Tắc đầu ra ngành thủy sản do “bão” dịch, ngư dân lao đao
Dịch Covid-19 không khác gì cơn bão càn quét ngành thủy sản, ngư dân, thiệt hại sẽ vô cùng nặng nề nếu tình hình còn kéo dài.
Thủy sản là một ngành hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên cũng chính vì thế khi dịch bệnh Covid-19 lây lan mạnh, các thị trường lớn đồng loạt “bế quan tỏa cảng”, thì ngư dân nuôi trồng và khai thác thủy sản cũng “lao đao” vì hoạt động xuất khẩu “ngưng trệ”.
Ngư dân nuôi trồng và khai thác thủy sản đang”lao đao” vì hoạt động xuất khẩu “ngưng trệ”.
Nếu như một số ngành hàng nông sản khác có thể chuyển hướng sang thị trường nội địa, phục vụ người tiêu dùng trong nước, thì biện pháp này lại khó áp dụng đối với một số mặt hàng thủy sản giá trị cao bởi đây không phải là thực phẩm được người dân sử dụng thường xuyên.
Dịch Covid-19 đối với những hộ nuôi tôm hùm trên vùng biển Hòn Lao Mái Nhà, xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên giống như một “cơn bão”. “Bão” dịch khiến cả một vùng vắng lặng, không bóng dáng thương lái đến thu mua, chỉ có những con tôm hùm đã đủ trọng lượng xuất bán vẫn phải nằm chờ trong lồng.
Tại đây, tôm chủ yếu được bán sang Trung Quốc, một phần tiêu thụ cho các nhà hàng, khách sạn. Bởi vậy, khi dịch bệnh diễn ra, các quốc gia thực hiện lệnh phong tỏa, nhà hàng trong nước thì đóng cửa, khiến đầu ra gặp bế tắc, thậm chí “đóng băng” bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Theo ông Nguyễn Kim Đồng, nuôi 600 con tôm hùm trên đảo Hòn Lao Mái Nhà đến giờ vẫn chưa xuất bán được con nào nhưng hàng ngày vẫn phải chi khoảng 300.000-400.000 đồng tiền thức ăn nuôi tôm. Ngư dân này chia sẻ, giải pháp duy nhất lúc này là nuôi “cầm cự”, đợi đầu ra được “khơi thông” rồi mới tính được phương án tiếp theo.
“Nếu vụ năm 2019 bán 1,3-1,4 triệu đồng, giờ bán chỉ còn có 1 triệu đồng/kg. Mà bán rẻ vậy cũng không ai đến mua. 32 bà con đang nuôi ở Hòn Lao Mái Nhà chưa bán được tí nào, đa số tôm hùm bông còn tồn đọng 100%. Giải pháp của mình là nuôi cầm cự, không dám nhập tôm gối đầu về nuôi cho vụ sau. Thức ăn cũng chỉ dám cho ăn một nửa so với hàng ngày”, ông Đồng cho biết.
Video đang HOT
Nhiều tàu phải nằm bờ bất chấp giá dầu đang giảm sâu và thời tiết tốt.
Không chỉ tôm hùm, một số loại thủy sản giá trị cao như ốc hương, cá lăng, cua, ghẹ, mực nháy… đồng loạt giảm từ 20-30% giá trị so với giữa tháng 2/2020 mà vẫn tắc về đầu ra.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Vaseap, do dịch covid lan rộng khắp thế giới, nhiều nhà nhập khẩu đã thông báo hoãn hoặc dừng đơn hàng. Xuất khẩu thủy sản ngừng trệ khiến cho việc giải quyết đầu ra gặp bế tắc.
Còn đối với thị trường trong nước, trừ một số loại thủy sản người dân quen dùng trong bữa ăn hàng ngày, phần lớn các mặt hàng khác đều khó tiêu thụ do người dân thắt chặt hầu bao.
Ông Võ Tuấn Tú, hộ nuôi cá chình và cá bống tượng ở thôn Châu Trúc, xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định cho biết, gia đình ông nuôi cá đặc sản, nên đã phải “treo ao” khi các nhà hàng, khách sạn đều đóng cửa. Lo lắng với khoản vay ngân hàng đã đến kỳ thanh toá, ông dự tính sau khi bán lứa cá sẽ trả hết nợ, đồng thời có vốn để tái đầu tư, nhưng cũng như nhiều trang trại nuôi thủy sản ở địa phương, hiện nay lượng cá còn tồn đọng hoàn toàn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
“Gia đình tôi nuôi diện tích 20 ha, chủ yếu tiêu thụ nội địa. Nhưng mùa dịch này không bán được, đó là khó khăn chung. Hiện giờ mình đành để ở ao nuôi. Mong sao dịch qua nhanh, để mình bán được, có tiền trả lãi ngân hàng”, ông Tú nói.
Tình hình cũng không mấy khả quan với những ngư dân làm nghề khai thác thủy sản. Tại Hải Phòng, lượng tàu ra khơi giảm 40% so với mọi năm, còn tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ có khoảng 30% tàu cá hoạt động, chủ yếu là tàu khai thác xa bờ…
Theo phản ánh của nhiều ngư dân, ngoài việc đầu ra khó tiêu thụ, các tàu khai thác trong mùa dịch còn gặp tình trạng thiếu lao động do các bạn thuyền ngoại tỉnh thực hiện cách ly xã hội. Đó cũng là lý do khiến tàu gia đình ông Nguyễn Thanh, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình phải nằm bờ mặc dù giá dầu giảm sâu, thời tiết rất thuận lợi để ra khơi đánh bắt.
