Tablet hay Laptop: ai hiệu quả hơn? – Tablet: “laptop già nua đã sắp hết thời” (Phần 2)
Hai ngày sau khi bài viết của Tom Dunlap được đăng tải, một đồng nghiệp khác của anh tại PC World là Tony Bradlet có một bài viết phản hồi với nội dung khẳng định người ta vẫn có thể sở hữu một tablet với giá còn rẻ hơn chiếc laptop-200 USD của Tom Dunlap, mà hiệu quả vẫn vượt trội.
Tablet ngày càng tiện lợi và đa năng – Ảnh minh họa: internet
“Trong bài viết của mình, anh ấy mô tả chi tiết những tính năng và đặc điểm được-xem-là thiếu vắng trên tablet, từ đó nhận xét vì sao laptop vẫn là nền tảng di động đáng tin cậy hơn. Tôi hoàn toàn tuyệt đối không đồng ý với nhận định trên”, Tony Bradlet bày tỏ.
Hãy bắt đầu bằng cái giá 200 USD của chiếc Lenovo (dùng rồi) mà Dunlap đang dùng, như cái mốc để so sánh với mức giá khởi điểm của iPad 2 (phiên bản 16GB, chỉ có Wi-Fi) là 500 USD. Về phần mình, tôi tìm được mẩu tin rao vặt một chiếc iPad đời đầu dung lượng 64GB (chỉ có Wi-Fi), mới mua chưa đầy ba tháng, với giá chỉ 185$ trên Craigslist ( mạng rao vặt hàng đầu tại Mỹ). Rõ ràng người bán cho thấy anh đang rất cần tiền.
Vậy nên, hãy chịu khó tìm kiếm, rất nhiều món hời đang đợi bạn ngoài kia. Chốt lại – tôi thấy Dunlap khoe chiếc laptop Lenovo Thinkpad X30 dùng rồi giá 200USD, nên tôi cho anh mang đến cho anh một tablet iPad đời đầu 64GB Wi-Fi với giá 185USD. Bây giờ, tôi sẽ trình bày những lý do tại sao đây chính là “năm của tablet”, và chúng ta đang bước vào thời kỳ “hậu PC”:
Dunlap đã đưa ra và trình bày một số quan điểm nói rằng laptop có thể “đập nát” tablet. Bây giờ tôi sẽ làm điều tương tự để chứng minh chính tablet mới là kẻ “ăn tươi nuốt sống” các máy tính xách tay:
Tính tiện lợi và di động: Lenovo Thinkpad X30 chẳng to lớn gì, nhưng nếu đặt cạnh một iPad 2 thì chiếc laptop vẫn rộng và dài hơn lần lượt là 2.54cm và 3.81cm. iPad 2 có độ dày vỏn vẹn 0.86cm – tức chỉ bằng độ dầy chiếc laptop Lenovo. Chưa kể, iPad 2 có trọng lượng chỉ bằng 1/3 trọng lượng chiếc Thinkpad, chính xác là nhẹ hơn gần nửa kg.
Dunlap cũng nói rằng người dùng chỉ phải chịu thêm từ 0.5 đến 1kg khi mang vác laptop. Nhưng cứ hỏi bất cứ ai từng dùng chiếc iPad đời đầu, sau đó chuyển sang dùng iPad 2 mà xem, dù sự chênh lệch chỉ là một vài ounce (một ounce tương đương 0.02 kg), nhưng cũng dễ nhận thấy. Nửa kg chênh lệch giữa chiếc Thinkpad và iPad 2 sẽ “phát huy tác dụng” khi bạn phải mang vác chiếc MTXT đi khắp nơi, từ phi trường đến các khách sạn, đó là chưa kể các phụ kiện kèm theo.
Chiếc iPad của tôi có thể vừa với bất kỳ túi xách nào, đơn giản như thể cầm cuốn tạp chí đi dạo vậy, và nó cũng không đòi hỏi bất cứ phụ kiện nào.
Tablet khá thời trang và tiện lợi cho công việc di động – Ảnh minh họa: Internet
Sự tiện dụng: iPad – hay tablet nói chung – là hữu dụng. Chúng tiện dụng khi bạn di chuyển, chúng tiện dụng ngay cả khi bạn sử dụng chỉ với một tay. Chúng tiện dụng mọi lúc bạn cần: với Smart Cover, chiếc iPad 2 sẽ lập tức sẵn sàng ngay khi bạn mở nó lên. Còn chiếc laptop của bạn mất bao lâu để đạt trạng thái sẵn sàng sử dụng? Tôi có thể bật chiếc iPad của mình, sau đó duyệt mail – thậm chí còn có thể trả lời nhanh một vài lá thư – trong khi chờ chiếc laptop của bạn khởi động xong.
