Syria, Nga, Iran lên án kế hoạch không kích IS của Mỹ
Chính phủ Syria, Nga và Iran đã lên án kế hoạch của Tổng thống Mỹ Barack Obama về các cuộc không kích tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS), nói rằng các cuộc không kích có thể vi phạm chủ quyền.
Tổng thống Mỹ đã “bật đèn xanh” cho các cuộc không kích tại Syria.
Nhà lãnh đạo Mỹ hôm 10/9 đã vạch ra một chiến lược nhằm là “suy yếu và cuối cùng là phá hủy” IS và tăng cường sự ủng hộ quân sự cho các lực lượng đồng minh tham gia chiến đấu chống lại nhóm phiến quân. Lần đầu tiên, ông Obama cũng “bật đèn xanh” cho các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của IS tại Syria.
Ngay sau đó, chính phủ Syria và các đồng minh thân cận tại Nga và Iran đã cảnh báo ông Obama rằng một chiến dịch chống lại IS bên trong Syria có thể vi phạm luật pháp quốc tế.
Nga cho biết nước này sẽ không ủng hộ bất kỳ hành động quân sự nào mà không có một nghị quyết của Liên hợp quốc phê chuẩn điều đó.
“Tổng thống Mỹ đã nói công khai về khả năng các lực lượng Mỹ không kích IS tại Syria mà không có sự chấp thuận của chính phủ hợp pháp. Bước đi này, nếu không có sự phê chuẩn của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, là một hành động gây hấn, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế”, một phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Nga nói.
Bộ ngoại giao Iran cho hay “cái gọi là một liên minh quốc tế để đối phó với IS… chất chứa đầy những hoài nghi nghiêm trọng và có những lo ngại nghiêm túc về sự quyết tâm của liên minh nhằm chiến đấu với nguồn gốc của chủ nghĩa khủng bố”.
Tại Damascus, chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al- Assad đã cảnh báo các cuộc không kích của Mỹ.
“Bất kỳ hành động ở bất kỳ dạng nào mà không có sự đồng ý của chính phủ Syria sẽ là một cuộc tấn công nhằm vào Syria”, Bộ trưởng tái hòa giải quốc gia, ông Ali Haidar, tuyên bố.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho hay Tổng thống Assad có thể sẽ phớt lờ các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của IS và thậm chí còn bí mật tìm cách hợp tác với các nỗ lực của phương Tây.
Trong một cuộc gặp với đại sứ mới của Syria tại Liên hợp quốc, Staffan de Mistura, Tổng thống Assad đã nhấn mạnh cam kết của ông nhằm chiến đấu với khủng bố, nhưng không đề cập tới bài phát biểu của ông Obama vào tối ngày 10/9.
Trung Quốc thì nói thế giới nên chiến đấu với khủng bố nhưng chủ quyền quốc gia phải được tôn trọng.
Video đang HOT
Đức không tham gia các cuộc không kích
Trong khi đó, đã có những tuyên bố mâu thuẫn về vai trò của Anh trong kế hoạch chống IS.
Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho hay Anh sẽ không tham gia các cuộc không kích. Tuy nhiên, Phủ thủ tướng đã nhanh chóng thông báo sau đó rằng không loại trừ sự tham gia của Anh.
Đức đã tuyên bố không tham gia các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của IS.
“Đức chưa được đề nghị, nhưng chúng tôi cũng không làm điều đó”, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier phát biểu trước báo giới khi được hỏi về sự tham gia của Đức trong các cuộc không kích nhằm vào IS.
“Chúng ta cần thành thật với chính mình trong tình hình hiện thời rằng, chúng ta chưa có một chiến lược cụ thể, cuối cùng để đảm bảo rằng chúng ta sẽ thành công trong việc chống lại IS và các nhóm tương tự”, ông Steinmeier phát biểu tại Berlin.
Trong khi đó, nhiều nước đã bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch tiêu diệt IS của Mỹ.
Hôm qua, 10 quốc gia Ả-rập ngày 11/9 đã nhất trí trợ giúp Mỹ trong việc giải quyết mối đe dọa gây ra do các phiến quân IS.
Lầu Năm Góc cho hay cơ quan này xem xét về việc nhận dạng các mục tiêu thích hợp cho các cuộc không kích tại Syria. Mỹ cũng sẽ triển khai thêm 475 binh sĩ tới Iraq, nơi họ sẽ giúp xác định các mục tiêu.
An Bình
Theo Dantri/AFP, Guardian
Obama: Mỹ sẽ không kích Syria để tiêu diệt IS
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lần đầu tiên cho phép tiến hành các cuộc không kích vào Syria và mở rộng các cuộc không kích tại Iraq trong khuôn khổ một sứ mệnh rộng lớn nhằm làm suy yếu và cuối cùng là tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết ông sẽ không do dự trong việc hành động nhằm chống lại các phiến quân IS tại Syria cũng như Iraq.
