Suy tĩnh mạch độ 1 có nên điều trị bằng laser?
Theo bài Nhận biết 7 cấp độ bệnh suy tĩnh mạch qua ảnh, tôi thấy mình bị giãn tĩnh mạch chân độ 1. Chân không đau, thỉnh thoảng thấy nặng và nổi gân xanh, tím ngoằn ngoèo dưới da.
Tôi khám ở Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM 2 lần, bác sĩ cho uống thuốc trong vòng 6 tháng. Hiện nay tôi vẫn thấy không có dấu hiệu gì tiến triển, không đau hơn cũng không bớt các triệu chứng, thỉnh thoảng vẫn nặng chân như lúc trước. Tôi có hỏi bác sĩ điều trị, họ bảo cứ về uống thuốc đi.
Tôi nghe nói có phương pháp mổ bằng laser sẽ đánh tan máu bầm. Xin bác sĩ tư vấn giúp. Vì nhà tôi ở tận Lâm Đồng nên việc thăm khám thường xuyên không tiện lắm. Giờ tôi nên làm gì. Tôi muốn mổ laser có được không? Cách thức như thế nào, chi phí ra sao, liên hệ với ai? Tôi xin chân thành cảm ơn. (Phương Thảo)
Chân bệnh nhân suy tĩnh mạch cấp độ 1 nổi gân xanh, tím ngoằn nghoèo dưới da. Ảnh: Lê Thanh Phong.
Trả lời:
Chào chị,
Theo như những gì viết trong thư, chị có những tĩnh mạch xanh tím nổi dưới da và thỉnh thoảng có nặng chân nhưng không đau. Tôi nghĩ chị có thể đã bị suy tĩnh mạch độ 1 theo phân độ lâm sàng và không có triệu chứng.
Tuy nhiên, bấy nhiêu đó thông tin không đủ cho tôi có được một chẩn đoán hoàn chỉnh và có một chiến lược điều trị cụ thể. Tôi cần khám lại và xem kết quả trên siêu âm Doppler mạch máu để xác định hệ thống tĩnh mạch nào bị suy: tĩnh mạch nông, tĩnh mạch sâu hay các nhánh tĩnh mạch xuyên.
Bởi vì suy tĩnh mạch là bệnh lý mạn tính. Do đó mục đích của việc điều trị căn bệnh này là làm giảm các triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, bao gồm cả mục đích thẩm mỹ và ngăn ngừa bệnh chuyển sang giai đoạn nặng hơn với biến chứng nặng có thể xảy ra.
Đối với suy tĩnh mạch chi trước giai đoạn 1, không có triệu chứng đau nhức thì việc điều trị chủ yếu là nội khoa bảo tồn nhằm ngăn ngừa bệnh chuyển sang giai đoạn nặng hơn.
Điều trị nội khoa bệnh suy tĩnh mạch bao gồm việc phối hợp nhiều phương pháp khác nhau để có thể đạt được kết quả tốt nhất. Ngoài việc mang vớ y khoa áp lực và uống thuốc trợ tĩnh mạch, người bệnh cần hạn chế những yếu tố có thể làm nặng hơn tình trạng suy tĩnh mạch. Chẳng hạn tránh đứng lâu hay ngồi lâu, tránh tiếp xúc nhiệt, không tắm nước nóng, đừng để bị táo bón, tránh mặc quần bó sát, tránh đi giày cao gót, hạn chế những môn thể thao có nâng nặng, đứng lâu. Đồng thời, tăng cường những yếu tố có lợi cho tĩnh mạch ví dụ nằm gác chân lên gối mềm cao từ 15 đến 20 cm so với giường, luyện tập những môn thể thao có động tác di động cổ chân nhiều, co các cơ cẳng chân và cơ đùi như đi bộ nhanh, bơi lội, đi xe đạp…
Các tĩnh mạch giãn dưới da nhỏ li ti, đường kính nhỏ hơn 1 mm hoặc tĩnh mạch lưới lớn 1 mm và nhỏ hơn 3 mm, nếu nhiều có thể được điều trị bằng chích xơ, sóng cao tần hay laser áp ngoài da. Có nhiều nghiên cứu cho thấy chích xơ tạo bọt cho các tĩnh mạch mạng nhện không những cho một kết quả tốt hơn đáng kể về mặt thẩm mỹ mà còn làm cải thiện đến 85% các triệu chứng đau nhức hay khó chịu ở chân.
