Ta là cái gì của nhau
Anh lảng đi khi nhận ra em đang hỏi một câu… ngớ ngẩn, hay anh biết em chỉ đang hỏi chính mình?
Em không phải là người phụ nữ chúc mừng sinh nhật anh sớm nhất, hay là người duy nhất trong một ngày được anh nhắn tin đầy quan tâm: “Em ăn sáng chưa?”, “Trưa nay ăn ngon miệng, ngủ ngon giấc nhé em!”, “Tối về nhớ mặc thêm áo ấm!”. Em cũng không phải là người có mặt bên anh khi anh đang đau đầu, kịp thời mang đến cho anh ly nước mát, đúng lúc đặt bàn tay âu yếm lên trán anh. Càng không phải là người có thể chia sẻ cùng anh tiếng cười giòn tan của con trẻ lúc đầu hôm, hay đêm khuya kịp kéo chăn lên ngực anh khi cơn gió lạnh bất chợt tràn vào ô cửa… Có thể em chỉ là người đầu tiên anh nghĩ đến, khi người-phụ-nữ-bên-anh, vào những khoảnh khắc nào đó, không len vào được những ngóc ngách trong tâm hồn rộng lớn nơi anh.
Anh là gì của em?
Mình chỉ “gặp” nhau trên cửa sổ chat mỗi ngày, chỉ “thấy” nhau qua những tấm hình gửi tặng, chỉ “nghe” nhau qua tin nhắn điện thoại và chỉ “chạm” được nhau trong những giấc mơ khắc khoải… Những gì chúng mình dành cho nhau chỉ lẳng lặng từng ngày… Người này đem luôn con cái và “một nửa” của người kia vào mối bận tâm chung, biến tất cả thành một gia đình lớn. Để khi đang vui vầy bên gia-đình-thật-sự của mình, người này lại chạnh lòng nghĩ đến cảnh hạnh phúc cũng đang diễn ra cùng lúc của gia đình người kia. Rồi tự hỏi mình đang đánh lừa nhau hay dối gạt chính mình, nếu đã hạnh phúc rồi, sao còn để ta lạc bước vào đời nhau?
Video đang HOT
Mình đâu là gì của nhau, nên mình chẳng thể trả lời câu hỏi ấy mà lòng không trăn trở. (ảnh minh họa)
Ta là gì của nhau?
Nếu một ngày tình cờ mình gặp nhau, khi đang dắt tay con đi bên “một nửa” của mình, mình sẽ mỉm cười chào nhau hay vội vã đi về hai phía? Câu trả lời nằm ở tình cảm thầm kín dành cho nhau khi ấy của chúng mình… Có gì chắc chắn đâu anh, khi lần nào mình gặp nhau cũng man mác buồn như lần gặp cuối. Anh không nghĩ mình là người có lỗi, vì anh vẫn chăm lo chu toàn cho gia đình, thương con và thậm chí càng yêu vợ nhiều hơn. Anh lờ đi ý nghĩ: chỉ dắt nhau theo vào giấc mộng của nhau đã là có tội rồi.
Mình đâu là gì của nhau, nên mình chẳng thể trả lời câu hỏi ấy mà lòng không trăn trở. Anh vẫn bảo em là “một người rất tốt” của anh, em vẫn đùa anh là “người còn nợ em”, hay chúng mình vẫn thường nâng cánh cho chút tình tội lỗi này bằng định nghĩa: “Thân hơn một tình bạn, lớn hơn một tình yêu”. Nhưng, phút cuối của nó sẽ là gì?
Có lẽ chẳng còn lại gì, ngoài những câu hỏi không lời đáp.
Theo VNE
'Mời' vợ về quê chồng ăn tết!
Câu chuyện bên bàn cà phê của mấy "nam chiến hữu" những ngày cuối năm hóa ra là đau đầu vì vợ không chịu về quê chồng ăn tết.
Vợ ngại... đủ thứ!
Không kể hết những chàng trai thư sinh miền Bắc, miền Trung ngày nào vào Nam học tập, lập nghiệp giờ đã định cư nơi phương nam. Những cô dâu là người miền Tây, miền Nam quanh năm sống ở vùng nắng ấm bỗng nhiên lo lắng khi về quê chồng làm dâu với những đợt "rét đậm, rét hại" báo liên miên trên ti vi. Thế là họ "dùng dằng nửa ở nửa đi".
