Tác động của xung đột ở Gaza với mối quan hệ Nga – Israel
Quan hệ xấu đi giữa Nga và Israel có thể ảnh hưởng đến mục tiêu lâu dài của Nga là một cường quốc đóng vai trò trung gian hòa giải ở Trung Đông.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải). Ảnh: Politico
Nhận định trên trang web của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (CEIP) mới đây, nhà bình luận, nhà báo tự do Milàn Czerny hiện làm việc tại Tel Aviv (Israel) cho rằng, Israel là một đối tác quan trọng của Nga ở Trung Đông, nhưng trong bối cảnh cuộc chiến ở Gaza và việc Moskva nối lại quan hệ với Hamas cũng như tăng cường liên kết với Iran, mối quan hệ giữa Tel Aviv và Moskva đang ở mức thấp nhất trong lịch sử gần đây. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến những nỗ lực lâu dài của Nga nhằm thể hiện mình là một trung gian hòa giải trung lập ở Trung Đông.
Trong khi Israel và Liên Xô không có quan hệ ngoại giao trong nhiều thập kỷ sau cuộc chiến tranh Arab-Israel năm 1967, trong đó Liên Xô ủng hộ các quốc gia Arab, mối quan hệ giữa Nga và Israel phần lớn đã được cải thiện vào đầu thế kỷ này. Hai nước thậm chí còn trở nên thân thiết hơn trong thập kỷ qua dưới thời Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người đã củng cố mối quan hệ của Tel Aviv với Moskva thông qua việc thể hiện là bạn của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Năm 2019, ông Netanyahu thậm chí còn phát động chiến dịch tranh cử với những tấm áp phích lớn in hình ông bắt tay Tổng thống Nga. Ông Netanyahu tìm cách thể hiện mình là một nhà lãnh đạo có cùng quan điểm với Tổng thống Putin – được Israel coi là người đứng đầu một cường quốc – và truyền tải thông điệp rằng mối quan hệ chặt chẽ của ông với người đứng đầu Điện Kremlin sẽ giúp đảm bảo an ninh của Tel Aviv sau sự can thiệp quân sự của Nga vào Syria năm 2015.
Nhà lãnh đạo Israel từ lâu đã thể hiện rằng “tình bạn cá nhân” của ông với Tổng thống Putin là chìa khóa để đảm bảo sự hỗ trợ hạn chế của Nga dành cho Iran và khiến Moskva “nhắm mắt làm ngơ” trước các cuộc tấn công của Israel nhằm vào các mục tiêu của Iran ở Syria.
Không giống như các quốc gia phương Tây khác, Israel về cơ bản không thay đổi cách tiếp cận với Nga sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra. Israel không áp đặt bất kỳ lệnh trừng phạt tài chính nào đối với Nga, từ chối gửi vũ khí cho Kiev bất chấp yêu cầu nhiều lần từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Israel không muốn cắt đứt quan hệ với Nga, thậm chí còn bắt đầu áp dụng cách tiếp cận hợp tác vào nửa cuối năm 2023 bằng cách ký kết các thỏa thuận song phương mới trong các lĩnh vực không nhạy cảm, chẳng hạn như lĩnh vực văn hóa.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, Israel trở thành một trong số ít đồng minh của Mỹ sẵn sàng hợp tác ngoại giao và kinh tế với Nga, điều này giúp hạn chế sự cô lập của phương Tây nhằm vào Moskva. Israel trở thành nước nhập khẩu rượu vodka của Nga lớn nhất sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt; các công ty Nga như Yandex mở rộng hoạt động tại Tel Aviv; và các cá nhân Nga bị trừng phạt được hưởng lợi từ các giấy tờ mới có được từ Israel để được miễn thị thực tới châu Âu.
Nga cũng đánh giá cao mối quan hệ hợp tác với Israel khi nước này tìm cách vun đắp mối quan hệ với tất cả các bên ở Trung Đông sau sự can thiệp vào Syria vào năm 2015. Bất chấp những nguồn căng thẳng thỉnh thoảng xuất hiện, chẳng hạn như vụ máy bay Nga bị bắn rơi năm 2018 trong các cuộc tấn công của Israel, Moskva đã duy trì đối thoại với cả Israel và các đối thủ của nước này: Iran, Hamas, Hezbollah và Syria. Hành động cân bằng này giúp Nga khẳng định vị thế và thể hiện mình là một cường quốc cũng như trung gian hòa giải không thể thiếu ở Trung Đông.
Israel đã chấp nhận mối quan hệ từ trước của Nga với đối thủ của họ là Iran, nước được cho là ủng hộ Hamas, nhưng sự ủng hộ mạnh mẽ của Moskva dành cho Hamas sau cuộc tấn công vào ngày 7/10 được coi là một bước đi quá xa. Sau chuyến thăm Moskva của lãnh đạo Hamas, các quan chức Israel đã bày tỏ sự không hài lòng.