Điều trị loại bỏ tĩnh mạch bằng laser nội mạch như câu hỏi của chị chỉ áp dụng trong trường hợp bệnh suy tĩnh mạch từ giai đoạn 2 trở đi, khi mà tình trạng suy giãn tĩnh mạch đã trở nên rõ ràng hơn. Các cấp độ này biểu hiện qua những dấu hiệu lâm sàng như tĩnh mạch giãn to dưới da có thể nhìn thấy, phù chân, thay đổi sắc tố da ở cẳng chân và loét chân. Bên cạnh đó, siêu âm Doppler mạch máu cần xác định được tình trạng suy tĩnh mạch với dòng chảy ngược và các tĩnh mạch nông giãn.
Hình minh họa phương pháp loại bỏ tĩnh mạch hiển bị suy bằng sóng cao tần hay laser nội mạch. A. Một dây dẫn (catheter) được xuyên qua da và luồn vào trong lòng tĩnh mạch bị suy giãn. B. Phần đầu dây dẫn có thể phát nhiệt từ nguồn sóng cao tần hay tia laser. C. Đầu của dây dẫn phát nhiệt làm tổn thương nội mạc của tĩnh mạch và thành tĩnh mạch. D. Đầu dây dẫn vừa phát nhiệt vừa được kéo về phía dưới làm cả đoạn tĩnh mạch từ trên xuống dưới bị co nhỏ, xơ hoá và bị tắc.
Đôi khi phương pháp điều trị bằng laser cũng có thể được chỉ định cho bệnh suy tĩnh mạch giai đoạn 1, song lại có triệu chứng đau nhức và cảm giác khó chịu nhiều ở chân. Tình trạng này ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, trong khi không đáp ứng với các phương pháp điều trị nội khoa bảo tồn.
Video đang HOT
Việc loại bỏ các tĩnh mạch nông bằng sóng cao tần hay laser nội mạch là các phương pháp điều trị ít xâm lấn, ít gây đau, ít gây bầm máu chi, không để lại sẹo, thời gian nằm viện ngắn. Cả hai đều cho một kết quả ngắn hạn và trung hạn gần tương đương với mổ hở. Nguyên tắc của nó là sử dụng sóng cao tần hay tia laser chuyển thành nhiệt năng, truyền qua một dây dẫn được đưa vào lòng tĩnh mạch bị bệnh. Sức nóng của ở đầu dây dẫn sẽ làm tổn thương thành tĩnh mạch bị suy giãn và làm cho tĩnh mạch này bị co nhỏ lại, xơ hoá và tắc hoàn toàn. Thay vì cắt bỏ tĩnh mạch bị bệnh ra khỏi chân, phương pháp này vẫn giữ tĩnh mạch tại chỗ nhưng làm cho nó xơ hoá, không còn dòng chảy, do đó làm cải thiện tình trạng bệnh.
Trở lại trường hợp của chị, với suy tĩnh mạch độ 1, không có triệu chứng lâm sàng, chị nên điều trị nội khoa như đã đề cập ở trên, đồng thời nên siêu âm Doppler mạch máu ở các trung tâm chuyên sâu để đánh giá chính xác hơn tình trạng bệnh. Nếu các tĩnh mạch xanh tím dưới da nhiều, gây mất thẩm mỹ và cảm giác khó chịu, chị nên yêu cầu bác sĩ chích xơ để loại bỏ các tĩnh mạch này, cũng có thể dùng tia laser hay sóng cao tần áp ngoài da. Tuy nhiên chích xơ vẫn là phương pháp kinh tế nhất. Theo tôi, phương pháp loại bỏ tĩnh mạch hiển bằng laser nội mạch trong trường hợp của chị là chưa cần thiết.