Anh nói nhà anh cả tuần nay cơm nguội, canh lạnh, vợ chồng mặt nặng mày nhẹ vì anh háo hức về thăm quê, thăm ba mẹ già chừng nào thì chị "lần khân" chừng đó. Chị bảo em chịu lạnh không được, sợ về bệnh luôn. Nghe thế anh thấy thông cảm cho vợ nhưng khi chị "bồi" tiếp: "Em không đi có sao đâu? Để tiền vé máy bay, chi tiêu gửi hết cho ba mẹ cũng được kha khá. Anh thích cứ về. Em ở lại với má..." thì anh nổi giận! Vấn đề không phải là tiền mà là tình cảm cô hiểu không? Tết là dịp sum vầy cô hiểu không? Đàn ông con trai phải có trách nhiệm với gia đình, không biết nghe "tiếng gọi của tổ tiên" là vứt đi cô hiểu không?... Sau một loạt "cô hiểu không" của anh là hai vợ chồng ngủ hai phòng! "Cuộc chiến" ăn tết ở đâu chưa ngã ngũ...
Em ơi về quê anh... du lịch!
Nhưng cũng có gia đình chồng bắc vợ nam giải quyết ổn thỏa chuyện này. Vợ chồng anh Trung là một ví dụ. Hơn 10 năm nay, những ngày tết là ngày anh chị "du lịch về quê". Trước đây chưa có con cái, anh hay đùa là đi hưởng tuần trăng mật lần thứ "n". Khi có con cái, anh càng siêng về quê hơn và coi đó như một chuyến nghỉ ngơi của cả nhà.
Vợ anh Trung cũng khéo léo trong cư xử. Chị nói: "Mình... bắt con trai người ta cả năm, vài ngày tết để chồng mình làm nhiệm vụ trên đầu trên cổ chứ! Hơn nữa, về quê cùng chồng, con, chịu lạnh một chút nhưng cảm giác ấm áp khi thăm bà con, viếng mộ tổ tiên, tham gia các lễ hội ở đình làng, chùa quê, lúi húi cùng mẹ chồng chuẩn bị mâm cơm cúng gia tiên hay lắm chứ!". Với con cái, dịp này nên để chúng "nhắm mắt" bớt với những trò chơi điện tử mà ngồi xuýt xoa cùng ông bà bên nồi bánh chưng, bánh tét cũng thật ý nghĩa...
Không nên "nặng nề hóa" việc về quê chồng ăn tết mà hãy coi đó như một chuyến du lịch là lời khuyên của anh Trung dành cho bạn mình trong buổi cà phê hôm đó và cũng chung cho những cô dâu... sợ lạnh, sợ mệt. Để khỏi vất vả chuyện đi lại, nên tùy vào khả năng của gia đình mà chọn phương tiện và đặt vé từ sớm, tránh cảnh chen lấn, mệt xỉu! Một vấn đề không nhỏ nữa là mấy ông chồng cần tâm lý hơn. Đừng có "em phải" mà nên "em ơi về cùng anh"! Các anh hãy là những "hướng dẫn viên" du lịch tuyệt vời để ngoài trách nhiệm, bổn phận làm dâu con, các chị còn được khám phá những điều hay, ẩm thực, cảnh đẹp của quê chồng...
Và điều cuối cùng vợ anh Trung cảnh báo: "Theo chồng... sát nút những ngày tết cũng là không cho chồng cơ hội gặp người xưa. Thế nên, cùng chồng lang thang trên đường quê ngày tết vẫn hơn là để chồng đi cùng một cô... cũ nào đó".
Theo VNE
Tết này ba có về với mẹ con mình? Tiền vé máy bay về nước với một công nhân đi xuất khẩu lao động như ba thì đắt đỏ lắm. Chưa đến 20 tháng Chạp nhưng nhà hàng xóm đã rộn ràng chuẩn bị sắm sửa đón Tết. Nhà bác Hai bên cạnh đã lột kiệu, làm cải mang ra phơi nắng. Nhà thím Bảy đã xếp đầy sân trước nào bí...