Sửng sốt phong cách cầm đồ 9X
Chị họ tôi, giọng bức xúc: “Thằng Thắng lấy trộm sổ đỏ đi cắm – cầm đồ, lấy tiền cá độ bóng đá rồi”. Tôi thoáng giật mình.
Quê tôi là thị xã tiếp giáp với thành phố, chuyện cầm đồ của trẻ vị thành niên vẫn có gì đó xa lạ trong suy nghĩ của nhiều người dân, nhất là những người lớn tuổi, mặc quần thâm, quấn khăn mỏ quạ.
Đẳng cấp… 9X ven đô
Chị và tôi cầm giấy chứng minh thư nhân dân, “chứng nhận cầm đồ” của Thắng lên tiệm cầm đồ trên phố. Tiếp chúng tôi là một người đàn ông đứng tuổi, tự xưng là Hùng “mả”. Hùng “mả” yêu cầu gia đình gọi Thắng đến thì mới “làm việc” và buông một câu nói đầy hàm ý rằng: “Tự giải quyết thì nhanh chứ nhờ vả… – ý nói trình báo công an – rách việc…”. Tôi hiểu câu nói của Hùng “mả” nhưng vẫn muốn biết sự hiểu biết pháp luật của anh ta đến đâu.
Sau thời gian trao đổi, cuối cùng, Hùng “mả” cũng dịu giọng: “Thằng Thắng nhà chị nó đi cùng thằng Tiến “gù” – một đối tượng chuyên cho vay lãi nặng trong giới cá độ bóng đá ngầm ở khu vực – đem sổ đỏ đến cầm. Thằng Tiến nó bảo lãnh nên em mới cho cầm…” Hùng “mả” hướng dẫn chị tôi: “Chị gọi thằng Thắng đến đây, ba mặt một lời, em trả sổ đỏ, chị giao tiền. Thôi… chỗ chị em, chẳng đi đâu mà thiệt, em chỉ lấy lãi bằng lãi suất ngân hàng. Lần sau, thằng cu nhà chị bén mảng đến, em đuổi, gọi báo anh chị!”.
Video đang HOT
Cầm đồ không còn xa lạ với nhiều teen chơi mỗi khi thiếu tiền tiêu, tiền bao bạn
Thấy tôi im lặng, cứ nhìn mà không nói, Hùng “mả” lên tiếng – “Bà dì có ý kiến gì đi chứ!”. Tôi hỏi: “Ngoài thằng Thắng, bọn trẻ quanh vùng có “cắm” – tức cầm đồ, nhiều không?” Hùng “mả” nói: “Nhiều bằng tất cả số lượng người thành niên là công chức, dân tự do… cộng lại. Thằng Thắng cắm sổ đỏ cũng là đối tượng VIP của tiệm, còn một số đối tượng khác thì “oách” hơn, cắm ô tô, đá quý, kim cương. Có đứa không biết lái xe, bắt lái xe của nhà đưa đến tiệm cầm đồ cắm xe, đưa tiền cho lái xe đi xe ôm về với giọng “chỉ đạo”: Để xe ở đây, chốc chú H qua lái đưa tôi đi về ngoại…”.
“Cho trẻ vị thành niên cầm đồ, gia đình họ làm toáng lên, mất cả chì lẫn chài thì làm thế nào?” – Tôi hỏi. Hùng “mả” cười mà rằng: “Làm nghề gì cũng phải có “thượng phương bảo kiếm”, “thiên đình” chiếu xuống mới thực hiện được. Là vị thành niên, yêu cầu viết giấy vay tiền, gửi đồ. Tiền lãi giao kèo bằng miệng nhưng nó là luật bất thành văn. Từ 18 tuổi trở lên thì cứ theo “luật” mà làm…” – Câu chuyện “dây cà ra dây muống”, cuối cùng thì Hùng “mả” cũng thừa nhận: 9X ở vùng làng nghề, ven đô bây giờ cầm đồ “nổ” lắm, đẳng cấp hơn 9X thành phố, thị xã nhiều. Cụ thể, điện thoại, đồng hồ, xe máy… phải là đồ “xịn”, độc trong dòng đồ đang lưu hành. Điện thoại thì phải là 3G, Nokia đá sapphire, nạm kim cương, hạt ngọc… Xe máy phải là dòng xe ga đắt tiền từ LX, Spacy đến Piagio, Dylan, PS, SH…
Cầm đồ cũng phải theo mốt
Chị Thái kể: “Chồng đi công tác ở Thụỵ Sỹ về, tặng con trai nhân dịp sinh nhật tuổi 14 đồng hồ Rolex. 15 ngày sau, không thấy đồng hồ trên tay con. Căn vặn mãi, con mới nói, đã đem đi cầm đồ”. Tức, buồn, giận con nhưng chị Thái vẫn tất tả cầm giấy vay tiền đến đúng tiệm cầm đồ ở phố Đặng Dung, quận Ba Đình.