Trong khi đó, Nga cũng chỉ trích Israel tại Liên hợp quốc (LHQ) về các hành động quân sự của Tel Aviv ở Gaza, với việc đại diện của Moskva tại LHQ Vasily Nebenzya đặt câu hỏi về quyền tự vệ của Israel. Ngược lại, Đại sứ Israel tại LHQ Gilad Erdan cho rằng Nga sử dụng cuộc tấn công của Hamas “để đánh lạc hướng sự chú ý của thế giới khỏi cuộc xung đột ở Ukraine”.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP/TTXVN
Cùng với đó, Israel đang liên kết chặt chẽ nhất có thể với Mỹ và phương Tây nói chung, và do đó càng “xa cách” với Nga hơn. Trong những năm gần đây, ông Netanyahu đã tìm cách miêu tả Israel như một chủ thể độc lập và thể hiện mình là một nhà lãnh đạo có khả năng duy trì liên lạc đồng thời với các nhà lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga. Nhưng sự hỗ trợ của Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo châu Âu dành cho Israel kể từ khi bắt đầu cuộc chiến với Hamas ở Gaza đang củng cố quan điểm ở Israel rằng khi gặp khó khăn, chỉ có phương Tây mới thực sự hỗ trợ họ.
Do đó, Israel sẽ tìm cách tránh những bất đồng với Mỹ và phương Tây trên trường quốc tế để duy trì sự ủng hộ này trong suốt thời gian họ tiến hành chiến dịch quân sự kéo dài ở Gaza. Ví dụ, vào ngày 16/11, các ngân hàng Israel đã đưa ra các hạn chế đối với tài khoản của công dân Nga theo hướng dẫn của EU.
Tuy nhiên, Israel vẫn chưa đề cập đến việc đánh giá lại chính sách của mình đối với Ukraine trong việc cung cấp vũ khí hoặc áp đặt các biện pháp trừng phạt. Israel cũng khó có thể cung cấp hỗ trợ quân sự cho nước khác khi cuộc chiến của chính họ chưa kết thúc. Israel có lẽ cũng không muốn chấm dứt hoàn toàn đối thoại với Nga, điều có thể dẫn đến nguy cơ Moskva cung cấp thêm hỗ trợ quân sự cho những đối thủ của Israel.
Về phần mình, Nga dường như cũng không muốn cung cấp vũ khí tấn công cho các đối thủ của Israel vì rõ rằng đây sẽ là vấn đề khiến cho mối quan hệ với Israel càng trở nên trầm trọng.
Tóm lại, mặc dù mối quan hệ song phương vẫn không bị cắt đứt, nhưng việc quan hệ giữa Nga và Israel nguội lạnh đột ngột có thể gây ra những hậu quả không lường trước được. Israel đã ngừng đưa ra cảnh báo trước cho Nga trước các cuộc không kích mà nước này thực hiện ở Syria, làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu vô tình giữa hai bên.
Tất nhiên, ảnh hưởng của Nga trong khu vực không chỉ giới hạn ở mối quan hệ với Israel, nhưng những căng thẳng trong mối quan hệ đó nhấn mạnh thực tế là Moskva, vốn đang bận rộn với cuộc chiến ở Ukraine, có thể mất đi đòn bẩy trong việc tăng cường ảnh hưởng ở Trung Đông.
Cận cảnh khu định cư ở miền Nam Israel bị Hamas tàn phá và giết chết 10% dân số
Khu định cư Be'eri ở miền Nam Israel, chỉ cách Dải Gaza khoảng 2km, đã thay đổi hoàn toàn sau vụ tấn công tàn bạo của các tay súng Hamas ở Palestine khiến 10% dân số thiệt mạng và rất nhiều ngôi nhà bị tàn phá.
Một góc khu định cư Be'eri ở miền Nam Israel bị tàn phá bởi các tay súng thuộc phong trào Hồi giáo Hamas ở Palestine ngày 7/10/2023. Ảnh cắt từ clip của Reuters
Hãng tin Reuters của Anh ngày 28/11 cho biết bất cứ ai đến thăm khu định cư Be'eri trước ngày 7/10 đều sẽ gặp phải những cảnh tượng giống như trong một công viên phiêu lưu. Ở nơi đó có những con đường đan chéo nhau, có những khu vườn đầy đồ chơi, xe đạp, những quả bóng do trẻ em và nhiều chỗ chúng có thể trơi trốn tìm.