Chúc chị mau lành bệnh.
Thạc sĩ- Bác sĩ Lê Thanh Phong _ Trưởng đơn vị Phẫu thuật Mạch máu_ BV Đại Học Y Dược TP HCM
Theo VNE
Nhận biết 7 cấp độ bệnh suy tĩnh mạch qua ảnh
Dựa vào các dấu hiệu lâm sàng của bệnh như tĩnh mạch giãn, phù chân, thay đổi sắc tố da và loét chân sẽ giúp chẩn đoán bệnh dễ dàng hơn. Việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm rất có ý nghĩa trong điều trị.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thanh Phong, Trưởng đơn vị Phẫu thuật Mạch máu, Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM cho biết, suy tĩnh mạch là bệnh rất phổ biến. Thống kê của các nghiên cứu dịch tễ học thế giới ghi nhận, khoảng 30-40% dân số trưởng thành mắc bệnh này.
Bệnh lý tĩnh mạch biểu hiện ở nhiều giai đoạn từ giãn nhánh mạch máu nhỏ li ti như sợi chỉ đỏ đến giãn các mạch máu to ngoằn ngoèo dưới da; từ hoàn toàn không có tĩnh mạch giãn cho đến cẳng chân bị lở loét nặng, làm ảnh hưởng đến chức năng đi lại và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Nguy hiểm hơn, bệnh còn có thể gây nên những cục máu đông trong lòng tĩnh mạch và theo dòng máu di chuyển về tim phải. Sau đó những cục máu này có thể được bơm lên động mạch phổi gây tắc động mạch phổi, trường hợp nặng có thể gây đột tử.
Do đó bệnh tĩnh mạch cần được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Mục đích của điều trị là cải thiện chất lượng cuộc sống và ngăn chặn nguy cơ từ suy tĩnh mạch nhẹ chuyển sang giai đoạn nặng cũng như ngăn ngừa các biến chứng có thể gây tàn phế hay ảnh hưởng đến tính mạng.
Theo bác sĩ Phong, bệnh suy tĩnh mạch có thể phát hiện qua các triệu chứng như đau nhức chân, mỏi chân, nặng chân, tê chân, cảm giác nóng chân, chuột rút về đêm. Các cảm giác khó chịu này tăng lên khi bệnh nhân đứng lâu hay ngồi lâu và giảm bớt khi bệnh nhân nằm gác chân cao hay mang vớ. Bên cạnh đó, triệu chứng của bệnh còn biểu hiện qua những dấu hiệu lâm sàng như các tĩnh mạch giãn, phù chân, thay đổi sắc tố da và loét chân.
Thực tế có nhiều bệnh nhân bị đau chân phù hợp với bệnh suy tĩnh mạch nhưng lại không có dấu hiệu lâm sàng hay ngược lại những người có tĩnh mạch giãn to dưới da nhưng lại không hề đau hay có dấu hiệu khó chịu ở chân khác. "Chính những biểu hiện không tương quan này làm cho người có bệnh chủ quan không đi khám và điều trị bệnh ở giai đoạn sớm để đến phù nề, lở loét, thậm chí đe dọa đến tính mạng", bác sĩ Lê Thanh Phong khuyến cáo.
Việc xác định các giai đoạn bệnh được dựa vào nhiều yếu tố. Trong đó phân chia cấp độ theo dấu hiệu lâm sàng là một trong những cách đánh giá quan trọng và rõ ràng, giúp lựa chọn được phương pháp điều trị ưu tiên cho bệnh nhân. Ví dụ từ suy tĩnh mạch độ 2 trở đi, bệnh nhân nên được điều trị tích cực bằng các phương pháp, trong đó điều trị xâm lấn nên được chọn lựa nếu phù hợp.