Tại đây, khi trực tiếp được nhìn, nghe và chứng kiến, chị Thái từ bất ngờ chuyển sang … choáng. Chị gọi tôi đến, để… biết. Trong cái tủ kính to, bày la liệt những loại điện thoại, laptop, đồng hồ… là đồ cầm của 9X… Chỉ trong 120 phút, có 4 lượt 9X mặc áo đồng phục trường THCS, THPT đem đồ vào cắm. Đó là những chiếc điện thoại đời mới của Nokia, iPhone, Samsung, máy tính xách tay, máy nghe nhạc, đồng hồ đeo tay, dây chuyền, lắc…
Chủ hiệu cầm đồ khoe: “hai cô thấy chưa, có phải riêng con, cháu của 2 người cầm đồ đâu. Bọn trẻ đến đây rất nhiều, tôi đều “giúp đỡ”. Tôi “giữ đồ” hộ bọn trẻ lấy công làm lãi thôi. Tiệm cầm đồ của tôi có uy tín với teen 9X lắm”. Khi chị tôi hỏi về chiếc đồng hồ Rolex, chủ hiệu nói mặt lạnh te: “con chị cầm 5 triệu đồng, sau 8 ngày đến chuộc, tính lãi như sau: 50.000đ/ngày/1triệu; 5 triệu đồng phải trả 250.000đ/ngày. Sau 8 ngày, chị phải trả tôi tiền lãi là 2 triệu đồng cùng với tiền gốc 5 triệu đồng tổng cộng là 7 triệu đồng”.
Ngay tại tiệm cầm đồ, tôi nghe được cuộc trao đổi ngắn giữa ông chủ và một teen gái như sau: – Vật gì? Teen nữ trả lời: – Nokia đời chót. – 1, 5 triệu đồng chỏ? Teen nữ nài nỉ: Điện thoại của cháu mua mới, dùng được hơn 10 ngày, chú cho cháu cầm thêm 1 triệu nữa đi. Giọng dứt khoát, chủ hiệu nói: 2 triệu đồng. Teen nữ gật đầu, ông chủ viết giấy. Teen nữ vừa cầm giấy ra khỏi hiệu, ông chủ nói luôn: Nó chẳng đến chuộc đâu. Từ khi học sinh phổ thông không được đi xe máy đến trường, tình trạng teen dùng xe máy cầm đồ đã không còn nhiều như trước.
Theo 9X Phạm Đức Việt (học ở một trường trung học dân lập, nhà ở phố Huế, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thì, teen cầm xe máy bây giờ lỗi mốt, quê rồi. Đồ tiện lợi, phù hợp giới teen để cầm hiện nay là laptop; đồng hồ đeo tay loại xịn; điện thoại đi động đời chót của các hãng; dây chuyền, lắc vàng tây, ta; sổ đổ nhà đất và cả ô tô…
Cầm đồ vì … thích nổi
Các VIP 9X ký phiếu cầm đồ
Phải tốn khá nhiều công sức, nhờ nhiều người giúp đỡ, tôi mới tiếp cận được Trần Hoàng Tiến, một cái tên khá quen thuộc của 9X ở Đặng Dung. Tiến là con gia đình đại gia. Tiến thay xe máy như thay áo. Nhà Tiến lúc nào cũng có ít nhất 3 chiếc xe máy đời mới, đắt tiền chỉ để phục vụ Tiến thay đổi đi học.
