Sức sống Tân Hóa
Với không ít người dân trong cả nước, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa ( Quảng Bình) không hề xa lạ, bởi nơi đây cứ lũ là nước ngập lên tận nóc nhà và rút rất chậm.
Vậy nên thật khó hình dung, chỉ sáu tháng trước thôi, nơi đây lũ nhấn chìm tất cả. Còn bây giờ, Tân Hóa bình yên trong nắng chiều. Ở đó, con đường về xã uốn lượn quanh co bên triền núi, những ngôi nhà gỗ bình dị và yên ả, dòng Rào Nan mềm mại tựa như bức tranh thủy mặc.
Tân Hóa trong ánh hoàng hôn.
1. Ở Quảng Bình, hễ cứ mưa to tầm một ngày, địa chỉ đầu tiên mà những người làm công tác phòng chống thiên tai hoặc các nhóm cứu trợ, từ thiện, báo chí nhớ đến thường là xã Tân Hóa.
Đây được xem là “rốn lũ” không chỉ của huyện miền núi Minh Hóa mà cả tỉnh Quảng Bình. Vùng đất này rất thấp trũng, một mặt hứng nước từ thượng nguồn sông Rào Nan đổ về, một mặt bị các dãy núi phía sau án ngữ, quây lại như những bức tường thành. Nước lũ đổ về thoát rất chậm vì mắc kẹt các dãy núi đá vôi lớn khiến địa bàn dân cư xã như một túi nước.
Trước đây, Tân Hóa còn nhiều khó khăn, chưa chủ động được khâu phòng tránh cho nên mưa lũ là nỗi ám ảnh của người dân. Lũ dâng cao, bà con chỉ có cách duy nhất là chạy lên núi đá tránh lũ giữa cảnh màn trời, chiếu đất.
Đầu tháng 9 năm 2019, xã Tân Hóa hứng chịu trận lũ rất lớn. Bí thư Đảng ủy xã Cao Thanh Bình nhớ lại: “Nước lũ lên nhanh, cả xã hầu như ngập sâu khoảng bốn mét, nhấn chìm gần như toàn bộ nhà cửa người dân với 630 hộ ngập, trong đó hàng trăm nhà chỉ còn thấy cái nóc nhỏ. Rất may, các gia đình đã chủ động làm nhà phao, khi lũ về thì chuyển sang sống trên đó cho nên cuộc sống trong lũ ổn định hơn”.
Câu chuyện của ông Bình làm tôi liên tưởng đến lần tác nghiệp đến vùng lũ Tân Hóa cách đây nhiều năm. Lần đó, lãnh đạo huyện đến kiểm tra công tác ứng phó với lũ lớn ở tâm lũ Tân Hóa chỉ với chiếc bo-bo loại nhỏ nên chỉ ưu tiên các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và nhóm phóng viên chúng tôi. Mới tới đầu xã, xe ô-tô công vụ phải dừng lại trước một đoạn ngầm tràn nước chảy xiết. Từ đây, nhìn về Tân Hóa chỉ là một mầu trắng xóa mưa và đục ngầu nước lũ. Làng mạc chìm dưới lũ, người dân í ới gọi nhau chở thuyền để lên núi đá vôi di tản.
Chuyên gia thủy lợi kỳ cựu ở Quảng Bình Nguyễn Ngọc Giai chia sẻ: “Trong nhiều năm tôi làm công tác phòng chống thiên tai của tỉnh, điều làm tôi suy nghĩ nhiều là làm sao để “rốn lũ” Tân Hóa bớt lũ, giảm nhẹ thiệt hại. Chúng tôi từng lập cột đo lũ “lịch sử” tại đây nhưng có khi trận lũ sau lại vượt mốc trận trước, tạo nên mốc “lịch sử” mới. Đã có ý kiến cho phá núi đá vôi để thoát lũ cứu Tân Hóa, tức là có sự tác động của con người vào kết cấu địa chất và quy luật dòng chảy tự nhiên.
Video đang HOT
Song nhiều người phản ứng do sợ lũ ảnh hưởng đến vùng Phong Nha, đến vùng đất phía hạ nguồn nên đành thôi. Lại thêm đề xuất di dời người dân Tân Hóa lên sinh sống ở vùng cao hơn nhưng chính người Tân Hóa lại không đồng ý với ý tưởng này. Bởi lẽ, người dân vốn đã gắn bó sâu nặng với vùng đất, với bản quán nên khó tách rời được.
Với lại, ngoài trừ những ngày mưa lũ cao điểm thì Tân Hóa là một thung lũng tươi tốt, cảnh quan đẹp cần phải gìn giữ và bồi đắp. Vậy là chỉ còn cách giúp cho người dân biết sống chung, biết chủ động phương án ứng phó với lũ để ổn định cuộc sống. Sau đó ít lâu, phương án làm nhà nổi để sống trên lũ được coi là sáng kiến hiệu quả nhất, ít tốn kém nhất để người dân chủ động đương đầu với lũ lớn”.
