Sudan bắt đầu xét xử cựu Tổng thống Omar al-Bashir
Tổng thống bị phế truất Omar al-Bashir, người đã lãnh đạo Sudan trong 30 năm, ngày 19/8 đã bị đưa đến tòa án ở thủ đô Khartoum để bắt đầu tiến trình xét xử ông với các tội danh tham nhũng.
Lực lượng an ninh áp giải cựu Tổng thống Sudan Omar al-Bashir từ nhà tù Kober tới văn phòng công tố ở phía Bắc thủ đô Khartoum ngày 16/6/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Bashir, 75 tuổi, đã bị buộc phải từ bỏ quyền lực vào ngày 11/4 sau nhiều tháng người dân biểu tình chống chế độ của ông và đã lần đầu tiên trình diện trước công tố viên vào hôm 16/6.
Văn phòng công tố thông báo ông Bashir đối mặt với các cáo buộc về “sở hữu ngoại tệ, tham nhũng và nhận quà trái phép”.
Hồi tháng 4 vừa qua, Hội đồng quân sự chuyển tiếp (TMC) tại Sudan cho hay đã thu giữ số tiền trị giá hơn 113 triệu USD, gồm 7 triệu EUR, 350.000 USD và 5 tỷ bảng Sudan, tương đương 105 triệu USD, tại tư dinh của ông al-Bashir.
Video đang HOT
Liên quan đến tình hình chính trị Sudan, Hội đồng quân sự chuyển tiếp thông báo hoãn 48 giờ kế hoạch thành lập thành lập hội đồng lãnh đạo hỗn hợp giữa TMC và liên minh đối lập. Quyết định này được đưa ra theo yêu cầu của Liên minh vì Tự do và Thay đổi (FFC) đối lập tại Sudan để có thể đạt được sự đồng thuận về danh sách 5 ứng cử viên trong hội đồng hỗn hợp.
Theo kế hoạch, Hội đồng lãnh đạo hỗn hợp sẽ bao gồm 11 người, trong đó có 5 đại diện quân sự. Cơ quan này sẽ thay thế TMC để lãnh đạo đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp. Đứng đầu hội đồng, trong 21 tháng đầu tiên, sẽ là 1 tướng lĩnh quân đội và trong 18 tháng còn lại là một đại diện dân sự.
Hôm 15/8, FFC đã đề cử ông Abdalla Hamdoc, cựu quan chức cấp cao của Liên hợp quốc làm Thủ tướng chính phủ Sudan trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 3 năm. Ông Hamdoc sẽ chính thức nhậm chức ngày 20/8 tới.
Theo Phương Hoa (TTXVN)
Sudan: Các bên nối lại đàm phán thành lập chính quyền dân sự
Các thủ lĩnh phòng trào biểu tình và các tướng lĩnh tại Sudan sẽ tham gia các cuộc đàm phán cuối cùng về Tuyên bố Hiến pháp.
Theo kế hoạch, đàm phán giữa phong trào biểu tình và Hội đồng quân sự chuyển tiếp (TMC) tại Sudan hiện nắm quyền lãnh đạo tại nước này sẽ được nối lại vào ngày mai (30/7) tại thủ đô Khartoum để thảo luận các vấn đề vướng mắc còn lại liên quan việc thành lập một chính quyền dân sự. Động thái này diễn ra sau khi ngày 17/7 vừa qua, các bên đã đạt được một thỏa thuận chia sẻ quyền lực, mở đường cho việc thành lập một chính quyền dân sự, chấm dứt bạo lực ở quốc gia Đông Phi này.
Thủ lĩnh các nhóm biểu tình thuộc phong trào Liên minh vì sự thay đổi và tự do ở Sudan trong cuộc họp báo ở Khartoum ngày 24/4/2019. Ảnh: AFP.
