Tác động EVFTA: GDP tăng thêm 3,25% giai đoạn 5 năm đầu, Việt Nam không bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường
EVFTA dự kiến sẽ góp phần làm GDP tăng thêm bình quân từ 2,18 đến 3,25% (giai đoạn 05 năm đầu), 4,57-5,30% (giai đoạn 05 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (giai đoạn 05 năm sau đó).
Vận tải thủy dự kiến tăng 100%, vận tải hàng không tăng 141%, tài chính và bảo hiểm tăng 21%
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã tiến hành nghiên cứu đánh giá tác động của Hiệp định EVFTA đối với Việt Nam.
Theo đó, kết quả nghiên cứu mới đưa ra cho thấy, thương mại hai chiều và đầu tư từ EU vào Việt Nam sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết công việc làm cho người lao động. Riêng thu ngân sách nhà nước có thể sẽ được cải thiện và tăng trong trung hạn và dài hạn.
Bên cạnh các tác động chung tới các khía cạnh khác nhau của nền kinh tế (các chỉ số kinh tế vĩ mô), Hiệp định có các tác động khác nhau đối với các ngành do mức độ mở cửa, lợi thế cạnh tranh, năng lực của từng ngành là khác nhau. Ngoài ra, tác động gián tiếp thông qua sức ép cải cách thể chế cũng sẽ mang lại những ảnh hưởng tích cực tới nền kinh tế.
Cụ thể, tác động tới tăng trưởng, nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy nếu các cam kết về cắt giảm thuế quan và phi thuế quan được thực thi triệt để, kết hợp với một số yếu tố từ chiến tranh thương mại, khả năng Anh rời khỏi EU (Brexit), sự thay đổi chính sách của các nước…, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được cải thiện trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Kết quả tính toán chỉ ra rằng Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 05 năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 05 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 05 năm sau đó).
Tác động đến thương mại, về xuất khẩu, Hiệp định EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.
Xét về tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới, dự kiến kim ngạch của ta sẽ tăng trung bình 5,21-8,17% (cho giai đoạn 05 năm đầu thực hiện), 11,12-15,27% (cho giai đoạn 05 năm tiếp theo) và 17,98-21,95% (cho giai đoạn 05 năm sau đó).
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của một số ngành sang EU được Bộ Kế hoạch và đầu tư đưa ra ước tính, nhóm hàng nông sản: gạo (tăng thêm 65% vào năm 2025), đường (8%), thịt lợn (4%), lâm sản (3%), thịt gia súc gia cầm (4%), đồ uống và thuốc lá (5%).
Nhóm ngành chế biến chế tạo tăng: dệt (67%), may mặc (81%), da giày (99%).
Nhóm ngành dịch vụ tăng: vận tải thủy (100%), vận tải hàng không (141%), tài chính và bảo hiểm (21%), các dịch vụ phục vụ kinh doanh khác (80%).
Về nhập khẩu, nhập khẩu của Việt Nam từ EU tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.
Xét về tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thế giới, dự kiến kim ngạch của ta tăng trung bình 4,36-7,27% (cho giai đoạn 05 năm đầu thực hiện), 10,63-15,4% (cho giai đoạn 05 năm tiếp theo) và 16,41-21,66% (cho giai đoạn 05 năm sau đó).
Video đang HOT
Nhóm hàng được dự báo tăng nhập khẩu nhiều nhất từ EU là phương tiện và thiết bị vận tải, chiếm khoảng 12% tổng giá trị nhập khẩu tăng thêm, nhóm hàng máy móc thiết bị (10%), dệt may và điện thoại và linh kiện điện tử (6-7%), nông, lâm, thủy sản (5%).
Xét về tổng thể, EVFTA sẽ góp phần giúp đa dạng hóa thị trường của ta để không bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào, từ đó giúp bảo đảm an ninh kinh tế của Việt Nam.
Về tác động tới đầu tư trực tiếp nước ngoài, nghiên cứu chưa tính được con số chính xác về FDI tăng thêm do phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, kỳ vọng về đổi mới thể chế, cải thiện môi trường đầu tư do thực hiện Hiệp định sẽ tạo ra sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư.
Các cam kết về thuận lợi hóa đầu tư cùng với mức độ tự do hóa các ngành dịch vụ của Việt Nam dành cho các nhà cung cấp dịch vụ của EU tăng lên, đặc biệt là dịch vụ kinh doanh, dịch vụ môi trường, dịch vụ bưu chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải biển. Điều này sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam tăng trong thời gian tới.