Video đang HOT
Tablet được thiết kế dành cho mục đích di động. MTXT là một nỗ lực để bạn có thể mang chiếc máy PC cồng kềnh bên mình – nhưng vì cái “lõi” của nó vẫn là hệ điều hành dành cho “máy bàn”, vì thế trong khi tôi, trên một chuyến bay, đang mặc sức thao tác kéo thả rồi phóng to thu nhỏ trên chiếc iPad của mình, thì bạn vẫn loay hoay kiếm chỗ để di chuyển con chuột của mình, hoặc tệ hơn – cố sử dụng thêm một thiết bị Bluetooth hay chuột dùng cổng USB trên một diện tích chỉ đủ chỗ cho một cốc nước và một gói lạc.
Dĩ nhiên, khi bạn ổn định được vị trí, tức là sau khi đã hoàn thành các công đoạn đặt chiếc laptop lên một chiếc bàn làm việc thật sự, cắm thêm một con chuột, khi đó MTXT thắng về tính tiện dụng. Đó là bởi vì một chiếc laptop chẳng qua là một cỗ máy tính có-thể-di-chuyển (portable) hơn là là một thiết bị di động (mobile) thật sự. Bạn có thể mang nó từ điểm A đến điểm B, nhưng bạn không thể làm ăn được gì trong quá trình di chuyển.
Dung lượng: Dunlap đã đúng về dung lượng mặc định lớn nhất trên iPad đời đầu và iPad 2 là 64GB, cũng như chuyện hầu hết laptop bây giờ có ít nhất 250GB ổ cứng. Điều này không phải bàn cãi. Dunlap tiếp tục nói về khả năng lưu trữ mạnh mẽ rất nhiều phim ảnh, chương trình truyền hình, và file nhạc trên laptop. Vấn đề là, một iPad 64GB có thể chứa ít nhất sáu bộ phim chất lượng HD, mà vẫn còn đủ chỗ cho hàng nghìn bài hát, rồi thêm cả một thư viện sách với công cụ Kindle. Thế chính xác thì bạn cần mang bên mình bao nhiêu dung lượng cho vừa đây?
Hơn nữa, báo chí ngày nào cũng đưa tin tức về các vụ lộ dữ liệu, hậu quả từ những chiếc laptop – vốn chứa trong đó hàng trăm gigabyte thông tin nhạy cảm – bị mất hoặc đánh cắp. Việc sử dụng những dịch vụ lưu trữ trực tuyến dựa trên điện toán đám mây như Box.net hay Dropbox có nghĩa rằng: A) Bạn có thể truy cập chúng bất cứ đâu vào bất cứ lúc nào miễn là thiết bị của bạn có khả năng kết nối Internet, và B) trong trường hợp thiết bị của bạn bị mất hay đánh cắp, dữ liệu của bạn vẫn an toàn trên “đám mây”.
Thời lượng pin: Dunlap nhấn mạnh yếu tố pin không-thay-thế-được là điểm yếu của iPad. Còn tôi nói rằng nhu cầu dùng đến một chiếc pin dự phòng chính là điểm yếu của chiếc laptop Lenovo. Dunlap phàn nàn nếu bạn di chuyển nhiều giờ hay ở tại nơi không có nguồn điện đầu ra, một thiết bị dùng được pin dự phòng sẽ rất hữu dụng.
Tốt thôi, nếu bạn đang nói về một chiếc laptop với thời lượng tối đa chỉ từ 2-3 tiếng đồng hồ, tôi hiểu vì sao bạn cần có một chiếc pin dự phòng đến vậy. Hãy nghĩ đến cảnh xách một chiếc MTXT nặng hơn iPad tận nửa kg, cộng thêm một chiếc pin dự phòng – mà bản thân nó đã nặng bằng hoặc thậm chí hơn cả chiếc iPad – chỉ để có được tổng dung lượng pin chiếm chưa đến 60% thời lượng của chiếc iPad.
iPad 1 cùng 2 thế hệ Samsung Galaxy Tab 7-inch và 10.1-inch – Ảnh minh họa: Thanh Trực
Nãy giờ tôi mới chỉ so sánh iPad và iPad 2 với chiếc Thinkpad. Nhưng Apple giờ đây không còn cô độc trong cuộc chơi tablet nữa, và rất nhiều mẫu tablet khác sẽ còn thay đổi cuộc so sánh theo nhiều phương diện. Những mẫu tablet như Motorola Xoom hay Samsung Galaxy Tab mang đến cho người dùng cổng microSD để nâng cấp dung lượng lưu trữ, cổng kết nối USB, và thân thiện với Adobe Flash, và rất nhiều tính năng nữa mà những người đam mê PC như Duncan cảm thấy thiếu ở chiếc iPad.