Tiến yêu cầu mẹ bảo lái xe của nhà dùng ô tô con đưa đến trường; sắm đồ phục vụ học tập như máy tính để bàn ở nhà, laptop, điện thoại di động đời mới, đồng hồ đeo tay, dây chuyền… Rồi thì tiền tiêu hàng tháng… Tiến chơi cùng một hội 7 teen. Cứ thay phiên nhau, mỗi đứa lo tiền cho cả hội 1 ngày /tuần. Tiền được chi vào các khoản như sau: ăn sáng, ăn trưa, uống nước, ăn tối, chơi game, hát, hút thuốc, thậm chí cả tiền mua thuốc lắc…
Theo Tiến nói thì, vị chi một lần/tuần đó cho cả bọn hết ít nhất từ 1, 5 đến 2, 5 triệu đồng, mà tiền hàng tháng cha mẹ cho để tiêu cũng chỉ chừng đó nên tháng nào Tiến cũng phải nghĩ ra một chuyện gì đó để xin tiền, để hợp lý hoá những chuyện mất mát từ cầm đồ.
Tiến cho biết thêm: Chơi theo hội, hết đứa này bao cả bọn đến lượt đứa khác. Cứ quay vòng như thế. Chơi thì phải đã và đi đến cùng. Tiến nghĩ ra chiêu, không cần ô tô gia đình đưa đón, xin đi xe buýt, vừa để tiết kiệm, lại thể hiện mình là người văn minh, quan trọng là để hợp lý hoá chuyện cầm đồ thành mất đồ. Tuần này, Tiến nói với mẹ, “con bị kẻ gian móc điện thoại”. Tuần sau, Tiến lại tần ngần, “con để quên laptop trên xe buýt…” Tiến tâm sự: “Tháng nào cũng phải nghĩ cách xoay tiền của “các cụ”. Nhiều lúc, “bí cớ” quá nhưng quen chơi, quen tiêu rồi”.
Trường là một teen học dân lập. “Hội” của Tiến và Trường cứ hai tháng lại gặp nhau. Các khoản tiêu của buổi họp mặt được căm -phu-chia (tức chia ra mỗi teen góp một chút). Nhưng có một luật chơi bất thành văn hình thành trong các hội thích nổi này là, nếu đến lượt hội nào được chủ trì trong buổi giao lưu mà không tìm được một cái mới trong hàng loạt trò chơi của cả ngày hôm đó thì bị chê là quê, là chiếu dưới. Chắc chắn sẽ bị chê bai, bị nhắc lại cho các hội khác biết. Cái mới có là món ăn mới, kiểu chơi mới, đồ chơi mới… Giữa các hội teen có sự cạnh tranh quyết liệt về ngôi thứ. Có hội được mệnh danh là chịu chơi, có hội được tôn là chịu chi, có hội được công nhận là super.
Thực tế, cầm đồ không còn xa lạ với nhiều teen chơi mỗi khi thiếu tiền tiêu, tiền bao bạn. Có một bộ phận teen 9X đã trở thành “khách ruột” của những tiệm cầm đồ ở phố Đặng Dung. Trong “sổ Nam Tào” ông chủ tiệm mà tôi và chị Thái gặp, tôi nhìn thấy rất nhiều cái tên rất đẹp như: Nguyễn Hoài Điệp, Đinh Thanh Hằng, Trần Hoàng Anh, Trịnh Thành Tiến Hưng, Hoàng Thái Đức…
Mốt của teen bây giờ là “của đã ra không thể trở lại”, tức là đã cầm thì không chuộc, dùng đồ mới cho đỡ “xui” để khẳng định đẳng cấp, phong cách. Sau những lần “phá” như vậy, lúc tĩnh tâm trở lại, Hưng thừa nhận: “Cầm đồ chưa bao giờ là giải pháp hay để giải quyết vấn đề thiếu tiền tiêu. Song, vì thích chơi nổi, vì thích thể hiện nên teen tự đưa mình vào tệ nạn”.
Theo Tin Tức Online