SV xếp lịch ‘làm ăn’ mùa tết
Những tuần lễ trước tết luôn là thời gian SV náo nức đi làm thêm. Nhiều SV tưng bừng “chạy sô” và nhiều bạn sẽ đón tết trong quán cà phê, nhà hàng, trung tâm giải trí…
Muôn nẻo đường làm thêm
Vốn có nhiều kinh nghiệm đi làm thêm, Cao Huy Phong (SV năm 3 CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng, quê ở Bến Tre) xếp lịch “chạy sô” làm thêm dịp tết này như sau: từ nay đến 20 tháng chạp đi giới thiệu sản phẩm bột nêm tại siêu thị Metro An Phú (Q.2, TP HCM); từ 20 tháng chạp đến mồng 3 tết làm bảo vệ đường hoa Nguyễn Huệ (từ 19h đến 7h sáng); từ mồng 1 đến mồng 8 tết làm phục vụ tại quầy thức ăn nhanh ở công viên văn hóa Đầm Sen (từ 8h-16h). Vậy là sẽ có ba ngày từ mồng 1 đến mồng 3 tết gần như làm “xuyên màn đêm”.
Giới thiệu sản phẩm ở siêu thị cũng là một trong những công việc có nhu cầu tuyển cao và được nhiều SV, đặc biệt là SV nữ ưa thích. Những ngày này, một trong những trang phục quen thuộc của bạn Trần Thu Ba (SV ĐH Văn Hiến) là bộ áo đỏ bắt mắt và đôi giày đỏ. Đây chính là đồng phục của Thu Ba khi giới thiệu sản phẩm bột giặt tại Co.op Mart xa lộ Hà Nội (Q.9, TP HCM). Với mỗi ca làm kéo dài 6 tiếng, Thu Ba nhận được thù lao 80.000đ.
Nguyễn Thị Hồng Oanh (SV năm 3 CĐ Kinh tế đối ngoại TP HCM) tư vấn sản phẩm học tập cho khách hàng đến nhà sách Nhân Văn (Q.Tân Bình, TP HCM).
Thay vì về quê từ 23 tết như năm ngoái, năm nay Võ Tuyết Sương (SV CĐ Kinh tế đối ngoại TP HCM) sẽ làm tư vấn sản phẩm nước xả tại siêu thị đến 28 tết.
Ngoài thu nhập, cô bạn này còn “gặt” được rất nhiều điều từ công việc này: “Trước khi vào TP HCM học đại học, mình đã vạch sẵn kế hoạch đi làm thêm. Tuy nhiên không phải việc gì mình cũng làm mà phải tìm những công việc có thể hỗ trợ cho việc học. Khi được công ty quản lý mình về giờ giấc, tác phong không khác gì nhân viên chính thức, mình thấy trưởng thành hơn nhiều. Đặc biệt là khi tiếp xúc với khách hàng, nhất là khách hàng khó tính, mình phải tư vấn nhiều hơn, xử lý mọi tình huống nhanh hơn”.
Video đang HOT
Võ Tuyết Sương (SV CĐ Kinh tế đối ngoại TP HCM) làm tư vấn sản phẩm nước xả tại siêu thị.
Có màu sắc “văn nghệ” hơn, việc làm thêm mùa tết của Nguyễn Hoàng Vũ (SV ngành giáo dục thể chất ĐH Sư phạm TP HCM) là tham gia biểu diễn cùng vũ đoàn LTV 126 tại các đám cưới, sân khấu ca nhạc, hội nghị… Nhà của Hoàng Vũ ở đường Lê Văn Sỹ (Q.3, TP HCM) nên không phải “vướng bận gia đình” khi làm thêm tết.
Hoàng Vũ “bật mí”: “Gần tết có nhiều chương trình nên mình không sợ thất nghiệp. Có lần mình còn nhận múa ông địa trong một tiệc cưới. Không được học cách múa của ông địa nên mình áp dụng luôn mấy điệu nhảy hiện đại cho vai ông địa của mình. Múa ông địa là phần đặc biệt của nhà hàng trong thời gian tết”.
Biểu diễn múa trong đám cưới, chương trình ca nhạc, hội nghị… là việc làm thêm mùa tết của Nguyễn Hoàng Vũ (SV ngành giáo dục thể chất ĐH Sư phạm TP HCM).
Gia đình của Nguyễn Thị Hồng Oanh (SV năm 3 CĐ Kinh tế đối ngoại TP HCM) không khó khăn lắm nhưng bạn vẫn quyết định đi làm tư vấn sản phẩm học tập trong nhà sách Nhân Văn (Q.Tân Bình, TP HCM) đến tận 29 tết. Oanh nói: “Mình nghĩ tết là dịp để kiếm thêm tiền dễ nhất. Mẹ mình cũng ủng hộ mình làm thêm, miễn có mặt ở nhà trước giao thừa”.
Không chỉ có các SV “đàn anh, đàn chị” mới “rần rần” làm thêm mùa tết, ngay cả các SV năm nhất cũng hưởng ứng phong trào này nhiệt tình.
