TA focus (phiên 3/9): Không có lý do để dòng tiền từ bỏ tìm kiếm lợi nhuận
Trong ngắn hạn, lý do để dòng tiền từ bỏ tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường là cực kỳ thiếu thuyết phục, nếu không muốn nói là rất khó có thể xảy ra.
Kết phiên giao dịch ngày 30/8/2019, VN-Index chốt ở 984,06 điểm, tăng 5,47 điểm ( 0,56%) với khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 126 triệu đơn vị, giá trị 2.610 tỷ đồng.
Về mặt kỹ thuật
Như vậy là tháng 8 đầy sóng gió đã kết thúc, chốt tháng VN-Index mất khoảng (- 0,8%), không nhiều nếu so với một vài chỉ số trên các thị trường tài chính lớn như Dow Jones (-1,7%), Nikkei 225 (-3,7%), Shang Hai (-1,5%).
Điều này phần nào cho thấy không có nhiều xáo trộn trên thị trường xét trong bối cảnh phức tạp của tháng vừa qua, cũng như nội lực thực sự của VN-Index đủ mạnh để chống đỡ với những tin tức bất lợi từ bên ngoài tác động.
Chart Monthly
Ở khung thời gian dài này, VN-Index đóng cửa nằm dưới MA20, tuy nhiên chỉ số cũng đã tiệm cận rất gần. Hơn nữa, mẫu hình nến có bóng nến phía dưới được xác định khá dài mặc dù là nến đỏ nhưng như vậy cũng không đến nỗi quá tệ. Nó khẳng định, cuối cùng thì bên bán cũng không hẳn áp đảo được bên mua. Nói cách khác cung cầu trên thị trường tương đối cân bằng không lệch quá về bên bán.
Về tổng thể, VN-Index chưa thoát khỏi vùng giá dao động của tháng 7, cục diện này chứng tỏ những biến động mạnh tiêu cực trong tháng cũng chỉ mang tính thời điểm khi tâm lý chi phối nhiều đến quyết định mua bán của nhà đầu tư hơn là sức khỏe thực sự của thị trường.
VN-Index mất điểm nhẹ so với tuần trước nhưng vẫn nằm trên MA20 và đóng cửa vượt cả MA10 đang là những tín hiệu rất đáng chú ý. Tuy nhiên, khối lượng tuần chỉ nhích nhẹ xác nhận dòng tiền nhìn chung vẫn không có động thái giải ngân mạnh. Cầu chỉ khỏe khi có giá hấp dẫn ở những vùng hỗ trợ mạnh, ngoài ra khi giá trên cao, lực mua vẫn yếu và không áp đảo được bên cầm hàng, giúp VN-Index bật mạnh.
Video đang HOT
Kết thúc tuần, mẫu hình nến với giá đóng cửa rất sát giá mở cửa gợi mở mẫu hình nến Doji quen thuộc phản ánh tâm lý chờ đợi, lưỡng lự của cả bên mua và bán trong 1 tuần sóng gió và không nhiều tin tức hỗ trợ. Động lực tăng và giảm hiện tại đều không rõ ràng dẫn đến giao dịch về cơ bản là giằng co trong biên độ hẹp. Chưa có sự đột phá đáng kể nào mở ra các manh mối, từ đó xác định được chắc chắn hơn việc thắng – thua của bên mua hay bên bán trên thị trường.
Nhìn trên đồ thị, dải Bollinger Band vẫn hẹp và chưa biết sẽ hẹp đến bao giờ khiến chỉ báo này chưa thể xác định giá sắp tới sẽ bứt phá về phía nào, trên hay dưới. Tuy nhiên, rõ ràng nhiều tuần gần đây, VN-Index luôn đóng cửa ở phía trên đường BB middle mặc dù có những tuần, biến động giá là rất dữ dội. Thực tế này cũng cho thấy, có cơ sở tin được cửa VN-Index sẽ phát triển về phía BB top có lẽ sáng hơn là ngược lại.
