Suýt chết giữa hai ôtô nổ tung
Goodwin căn thời gian thoát hiểm không chuẩn khi tập luyện màn biểu diễn mạo hiểm, khiến anh bị hai ôtô va vào trên không, trước khi chúng nổ tung.
Video được Backgrid công bố ngày 16/10 cho thấy Jonathan Goodwin, thí sinh tham gia chương trình Americas Got Talent: Extreme của đài NBC, treo mình trên sợi dây gắn vào một cần cẩu trong buổi luyện tập ở bang Georgia, Mỹ. Hai chiếc ôtô khác được treo trên cần cẩu hai bên, sẵn sàng lao vào Goodwin.
Theo kịch bản, Goodwin, một chuyên gia thoát hiểm 41 tuổi, sẽ tự giải thoát mình khỏi sợi dây trói và rơi xuống tấm đệm phía dưới ngay trước khi hai ôtô đâm vào nhau trên không trung.
Tuy nhiên, Goodwin dường như đã tính sai thời điểm và không kịp thả rơi mình khi hai chiếc xe lao vào anh. Chuyên gia thoát hiểm này cố gắng bật lên để tránh nhưng bị tuột khỏi dây và rơi vào giữa hai chiếc xe khi chúng va chạm, phát ra tiếng nổ lớn và một quầng lửa bùng lên. Vụ nổ dường như là một hiệu ứng của màn trình diễn.
Sau cú va chạm mạnh, Goodwin rơi xuống tấm đệm nhưng bị chệch hướng và đập đầu xuống đất. Goodwin bất tỉnh nhân sự, khiến đoàn quay phim Americas Got Talent: Extreme tưởng anh đã chết.
Jonathan Goodwin rơi vào giữa hai chiếc ôtô phát nổ trong video công bố ngày 16/10. Video: Backgrid .
Goodwin sau đó tỉnh lại và được chuyển bằng trực thăng đưa tới bệnh viện Grady. Anh bị thương nặng ở chân và rách da nhiều chỗ song “vẫn còn sống và tỉnh táo”, phát ngôn viên cảnh sát địa phương cho biết.
Đơn vị ứng phó tình trạng khẩn cấp của hạt Henry, bang Georgia cho biết một người gọi điện tới đường dây nóng 911 và thông báo Goodwin “rơi từ độ cao khoảng 12 m, trượt khỏi đệm khí và đập đầu xuống đất”. Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe Lao động Mỹ đã mở cuộc điều tra về vụ tai nạn.
Jonathan Goodwin năm 2020 lọt vào bán kết chương trình America’s Got Talent. Goodwin sau đó nhận lời tham gia phiên bản Extreme của chương trình truyền hình thực tế này.
Tranh luận tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em
Các tranh cãi xoay quanh tác dụng phụ của vaccine khi nhiều người trẻ sau tiêm phòng báo cáo triệu chứng tức ngực và tim đập nhanh.
Vào tháng 5, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã phê duyệt vaccine Pfizer cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi. Kể từ đó, các nước trong khối EU lần lượt triển khai tiêm chủng cho nhóm này, với tốc độ khác nhau. Đến nay, Đan Mạch và Tây Ban Nha đã tiêm chủng cho hầu hết trẻ ở độ tuổi từ 12 đến 15 ít nhất một liều. Pháp cũng tiêm đủ hai liều vaccine cho 52% người từ 12 đến 17 tuổi.
Tháng 6, các cố vấn khoa học Đức khuyến cáo chỉ nên tiêm vaccine cho trẻ từ 12 đến 15 tuổi tình trạng sức khỏe cơ bản. Song vào tháng 8, khi biến thể Delta lây lan mạnh, chương trình đã được mở rộng hơn, cho tất cả người trên 12 tuổi.
Ở Thụy Điển, trẻ từ 12 đến 15 tuổi đủ điều kiện tiêm vaccine nếu có bệnh nền như hen suyễn hoặc tình trạng bệnh lý dễ dẫn đến mắc Covid-19 khác. Ở Na Uy (không thuộc EU), chính phủ cũng tiêm một liều vaccine cho trẻ từ 12 đến 15 tuổi, song chưa đưa ra quyết định có tiêm tiếp liều thứ hai hay không.
Mỹ hồi tháng 5 phê duyệt vaccine Pfizer cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi, có thể mở rộng triển khai vaccine (với liều lượng thấp hơn) cho nhóm 5 đến 11 tuổi trong thời gian tới.
Kể từ khi dịch bệnh bước vào giai đoạn mới, với biến chủng Delta, nhiều nhà khoa học khẳng định tiêm chủng cho trẻ em là mũi nhọn để đưa thế giới về thời kỳ bình thường, thích ứng với Covid-19. Thực tế, số ca nhiễm nhập viện và tử vong ở trẻ em Mỹ đã tăng nhanh trong thời gian gần đây. Dữ liệu từ Viện Nhi khoa Mỹ cho thấy hơn 6 triệu trẻ dương tính với nCoV kể từ đầu dịch, trong đó 1,1 triệu trường hợp được ghi nhận kể từ ngày 3/9 đến ngày 30/9.
