Syria: Lỗ hổng sau khi Đặc phái viên Kofi Annan từ nhiệm
Cộng đồng quốc tế hoài nghi về việc bổ nhiệm đặc phái viên mới thay vị trí của ông Kofi Annan cũng không thể chấm dứt bạo lực tại Syria.
Ngày 10/8, Liên Hợp Quốc thảo luận về việc tìm kiếm đặc phái viên mới về tình hình Syria để thay thế ông Kofi Annan vừa tuyên bố từ chức. Tuy nhiên, khi tình hình Syria đang chìm sâu vào cuộc nội chiến toàn diện, các đại biểu phương Tây tại Liên Hợp Quốc (LHQ) đang ngày càng ngờ vực về ý nghĩa của việc bổ nhiệm người thay thế ông Kofi Annan. Điều này càng cho thấy sự bất đồng của cộng đồng quốc tế trong cách giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria.
Các tay súng của lực lượng Quân đội Syria tự do trong trận đánh tại Aleppo ngày 9/8 (Ảnh: Reuters)
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho biết, ông đã thảo luận với Tổng Thư ký Liên đoàn Arab Nabil al-Arabi về người thay thế ông Annan để đảm bảo “con đường ngoại giao vẫn được tiếp tục”.
Video đang HOT
Theo giới ngoại giao tại Liên Hợp Quốc, người thay thế ông Annan phải là nhân vật có tầm ảnh hưởng cỡ như ông Annan. Trong số những nhân vật có thể thay thế ông Annan được đề cập tại Liên Hợp Quốc là cựu Ngoại trưởng Tây Ban Nha Miguel Angel Moratinos, cựu Cao ủy phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Solana và cái tên được nhắc đến nhiều nhất là nhà ngoại giao kỳ cựu của Algeria Lakhdar Brahimi.
Ông Brahimi, 78 tuổi, là cựu ngoại trưởng Algeria, đồng thời cũng đã phục vụ như một đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về vấn đề Iraq, Afghanistan, Haiti và Nam Phi.
Về việc tìm nhân vật thay thế ông Kofi Annan, phía Nga bày tỏ sự ủng hộ người thay thế ông Annan tiếp tục con đường ngoại giao do Liên Hợp Quốc dẫn đầu. Các thành viên của Hội đồng Bảo an gồm: Trung Quốc, Nam Phi và Pakistan đều nhất trí với quan điểm của Moscow.
Tuy nhiên, phía Mỹ lại cho thấy sự hoài nghi trước việc tìm người thay thế đặc phái viên Kofi Annan sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ tiếp tục bác bỏ các nghị quyết do Mỹ và phương Tây đề xuất có ý gạt Tổng thống Bashar al-Assad khỏi chính trường Syria hoặc “rắp tâm” can thiệp quân sự vào quốc gia này.
Bà Susan Rice, Đại sứ của Mỹ tại Liên Hợp Quốc cho rằng: “Có nhiều cách nhìn nhận khác nhau đối với vai trò của một đặc phái viên. Chúng tôi nghĩ, thực tế đó là một công việc khó khăn. Đáng ngưỡng mộ khi ông Kofi Annan đã đảm trách công việc đó, nhưng cũng thất vọng khi ông từ nhiệm. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab nên đưa ra những đề xuất tốt nhất để tìm ra người thay thế thích hợp”.
Theo hãng tin Reuters của Anh, chính quyền Tổng thống Mỹ Obama thay vì ủng hộ cho kế hoạch hòa bình, thì lại tăng cường hỗ trợ cho phe đối lập chống lại ông Bashar al-Assad.
Người phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho biết, Mỹ đang hợp tác với các bên, cả Liên Hợp Quốc và các bên được xem là “Những người bạn của Syria” trong nỗ lực chung nhằm gây sức ép lên chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Còn châu Âu, mặc dù công khai tuyên bố ủng hộ quyết định của Tổng Thư ký Ban Ki-moon về việc tìm người thay thế ông Annan, nhưng một vài nhà ngoại giao phương Tây đã lên tiếng hoài nghi về việc bổ nhiệm nhân vật khác đảm nhiệm vai trò mà ông Annan để lại dường như thất bại.