Tablet rõ ràng là nền tảng điện toán di động ưu việt nhất, dĩ nhiên là không áp dụng cho một số hoàn cảnh sử dụng cực kỳ đặc biệt. Bạn vẫn có thể cố níu giữ chiếc laptop của mình, nhưng những ngày tháng đó sắp hết rồi. Có chống cự cũng chẳng được gì đâu!
Hai tác giả đều đã trình bày hết quan điểm của mình về việc lựa chọn giữa tablet và laptop. Nhịp Sống Số hy vọng qua bài viết này, bạn đọc sẽ tùy mục đích sử dụng cũng như khả năng kinh tế, sẽ chọn được thiết bị như ý phục vụ tốt cho công việc và nhu cầu của mình.
Còn bạn? Bạn có thể tham gia diễn đàn Máy tính xách tay hay Máy tính bảng của chúng tôi bằng cách hãy ngồi xuống, liệt kê xem với công việc và những đặc thù sinh hoạt của bạn, thiết bị nào với bạn là ưu việt. Bài viết xin gửi về tto@tuoitre.com.vn.
Theo Tuổi Trẻ
Tablet hay Laptop: ai hiệu quả hơn? - Laptop: "tablet chỉ là đồ chơi công nghệ" (Phần 1)
Nếu so về "thâm niên", rõ ràng tablet (máy tính bảng) non trẻ hơn rất nhiều so với "anh bạn già nua" laptop, nhưng chưa bao giờ thế giới công nghệ lại chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng đến như vậy của tablet, liệu sẽ có lúc laptop bị thay thế bởi tablet?
Bài viết dưới đây là tổng hợp quan điểm của hai cây bút Tony Bradley và Tom Dunlap của tạp chí công nghệ PC World để trả lời cho câu hỏi trên.
Tablet và laptop, đâu là xu thế người dùng thật sự cần? - Ảnh minh họa: Internet
"Những lý do khiến laptop tốt hơn tablet" - Tom Dunlap
Ghi chú: tuy tiêu đề trên bài viết gốc của tác giả Tom Dunlap đề cập đến tablet, nhưng hầu hết các đánh giá và nhận định của tác giả đều dựa trên thiết bị iPad từ Apple, nên sẽ có đôi chỗ không phù hợp với những dòng tablet từ các hãng sản xuất khác
Dạo này tôi đi bất cứ đâu cũng nghe thấy bạn bè mình chê bai laptop. Họ nói rằng tôi đã sai lầm khi lựa chọn thiết bị lỗi thời là PC (máy tính cá nhân), và không tiếc lời ngợi khen thiết bị họ gọi là "sản phẩm hậu-PC": chiếc iPad đang nổi đình nổi đám của Apple.
Sau khi họ lôi ra chiếc iPad một cách hết sức nâng niu, tôi nhìn bằng ánh mắt ngưỡng mộ, và hỏi: "Thế bây giờ cậu định nhét đĩa DVD vào chỗ nào? Cậu làm sao để soạn thảo một e-mail dài bằng bàn phím ảo? Ồ, và hãy đoán xem số tiền tôi dùng mua chiếc laptop Lenovo ThinkPad X30 ít hơn bao nhiêu so với chiếc iPad của cậu nhé!"
Tôi đồng ý rằng iPad mỏng, nhẹ và có tính di động cực cao, tôi cũng nhận thức đầy đủ tính tiện dụng của những thiết bị giải trí cầm tay. Nhưng tôi phải nhấn mạnh, nếu không phải một con-nghiện-công-nghệ-mới-và-tối-tân-nhất, bạn hoàn toàn có thể có trong tay tất cả những điều trên và còn hơn thế, mà chỉ phải móc hầu bao ít hơn rất nhiều so với một chiếc tablet. Bạn chẳng qua chỉ phải vác nặng hơn từ 0.5 đến 1 kg mà thôi.
