Suýt mất nhà vì cho “người tình” ở nhờ
Mua nhà từ gần 20 năm trước nhưng ông Phùng Bá Phương (65 tuổi, ngụ ở Q.Ba Đình, TP.Hà Nội) không ở, mà cho mẹ con “người tình” ở nhờ và phải ra tòa để đòi lại.
Phiên phúc thẩm đầu tháng 12 quyết định bà T. phải giao lại nhà cho ông Phương – Ảnh: Nam Anh
Khoảng 20 năm trước, ông Phương mới 45 tuổi và có chức vụ trong ngành xây dựng ở Hà Nội. Thời điểm đó, ông với bà Trần Thị T. (hiện ngụ ở P.Vĩnh Tuy, Q.Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội) đã có gia đình, con cái nhưng vẫn quan hệ tình cảm. Bà góa chồng sớm, nên đặt trọn tình cảm cho ông. Cũng trong thời gian này, ông Phương có ý định mua một căn nhà, để sau này nghỉ hưu sẽ cùng vợ con về đây sinh sống. Ông Phương đã về quê, bảo vợ gom góp tài sản tích cóp nhiều năm để mua căn nhà của bà Điểm ở phố Kim Ngưu (P.Vĩnh Tuy, Q.Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội). Tuy nhiên, khi đến giao dịch mua bán nhà với bà Điểm, người đi cùng với ông lại là bà T. chứ không phải vợ ông.
Do chưa ở và thường xuyên phải đi xa công tác xa, cùng với việc bà T. ngỏ ý cho con gái ở nhờ ngôi nhà mới mua để tiện học tập, nên ông đã đồng ý. Khi đó, bà T. hứa với ông đến năm 1996 sẽ giao lại căn nhà. Tin tưởng bạn gái, ông Phương đã photo toàn bộ giấy tờ mua bán, kèm tờ khai nộp thuế nhà đất và hợp đồng sử dụng nước để bà T. khai báo tạm trú… Tới giữa năm 1996, bà T. chuyển đến căn nhà của ông Phương mua để ở cùng con gái. Trong khi đó, đến hẹn, ông Phương đề nghị bà T. giao lại toàn bộ căn nhà cho mình. Lấy nhiều lý do, bà T. khất lần, không trả. Năm 2010, khi có luật Cư trú, ông Phương làm kê khai xin cấp sổ đỏ nhưng không được đồng ý, do bà T. có văn bản phản đối lên UBND quận.
Sau nhiều lần không đòi được nhà, năm 2013, ông Phương phải làm đơn khởi kiện và đề nghị tòa án chấp nhận hợp đồng mua bán nhà đất giữa ông với bà Điểm.
Hai lần ra tòa mới đòi lại được nhà
Tại phiên tòa sơ thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán nhà, đòi nhà cho ở nhờ do TAND quận Hai Bà Trưng mở, bà T. không đồng tình với khởi kiện của ông Phương cho rằng, bản thân mình là chủ nhân của căn nhà trên. Theo bà T., khi ký kết hợp đồng, do mải đếm tiền nên không biết chuyện ông tự ý hướng dẫn người bán viết tên ông ở mục người mua nhà. Bà T. cũng cho rằng giữa hai ông bà có quan hệ tình cảm và dự định tiến tới hôn nhân. Tin tưởng ông Phương sẽ sớm ly hôn, bà không yêu cầu bà Điểm viết lại giấy bán nhà. Bà T. cho hay, khi chuyển về căn nhà trên, bà cùng con trai út đã sửa sang lại mất chi phí khoảng 400 triệu đồng. Bản thân bà khi thấy tình cảm với ông Phương rạn nứt, đã nhiều lần đòi người tình đưa lại giấy tờ gốc song không được. Bà đã nói với bà Điểm viết lại giấy tờ mua bán nhà cho mình. Bà T. cũng yêu cầu tòa công nhận hợp đồng mua bán nhà đất với bà Điểm có hiệu lực pháp luật và xác định nhà, đất là quyền sở hữu của mình.
