Tác động kép từ đại dịch COVID-19: Bài 2 – Đứt gãy chuỗi sản xuất, thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế
Nhiều doanh nghiệp hẳn chưa quên được cảnh xe tải, xe container tắc hàng dài cả vài km vào cửa ngõ thành phố Hải Phòng khi địa phương này thực hiện thắt chặt kiểm soát phương tiện hàng hóa ra vào thành phố, đặc biệt tại chốt kiểm soát trên quốc lộ 5 nối Hải Phòng với Hải Dương vào ngày 19, 20/7.
Hướng dẫn tạo luồng xanh cho lái xe vận tải hàng hóa. Ảnh: TTXVN
Sự việc được giải quyết vào trưa 20/7, khi đoàn của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đi kiểm tra công tác bảo đảm an toàn giao thông, lưu thông tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch và làm việc với địa phương này, với nhiều giải pháp tháo gỡ hiệu quả.
Song, niềm vui “ngắn chẳng tày gang”, khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội trên toàn thành phố vào 6h sáng 24/7, con đường về Hải Phòng cũng lập tức đóng lại với các doanh nghiệp. Đặc biệt, ngày 24/7, UBND thành phố Hải Phòng ban hành công văn khẩn số 4958/UBND-VX, trong đó quy định “cách ly y tế tập trung 14 ngày với người về/đi qua Hà Nội”, bất kể là diện đối tượng nào, đã đặt hoạt động vận tải hàng hóa giữa Hà Nội – Hải Phòng vào tình trạng hết sức căng thẳng bởi các lái xe tải hàng sẽ bị áp quy định này. Trong khi,
Hải Phòng là cửa ngõ xuất, nhập khẩu lớn nhất phía Bắc, cũng là nơi tập trung nhiều nhà máy sản xuất. Hàng hóa từ cảng, nhà máy của Hải Phòng cần đưa lên Hà Nội để cho các khâu sản xuất kế tiếp và ngược lại, hàng hóa từ các nhà máy địa bàn Hà Nội phải chuyển tới cảng Hải Phòng để xuất đi các nước… Tài xế cần được lưu thông hai chiều.
Trước những bức xúc của lái xe và doanh nghiệp, trả lời báo chí vào chiều 25/7, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam cho biết, sẽ không áp dụng cách ly 14 ngày với lái xe chở hàng hóa xuất, nhập khẩu từ Hà Nội về, nhưng đối tượng này sẽ cần có giấy xét nghiệm RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, tuyên bố miệng của lãnh đạo địa phương này không được cụ thể hóa thành văn bản nên các chốt không thực hiện.
Sáng 27/7, anh Sáng, lái xe tải 29C-19001 đi từ Nội Bài về trả hàng tại Hải Phòng đã bị chốt kiểm dịch Quán Toan (quốc lộ 5A) không cho thông chốt với thông điệp “vào Hải Phòng sẽ bị đi cách ly”, mặc dù lái xe này có đầy đủ thẻ nhận diện phương tiện có mã QR Code luồng xanh và giấy xét nghiệm RT-PCR còn hiệu lực. Không chỉ anh Sáng, nhiều lái xe khác cũng gặp cảnh tương tự. Chỉ sau khi thông tin này được phản ánh tới các hiệp hội và báo chí, các xe mới được thông chốt, nhưng anh Sáng vẫn bị chốt này giữ cả bằng lái xe, chứng minh nhân dân (được trả khi lái xe quay ra) và phải viết cam kết phòng, chống dịch 5K.
Hai ngày qua, các cửa ngõ vào Hà Nội đã không còn tình trạng tắc nghẽn, song, điều đó không đồng nghĩa với việc các xe vận tải hàng hóa thiết yếu đã được lưu thông thông suốt. Do việc cơ quan chức năng tiến hành phân luồng từ xa, nên tình trạng ách tắc này lại đổ về các tỉnh, thành, nơi có tuyến đường đi về Hà Nội. Phản ánh của doanh nghiệp cho thấy, trên địa bàn huyện Mê Linh (Hà Nội), hướng đi từ Vĩnh Phúc vào Hà Nội thường xuyên tắc nghẽn, hàng dài xe tải, xe container xếp hàng chờ. Thậm chí, những ngày qua, không ít lái xe đã phải “lách”, tìm những cung đường vòng để tránh chốt kiểm soát.