Các chỉ báo khác như MACD, RSI chưa có nhiều đột biến. Cụ thể trên chart, chỉ báo MACD vẫn trên đường signal, RSI cũng duy trì trên ngưỡng 50. Nhìn chung, không có nhiều tín hiệu tích cực rõ ràng. Chỉ có Stochastic đang có hình thái đẹp, khi bất ngờ đường %K cắt %D hướng đến vùng quá mua, nhìn tương đối lạc quan.
Kết hợp với các đường Trendline và các mức Fibonacci, thì không khó để nhận ra kênh phía dưới chưa thủng và ngưỡng 38,2% (995,36 ) cũng vẫn chưa vượt qua khẳng định VN-Index chưa thể hiện được quá nhiều, chưa có gì đặc biệt đáng chú ý. Nhìn chung, có thể cho rằng, hiện tại, nhiều khả năng thị trường đang tích lũy, củng cố nền tảng chuẩn bị cho 1 con sóng cuối năm rực rỡ..
Tóm lại, thị trường không xấu. Có chăng chỉ là chưa đủ sôi động để lôi kéo dòng tiền vào mạnh hơn khiến giao dịch trồi sụt và giằng co khó chịu. Tuy nhiên, sự phản ứng hiệu quả của VN-Index ở những phiên sóng gió là bằng chứng dễ thấy nhất để nhà đầu tư thêm tự tin, cũng như tiếp tục giữ vững kỳ vọng tích cực với thị trường.
Hơn nữa, các thông tin về sức khỏe của nền kinh tế vẫn vậy, chẳng có gì xấu, đáng lo ngại, thì trong ngắn hạn, lý do để dòng tiền từ bỏ tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường là cực kỳ thiếu thuyết phục, nếu không muốn nói là rất khó có thể xảy ra.
Hải Đăng, Trưởng bộ phận phân tích kỹ thuật, TVSI Ngọc Khánh
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
Nhiều doanh nghiệp BĐS âm dòng tiền kinh doanh
Đất Xanh, Văn Phú Invest âm dòng tiền kinh doanh nhiều năm. Phát Đạt, Nam Long, Văn Phú Invest âm dòng tiền vì tăng tồn kho.
Liên tục âm dòng tiền nhiều năm
CTCP Tập đoàn Đất Xanh ( HoSE: DXG ) là một trong những doanh nghiệp bất động sản báo lãi lớn quý II nhờ thanh lý tài sản. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 249 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận này đạt 556 tỷ đồng, tăng 29%.
Tuy nhiên, vấn đề của Đất Xanh nằm ở việc âm dòng tiền kinh doanh gần 565 tỷ đồng trong quý II. Cùng kỳ năm trước, công ty âm 996 tỷ đồng. Đất Xanh cũng là doanh nghiệp âm dòng tiền kinh doanh trong suốt 3 năm qua, kể từ 2016.
Dòng tiền kinh doanh của Đất Xanh âm trong 6 tháng đầu năm 2019.
Nguyên nhân âm dòng tiền quý này chính nằm ở việc tăng khoản phải thu cuối kỳ 2.478 tỷ đồng, tăng 30% cùng kỳ năm trước. Tổng các khoản phải thu ngắn, dài hạn chiếm 51% tổng tài sản công ty.
Trên bản cân đối kế toán, Đất Xanh có hơn 1.141 tỷ đồng phải thu các khách hàng khác, gấp 2,7 lần đầu năm, phải thu ngắn hạn khác hơn 1.622 tỷ đồng, gấp 23 lần đầu kỳ. Hai khoản này đều không thuyết minh cụ thể.
Văn Phú Invest ( HoSE: VPI ) cũng âm hơn 1.839 tỷ đồng dòng tiền kinh doanh, trong khi cùng kỳ năm trước âm 418 tỷ đồng. Tình trạng này cũng xảy ra liên tục từ năm 2015 đến 2018, nguyên nhân chính nằm ở tăng các khoản phải thu hoặc hàng tồn kho tăng.
Đơn vị: tỷ đồng.
Âm dòng tiền vì hàng tồn kho
Trong khi tình hình bất động sản tại TP HCM được cho là khó khăn, nguồn cung thị trường giảm, nhiều dự án đình trệ vì vướng pháp lý thì các doanh nghiệp có xu hướng mở rộng đầu tư ra các tỉnh khác. Nam Long ( HoSE: NLG ) mua lại dự án ở Đồng Nai hay Phát Đạt ( HoSE: PDR ) mở rộng về miền Trung là ví dụ.
