Symantec: Tấn công có chủ đích đang phát triển mạnh
Ông Raymond Goh, Giám đốc cấp cao phụ trách mảng kiến trúc hệ thống (thuộc Hãng bảo mật Symantec tại Nam Á) ngày 14/1 nhận định, tấn công có chủ đích đang có chiều hướng tăng mạnh. Trong số đó, các doanh nghiệp có dưới 250 nhân viên là mục tiêu chính của các cuộc tấn công có chủ đích này.
DDoS là một trong những phương thức tấn công có chủ đích của tội phạm mạng. (Nguồn: Bkav)
Đây là thông tin rất đáng chú ý, nhất là trong bối cảnh nhiều tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam chưa có được độ an toàn cao về vấn đề an ninh bảo mật trong khi hacker ngày càng thêm nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm xâm nhập hệ thống máy tính, ăn cắp dữ liệu…
Trích dẫn Báo cáo hiện trạng bảo mật Internet 2013 của Symantec, ông Raymond Goh cho hay, có tới 31% trong tổng số các cuộc tấn công có chủ đích nhắm tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây cũng là đối tượng ít có biện pháp phòng vệ và thường có mối quan hệ kinh doanh với những doanh nghiệp lớn. Và, việc kiểm soát hệ thống máy tính của các doanh nghiệp nhỏ sẽ là bàn đạp để hacker nhắm tới doanh nghiệp lớn.
Thống kê của Symantec cũng cho thấy, hầu hết các cuộc tấn công có chủ đích được phát tán thông qua các tài liệu độc hại đính kèm trong email (chẳng hạn tập tin PDF, DOC, XLS). Hacker còn đặt tên của tập tin hấp dẫn để đánh lừa người dùng và khi họ xem tài liệu, lập tức máy tính sẽ bị lây nhiễm mã độc một cách bí mật.
Tinh vi hơn, thông báo của Công ty an ninh mạng Bkav ngày hôm qua (13/1) cho biết, hacker thậm chí không nhúng mã độc vào những file nói trên mà đưa chúng vào trong một ảnh nhỏ rồi dán vào file văn bản. Khi người dùng nhấp vào ảnh, mã độc lập tức được kích hoạt.
Video đang HOT
Để bảo vệ các cuộc tấn công có chủ đích, các chuyên gia công nghệ cho rằng người dùng cần thiết phải dùng một loạt các biện pháp tổng thể, nhiều tầng lớp bảo vệ để ngăn chặn hacker. Đó chính là việc phải sử dụng các phần mềm chống virus có chức năng chạy tất cả các tập tin trong môi trường an toàn; phát hiện các phần mềm gián điệp thông qua hành vi và phát hiện các tập tin khai thác lỗ hổng…/.
Theo Vietnamplus
An ninh mạng và một năm biến động của mã độc di dộng
Tấn công DDoS, phần mềm gián điệp và mã độc trên điện thoại di động là những vấn đề nổi cộm trong năm 2013 và sẽ tiếp tục là xu hướng của 2014, theo nhận định của Công ty An ninh mạng Bkav.
Cài phần mềm gián điệp không cần khai thác lỗ hổng
Phát tán virus đã thực sự trở thành một ngành "công nghiệp" trong hoạt động gián điệp năm 2013. Hoạt động gián điệp này không chỉ tồn tại ở những nước phát triển như Mỹ, Đức, Pháp... mà còn hiện hữu ngay tại Việt Nam. Trong năm qua, theo ghi nhận của Bkav, phần mềm gián điệp đã xuất hiện tại hầu hết các cơ quan quan trọng từ các cơ quan Chính phủ, Quốc hội tới Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hay các ngân hàng, viện nghiên cứu, trường đại học... Các phần mềm gián điệp này lợi dụng lỗ hổng an ninh trong file văn bản (Word, Excel, PowerPoint) để phát tán.
Cuối năm 2013, việc lợi dụng các file văn bản để cài phần mềm gián điệp đã tiến thêm một bước, không cần thông qua lỗ hổng mà chuyển sang sử dụng hình thức phishing. Trung tuần tháng 12, Bkav phát hiện một loạt các vụ tin tặc chèn mã độc vào file văn bản không sử dụng lỗ hổng. Mã độc ẩn dưới hình thức 1 ảnh thu nhỏ được nhúng trực tiếp vào file văn bản. Để đọc nội dung, chắc chắn người dùng sẽ click để mở ảnh lớn hơn, như vậy sẽ kích hoạt mã độc. Ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav, cho biết: "Với hình thức này, bất kỳ máy tính nào cũng sẽ bị cài phần mềm gián điệp mà không cần lỗ hổng. Phishing để cài đặt phần mềm gián điệp sẽ được sử dụng rộng rãi và sẽ là xu hướng trong năm 2014".