Phòng, chống dịch nhưng không được làm đứt gãy chuỗi sản xuất, bảo đảm thực hiện mục tiêu kép, yêu cầu này nhiều lần được lãnh đạo Chính phủ đặt ra, song, không phải địa phương nào cũng thực hiện đúng. Nhiều nơi vẫn đặt ra cho mình những quy định đặc thù, không thống nhất. Chẳng hạn, có nơi chỉ chấp nhận kết quả test RT-PCR, không nhận kết quả test nhanh. Cũng có nơi chỉ đồng ý hiệu lực của giấy xét nghiệm được tính từ khi nhận kết quả test 48 giờ, thay vì 72 giờ như quy định của Bộ Y tế, hay thời điểm được tính từ khi lấy mẫu xét nghiệm, làm giảm thời gian hiệu lực của tấm “giấy thông hành” cho người.
Chốt kiểm soát số 1 tại đầu cầu Xuân Phương, phường Phúc Thắng, thành phố Phúc Yên. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN
Video đang HOT
Ngày 24/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang có văn bản yêu cầu người từ thành phố Hà Nội ra vào tỉnh Vĩnh Phúc và ngược lại, phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR, có kết quả âm tính trong vòng 3 ngày.
Quy định này khiến doanh nghiệp trên địa bàn một phen nháo nhác. Có nhà máy đặt tại Vĩnh Phúc, bà Đỗ Thúy Hương, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử cho biết, đã cho lãnh đạo, chuyên gia và cán bộ của nhà máy đang sinh sống tại Hà Nội đi làm test nhanh toàn bộ để sáng hôm sau đưa lên Vĩnh Phúc chủ động thực hiện 3 tại chỗ; nhằm đỡ áp lực mỗi lần đưa nhân sự quay về Hà Nội những ngày này. Tuy nhiên, Vĩnh Phúc có văn bản khẩn chỉ đạo với người về từ Hà Nội chỉ chấp nhận test RT-PCR nên công ty lại phải cho mọi người đi test RT-PCR ngay.
Nhiều hiệp hội bày tỏ bức xúc khi hàng chục lái xe tập trung tại một điểm để làm xét nghiệm.
Ông Trần Đức Nghĩa, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết, thời gian qua, các địa phương áp dụng biện pháp phòng, chống dịch đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến doanh nghiệp của Hiệp hội. Doanh nghiệp vận tải đường bộ đang ở trong tình trạng kiệt quệ sau hơn 1 năm chịu tác động của dịch bệnh, doanh thu suy giảm, chi phí tăng lên.
“Một công ty có 150 lái xe, hiện hàng tháng phải chi trả hàng trăm triệu đồng phí xét nghiệm các loại” – ông Nghĩa bày tỏ.
Theo ông, khi thay đổi hoặc áp đặt quy định, hầu hết các địa phương có xu hướng áp dụng rất nhanh, gây lúng túng cho doanh nghiệp. Ước tính, mỗi ngày, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội bị thiệt hại 100 tỷ đồng do dịch COVID-19 .
Một số doanh nghiệp cho biết, văn bản của các địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai đều bị vướng ở chỗ không nêu rõ việc áp dụng tại chốt như thế nào. Không chỉ gặp khó khăn, vướng mắc ở hai tấm “giấy thông hành”: giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 và giấy nhận diện phương tiện “luồng xanh”, doanh nghiệp còn khốn khổ với khái niệm “hàng hóa thiết yếu”.
Rất may ngày 29/7, Thủ tướng Chính phủ đã có quy định mới, không còn quy định về danh mục hàng hóa thiết yếu.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu – Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, một số địa phương áp dụng quá máy móc các biện pháp phòng, chống dịch. Hiện nay, biến thể Delta mới của COVID-19 ảnh hưởng rất nhiều đến việc sắp xếp lại hoạt động sản xuất, giao thương. Xét nghiệm chỉ là một giải pháp trong tất cả các giải pháp phòng, chống dịch, không phải trên hết.