Về chất lượng đầu tư, với Hiệp định EVFTA, đầu tư từ các đối tác có nguồn gốc từ các các nước phát triển sẽ tăng do Việt Nam tăng cường mở cửa thị trường hàng hóa cũng như dịch vụ cho các doanh nghiệp EU. Điều này sẽ tạo ra những động lực mới cho dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Về tác động đến ngân sách Nhà nước, dự kiến tổng mức giảm thu NSNN từ giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo lộ trình của Hiệp định EVFTA là 2.537,3 tỷ đồng. Mặt khác, thu NSNN tăng lên do thu nội địa từ tác động tăng trưởng của EVFTA là 7.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2030. Mức tăng sẽ tăng dần theo mức độ tác động của Hiệp định tới tăng trưởng.
Như vậy lợi ích của Hiệp định EVFTA về thu ngân sách có thể sẽ được phát huy tốt hơn trong trung và dài hạn.
TÚ ANH
Hoàn thiện các thủ tục để sớm đi vào thực thi Hiệp định EVFTA
Bộ Công Thương đã gửi nội dung báo cáo về "Một số nội dung chủ yếu đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA," do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh trình bày.
Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, ông Trần Quốc Khánh. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Bộ Công Thương cho biết phục vụ cho phiên họp thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội diễn ra ngày 16/4, Bộ Công Thương đã gửi nội dung báo cáo về "Một số nội dung chủ yếu đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA."
Báo cáo này do Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, ông Trần Quốc Khánh trình bày.
Theo Bộ Công Thương, ngày 30/3 vừa qua, Hội đồng châu Âu cũng đã phê duyệt Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), hoàn tất thủ tục pháp lý cuối cùng theo quy trình phê chuẩn nội bộ của EU. Vì thế, Hiệp định EVFTA chỉ cần được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo theo quy định của Hiệp định là sẽ chính thức có hiệu lực đối với cả EU và Việt Nam.
Liên quan đến bộ hồ sơ trình Quốc hội về việc phê chuẩn EVFTA, ngày 6/1 vừa qua, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ hồ sơ về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành có liên quan.
Ngoài ra, đến ngày 21/2 vừa qua, Bộ Công Thương đã trình hồ sơ lên Chính phủ với các nội dung cập nhật về kết quả rà soát pháp luật, tình hình phê chuẩn của EU và việc Anh rời EU.
Tiếp theo ngày 24/2 vừa qua, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Tờ trình của Chính phủ gửi Chủ tịch nước về việc phê chuẩn EVFTA sau khi đã tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các Thành viên Chính phủ.
Ngày 6/4 vừa qua, Chính phủ đã trình hồ sơ này lên Chủ tịch nước để Chủ tịch nước xem xét, trình Quốc hội. Ngày 8/4, Bộ Công Thương đã gửi Văn phòng Chủ tịch nước một số thông tin, tài liệu bổ sung cho bộ hồ sơ trình phê chuẩn.
Để phục vụ cho việc Ủy ban Đối ngoại Quốc hội thẩm tra phê chuẩn Hiệp định EVFTA, ngày 9/4 vừa qua, Bộ Công Thương đã gửi Ủy ban Đối ngoại Quốc hội bộ hồ sơ trình phê chuẩn với đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của Luật Điều ước quốc tế 2016 cũng như cung cấp các thông tin giới thiệu, giải thích về Hiệp định EVFTA.
Chuẩn bị cho phiên họp lần thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến khai mạc vào ngày 20/4 tới, Bộ Công Thương đang chủ động phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Chủ tịch nước hoàn thiện Tờ trình của Chủ tịch nước trình Quốc hội cũng như chuẩn bị các nội dung có liên quan để đưa vào bộ hồ sơ chính thức trình Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA.
Đáng lưu ý, nhằm bảo đảm có cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực thi Hiệp định EVFTA ngay khi Hiệp định có hiệu lực, Bộ Công Thương đã liệt kê các văn bản quy phạm pháp luật cần phải được ban hành ngay thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Vì vậy, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng giao các Bộ, ngành triển khai ngay việc xây dựng và/hoặc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật này với mục tiêu là ban hành cùng với thời điểm có hiệu lực của Hiệp định EVFTA.
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về việc rà soát để triển khai việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản bản pháp luật để thực thi EVFTA, Bộ Công Thương đã gửi công văn cho tất cả các bộ, ngành cập nhật về tình hình phê chuẩn của Việt Nam và EU dự kiến thời gian Hiệp định chính thức có hiệu lực, cung cấp kết quả rà soát của Bộ Công Thương về danh mục các văn bản pháp luật cần ban hành ngay và nhóm cam kết áp dụng trực tiếp khi Hiệp định có hiệu lực.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng cung cấp các thông tin cần lưu ý để các bộ, ngành tham khảo trong quá trình rà soát và xây dựng, sửa đổi các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách.