“Nằm bờ vì mình đi về đánh ghẹ, bán không ai mua. Hàng chủ yếu đi Trung Quốc mà quán xá không tiêu thụ được, khách du lịch không có, đi về mà không tiêu thụ được thì đi làm gì. Nên tàu nằm bờ từ Tết đến giờ”, ông Thanh buồn bã nói.
Nói như nhiều ngư dân, dịch Covid-19 không khác gì cơn bão càn quét, thiệt hại sẽ vô cùng nặng nề nếu tình hình còn kéo dài./.
Hương Giang
Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Kiểm soát chặt hành trình tàu cá
Ngày 22/4, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã có văn bản yêu cầu các Sở, ngành tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Tàu cá của ngư dân Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành tập trung rà soát các tồn tại, hạn chế tại địa phương, triển khai quyết liệt các biện pháp để khắc phục có hiệu quả 4 nhóm khuyến nghị của Đoàn Thanh tra EC sau lần kiểm tra thứ hai, cụ thể là: Không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; Quản lý chặt chẽ tàu cá hành trình trên biển; Kiểm soát truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác chặt chẽ, minh bạch; Đảm bảo thực thi quy định pháp luật về chống khai thác IUU trong thực tế.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố vùng biển tăng cường chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp, tiếp tục nỗ lực tối đa, kiên quyết không để xảy ra bất kỳ tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài thời gian tới.
Đồng thời, lập danh sách tàu cá nằm trong diện nguy cơ cao, đưa vào giám sát đặc biệt để ngăn ngừa những chủ tàu có tàu cá từng vi phạm vùng biển nước ngoài hoặc những nghề khai thác thường vi phạm vùng biển nước ngoài.
Lực lượng biên phòng cử cán bộ địa bàn theo dõi từng tàu cá gắn với tuyên truyền, vận động, kiểm soát chặt chẽ khi xuất bến và hành trình trên biển. Riêng đối với số tàu cá di chuyển ngư trường, thường xuyên xuất bến ngoài tỉnh, làm việc trực tiếp từng hộ, nắm đầy đủ thông tin về tàu cá để thông báo đến các tỉnh bạn phối hợp quản lý, giám sát, xử lý.
Bên cạnh đó, các Sở, ngành phát huy hệ thống giám sát tàu cá, phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn kịp thời các trường hợp vượt ranh giới vùng biển Việt Nam; lập hồ sơ xử lý nghiêm các tàu cá đã được lực lượng chức năng cảnh báo nhưng vẫn cố tình vi phạm vùng biển các nước, kể cả trường hợp không bị phía nước ngoài bắt giữ.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố vùng biển chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, kiên quyết việc lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá, khẩn trương hoàn thiện hệ thống giám sát tàu cá của tỉnh để tăng cường quản lý, giám sát có hiệu quả hoạt động tàu cá trên biển. Thực hiện nghiêm biện pháp chế tài về kinh tế đối với nhóm tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS, dừng giải quyết chính sách hỗ trợ theo Quyết định 48/TTg và các chính sách có liên quan.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc hoạt động chống khai thác IUU tại cảng cá; khắc phục triệt để các hạn chế, thiếu sót, sai lỗi được Đoàn công tác Trung ương về chống khai thác IUU chỉ ra qua hai đợt kiểm tra trong năm 2019, đảm bảo chặt chẽ về quy trình, minh bạch về số liệu.
Cùng với đó, chỉ đạo tổ chức các đợt kiểm tra, kiểm soát cao điểm tại các khu vực cảng cá và cửa biển từ nay đến hết tháng 6/2020 để kiểm tra thủ tục, giấy tờ điều kiện khai thác (bằng thuyền trưởng, máy trưởng; giấy phép khai thác; trang thiết bị trên tàu...); yêu cầu, cảnh báo thuyền trưởng tàu cá thực hiện nghiêm việc khai báo khi ra vào cảng cá, ghi, nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác theo quy định.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, sau hơn 2 năm triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị 45/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 30 - CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các văn bản chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách chống khai thác IUU, nhất là ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc, thực hiện khối lượng lớn công việc, đạt được một số kết quả bước đầu.
Thông qua nhiều giải pháp quyết liệt, tỉnh đã từng bước ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài. Từ tháng 7/2019 đến tháng 4/2020, không xảy ra vụ việc tàu cá, ngư dân trong tỉnh bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Bên cạnh đó, việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá ngư dân thực hiện nghiêm túc. Tính đến ngày 20/4/2020, toàn tỉnh có 1.043 tàu cá đã thực hiện lắp đặt thiết bị VMS; trong đó: nhóm tàu cá có chiều dài từ 24 mét trở lên có 35 tàu cá lắp đặt và nhóm có chiều dài từ 15 mét đến dưới 24 mét có 1.008 tàu cá lắp đặt.
Nguyễn Thanh
Thị trường nội địa - "Điểm tựa" của doanh nghiệp trong đại dịch? Trong khi các thị trường xuất khẩu gần như đóng băng, thị trường nội địa vẫn đang tiếp tục hoạt động mặc dù có sự suy giảm mạnh về quy mô. Do vậy, Chính phủ và các doanh nghiệp cần hiểu đầy đủ về thực trạng, vai trò và xu hướng cung - cầu tại thị trường này. Đứt gãy chuỗi cung ứng...