Sau đây là những hình ảnh minh hoạ cho các giai đoạn bệnh theo lâm sàng của bệnh lý tĩnh mạch được áp dụng trên thế giới:
Suy tĩnh mạch độ 0
Đôi chân của bệnh nhân suy tĩnh mạch độ 0. Ở giai đoạn này, bệnh đã có nhưng không có dấu hiệu suy tĩnh mạch lâm sàng được nhìn hay sờ thấy.
Suy tĩnh mạch độ 1
Giãn các tĩnh mạch mạng nhện ở dưới mắt cá trong. Các tĩnh mạch giãn nhỏ hơn 1 mm.
Giãn tĩnh mạch mạng nhện nhỏ hơn 1 mm.
Giãn tĩnh mạch mạng nhện ở vùng đùi, đường kính của tĩnh mạch giãn này nhỏ hơn 1 mm.
Giãn tĩnh mạch mạng nhện nhỏ hơn 1 mm và giãn tĩnh mạch lưới nhỏ hơn 3 mm ở mặt sau vùng đùi.
Suy tĩnh mạch độ 2
Tĩnh mạch nông chân trái giãn ở mặt trong cẳng chân.
Tĩnh mạch nông dưới da giãn to, ngoằn ngoèo, đường kính các tĩnh mạch giãn trên 3 mm.
Suy tĩnh mạch độ 3
Hiện tượng phù ở bàn chân và cổ chân. Phù có thể do nhiều nguyên nhân như bệnh suy tim, suy thận, xơ gan, suy dinh dưỡng... Phù trong tĩnh mạch thường xuất hiện khi đứng nhiều, sáng sớm thường không thể hiện, buổi chiều phù nhiều hơn và chỉ phù ở chân mà không có phù ở những vùng khác của cơ thể.
Hiện tượng phù ở hai chân của bệnh nhân có những đường lõm ngang vòng quanh cổ chân do mang vớ. Ở cẳng chân hai bên có các tĩnh mạch giãn to.
Suy tĩnh mạch độ 4
Da vùng cẳng chân sậm màu kèm theo phù. Chú ý vết lõm sau khi ấn ngón tay ở mặt lưng bàn chân phải là biểu hiện của tình trạng phù chân. Mặc dù ở cẳng chân bệnh nhân này không có những tĩnh mạch giãn, song trên siêu âm Doppler mạch máu có hiện tượng trào ngược ở cả tĩnh mạch nông và sâu hai chân, chân phải nhiều hơn.
Da vùng 1/3 dưới cẳng chân và cổ chân biến đổi, xơ bì, sừng hoá, xen kẽ vùng da sậm màu là vùng da mất sắc tố. Bệnh nhân này có giãn to các tĩnh mạch nông ở ngang gối.
Suy tĩnh mạch độ 5
Vết loét phía trên mắt cá ngoài đang tiến triển.
Trong ảnh này là vết sẹo phía trên mắt cá ngoài của cùng bệnh nhân ở ảnh bên trái sau khi được điều trị tích cực 2 tháng.
Suy tĩnh mạch độ 6
Hai vết loét to ở mặt trong cẳng chân trái kèm với những vết loét nhỏ khác, da sạm màu và phù. Vết loét sâu và bẩn.
Vết loét của bệnh nhân ở hình bên trái sau 2 tuần điều trị phẫu thuật. Vết loét đang tiến triển tốt, đã đầy lên, thu nhỏ lại, sạch, và tình trạng phù đã hết.
Theo VNE
"Ham vui" khi bầu bí có nên? Không ít đàn ông lo ngại có thể gây tổn thương cho vợ hay em bé khi vợ bầu bí và chấp nhận "ngủ chay". Câu hỏi: Tôi đang mang thai và bỗng dưng "nhu cầu yêu" tăng lên mạnh mẽ. Thế nhưng, chồng tôi không muốn làm "chuyện ấy" vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi. Tôi có phạm sai lầm gì...