Tuy nhiên trước đó, một số nhà khoa học tin rằng chưa đủ bằng chứng khoa học để tiêm vaccine cho trẻ nhỏ. Cuộc tranh luận nóng lên vào khoảng tháng 9, chủ yếu do tác dụng phụ hiếm gặp của vaccine Pfizer và Moderna. Nhiều người trẻ sau tiêm phòng báo cáo triệu chứng tức ngực và tim đập nhanh.
Phân tích dữ liệu y tế của các nhà nghiên cứu từ Đại học California cho thấy rằng các bé trai 12-15 tuổi, không có bệnh lý nền, có nguy cơ mắc viêm cơ tim liên quan đến vaccine cao gấp 4-6 lần so với việc phải nhập viện vì Covid-19 trong khoảng thời gian 4 tháng. Theo đó, hầu hết trường hợp trẻ em gặp phải tác dụng phụ hiếm gặp đều xuất hiện các triệu chứng trong vòng vài ngày sau khi tiêm mũi thứ hai của vaccine Pfizer. Tác dụng phụ tương tự cũng được ghi nhận trong liều tiêm của Moderna.
Các nhà khoa học cho biết khoảng 86% bé trai bị ảnh hưởng bởi tác dụng phụ của vaccine cần phải được chăm sóc tại bệnh viện. Nghiên cứu này hiện vẫn chưa được bình duyệt.
Bên cạnh đó, nhiều người lập luận nguy cơ mắc Covid-19 ở trẻ khá thấp, vì vậy "chưa đủ bằng chứng để tiêm chủng hàng loạt" cho nhóm tuổi này.
Một bé trai 12 tuổi được tiêm vaccine Covid-19 tại Trung tâm Nhi khoa Dekalb ở thành Decatur, bang Georgia, Mỹ, ngày 11/5. Ảnh: Reuters
Tranh cãi tiếp theo liên quan đến câu hỏi "nên tiêm cho trẻ em một hay hai liều vaccine?". Giới chức Anh, Na Uy và nhiều nước khuyến nghị chỉ nên tiêm một liều Pfizer cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi, đủ để bảo vệ một phần trước virus mà không gây tác hại tiềm ẩn, đôi khi chỉ xuất hiện sau liều thứ hai. Các chuyên gia lo lắng vì ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy chứng viêm cơ tim phổ biến hơn dự kiến ở thanh thiếu niên tiêm hai liều vaccine.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), sau khi xem xét dữ liệu hồi tháng 6, vẫn nhất trí tiêm chủng đầy đủ cho người từ 12 tuổi trở lên, lập luận rằng lợi ích vaccine lớn hơn rủi ro.
Cơ quan ước tính cứ mỗi một triệu nam giới từ 12 đến 17 tuổi được chủng ngừa vào tháng 6, có tối đa 70 trường hợp viêm cơ tim. Song vaccine đã ngăn ngừa được 5.700 ca nhiễm, 215 ca nhập viện và hai trường hợp tử vong. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nguy cơ gặp các vấn đề tim mạch sau mắc Covid-19 cao hơn nhiều so với tiêm chủng.
Giới chức y tế ở nhiều nước có kế hoạch xem xét lại chiến lược một liều vaccine khi có thêm thông tin. Hiện tại, họ vẫn tiếp tục tiêm chủng đầy đủ ở trẻ em. Tiến sĩ Walid Gellad, chuyên gia về an toàn dược phẩm tại Đại học Pittsburgh, cho biết người Mỹ không mấy quan tâm đến lựa chọn trì hoãn liều vaccine thứ hai ở trẻ.
"Ở Mỹ, người ta không muốn nhắc đến vấn đề này, vì nhiều lý do. Các bậc cha mẹ đang do dự có thể yên tâm hơn khi nhìn vào thực tế, rằng nguy cơ gặp tác dụng phụ khi tiêm một liều thấp hơn nhiều so với hai liều", ông nói.
Ông cũng cho rằng nên tiêm vaccine theo liều lượng khác nhau ở trẻ em nam và nữ, vì tác dụng phụ phổ biến hơn ở trẻ em nam.
Một số chuyên gia nhận định chính phủ cần đưa ra quyết định dựa trên hoàn cảnh cụ thể của từng quốc gia. Ở Anh, do tỷ lệ tiêm chủng ở người lớn tuổi, có bệnh nền khá cao, các bệnh viện hầu như không có ca Covid-19 nghiêm trọng.
"Cơ hội mắc Covid-19 nghiêm trọng ở trẻ em không đáng kể. Vì vậy, cần đảm bảo vaccine tiêm cho nhóm này cực kỳ an toàn", tiến sĩ Jeremy Brown, chuyên gia hô hấp tại Đại học College London, thành viên nhóm tư vấn tiêm chủng của chính phủ Anh, nói.
Hàn Quốc kêu gọi nối lại đối thoại liên Triều Ngày 12/10, Chính phủ Hàn Quốc đã đề xuất nối lại đối thoại với Triều Tiên để thu hẹp những bất đồng và thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau. Một quan chức Chính phủ Hàn Quốc liên lạc với nhà chức trách Triều Tiên qua đường dây nóng đặt tại làng đình chiến Panmunjom ở Paju (Hàn Quốc). Ảnh tư liệu: AP/TTXVN Một...