trong việc liên hệ trực tiếp với phiến quân, hay có một cuộc đàm phán trực diện về việc trả tiền chuộc.
Tokyo cần quyết liệt hơn trong việc giải quyết các khủng hoảng, và nhận thức được rằng hình ảnh một nhà viện trợ ôn hòa sẽ không đảm bảo nước này thoát khỏi bạo lực. Theo báo Asahi, "đây không chỉ còn là việc của nước khác, Nhật Bản phải đối mặt với sự thật này".
Nghi Phương
Theo Dantri/AFP
Nhận diện lực lượng đặc nhiệm Pháp Nhà chức trách Pháp đã công bố băng hình về vụ tiêu diệt khủng bố, giải cứu con tin hôm 9-1. Nhóm can thiệp hiến binh quốc gia (GIGN) và Nhóm nghiên cứu, hỗ trợ, can thiệp và thuyết phục (RAID) là hai lực lượng chủ lực tham gia giải quyết những vụ việc gây chấn động thế giới vừa qua tại Pháp....