Tòa xác định đây là vụ việc tranh chấp 2 nội dung là: tranh chấp hợp đồng mua bán nhà đất và đòi nhà ở nhờ. Cấp sơ thẩm xác định hợp đồng mua bán nhà được xác lập tự nguyện, giao dịch tuy không có công chứng nhưng không xảy ra tranh chấp giữa hai bên mua và bán. Tuy nhiên, xem xét diễn biến, lời khai, cho thấy không có cơ sở để khẳng định căn nhà trên là của bà T. Trong khi đó, vợ ông Phương cũng có lời khai, khẳng định đã gom tiền để chồng mua căn nhà của bà Điểm.
Tòa sơ thẩm đã chấp nhận nội dung khởi kiện của ông Phương, buộc bà T. phải giao lại căn nhà cho bên nguyên đơn. Cùng với quyết định này, tòa cũng tuyên, ông Phương phải hỗ trợ cho bà T. hơn 80 triệu đồng tiền sửa chữa căn nhà. Kết thúc phiên sơ thẩm, bà T. đã kháng cáo toàn bộ bản án.
Đầu tháng 12 vừa qua, có mặt tại phiên phúc thẩm, hai bên tiếp tục giữ nguyên quan điểm. Sau khi xem xét, Tòa phúc thẩm, xác định không có tình tiết mới nên chỉ chấp nhận một phần kháng cáo là quyết định ông Phương phải hỗ trợ thêm 70 triệu đồng cho bà T. Riêng căn nhà, bà T. phải giao lại cho ông Phương theo phán quyết.
Hà An – Nam Anh
Theo Thanhnien
"Cướp" 4 triệu đồng của cựu kiểm sát viên tại quán cà phê?
Đòi nợ cựu kiểm sát viên tại quán cà phê, Hồ Thanh Sơn đã bị cơ quan tố tụng cáo buộc có hành vi cướp tài sản.
Video đang HOT
Một phiên tòa phức tạp
Phiên tòa xét xử bị cáo Hồ Thanh Sơn (SN 1966, ở Ba Đình, Hà Nội) về tội "Cướp tài sản" diễn ra ngày 21/8 tại TAND quận Hai Bà Trưng, Hà Nội được vị chủ tọa đánh giá là phức tạp.
Thế nên, ngay từ sáng sớm, người tham gia phiên tòa đã được thư ký phiên xử "đón lõng" để làm thủ tục ngay từ cổng ra vào.
Phóng viên dự tòa ngoài thẻ nhà báo còn phải có thêm giấy giới thiệu. Không có "giấy phép con", đề nghị phóng viên ra về.
Tại phiên xử, Viện kiểm sát Nhân dân quận Hai Bà Trưng thực hành quyền công tố tại tòa cũng phải cử những 2 công tố viên trong đó có một người giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận để tranh tụng với 5 luật sư của phía bị cáo.
Với phiên tòa mà bị cáo bị truy tố theo khoản 1, điều 133, VKS nhân dân quận Hai Bà Trưng vẫn phải "dùng" đến 2 kiểm sát viên tham gia tố tụng.
Sự phức tạp của phiên tòa cũng khiến vị nữ chủ tọa - người có tiếng nói tối thượng trong một phiên xử cũng lúng túng trong điều hành khi hai lần phải "xin phép" cán bộ trại giam.
Một lần theo đề nghị của luật sư phía bị cáo Hồ Thanh Sơn được tháo còng số 8, lần nữa là khi chủ tọa xin cán bộ trại giam thêm thời gian để kết thúc phiên tòa.
Phiên tòa có vẻ căng thẳng đến mức, kiểm sát viên tham gia thẩm vấn cố đọc nhanh những câu hỏi soạn sẵn khiến mà bà chủ tọa phải đề nghị: Hỏi chậm thôi, kẻo...thư ký ghi không kịp.
Dù vị kiểm sát viên đã làm theo đề nghị "giảm tốc độ", nhưng vị nữ chủ tọa vẫn phải quay sang 2 cô thư ký hỏi: "Ghi kịp không?".