Tổng thống Obama đưa ra tuyên bố trên trong một bài phát biểu được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc, trong đó ông vạch ra chiến lược chống nhóm phiến quân IS.
Bài phát biểu kéo dài 15 phút của ông Obama được phát vào khung "giờ vàng" tối ngày 10/9 theo giờ Mỹ, một ngày trước dịp kỷ niệm 13 năm các vụ khủng bố 11/9/2001.
Ông Obama cho hay bất kỳ nước này đe dọa nước Mỹ "đều không tìm thấy một thiên đường an toàn".
"Chúng ta sẽ truy tìm những kẻ khủng bố vốn đe dọa đất nước chúng ta, dù chúng có ở đâu đi chăng nữa. Đây là nguyên
Những điểm chính trong chiến lược chống IS của Obama:
- Tiến hành một chiến dịch các cuộc không kích có hệ thống nhằm chống lại các mục tiêu IS "ở bất cứ đâu", trong đó có Syria.
- Tăng cường hỗ trợ các lực lượng liên minh trên bộ để chống lại IS, nhưng không hợp tác với chính quyền Syria.
- Đẩy mạnh các nỗ lực chống khủng bố để cắt nguồn viện trợ của IS và giúp chặn các tay súng vào Trung Đông.
- Tiếp tục viện trợ nhân đạo cho những dân thường bị ảnh hưởng bởi đà tiến của IS.
tắc cơ bản trong nhiệm kỳ tổng thống của tôi: Nếu họ đe dọa nước Mỹ, họ sẽ không tìm thấy một thiên đường an toàn", ông chủ Nhà Trắng nói.
Tổng thống Mỹ cũng công bố rằng 475 binh sĩ Mỹ sẽ được điều tới Iraq nhưng họ không đóng vai trò chiến đấu mà chỉ giúp huấn luyện các lực lượng địa phương nhằm đối phó với IS.
IS hiện đang kiểm soát một khu vực thuộc lãnh thổ Iraq và Syria, lớn hơn cả diện tích nước Anh.
IS đã thu hút sự chú ý trên toàn thế giới trong mùa hè năm nay sau khi giành quyền kiểm soát nhiều khu vực lãnh thổ ở phía bắc và tây Iraq, đe dọa tàn sát cộng đồng thiểu số và tôn giáo trừ khi họ chuyển sang nhánh đạo Hồi cực đoan của họ.
Các tay súng của IS đã trở nên khét tiếng bởi sự tàn bạo khi chặt đầu các binh sĩ thù địch và các nhà báo phương Tây rồi ghi hình.
Kể từ đầu tháng 8, Mỹ đã tiến hành hơn 150 cuộc không kích và cung cấp vũ khí cho các lực lượng Iraq và người Kurd nhằm chiến đấu với IS ở miền bắc Iraq.
Xây dựng liên minh quốc tế nhưng không hợp tác với chính quyền Syria
Tổng thống Obama đã cam kết rằng Mỹ sẽ đứng đầu một "liên minh quốc tế rộng lớn" nhằm chống lại IS.
Ông Obama cho hay ông hoan nghênh sự phê chuẩn của quốc hội cho cuộc chiến chống lại IS, nhưng nói thêm rằng ông có quyền hành động mà không cần sự phê chuẩn đó.
Năm ngoái, ông Obama đã từ bỏ các kế hoạch nhằm phát động các cuộc không kích tại Syria để chống lại các lực lượng chính phủ sau khi gặp phải sự phản đối của quốc hội.
Trong bài phát biểu, ông Obama đã loại trừ việc hợp tác với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, dù các lực lượng của chính quyền Syria cũng đang tham gia chiến đấu chống lại IS.
"Trong cuộc chiến chống IS, chúng ta không thể phụ thuộc vào chính quyền Assad: một chính quyền vốn sẽ không bao giờ giành lại được sự hợp pháp đã đánh mất".
Thay vào đó, Mỹ sẽ tìm cách ủng hộ phe đối lập tại Syria.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hiện đang có mặt tại Trung Đông để cố gắng xây dựng một liên minh quốc tế chống lại IS. Ông Kerry đã có mặt tại Iraq hôm qua và gặp gỡ giới chức nước này.
Ông Obama trước đó đã phê chuẩn khoản viện trợ 25 triệu USD cho quân đội Iraq.
An Bình
Theo Dantri/AFP, BBC
Al-Qaeda ở Syria: IS và Mặt trận Al Nusrah - Kỳ cuối: Mặt trận Al Nusrah - Tinh về chất Cả IS và Mặt trận Al Nusrah đều là những tổ chức phân quyền chặt chẽ, bảo vệ nghiêm ngặt bí mật của tổ chức, không hé lộ thông tin về các thủ lĩnh và cách thức hoạt động, thậm chí với cả các điệp viên của mình. Tuy nhiên, trái ngược với IS, Mặt trận Al Nusrah rất khắt khe trong việc...