Mã độc lây lan đa nền tảng
Kết nối điện thoại và máy tính giờ đây không còn an toàn. DroidCleaner và SuperClean là các dòng virus đầu tiên đã có thể thực hiện hành vi lây chéo giữa máy tính và smartphone.
Mã độc có khả năng lây lan đa nền tảng được đánh giá rất đáng lo ngại giữa bối cảnh thế giới của smartphone và máy tính gần như là một. Sự tương đồng này giúp tin tặc dễ dàng tạo ra một malware có thể cùng lúc hoạt động trên nhiều nền tảng khác nhau, khai thác tối đa khả năng lây lan. Năm 2014, xu hướng này sẽ tiếp diễn mạnh mẽ, thậm chí bùng nổ bởi thị trường smartphone đang tăng lên nhanh chóng. Hơn 1 tỉ smartphone được bán ra trên thế giới trong năm 2013 và con số này sẽ là 1,7 tỉ vào năm 2017 (theo IDC). Riêng tại Việt Nam, năm 2013 đã có 17 triệu người sử dụng smartphone và xấp xỉ 7 triệu máy tính đang được sử dụng.
Giả mạo trình duyệt cho smartphone để phát tán mã độc
Theo Bkav, xu hướng giả mạo phần mềm, ứng dụng để lây nhiễm virus trên điện thoại di động sẽ còn tiếp tục trong những năm tới. Thực tế, trong năm qua phần mềm giả mạo nhắm tới smartphone không chỉ gia tăng về số lượng, mà còn mở rộng đối tượng giả mạo để qua mắt các phần mềm diệt virus và đánh lừa người sử dụng.
Sau ứng dụng Instagram, trò chơi Angry Birds và thậm chí là phần mềm diệt virus bị mã độc mượn danh, đến lượt các trình duyệt phổ biến nhất hiện nay như Firefox, Google Chrome... cũng bị malware đội lốt để tấn công người dùng. Tháng 11 vừa qua, hàng loạt bản update giả mạo của các trình duyệt này đã được đưa lên các chợ ứng dụng không chính thống, lợi dụng nhu cầu tìm kiếm cao của người dùng để phát tán mã độc. Giả mạo các phần mềm, ứng dụng phổ biến đã trở thành vấn nạn và sẽ tiếp tục là xu hướng trong năm 2014.
DDoS còn tiếp diễn khi ý thức người dùng chưa thay đổi
Điểm lại tình hình an ninh mạng trong năm qua, không thể không nhắc tới vụ tấn công DDoS làm tê liệt một loạt báo điện tử. Qua phân tích của Bkav, các cuộc tấn công này được thực hiện nhờ một hệ thống botnet khổng lồ, tạo nên từ vô số máy tính của người sử dụng. Lợi dụng việc người dùng thường tùy tiện tải phần mềm, ứng dụng mà không quan tâm đến nguồn gốc, tin tặc phát tán virus bằng cách chèn mã độc vào các phần mềm phổ biến như Unikey, công cụ quản lý download, chỉnh sửa video... và tung lên các diễn đàn. Người dùng tải những phần mềm giả mạo này đã vô tình biến máy tính của mình thành một zombie (máy tính ma) trong hệ thống botnet.
Người dùng cần thay đổi thói quen tùy tiện cài đặt phần mềm không rõ nguồn gốc, nếu không việc vô tình tiếp tay cho DDoS sẽ còn tiếp diễn. Bkav khuyến cáo nên tìm đến các nguồn đảm bảo hoặc những kho phần mềm đến từ các nhà cung cấp có uy tín.
Ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav kết luận: "Năm 2013 đã trôi qua với quá nhiều sự kiện về an ninh mạng không chỉ trên thế giới mà ngay tại Việt Nam. Thế giới kết nối đem đến cho chúng ta nhiều tiện ích nhưng cũng không ít mặt trái. Đó là lý do Bkav luôn nỗ lực đưa ra các cảnh báo cũng như các giải pháp công nghệ nhằm bảo vệ người sử dụng, nâng cao ý thức xã hội về an ninh mạng".
Theo VNE
Tấn công DdoS vẫn đe dọa an ninh mạng 2014 Tấn công DDoS, phần mềm gián điệp và mã độc trên điện thoại di động là những vấn đề nổi cộm trong năm 2013 và sẽ tiếp tục là xu hướng của 2014. Cài phần mềm gián điệp không cần khai thác lỗ hổng Phát tán virus đã thực sự trở thành một ngành "công nghiệp" trong hoạt động gián điệp năm 2013,...