Trong cả phiên tòa, thỉnh thoảng có sự lộn xộn, va chạm trong giờ nghỉ, buộc chủ tọa phải mời cả cảnh sát hình sự mặc thường phục của Công an quận Hai Bà Trưng đến để giữ trật tự.
Cắm chứng minh kiểm sát viên hết hạn vay 70 triệu đồng
Đây là lần thứ 3, TAND quận Hai Bà Trưng mở phiên tòa xét xử vụ án Hồ Thanh Sơn tội Cướp tài sản.
Cả 3 lần xử, vợ chồng phía bị hại là Nguyễn Văn Hợp (SN 1962, trú ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) - cựu kiểm sát viên thuộc Viện kiểm sát Nhân dân quận Cầu Giấy, Hà Nội và bà Phạm Lan Anh (SN 1971, kiểm sát viên thuộc Viện kiểm sát quận Hai Bà Trưng) đều không có mặt.
Theo chủ tọa, bà Lan Anh không liên quan đến vụ án, còn ông Hợp dù được tòa tống đạt giấy triệu tập nhưng vẫn tiếp tục có đơn xin vắng mặt.
Bị cáo Hồ Thanh Sơn.
Theo quan điểm của công tố viên giữ quyền công tố, vì ông Hợp đã có lời khai tại cơ quan điều tra nên sự vắng mặt của bị hại không ảnh hưởng đến quá trình xét xử. Sau phút hội ý, phần thủ tục cũng nhanh chóng kết thúc.
4 trang cáo trạng truy tố Hồ Thanh Sơn tội Cướp tài sản được công tố viên công bố. Tuy nhiên, ngay khi bước vào phần thẩm vấn, bị cáo Hồ Thanh Sơn đã khẳng định rằng, nội dung cáo trạng không đúng thực tế vụ việc.
Theo lời khai của Sơn tại tòa, anh ta và ông Nguyễn Văn Hợp vốn là bạn, và suốt ngày đi nhậu với nhau. Cuối năm 2013, ông Hợp ngỏ lời vay tiền Sơn. Chỗ bạn bè, anh ta giới thiệu Hợp cho vợ mới cưới là chị Phan Thị Ngọc.
Giấy vay nợ được ký đầy đủ, hẹn khoảng 20 ngày sẽ trả, vợ Sơn cũng không tính lãi chuyện vay mượn. Còn ông Hợp thì đặt lại chứng minh kiểm sát viên.
"Khi đặt thẻ ngành để vay tiền vợ tôi, ông Hợp bảo: "Tao chỉ vay ít ngày thôi vì không có thẻ ngành thì tao không làm việc được". Nhưng sau đó bị cáo mới biết thẻ ngành đã hết hạn", Sơn thuật lại.
Hết hạn, ông Hợp vẫn khất lần không trả tiền. Do chỗ quen biết, chị Ngọc đã bàn và giao cho cháu họ là Nguyễn Xuân Hảo đứng tên chủ nợ để trong trường hợp ông Hợp không trả, Hảo sẽ kiện.
Thỏa thuận này được sự đồng ý của các bên vào khoảng tháng 1/2014. Ông Hợp ký giấy vay nợ Hảo 70 triệu đồng, bị cáo Sơn cũng ký tên với tư cách người làm chứng. Theo thỏa thuận mới này, sau 3 tháng, ông Hợp sẽ trả 70 triệu cho Hảo.
Theo lời khai của Sơn tại tòa, khoảng cuối tháng 10/2014, bị cáo Sơn nhận được điện thoại thông báo gặp Hảo ở một quán cà phê trên phố Đại Cồ Việt. Tại đây, Sơn gặp Hảo, Hợp, Phùng Minh Đạt (SN 1985, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) và Đỗ Thành Trung (SN 1987, trú tại huyện Ba Vì, Hà Nội).
Gặp Sơn, Hảo cho biết, Hợp đã trả cho Sơn 15 triệu đồng trong tổng số nợ 70 triệu sao Sơn không thông báo lại.
Nghe vậy, bị cáo Sơn tức quá, mắng chửi Hợp: "Mày còn nợ tao 5 triệu không có tiền trả, lấy đâu ra 15 triệu đưa cho tao", Sơn cho hay.