Nguyễn Thanh Thoản (SV năm 1 ngành kế toán, ĐH Mở TP HCM) đang làm thêm ở quán bánh tráng trộn Mix (P.6, Q.4, TP HCM). Nếu bạn nghĩ chuyện quét dọn, lau chùi bàn ghế ở một quán ăn là đơn giản thì hãy nghe cô bạn này “thuyết minh” nhé: “Công việc này tuy đơn giản nhưng vẫn cần tập trung và chú ý: không bao giờ được để đũa lẻ trong ống, kiểm tra khăn giấy thường xuyên… Công việc này giúp mình rèn tính cẩn thận, ngăn nắp”.
Thấy thời gian trống vẫn còn nhiều, Thanh Thoản đang tìm cơ hội làm thêm ở một công ty du lịch.
Nguyễn Thanh Thoản (SV năm 1 ngành kế toán, ĐH Mở TP HCM) làm thêm ở quán bánh tráng trộn Mix (P.6, Q.4, TP HCM).
Vẫn còn nhiều bỡ ngỡ khi lần đầu đi làm thêm, Đỗ Tấn Thặng – SV năm nhất ĐH Sài Gòn, quê ở Tiền Giang – cho biết: “Mình sẽ làm phục vụ ở quán cà phê Vườn Kiểng ở bến Bạch Đằng (Q.1, TP HCM) qua Tết âm lịch. Công việc này giúp mình rèn kỹ năng giao tiếp, sắp xếp thời gian học và làm. Các bạn làm việc đều là SV nên giúp đỡ nhau rất nhiều”.
Và những nỗi niềm có vị tết
Một điểm chung rất đáng yêu thường gặp của các SV chăm chỉ làm thêm mùa tết là mong muốn có một khoản tiền trang trải học phí, sinh hoạt và mua quà cho gia đình.
Lịch làm thêm tết dày đặc là vậy nhưng Cao Huy Phong (SV năm 3 CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng) rất hài lòng: “Thi học kỳ xong mình mới bắt đầu đi làm thêm tết. Mục tiêu của mình là mùa tết này kiếm được khoảng 5 triệu đồng. Số tiền này sẽ dùng để đóng học phí, phí ôn thi liên thông lên đại học và mua ít quà tết tặng gia đình. Tuy là quà tết muộn nhưng chắc chắn mọi người vẫn sẽ rất vui”.
Nguyễn Hoàng Nam – SV CĐ Kỹ thuật Cao Thắng – phục vụ khách tại cà phê Vườn Kiểng ở bến Bạch Đằng (Q.1, TP HCM). Bạn cũng sẽ làm thêm trong suốt Tết âm lịch.
Anh Nguyễn Trọng Hoàng – phó trưởng phòng hỗ trợ đời sống SV (Trung tâm Hỗ trợ SV TP HCM) – cho biết: “Đến thời điểm này, trung tâm đã giới thiệu được 2.800 việc làm tết đến SV. Ngày cao điểm có thể giới thiệu gần 200 bạn.
Nhu cầu tuyển dụng mùa tết từ các doanh nghiệp, đơn vị mà trung tâm tiếp nhận đã lên đến 5.000 vị trí. Chương trình giới thiệu việc làm tết cho SV sẽ kéo dài đến ngày 20-2-2010. Dự kiến, so với năm trước, số lượng đầu việc năm nay tăng 30% và lương cao hơn 10-15%”.
Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình với ba bị bệnh khớp mấy năm nay, mẹ gánh gồng nuôi cả nhà là lý do để Võ Tuyết Sương (SV CĐ Kinh tế đối ngoại TP HCM) cố gắng làm thêm mùa tết. Bạn chia sẻ: “Mình nghĩ ở tuổi mình có thể giúp được gì cho ba mẹ thì cứ cố gắng. Tết này mình sẽ về rất muộn, nhớ nhà lắm chứ, nhưng nghĩ rằng làm việc sẽ có tiền mua bánh kẹo cho các em, áo mới cho ba mẹ là mình thấy hăng hái tinh thần liền!”.
Niềm vui kể ra khá nhiều là vậy nhưng khi hình dung về thời khắc đón giao thừa xa nhà thì anh chàng, cô nàng SV nào cũng thoáng buồn. Tết trong tâm thức người Việt vẫn luôn là dịp sum họp gia đình. Vắng mặt trong thời khắc ấy làm sao không bồi hồi, thương nhớ? Một bí quyết để vơi bớt nỗi nhớ gia đình trong những ngày đặc biệt ấy của Cao Huy Phong (SV năm 3 CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng) là tìm cách để thật… bận rộn.
Còn bạn Đỗ Tấn Thặng thì hi vọng: “Không đón tết cùng gia đình chắc chắn là mình sẽ nhớ và buồn. Nhưng cũng may là quán cà phê mình làm việc có nhiều bạn cũng không về nên có thể chia sẻ và đón tết với nhau ở Sài Gòn”.
Chắc chắn rằng với nhiều ông bố, bà mẹ, không món quà tết nào ý nghĩa bằng món quà con cái mua từ tiền làm thêm. Và cũng chắc rằng nhiều ông bố, bà mẹ sẽ nhớ thương biết mấy những đứa con đang chăm chỉ làm việc ở nơi xa trong những ngày tết với mong muốn san sẻ gánh nặng của mẹ cha…
Theo Tuổi Trẻ