Syria chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ để nữ nghi phạm khủng bố Paris qua biên giới
Syria ngày 12/1 đã cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ cho phép “các phần tử khủng bố” tự do đi qua biên giới sau khi Ankara xác nhận rằng Hayat Boumedienne, nghi can nữ trong các vụ tấn công đẫm máu ở Paris, qua Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria hồi đầu tháng này.
Hayat Boumeddiene và người tình Amedy Coulibaly, kẻ khủng bố Paris đã bị cảnh sát Pháp bắn chết. (Ảnh: AP)
Trang tin Sputnik News dẫn lời Bộ Ngoại giao Syria ngày 12/1 chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ đã để Hayat Boumeddiene, nghi phạm trong một số vụ tấn công đẫm máu vào Paris gần đây, qua biên giới vào Syria.
Bộ Ngoại giao Syria tuyên bố Ankara đã “tiếp tay cho các phần tử khủng bố”, những kẻ “khiến người Syria và người dân vô tội trên toàn thế giới phải đổ máu”. Đồng thời, nước này kêu gọi cộng đồng quốc tế “chặn đứng chính sách phá hoại của Ankara”.
Trước đó, giới chức Ankara đã xác nhận rằng Boumeddiene tuần trước đã di chuyển từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Syria, nơi có sào huyệt của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Hayat Boumeddiene là nghi phạm nữ đang bị truy lùng gắt gao nhất tại Pháp sau hàng loạt vụ tấn công khủng bố tại Paris gần đây. Lực lượng an ninh Pháp nghi ngờ cô ta đã đóng vai trò nào đó trong vụ bắn chết 1 nữ cảnh sát hôm 8/1 ở nam Paris và vụ bắt cóc con tin ngày 9/1 làm 4 người thiệt mạng tại đông Paris, do người tình Amedy Coulibaly thực hiện.
Video đang HOT
Thổ Nhĩ Kỳ đáp trả
Ngay trong ngày 12/1, lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã đáp trả lại chỉ trích của Syria. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Berlin bên cạnh Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã nhấn mạnh không thể đổ lỗi cho Ankara về việc nghi can Boumedienne đi sang Syria.
“Có lẽ nào Thổ Nhĩ Kỳ có lỗi chỉ vì chung đường biên giới với Syria?” ông Davutoglu nói. Ông cũng bổ sung rằng Ankara đã để mở 900 km biên giới với Syria cho những người dân chạy nạn sang Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi những cuộc xung đột bùng nổ ở Syria năm 2011.
Thủ tướng Davutoglu khẳng định chính quyền Ankara cần phải có thông tin tình báo trước khi cấm những du khách thuộc diện khả nghi. “Chúng tôi cần nhận được thông tin tình báo để có thể lần theo dấu vết những kẻ nguy hiểm. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đang có danh sách cấm nhập cảnh gồm 7.000 người và đã trục xuất được 2.000 người trong số đó, bao gồm cả người Đức và người Pháp”.
Một kênh truyền hình Syria sau đó đã dẫn thông tin từ Bộ ngoại giao nước này nhận định những lời nói của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ là sự thừa nhận chính thức và rõ ràng rằng những kẻ khủng bố hầu hết vào Syria qua biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Syria đã từng nhiều lần cáo buộc Ankara đã ủng hộ các nhóm vũ trang Hồi giáo trong cuộc nội chiến tại nước này bằng cách cho phép chúng vượt biên giới vào Syria. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã phủ nhận hoàn toàn các cáo buộc trên.
Thoa Phạm
Tổng hợp
Theo Dantri
"Biển" người Đức xuống đường biểu tình chống nạn bài Hồi giáo
Tối 12/1, khoảng 100.000 người tại nhiều thành phố ở Đức đã xuống đường mít-tinh, biểu tình phản đối chủ nghĩa cực đoan cũng như lên án phong trào chống Hồi giáo (Pegida) đang có nguy cơ phát triển mạnh ở nước này.