Bởi vì, qua phân tích, con số 72 giờ chỉ là tương đối.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công Thương chấp nhận test nhanh vì RT-PCR cho kết quả chính xác nhưng mất thời gian, gây ách tắc giao thông. Do đó, phải chấp nhận rủi ro từ việc test nhanh, bố trí làn test nhanh tại các điểm dừng, giải phóng cho lái xe để không bị cảnh ùn tắc.
Bài cuối – Gỡ khó cho doanh nghiệp
Sớm có hướng dẫn cụ thể hơn về hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông
Nhiều doanh nghiệp, chủ hàng kiến nghị sớm có hướng dẫn cụ thể hơn về mặt hàng thiết yếu, hàng hóa được phép lưu thông.
Tại cuộc họp giao ban trực tuyến giữa Bộ GTVT và Sở Giao thông Vận tải 63 tỉnh, thành phố về vận tải hàng hóa gắn với phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra chiều tối 26/7, nhiều doanh nghiệp, chủ hàng kiến nghị đối với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các tỉnh, thành phố sớm có hướng dẫn cụ thể hơn về mặt hàng thiết yếu, hàng hóa được phép lưu thông.
Lực lượng CSGT kiểm tra hàng hóa trên các phương tiện giao thông, nếu chở hàng hóa thiết yếu, nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất mới được vào Thủ đô. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Hiện nay, mặc dù Bộ Công Thương đã có văn bản số 4349/BCT-TTTN ngày 21/7/2021 về hướng dẫn hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Tuy nhiên, nhiều phản ánh từ phía doanh nghiệp vận tải, chủ hàng về những vướng mắc khi đăng ký vận chuyển những hàng hóa chưa có trong danh mục hướng dẫn của Bộ Công Thương và một số địa phương. Chẳng hạn, thức ăn gia súc, nguyên vật liệu, vật tư phục vụ cho việc sản xuất hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất phát triển kinh tế...
Điều này gây lúng túng cho các Sở Giao thông Vận tải khi xem xét cấp giấy chứng nhận lưu thông hàng hóa (QR Code) cho các doanh nghiệp, người dân. Ngay khi nhận được phản ánh, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị sớm có hướng dẫn, tháo gỡ.
Đánh giá chung tại cuộc họp, Bộ Giao thông vận tải cho hay, tình hình giao thông tại các chốt kiểm dịch trên các tuyến quốc lộ, cao tốc và các chốt trên các tuyến đường đến TP Hồ Chí Minh cơ bản thông thoáng; không xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Tại một số trạm kiểm soát như trạm Km376 200 (Phải tuyến) Quốc lộ 6 tỉnh Điện Biên, các xe xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 bị ùn ứ khoảng 1km.
Nguyên nhân là do tỉnh Điện Biên yêu cầu tất cả những công dân khi vào tỉnh phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 nên, nhiều xe xếp hàng đợi kết quả xét nghiệm. Thời gian ùn tắc từ 7h30-11h30. Đến thời điểm hiện nay, trạm vắng xe, không ùn tắc. Chốt trên Quốc lộ 18 (Phả Lại) cũng xảy ra ùn tắc hơn 6km do Hải Dương không cho các lái xe không có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính đi qua chốt.
Theo báo cáo của bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, từ khi Hà Nội thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội, trong 3 ngày vừa qua, "Khu vực nóng nhất về giao thông" là tại các chốt kiểm soát cửa ngõ thành phố Hà Nội. Cụ thể là tại chốt trên Quốc lộ 1 (Cầu Phù Đổng), chốt trên Quốc lộ 5 và chốt tại trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Đến ngày 26/7, qua kiểm tra, hướng dẫn trực tiếp của Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tình trạng ùn tắc tại các chốt cửa ngõ Hà Nội cơ bản được giải quyết, giao thông đã thông thoáng hơn.
"Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thống nhất với Cục Cảnh sát giao thông sẽ thành lập Tổ điều phối giao thông có sự tham gia của các lực lượng chức năng tại địa phương, Cục Cảnh sát giao thông và Tổng cục Đường bộ Việt Nam; xây dựng quy chế hoạt động của Tổ điều phối áp dụng thống nhất để điều tiết, phân luồng giao thông tại các chốt kiểm soát, giảm ùn tắc giao thông", bà Hiền cho hay.