2. Nhiều người ở Tân Hóa cho biết, trận lũ “lịch sử” trong tháng 10 năm 2010 gây nhiều thiệt hại do người dân di dời chậm. Sau đó, một gia đình trong làng mới nghĩ ra cách đóng một chiếc thùng, gắn phía dưới mấy cái phao để bỏ tài sản, lương thực tránh bị hư hỏng. Từ mô hình đầu tiên đó, người dân Tân Hóa bắt đầu làm nhà phao tránh lũ để khỏi sơ tán lên núi cao.
Bí thư Đảng ủy xã Cao Thanh Bình mô tả, nhà phao tránh lũ còn gọi là nhà nổi làm bằng gỗ, lợp tôn khá kiên cố, được gắn trên một giàn gồm nhiều thùng nhựa phi rỗng để nước lũ dâng cao thì ngôi nhà cũng nổi lên theo. Mỗi nhà nổi khoảng 15 m2, được chia thành nhiều ngăn để cả gia đình ngủ, nơi đặt bếp, nơi để lương thực.
Đến mùa mưa lũ, người dân thu dọn đồ đạc thiết yếu, lương thực, thực phẩm lên nhà nổi. Lũ ập đến, cả gia đình lên nhà phao sinh sống. Ông Trương Xuân Trường tâm sự: “Trước kia chưa có nhà nổi, cứ mùa lũ về, cả xã vất vả chạy lũ, nhiều tài sản bị ướt, hư hỏng. Nhà nổi chính là phao cứu sinh của chúng tôi”.
Tuy nhiên, không phải ai ở Tân Hóa cũng làm được nhà phao, nhiều người do hoàn cảnh cũng phải tá túc xóm làng hoặc lên núi tránh lũ. Ông Cao Xuân Huỳnh ở thôn 3 Yên Thọ chia sẻ, nhà ông có sáu người do khó khăn nên cứ đến mùa lũ về là cả gia đình phải bơi thuyền, che bạt trên núi đá ở tạm chờ lũ rút.
Nhưng năm nay thì yên tâm vì gia đình đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Bình hỗ trợ làm nhà phao. Ông Huỳnh dẫn tôi ra bên hông nhà, mở cửa ngôi nhà phao giới thiệu với khách trong sự phấn chấn.
Bên cạnh số tiền trợ giúp của Mặt trận, gia đình bỏ thêm một ít để làm ngôi nhà nổi rộng hơn so với kích thước ban đầu để tiện cho sinh hoạt của cả nhà. Thấy tôi quan tâm đến chiếc cột bằng ống thép bên cạnh, ông Huỳnh giải thích, chiếc cột cao bảy mét này để buộc nhà phao vào đấy, nước lũ dâng lên bao nhiêu thì nhà nổi lên bấy nhiêu nhưng không bị trôi vì đã được cố định. Sống chung được với lũ, người dân Tân Hóa cũng biết cách phấn đấu, chung sức xây dựng nông thôn mới. “Cuối năm 2019, Tân Hóa đạt 17 trong tổng số 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, còn lại hai tiêu chí chưa đạt là trường học và trạm y tế.
Trong năm 2020, Tân Hóa huy động các nguồn lực để hoàn thành các công trình, hoàn thiện các tiêu chí để cán đích nông thôn mới”- Bí thư Cao Thanh Bình vui mừng chia sẻ.
3. Đầu xuân, tôi lên thăm lại miền quê Tân Hóa thanh bình. Thật khó hình dung, chỉ sáu tháng trước thôi, lũ nhấn chìm tất cả, đến cái nóc nhà cũng chỉ như đường kẻ đen, ngắn, cô đơn giữa biển nước đục ngầu cuồn cuộn chảy. Trong nắng chiều, con đường về xã uốn lượn quanh co bên triền núi, hai bên là những ngôi nhà gỗ bình dị và yên ả. Xa xa, thung lũng Tú Làn với những trảng cỏ dài, được tô điểm bởi dòng Rào Nan mềm mại tựa như một bức tranh thủy mặc. Bên sườn núi, sát mé sông, người dân đang cần mẫn tỉa dặm từng luống ngô non được bồi đắp bởi cơ man phù sa sau trận lũ lớn.
Tân Hóa không chỉ được cả nước biết đến là “rốn lũ” mà nổi tiếng với hệ thống hang động Tú Làn với thạch nhũ đẹp lung linh, huyền ảo. Cảnh quan hang động Tân Hóa đã đi vào bộ phim bom tấn “Kong: Skull Island” hay phim “Người bất tử”. Bây giờ tiềm năng du lịch của Tân Hóa được nâng niu và đánh thức bằng lối suy nghĩ và cách làm của doanh nghiệp du lịch hàng đầu Quảng Bình – Oxalis – đơn vị đang khai thác tua du lịch đẳng cấp khám phá hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng.
Tổng Giám đốc Oxalis Nguyễn Châu Á chia sẻ, cảnh quan ở Tân Hóa đẹp đến mê hoặc ít nơi có được, trong khi đời sống người dân còn khó khăn. Việc khai thác tiềm năng du lịch nơi đây sẽ giúp cho người dân có cơ hội vươn lên thoát nghèo.