Người Đức xuống đường tại Dresden. (Ảnh: BBC)
Tại thành phố Leipzig thuộc bang Sachsen, khoảng 30.000 người đã tuần hành lên án chủ nghĩa cực đoan, nạn bài người Hồi giáo của phong trào "Người châu Âu chống Hồi giáo hóa phương Tây" (Pegida). Đây là lần đầu tiên nổ ra cuộc biểu tình phản đối Pegida tại thành phố này.
Tại thành phố Mnchen ở miền Nam, dưới khẩu hiệu "Mnchen đa sắc màu", khoảng 20.000 người cũng đã tuần hành trên các đường phố để chống phong trào Pegida mang màu sắc của chủ nghĩa phát-xít mới, đồng thời bày tỏ mong ước về một xã hội thanh bình, nơi con người có thể chung sống hòa thuận, bình đẳng, không phân biệt tôn giáo, văn hóa và màu da.
Tại thủ đô Berlin, hàng nghìn người dân tập trung tại cổng thành Brandenburg cũng như trước Đại sứ quán Pháp để bày tỏ sự phản đối chủ nghĩa cực đoan và lên án phong trào Pegida. Cảnh sát đã phải lập hàng rào phân tách người biểu tình, để đề phòng nguy cơ xảy ra đụng độ giữa hai phe phản đối và ủng hộ Pegida.
Tại Dresden, nơi xuất phát của phong trào Pegida, khoảng 25.000 cũng người xuống đường bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Pháp sau các vụ tấn công khủng bố đẫm máu vừa qua tại Paris. Những người biểu tình yêu cầu chính phủ sửa đổi luật nhập cư và ngừng "gây chiến" với Nga...
Thời gian qua, tại Đức đã xuất hiện phong trào biểu tình chống Hồi giáo mang tên Pegida. Phong trào này khởi phát từ Dresden và nhanh chóng lan rộng đến nhiều thành phố trên cả nước thông qua các cuộc biểu tình mang màu sắc của chủ nghĩa phát-xít mới.
Sự xuất hiện của phong trào này đang cổ súy cho chủ nghĩa cực hữu, bài ngoại và chống Hồi giáo ở Đức, một xu thế nguy hiểm trong xã hội Đức vốn có rất đông người nhập cư.
Vì thế, để phản đối Pegida, nhiều người dân Đức đã xuống đường biểu tình chống lại biểu hiện của chủ nghĩa phát-xít mới, tạo ra hai luồng biểu tình đối kháng trong xã hội. Nhiều công trình kiến trúc biểu tượng của Đức như cổng thành Brandenburg, nhà thờ Cologne và trụ sở các cơ quan chính quyền đều được tắt điện với khẩu hiệu "Tắt ánh sáng để chống chủ nghĩa phát-xít mới".
Bên cạnh biểu tình chống phòng trào Pegida, những người Đức ôn hòa cũng lên án chủ nghĩa cực đoan để bày tỏ tình đoàn kết với người dân Pháp sau các vụ khủng bố kinh hoàng cuối tuần qua.
Theo kế hoạch, vào tối 13/1, tại Berlin sẽ diễn ra một cuộc mít-tinh lớn chống chủ nghĩa cực đoan với sự tham dự của các quan chức chính phủ hàng đầu, trong đó có Tổng thống Joachim Gauck và Thủ tướng Angela Merkel.
Vũ Anh
Theo Dantri/AFP
Hành trình ớn lạnh của nhà báo Đức trong hang ổ IS Một nhà báo Đức đã thực hiện hành trình đầy nguy hiểm, thâm nhập sào huyệt của nhóm phiến quân IS và may mắn trở về an toàn. Ông này nhận định IS rất mạnh và hung tàn, đồng thời ông cũng bi quan về khả năng thành công của các cuộc không kích nhằm triệt hạ IS. Ông Juergen Todenhoefer là người...