Nam Long mặc dù doanh thu giảm 31% nhưng lợi nhuận ròng đạt gần 121 tỷ đồng, gấp 2,3 lần trong quý II. Tuy nhiên, dòng tiền kinh doanh âm 315 tỷ đồng do tăng hàng tồn kho 1.390 tỷ đồng. Lý do trong kỳ, Nam Long mua lại công ty Việt Thiên Lâm - đơn vị ở hữu dự án Khu biệt thự Đại Phước Paragon hơn 45 ha tại Đồng Nai. Điều này cũng được ghi nhận giá trị trong các bất động sản dở dang mà công ty đang triển khai, trị giá 1.610 tỷ đồng.
Các dự án tồn kho của Nam Long.
Công ty Phát Đạt cũng âm dòng tiền kinh doanh 1.070 tỷ đồng mà cùng kỳ năm trước dương. Sự biến động đến từ việc tăng các khoản phải thu (618,5 tỷ đồng), tăng các khoản phải trả (364,6 tỷ đồng), đặc biệt tăng hàng tồn kho từ 129 tỷ đồng cùng kỳ năm trước lên 892 tỷ đồng.
Trong kỳ, Phát Đạt đã trúng thầu, trở thành chủ đầu tư phân khu 2 - 4 - 9 thuộc Khu đô thị sinh thái Nhơn Hội, Bình Định. Tính đến 30/6, giá trị tồn kho ở dự án này là 1.217 tỷ đồng, bao gồm tiền sử dụng đất, chi phí thiết kế, tư vấn, khảo sát, xây dựng cơ sở hạ tầng dự án. Công ty mới đây cho biết đã bán xong 100% sản phẩm thấp tầng phân khu số 4.
Các dự án tồn kho của Phát Đạt.
Nguyên nhân chính làm âm dòng tiền cũng ở hàng tồn kho, Văn Phú Invest cũng có khoản tồn kho tăng 854 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Theo đó, tồn kho tăng ở hai dự án Khu đô thị An Hưng (1.182 tỷ đồng, tăng 62%) và 138 Giảng Võ (1.295 tỷ đồng, tăng 119%). Dự án Khu đô thị An Hưng gồm 3 tòa hỗn hợp căn hộ và thương mại dịch vụ cao 45 tầng, khu nhà ở thấp tầng với 166 nhà phố thương mại. Trong quý II, dự án đã mở bán các căn hộ cao tầng và tiếp tục kinh doanh nhà phố thương mại.
Các dự án tồn kho của Văn Phú Invest.
Với dự án hỗn hợp và nhà ở 138 Giảng Võ được đầu tư theo hình thức BT, ngày 30/6 đã hoàn thành nộp tiền sử dụng đất. Ngày 19/7, dự án đã được công nhận kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai.
Một doanh nghiệp khác cũng âm 360 tỷ đồng dòng tiền kinh doanh vì tồn kho là Đầu tư VRC ( HoSE: VRC ). Công ty tăng tồn kho ở dự án Khu dân cư Nhơn Đức, Phước Lộc - Nhà Bè.
Với các doanh nghiệp có dòng tiền kinh doanh âm sẽ phải huy động từ các nguồn khác để đảm bảo dòng tiền hoạt động, đầu tư. Trong bối cảnh tín dụng cho bất động sản giảm tốc hoặc thị trường gặp khó khăn, việc liên tục âm dòng tiền kinh doanh sẽ trở thành yếu tố rủi ro với các doanh nghiệp.
Theo Khổng Chiêm
NDH
Lợi nhuận công ty dầu khí bay hơi theo giá dầu Một số công ty kinh doanh trong lĩnh vực dầu khí báo cáo lợi nhuận 6 tháng sụt giảm. Lợi nhuận các công ty dầu khí quý 2 sụt giảm Độc Lập Sau khi quý 1 đạt lợi nhuận cao vì giá dầu hồi phục, kết quả kinh doanh các công ty trong ngành này sang quý 2 lại sụt giảm. Cụ thể...