Rồi ngay lúc đó, Sơn quyết định đòi vị cựu kiểm sát viên 5 triệu đồng còn nợ chưa trả.
Trả lời HĐXX về hành vi bị truy tố như trong cáo trạng là Sơn đã chửi bới, giơ tay dọa đánh, quàng tay qua vai ông Hợp rồi đè ông xuống cũng như túm cổ áo, loạt soát túi quần, giằng giật đứt khuy quần áo để lấy tiền, Sơn cho rằng: Ông Hợp rất béo, bị cáo không thể đè, ghì ông ấy xuống được, không thể quật ông ấy như cáo trạng đã ghi. Những chi tiết ghi trong cáo trạng không đúng với câu chuyện đã xảy ra.
Ngoài ra, Sơn còn cho biết, trong buổi gặp mặt hôm đó, anh ta đã 3 lần rời khỏi quán. Cứ mỗi lần rời quán là ông Hợp lại gọi điện thoại thì bị cáo lên. Việc ông Hợp gọi, Sơn lập tức lên quán theo giải thích của anh ta là do mình là người làm chứng cuộc vay mượn nên phải có trách nhiệm.
"Đến lần thứ 3, khi ông Hợp gọi điện cho bị cáo, vừa lên đến quán cà phê thì bị công an bắt tra tay vào còng số 8", bị cáo Sơn cho biết.
Nhân chứng phản cung
Thẩm vấn 3 nhân chứng, bà chủ tọa tách Đạt, Hảo và Trung để lần lượt xét hỏi.
Trả lời HĐXX, Nguyễn Xuân Hảo kể lại thời điểm ở quán cà phê, trạng thái của bị cáo Sơn lúc gặp ông Hợp là rất bức xúc. Bị cáo Sơn có chửi ông Hợp nhưng không dọa đánh kiểu: "Mày ra ngoài tao đánh chết", như trong cáo trạng.
Nhân chứng Phùng Minh Đạt cũng khẳng định, bị cáo Sơn không giữ ông Hợp lại, cũng không có chuyện không cho ông Hợp đi vệ sinh như cáo trạng nêu. "Chú Sơn lấy được 4 triệu đồng do ông Hợp trả thì bỏ đi. Chính ông Hợp nói lại với chú Sơn "mày đưa lại tao ít tiền, tao mời các cháu uống nước".
Theo lời khai của nhân chứng Đỗ Thành Trung tại tòa, trong những lần lấy lời khai, làm bản tường trình tại cơ quan điều tra, có vài lần công an nói: "Ông Sơn đã khai đấm rồi, 2 đứa kia cũng khai như thế nên khai đấm luôn đi".
Trả lời HĐXX việc lời khai tại cơ quan điều tra không bị ép cung, hoàn toàn tự nguyện, lời khai tại tòa hôm nay lại là một sự thật khác, nhân chứng Phùng Minh Đạt nói: "Vì bị giữ 2 ngày nên tôi ký đại những giấy tờ công an đưa mà không suy nghĩ gì. Nhưng khi biết chú Sơn bị giam giữ từ ngày hôm ấy thì tôi thấy hối hận, nghĩ mình phải đòi lại công bằng cho chú ấy, dù tôi quen thân ông Hợp".
Còn rất nhiều điều chưa làm rõ trong vụ án cựu kiểm sát viên bị cướp 4 triệu đồng tại quán cà phê nên HĐXX quyết định trả hồ sơ, điều tra bổ sung./.
Việt Đức
Theo_VOV
Rút lõi tiền trong túi quần ông chủ Khi ông chủ ngủ say, bà Hiền rút lõi 15 triệu đồng trong xấp tiền ở túi chiếc quần dài rồi xin nghỉ về quê. Ảnh minh họa Ngày 19/8, TAND Hà Nội mở phiên phúc thẩm theo kháng nghị của VKSND quận Hai Bà Trưng về việc giảm nhẹ hình phạt cho nghi can Nguyễn Thị Hiền (54 tuổi, huyện Chương Mỹ)...