Theo thư ký khu định cư Be'eri, ông Alon Pauker, trước ngày 7/10, đây là "một thiên đường xanh", nhưng nó đã thành "địa ngục đen tối" vào ngày 7/10. Bởi trong cuộc tấn công tàn bạo ngày 7/10, các tay súng thuộc phong trào Hồi giáo Hamas ở Palestine đã "phá huỷ mọi thứ".
Gần hai tháng sau vụ tấn công, khi đến thăm khu định cư Be'eri, người ta vẫn thấy ở đây những ngôi nhà trống rỗng và những chiếc xe ô tô bị đốt cháy nằm ngổn ngang. Vết máu thẫm trên sàn nhà và vấy loang trên tường của một số ngôi nhà. Hơn 40 tòa nhà, nghĩa là gần 1/4 trong tổng số nhà ở khu định cư Be'eri bị hư hại đáng kể, có nhà bị sập một nửa, có nhà bị lửa thiêu rụi, có nhà thì ngay cả cửa phòng an toàn cũng lỗ chỗ vết đạn.
Ngày 7/10 đã trở thành ngày đẫm máu nhất trong lịch sử 75 năm lập quốc của Israel khi các tay súng Hamas đã giết chết hơn 1.200 người và bắt khoảng 240 người về Dải Gaza làm con tin. Nhưng nếu tính về tỉ lệ người chết trên dân số, tổn thất về người của khu định cư Be'eri không thể khiến người ta giật mình kinh hãi. Vào ngày 7/10, 100 người ở khu định cư Be'eri đã bị các tay súng Hamas giết chết, nghĩa là 1/10 dân số khu định cư Be'eri vĩnh viễn rời bỏ cuộc sống ở trần gian dưới làn đạn nhẫn tâm, vô nhân tính. Nhiều gia đình, toàn bộ thành viên bị giết hại hoặc bị bắt cóc, nhưng cũng có gia đình chỉ có vợ, chồng, con cái hoặc ông bà bị sát hại bởi các tay súng Hamas khi chúng tràn qua biên giới. Bên cạnh đó, có ít nhất 30 người ở khu định cư Be'eri mất tích mà rất có thể họ nằm trong số những con tin Hamas bắt về Dải Gaza.
Một trong số những con tin được phong trào Hồi giáo Hamas trả tự do sau thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza, ngày 24/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Hiện nay, tiếng súng đã tạm yên khi Israel và Hamas đạt được thoả thuận ngừng bắn tạm thời, ban đầu kéo dài 4 ngày, có hiệu lực từ 7 giờ sáng 24/11, sau đó được kéo dài 2 ngày và hiện đang được cân nhắc kéo dài thêm 4 ngày. Tất cả là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao trả con tin và gia tăng những chuyến hàng viện trợ nhân đạo cũng như cung cấp nhiên liệu vào Dải Gaza.
Tuy nhiên, với ông Pauker và nhiều người ở khu định cư Be'eri, họ vẫn chưa quên được cơn ác mộng trải qua gần hai tháng trước dù rằng hiện nay họ đã được sơ tán tới nơi an toàn, nghỉ ngơi trong các khách sạn bên Biển Chết. Những tổn thất về mặt tâm lý đối với ông Pauker và nhiều người ở khu định cư Be'eri còn sống thực sự khó có thể đong đếm.
Khu định cư Be'eri nằm cách Dải Gaza khoảng 2 km. Những ngôi nhà ở đây đều có căn phòng an toàn. Chúng được xây dựng để bảo vệ cư dân khỏi tên lửa phóng từ Dải Gaza. Nhưng cuộc tấn công ngày 7/10 lại diễn ra trên bộ với những tay súng được trang bị vũ khí hạng nặng. Thảm kịch vì thế đã xảy ra.
Cuộc tấn công đẫm máu của các tay súng Hamas ngày 7/10 đã dẫn tới đòn trả đũa của Israel cả bằng đường không, đường biển và đường bộ. Hoạt động bắn phá của Israel tới trước khi thoả thuận ngừng bắn có hiệu lực đã khiến ít nhất 15.000 người ở Dải Gaza thiệt mạng, trong đó có khoảng 40% là trẻ em. Ngoài ra, còn có rất nhiều người có thể đã chết trong đống đổ nát gây ra bởi bom đạn.
Phần Lan đóng hết cửa khẩu với Nga Phần Lan sẽ đóng toàn bộ biên giới với Nga trong vòng 2 tuần nhằm ngăn người xin tị nạn tràn sang, theo thông báo ngày 28.11 của chính phủ nước Bắc Âu. Tuần trước, Phần Lan đã đóng gần hết cửa khẩu với Nga, chỉ chừa lại một nơi ở vùng cực bắc. Tuy nhiên, cửa khẩu này giờ cũng sẽ bị...