Vào tuần trước, ông Annan đã quyết định từ chức đặc phái viên Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab. Lý do mà cựu đặc phái viên đưa ra là ông không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong bối cảnh quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an LHQ làm vấn đề Syria ngày càng bế tắc.
Như vậy, có thể thấy, với sự bất đồng của cộng đồng quốc tế cùng với cuộc xung đột tại Syria đang ngày càng leo thang thì rắc rối ở đất nước Trung Đông này chưa thể kết thúc. Hoà bình càng trở nên xa vời đối với hơn 20 triệu dân của đất nước nằm bên bờ Đông Địa Trung hải này./.
Theo VOV
Đặc phái viên về Syria Kofi Annan từ chức: Các cường quốc đổ lỗi cho nhau
Việc ông Kofi Annan tuyên bố rút lui khỏi cương vị đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arập về Syria khiến cho nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng Syria lâm vào bế tắc khi các cường quốc tiếp tục đổ lỗi cho nhau.
Nhiều người dân Syria phải bỏ nhà đi lánh nạn
Phát biểu tại buổi họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ) hôm 2-8, ông Annan cho biết, ông không nhận được sự ủng hộ như kỳ vọng, đồng thời lên tiếng chỉ trích "kiểu tiếp tục đổ lỗi trách nhiệm và bêu xấu nhau" trong Hội đồng Bảo an LHQ. Vị cựu Tổng thư ký LHQ dự đoán dù sớm hay muộn, Tổng thống Syria, Bashar al-Assad cũng phải ra đi và kêu gọi Mỹ - Nga cùng nỗ lực cứu Syria khỏi cuộc nội chiến thảm khốc.
Sau khi ông Annan tuyên bố rút lui, các cường quốc thế giới đã lên tiếng đổ lỗi cho nhau. Mỹ và Đức cho rằng quyết định rút lui của ông Annan một phần do Nga và Trung Quốc liên tiếp phản đối các biện pháp trừng phạt chống Syria. Nga và Trung Quốc thì lấy làm tiếc về quyết định của ông Annan, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục nỗ lực chấm dứt bạo lực tại Syria. Bộ Ngoại giao Nga ra thông cáo nhấn mạnh sự cấp thiết phải tìm một nhân vật thay thế ông Annan và duy trì sự hiện diện của LHQ tại Syria.
Trong khi đó, cuộc nội chiến ở Syria vẫn diễn ra hết sức ác liệt với điểm nóng là thành phố Aleppo. LHQ cho biết, cả lực lượng chính phủ và quân nổi dậy Syria đều sử dụng vũ khí hạng nặng trong các vụ giao tranh. Đài truyền hình Nhà nước Syria tuyên bố các binh sĩ nước này "có khả năng tiêu diệt những kẻ khủng bố và lính đánh thuê" ở Aleppo và đang truy quét chúng tại khu vực Salaheddine và các thị trấn phía tây thành phố. Các nhà phân tích lo ngại, cuộc nội chiến ở Syria có khả năng vượt khỏi tầm kiểm soát và Aleppo sẽ giống như một Bengazhi của Libya.
Cũng trong ngày 3-8, hãng Interfax của Nga dẫn lời một quan chức quốc phòng nước này giấu tên cho biết, 3 tàu đổ bộ của Nga chở 360 lính thủy đánh bộ đã được điều tới Syria và sẽ cập cảng Tartus trong vài ngày tới. Những tàu này sẽ cung cấp nước và thực phẩm cho các binh sĩ tại căn cứ hải quân Nga ở Syria, sau đó trở lại cảng Novorossisk ở biển Đen. Tuy nhiên, vị quan chức trên không nói rõ liệu lính thủy đánh bộ Nga có ở lại Syria hay Nga có kế hoạch sơ tán khoảng 30.000 công dân nước này khỏi Syria hay không.
Theo ANTD
Ông Kofi Annan rút khỏi cương vị đặc phái viên hòa bình về Syria Ông Annan từng đưa ra kế hoạch hòa bình 6 điểm đối với vấn đề Syria, song không được các bên tuân thủ. Ông Annan đã chính thức rút khỏi vị trí người tìm kiếm hòa bình Ngày 2/8, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon thông báo ông Kofi Annan đã quyết định rút khỏi cương vị đặc phái viên chung...