Lenovo Thinkpad X30 - Ảnh minh họa: Internet
Sau đây là những lý do hàng đầu mà tôi cho rằng chiếc Lenovo (hàng second-hand) giá 200 USD của mình đáng giá và hiệu quả hơn hẳn chiếc iPad 2, vốn có giá dao động từ 499 đến 800 USD- tùy cấu hình lựa chọn:
Chiếc Thinkpad của tôi có ổ ghi DVD: Nếu bạn có nhu cầu lưu trữ lâu dài hình ảnh, âm nhạc, hoặc phim ảnh, hay nếu công việc của bạn yêu cầu phải backup dữ liệu và ổ cứng, bạn sẽ cần ghi đĩa thường xuyên, và rất nhiều. Nói đơn giản hơn, khi muốn gửi đến người thân ở xa của mình một dữ liệu gì đó, đĩa quang vẫn tiện nhất.
Nó có bàn phím vật lý: Hầu hết người dùng iPad đều sẵn sàng thừa nhận việc sử dụng lâu dài và thường xuyên bàn phím ảo trên chiếc tablet này là khá khó khăn. Còn tôi nói thẳng: tôi ghét dùng bàn phím ảo. Ngay cả cây bút Jon L, Jacobi của tờ PC World cũng từng mỉa mai khi nói rằng, bàn phím ảo trên các tablet đắt đỏ hiện nay là có-cũng-như-không. Thậm chí những bàn phím cứng ọp ẹp phụ thêm cũng không giúp cải thiện gì nhiều. Tôi cần một bàn phím thật sự và chắc chắn như trên chiếc Thinkpad của mình, và tôi cũng thích sử dụng Trackpoint truyền thống nữa.
Nó có dung lượng lưu trữ lớn hơn: Nếu bạn muốn tải và lưu trữ nhiều phim độ phân giải cao, chương trình TV, video, file nhạc, file PowerPoint, PDF... thì ổ cứng 64GB của iPad 2 có thể không đáp ứng nổi. Thậm chí một ổ cứng trung bình 250GB trong một laptop cũng có thể đầy nhanh hơn bạn tưởng. (Dĩ nhiên tôi biết bạn hoàn toàn có thể cất gần như mọi loại dữ liệu vào một ổ cứng gắn ngoài, hay một dịch vụ lưu trữ trực tuyến nào đó).
Nó có những cổng mở rộng linh hoạt hữu dụng: iPad thì không có cổng USB. Dĩ nhiên bạn có thể mua thêm một adapter (bộ chuyển đổi), nhưng giá của nó sẽ không hề rẻ chút nào. Chưa kể nếu chẳng may bạn có nhu cầu sử dụng thêm chuột, máy ảnh số và/hoặc một máy in thì sao? Về phần mình, tôi hoàn toàn có thể cắm thêm một ổ USB hay bất cứ thiết bị nào sử dụng chuẩn giao tiếp này vào chiếc laptop của mình.
Laptop còn có "hậu duệ" là netbook, được nhiều người dùng lựa chọn, nhất là giới nữ - Ảnh minh họa: Internet
Và sau đây là những lý do khiến tôi rất ghét iPad:
Nó bị giới hạn trong khuôn khổ của iTunes: Jared Newman, một blogger của tờ PC World, tổng kết như sau: "Thậm chí nếu bạn không bao giờ đồng bộ hóa (sync) dữ liệu nào từ máy tính vào iPad, bạn vẫn cần đến phần mềm iTunes được cài đặt trên chiếc máy tính đó để cập nhật các phần mềm trên chiếc iPad của bạn. Điều này cần phải thay đổi."
Pin của iPad không thay được: Tôi biết iPad có thời lượng pin không tồi, nhưng nếu có lúc nào đó bạn cần làm việc trong một chuyến đi dài, hoặc ngồi tại một quán café không có nguồn điện đầu ra, bạn cần một chiếc pin phụ (back-up cell) để phòng hờ. Điều này, tiếc thay, lại là bất khả thi đối với mọi phiên bản iPad cũng như tất cả sản phẩm di động khác từ Apple: viên pin bị khóa và không-thể-thay-thế.
Mời các bạn đón theo dõi tiếp phần 2 để xem Tablet phản pháo Laptop như thế nào!
(*): tiêu đề bài viết do tác giả đặt
THÚY QUỲNH (lược dịch từ PCWORLD)
(Còn tiếp)
Theo Tuổi Trẻ
Những logo biến tấu 'để đời' của Google Hơn 10 năm qua, Google đã thay đổi logo của họ hàng trăm lần để kỷ niệm ngày sinh của các danh nhân hay chào mừng sự kiện trọng đại của thế giới. Tạp chí PC World (Mỹ) lựa chọn một số logo biến tấu (doodle) được đánh giá cao của Google: Logo được thay đổi lần đầu tiên vào mùa hè 1998...