Riêng với các văn bản pháp luật do Bộ Công Thương chủ trì xây dựng, cụ thể là Thông tư quy định về xuất xứ hàng hóa để thực thi EVFTA, Bộ cũng đã chủ động xây dựng dự thảo từ tháng 12/2019 và hiện đang trong quá trình tổng hợp lấy ý kiến và sẽ bảo đảm ban hành có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Hiệp định EVFTA.
Liên quan đến việc chuẩn bị thực thi của phía EU, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với EU trong quá trình xây dựng và hoàn thiện cơ chế cấp hạn ngạch thuế quan cho các loại gạo của Việt Nam có trong danh mục được hưởng hạn ngạch với thuế suất trong hạn ngạch là 0% khi xuất khẩu sang EU.
Bộ Công Thương cho biết thêm Bộ đã xây dựng kế hoạch trình Chính phủ để chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định EVFTA với mục tiêu và kế hoạch cụ thể.
Các nhiệm vụ chủ yếu bao gồm 5 nhóm chính là tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU; xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Dự thảo Kế hoạch này đã được đưa vào bộ hồ sơ trình các cấp về việc phê chuẩn Hiệp định. Sau khi Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA, dự thảo Kế hoạch này sẽ tiếp tục được hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ chính thức ban hành.
Dây chuyền chế biến thịt ếch xuất khẩu sang EU tại Công ty TNHH Tân Thành Lợi, tỉnh Long An. (Ảnh: TTXVN)
Về kế hoạch hành động của Bộ Công Thương, Bộ đã ban hành Quyết định triển khai một số hoạt động chuẩn bị cho việc phê chuẩn và thực thi Hiệp định EVFTA giai đoạn từ tháng Ba vừa qua đến khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Theo đó, bên cạnh việc triển khai các công việc phục vụ cho Quốc hội xem xét phê chuẩn Hiệp định, Bộ cũng sẽ triển khai một loạt các hoạt động để chuẩn bị cho thực thi Hiệp định EVFTA sau này. Chẳng hạn như tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định dưới nhiều hình thức; rà soát và xây dựng sớm các văn bản pháp luật để bảo đảm có đầy đủ và kịp thời cơ sở pháp lý khi Hiệp định chính thức có hiệu lực.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, xây dựng các kịch bản khai thác, phát triển thị trường theo các nhóm ngành hàng mà Việt Nam có lợi thế để thúc đẩy xuất khẩu sang EU...
Hiện Bộ Công Thương cũng đã hoàn thiện về cơ bản Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA của Bộ cho giai đoạn 2020 và 2021-2025 trên cơ sở cụ thể hóa các hoạt động thuộc phạm vi phụ trách trong dự thảo Kế hoạch thực thi của Chính phủ.
Dự kiến ngay sau khi Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện của Chính phủ (khi Hiệp định EVFTA được Quốc hội phê chuẩn và chính thức có hiệu lực) Bộ cũng sẽ ban hành Kế hoạch thực hiện của Bộ.
Đối với Kế hoạch thực hiện của các bộ, ngành, địa phương, ngày 8/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA để kịp thời ban hành ngay tại thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Do đó, để đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất giữa các cơ quan trung ương và địa phương nhằm bảo đảm việc thực thi Hiệp định được hiệu quả và đầy đủ, hiện Bộ Công Thương đang xây dựng mẫu Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA để gửi các bộ, ngành, địa phương tham khảo trong quá trình xây dựng kế hoạch thực hiện.
Đặc biệt, nhằm phổ biến Hiệp định EVFTA tới đông đảo quần chúng nhân dân, đặc biệt là đối tượng doanh nghiệp và cán bộ quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương, Bộ Công Thương đã thiết lập trang điện tử chuyên sâu về Hiệp định EVFTA tại địa chỉ evfta.moit.gov.vn, để cung cấp thông tin, giải thích cam kết cũng như kết nối với người dân và doanh nghiệp về EVFTA.
Ngoài ra, Bộ cũng đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về Hiệp định thông qua việc tổ chức các hội thảo, khóa tập huấn chuyên sâu trải dài hầu khắp các tỉnh thành, tập trung tại các địa phương có các đơn vị được Bộ Công Thương ủy quyền cấp C/O và nơi tập trung các khu công nghiệp lớn, có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt, Bộ Công Thương đang xây dựng các khóa đào tạo, tập huấn dưới hình thức trực tuyến cho các đối tượng là cán bộ các sở, ngành và doanh nghiệp địa phương để nâng cao nhận thức và kiến thức về các cam kết cụ thể trong từng lĩnh vực của Hiệp định./.
Uyên Hương
Thị trường ô tô giảm sút mạnh Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến ngành ô tô Việt Nam lao đao, nhiều hãng xe phải tạm dừng sản xuất, đóng cửa đại lý phân phối. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây chỉ là khó khăn ngắn hạn, thời gian tới ngành ô tô sẽ bứt phá sau khi Chính phủ sửa đổi thuế suất và...