Cũng theo bà Hiền, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến ngày 26/7, tất cả các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đều thực hiện tạm dừng thu phí. Hoặc, miễn phí các phương tiện vận chuyển thuốc men, thiết bị, máy móc, vật tư, hàng hóa qua trạm. Toàn bộ các trạm thu phí trên địa bàn Hà Nội dừng thu phí từ 6h sáng 24/7.
Trước tình hình số lượng phương tiện gửi đến Sở Giao thông Vận tải Hà Nội xin cấp mã QR Code quá lớn, dẫn đến quá tải trong việc kiểm tra và giải quyết của Sở, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, hiện nay, sau 3 ngày triển khai, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nhận được hơn 20.000 đề nghị cấp QR Code. Sở đã huy động 33 cán bộ, nhân viên làm việc 24/24 để triển khai thực hiện và đã cấp được hơn 7.000 giấy thông hành.
Tuy nhiên, ông Viện cho hay việc rất nhiều hồ sơ không đủ điều kiện, không đủ thông tin và những vướng mắc trong việc xác định danh mục hàng hóa thiết yếu được lưu thông qua địa bàn thành phố cũng đang trở thành nguyên nhân dẫn đến số lượng mã cấp chưa đáp ứng được nhu cầu.
Về vần đề này, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin, để đảm bảo thời gian giải quyết đăng ký Giấy nhận diện phương tiện được nhanh chóng và tạo thuận lợi cho đơn vị vận tải; đồng thời, giảm áp lực cho Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, ngày 26/7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản gửi 11 Sở Giao thông Vận tải khu vực phía Bắc gồm: Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Hưng Yên, Tuyên Quang, Ninh Bình, Lạng Sơn và Hải Dương để thực hiện việc điều chuyển một số lượng xe nhất định (sẽ chỉ điều chuyển các xe vận tải hàng hoá).
Một vấn đề cũng rất nổi cộm khác đó là trong một vài ngày qua đã liên tục ghi nhận nhiều cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống. Để tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch COVID-19, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các đơn vị chức năng phối hợp, hỗ trợ về kỹ thuật để nâng cao bảo mật, chống tấn công mạng vào hệ thống.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu các cơ quan đơn vị của bộ, đặc biệt là Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố phải thường xuyên nắm bắt, tiếp thu những phản ánh của người dân, doanh nghiệp. Từ đó, phân tích, rà soát và điều chỉnh phương án tổ chức giao thông cho phù hợp với tình hình thực tế. Các địa phương phải xây dựng các phương án, kịch bản để ứng phó khi xảy ra ùn tắc; chủ động trao đổi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức giao thông, tổ chức kiểm soát tại các chốt.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị các tỉnh, thành phố quán triệt và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1015/TTg-CN ngày 25/7/2021, các trạm kiểm soát dịch sẽ không kiểm tra xe có mã QR Code khi qua trạm.
Cùng đó, tăng cường kiểm tra giấy xét nghiệm COVID-19 tại các điểm giao, nhận hàng hóa và lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát trên đường để kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm về luồng tuyến, vi phạm về xét nghiệm COVID-19.
Đối với quy định y tế đối với lái xe, người đứng đầu ngành giao thông vận tải yêu cầu thống nhất việc công nhận kết quả xét nghiệm theo hình thức test nhanh và RT-PCR. Các Sở Giao thông Vận tải phải khẩn trương tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố, Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 của địa phương nghiên cứu giải pháp bố trí bãi đậu, đỗ xe kết hợp với tổ chức chỗ nghỉ, xét nghiệm tại chỗ cho đội ngũ lái xe để không áp dụng cách ly y tế đối với lái xe khi đi về từ vùng dịch. Đặc biệt, ưu tiên tiêm vaccine cho đội ngũ lái xe.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố căn cứ đặc thù về các hoạt động sản xuất phát triển kinh tế, nhu cầu của địa phương để khẩn trương cập nhật bổ sung các loại hàng hóa được phép lưu thông.
Lập đường dây nóng gỡ vướng khâu lưu thông hàng hoá Hai Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương và Giao thông Vận tải đều thống nhất tháo gỡ những vướng mắc trong lưu thông hàng hoá và đây là nhiệm vụ cần phải làm ngay. Sau quá trình khảo sát thực tế và làm việc với một số đơn vị, Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương ghi nhận thêm một...