Bí thư Đảng ủy xã Cao Thanh Bình cho biết thêm, để hỗ trợ Oxalis hoạt động tại quê hương mình, người dân Tân Hóa chấp nhận di dời toàn bộ chuồng trại chăn nuôi gia súc ra xa hơn để nhường lại đất cho doanh nghiệp làm trụ sở làm việc và triển khai các dịch vụ, đồng thời để gìn giữ môi trường.
Còn Oxalis thì giúp “đánh thức” tiềm năng vùng đất này không chỉ thông qua các hoạt động du lịch dịch vụ mà còn tạo sinh kế cho người dân Tân Hóa như: hỗ trợ làm nhà phao, tạo việc làm cho hàng trăm lao động thông qua nghề porter (khuân vác hàng hóa cho du khách) trong những chuyến thám hiểm hang động Tú Làn. Hiện, Oxalis cùng huyện Minh Hóa xây dựng Tân Hóa thành trung tâm du lịch cộng đồng, giúp người dân nơi đây có cuộc sống tốt hơn bằng các dịch vụ du lịch.
Theo chia sẻ của nhiều nhân viên Oxalis, sức hút từ phát triển du lịch cộng đồng đã làm thay đổi tư duy của người dân Tân Hóa. Nhiều gia đình đã sửa sang nơi ăn, chốn ở sạch sẽ, phù hợp để làm dịch vụ lưu trú cho khách du lịch nước ngoài ghé chân.
Thêm một ý tưởng mới ở “rốn lũ” Tân Hóa mà tôi được nghe nói đến. Đó là, mô hình du lịch mạo hiểm cho khách nước ngoài khi lũ về. Bởi cứ mùa mưa lũ, Tân Hóa thành biển nước mênh mông, khi đó du khách nước ngoài tha hồ khám phá, trải nghiệm với các dịch vụ bảo đảm an toàn nhưng mới lạ. “Hàng nghìn người dân chúng tôi sống bình yên trong lũ thì việc phục vụ du khách đến trải nghiệm lũ cũng không có gì là nguy hiểm cả” – một cán bộ xã nói trong sự lạc quan và tự tin.
Chia tay chúng tôi, Bí thư Cao Thanh Bình nói thêm, tuyến đường nối Cao Quảng với Tân Hóa đang được ngành giao thông tỉnh gấp rút chỉ đạo thi công để nay mai người dân không còn phụ thuộc với tuyến đường độc đạo nối trung tâm huyện với “rốn lũ” Tân Hóa nữa. Và trên cung đường xuyên rừng ấy, nhiều cảnh quan, hang động tuyệt đẹp sẽ được “đánh thức” để đưa Tân Hóa đi tới ấm no.
BÀI VÀ ẢNH: HƯƠNG GIANG
Quảng Bình tạm dừng hoạt động đón tiếp khách du lịch
UBND tỉnh Quảng Bình vừa có quyết định tạm dừng hoạt động đón tiếp khách tham quan tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn từ ngày 17/3.
Việc tạm ngừng đón khách du lịch nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho du khách và sự an tâm của cộng đồng.
Trước đó, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình tiếp nhận đề xuất của 1 số doanh nghiệp về việc tạm dừng đón khách tại 1 số điểm tham quan du lịch như: hang Sơn Đoòng, hang Én, hang Va, hang Nước Nứt, hệ thống hang động Tú Làn, Công viên Ozo, sản phẩm du lịch khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Vân Kiểu ở các huyện.
Tỉnh Quảng Bình quyết định tạm dừng các hoạt động đón khách du lịch.
Trong thời gian tạm dừng đón tiếp khách, đơn vị quản lý, khai thác các khu, điểm du lịch tiến hành vệ sinh, khử trùng các khu đón tiếp, điểm tham quan du lịch, đảm bảo các điều kiện đón, phục vụ khách khi mở cửa trở lại. Các ngành chức năng sẽ xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ chủ trương dừng đón khách du lịch.
Ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biế, để đảm bảo an toàn, vì sức khỏe cộng đồng, vì lợi ích chung nên đóng cửa tất cả các hang động, các nơi tiếp xúc đông người vì sức khỏe, bảo vệ du lịch và bảo vệ khách nên tạm dừng các hoạt động đó.
"Trong thực tế, Sở Du lịch đã vận động các doanh nghiệp và có nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa vào hôm nay và những ngày trước đó. Trong lúc này các doanh nghiệp Quảng Bình sẵn sàng để phối hợp làm sao đó vì mục tiêu chung, vì công cuộc chống dịch Covid - 19 của Chính phủ và của tỉnh"- ông Phong nói./.
Thanh Hiếu/VOV-Miền Trung
Theo vov.vn
Hơn 250 học sinh Indonesia bị lũ quét cuốn trôi khi đang cắm trại ven sông, ít nhất 8 em thiệt mạng Theo thông tin ban đầu, có ít nhất 8 học sinh thiệt mạng trong tổng số 250 em học sinh người Indonesia bị lũ quét cuốn trôi trong chuyến đi cắm trại ven sông Sempor. Straits Times dẫn lời ông Agus Wibowo - phát ngôn viên của Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia (BNPB): "Tổng cộng có 257 học sinh lớp...