Trong một tuyên bố vào hôm qua (28/7), ông Mohamed Hacen Lebatt, phái viên của Liên minh châu Phi (AU), cho biết các thủ lĩnh phòng trào biểu tình và các tướng lĩnh tại Sudan đã được mời tham gia "các cuộc đàm phán cuối cùng về Tuyên bố Hiến pháp". Một ủy ban kỹ thuật đại diện cho hai bên sẽ nhóm họp trước để thảo luận sơ bộ trong ngày hôm nay (29/7)
"Hai bên đã thống nhất được những vấn đề quan trọng. Họ cũng đã quyết định nối lại cuộc đàm phán vào ngày mai để thảo luận về các vấn đề khác", ông ông Mohamed Hacen Lebatt nói.
Một thủ lĩnh phong trào biểu tình, ông Babiker Faisal cũng xác nhận đàm phán sẽ diễn ra ngày mai tại thủ đô Khartoum. Ông bày tỏ hy vọng rằng, các bên sẽ đạt được thỏa thuận về Tuyên bố hiến pháp trong ngày mai vì những bất đồng giữa hai bên không quá lớn.Thỏa thuận thứ hai này dự kiến sẽ bao gồm các vấn đề về quyền hạn của Cơ quan cầm quyền dân sự và quân sự chung, việc triển khai lực lượng an ninh và miễn tội cho các tướng lĩnh liên quan đến các vụ bạo lực trấn áp người biểu tình.
Cuộc đàm phán sắp diễn ra được nối lại sau khi ngày 17/7, Hội đồng quân sự chuyển tiếp và liên minh các nhóm biểu tình ký một thỏa thuận chia sẻ quyền lực sơ bộ, được gọi là Tuyên bố Chính trị, mở đường cho việc thành lập một chính quyền dân sự tại quốc gia châu Phi này.
Thỏa thuận được ký tại Khartoum dưới sự chứng kiến của các bên trung gian hòa giải châu Phi. Theo đó, một hội đồng lãnh đạo chuyển tiếp chung sẽ bao gồm 6 nhân vật dân sự và 5 tướng lĩnh. Hội đồng này sau đó sẽ giám sát việc thành lập một nghị viện và chính phủ dân sự chuyển tiếp lãnh đạo trong 39 tháng trước khi tiến hành bầu cử.
Hội đồng quân sự chuyển tiếp nắm quyền lãnh đạo tại Sudan kể từ khi Tổng thống Omar al-Bashir bị phế truất ngày 11/4 vừa qua sau 30 năm cầm quyền. Sau nhiều tuần diễn ra làn sóng biểu tình do Liên minh Tự do và Thay đổi (FFC) phát động yêu cầu Hội đồng quân sự chuyển tiếp chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự, Etiopia và Liên minh châu Phi (AU) đã đứng ra làm trung gian hòa giải giữa hai bên.
Các cuộc đàm phán đổ vỡ khi các lực lượng an ninh Sudan giải tán một khu trại của người biểu tình ở Khartoum hôm 3/6 và chỉ được nối lại hồi đầu tháng 7. Ngày 5/7 vừa qua, sau 2 ngày đàm phán tại thủ đô Khartoum, hai bên đã đạt thỏa thuận về chia sẻ quyền lực trong giai đoạn chuyển tiếp, theo đó, nhất trí "thành lập một hội đồng lãnh đạo luân phiên giữa quân đội và phía dân sự trong giai đoạn 3 năm hoặc lâu hơn". Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí thành lập một chính phủ kỹ trị độc lập và tiến hành một cuộc điều tra minh bạch, độc lập về các vụ bạo lực trong những tuần gần đây.
Như vậy, với những tiến bộ đạt được giữa các bên liên quan tại Sudan, dư luận hy vọng có thể mở lối thoát cho một cuộc khủng hoảng chính trị ở Sudan kéo dài suốt thời gian qua./.
Theo Vũ Anh Tuấn/VOV1
Sudan : Nhóm biểu tình kêu gọi thực hiện 'bất tuân dân sự' Lời kêu gọi diễn ra chỉ vài ngày sau cuộc đàn áp đẫm máu nhằm vào những người biểu tình tập trung trước trụ sở Bộ Quốc phòng, khiến ít nhất 100 người thiệt mạng. Người biểu tình tập trung tại thủ đô Khartoum, Sudan, ngày 19/5/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN) Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 8/6, Hiệp hội nhà nghề Sudan,...