Sức sống bền bỉ của những bản nhạc xuân
Nhạc xuân với giai điệu rộn ràng, là phong vị không thể thiếu trong những ngày Tết, góp phần đem đến cho ngày Tết cổ truyền thêm đa sắc.
Trong những ngày đầu năm, dường như đi đến đâu, từ phố phường đô hội tới thôn quê xa vắng, người ta cũng dễ dàng bắt gặp những ca khúc quen thuộc ấy.
Trong các nhạc phẩm viết về chủ đề mùa xuân thì Anh cho em mùa xuân (thơ: Kim Tuấn, nhạc: Nguyễn Hiền) được xem là bản nhạc hay nhất. Dù đã ra đời cách đây gần 60 năm nhưng tác phẩm vẫn được rất nhiều người yêu thích,…
Bài hát có tiết tấu vui tươi qua điệu tango rộn rã, ca từ trong sáng, yêu đời: Anh cho em mùa xuân/ Trẻ nô đùa khắp trời/ Niềm yêu đời phơi phới/ Bàn tay thơm sữa ngọt/ Dải đất hiền chim hót/ Mái nhà xinh kề nhau/Anh cho em mùa xuân/ Đường hoa vào phố nhỏ/ Nhạc chan hòa đây đó/ Tình yêu non nước này/ Bài thơ còn xao xuyến/ Rung nắng vàng ban mai/ Anh cho em mùa xuân/ Nhạc thơ tràn muôn lối.
Theo các tài liệu ghi chép lại cho biết, nhạc sĩ Nguyễn Hiền (1927-2005) sáng tác ca khúc này vào Mùng 5 Tết năm 1962, khi nơi nơi vẫn còn mùi vị Tết. Trong ngày đầu tiên đến nhiệm sở, trên bàn làm việc của ông có một tập thơ của nhiều tác giả. Ông đọc lướt qua từng bài và dừng lại ở bài thơ Nụ hoa vàng ngày xuân, một bài thơ 5 chữ đầy ắp hình tượng và rất giàu cảm xúc… Vậy là chỉ trong buổi sáng hôm đó, ông phổ nhạc xong bài thơ. Một ngày sau, tức Mùng 6 Tết, có một nhà thơ còn rất trẻ, xưng tên là Kim Tuấn (1940-2003) đến gặp nhạc sĩ Nguyễn Hiền và hỏi: “Tôi có gửi cho nhạc sĩ một tập thơ, không biết đã nhận được chưa?” Ông đáp: “Tôi nhận được rồi và riêng bài thơ Nụ hoa vàng ngày xuân của Kim Tuấn, tôi đã phổ thành ca khúc”…
Có lẽ mối duyên gặp gỡ của nhà thơ và nhạc sĩ nhẹ nhàng, thơm thảo như chính bài thơ, ca khúc và như chính cái cách mà tác phẩm nghệ thuật này đi vào lòng người suốt mấy chục năm qua. Với nhạc sĩ Nguyễn Hiền và cả nhà thơ Kim Tuấn, ca khúc Anh cho em mùa xuân phổ nhạc từ bài thơ Nụ hoa vàng ngày xuân có thể được coi là một trong những tác phẩm quan trọng và nổi tiếng nhất trong suốt sự nghiệp sáng tác của cả hai người. Trải qua 6 thập kỷ, giai điệu rộn ràng của Anh cho em mùa xuân vẫn làm rung động người nghe nhạc vào mỗi mùa xuân đến.
Ca khúc được thể hiện qua những giọng ca trẻ đã tạo thêm màu sắc mới
Nhạc sĩ Minh Kỳ có 2 ca khúc xuân nổi tiếng là Xuân đã về sáng tác năm 1954 và Cánh thiệp đầu xuân sáng tác 1963. Cho đến nay cả hai tác phẩm đều trở thành quen thuộc trong lòng công chúng yêu nhạc. Xuân đã về là nhạc phẩm vui tươi thể hiện tâm trạng hân hoan của mọi người khi mùa xuân lại về. Nếu Anh cho em mùa xuân của Nguyễn Hiền có giai điệu đằm thắm, ngọt ngào, như lời tự tình, thể hiện tình yêu đôi lứa thì Xuân đã về lại ẩn chứa mùa xuân của đất nước, của quê hương, là niềm hân hoan khi đất trời tưng bừng đón thêm một mùa xuân mới. Lời ca khúc có đoạn: Xuân đã về, xuân đã về/ Kìa bao ánh xuân về tràn lan mênh mông/ Trên cánh đồng, chim hót mừng/ Đang thướt tha từng đàn tung bay vui say/ Xuân đã về, xuân đã về!/ Ngàn hoa hé môi cười vui đón gió mới/ Xuân đã về, xuân đã về!/ Ta hát vang lên câu ca mừng chào xuân…
Tương tự, những ca từ trong Cánh thiệp đầu xuân cũng khiến người nghe trở nên lạc quan, yêu đời khi đón nhận lời chúc xuân hòa trong điệu nhạc rộn rã: Hoa lá nở thắm đẹp làn môi hồng/ Xuân đến rồi đây nào ai biết không/ Mang những hoài mong đi vào ngày tháng/ Bao nhiêu mơ ước đến khi mùa xuân sang/ Tôi chúc gì đây vào mùa xuân này/ Khi nắng vàng tươi nhuộm làn tóc ai/ Khi gió nhẹ lay hoa đào hồng thắm/ Trong khi xuân ấm mới tô đẹp tháng năm…
Nhắc đến các nhạc phẩm mùa xuân, sẽ thiếu sót nếu bỏ qua Đoản ca xuân của Thanh Sơn, Xuân họp mặt của Văn Phụng, Ước nguyện đầu xuân của Hoàng Trang, Câu chuyện đầu năm của Hoài An, Lắng nghe mùa xuân về của Dương Thụ, Hoa cỏ mùa xuân của Bảo Chấn, Điệp khúc mùa xuân và Bài ca Tết cho em của Quốc Dũng…và còn rất nhiều ca khúc nữa. Đáng chú ý, ngay khi ca khúc Bài ca Tết cho em xuất hiện qua tiếng hát ngọt ngào, tình tứ và da diết của danh ca Bảo Yến vào năm 1987 đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của khán giả. Bài ca Tết cho em nhanh chóng trở thành ca khúc được yêu thích và được nhiều ca sĩ chọn thể hiện mỗi khi Tết đến xuân về… Đây còn là ca khúc gắn liền với mối tình lãng mạn của cặp đôi tài hoa nhạc sĩ Quốc Dũng và ca sĩ Bảo Yến, được giới văn nghệ sĩ ngưỡng mộ.
Ca khúc Bài ca Tết cho em gắn liền với mối tình lãng mạn của cặp đôi nhạc sĩ Quốc Dũng và ca sĩ Bảo Yến
Có thể nói, ca khúc mùa xuân với những giai âm tình tự hòa quyện với những lời ca giản dị, hiền hòa thuần Việt từ ý thơ đến ngôn từ đã thu trọn cả tâm tình, ký ức, tình yêu quê hương xứ sở của những người con Việt. Chính sự dung dị, thân thuộc đó mà các ca khúc dù đã trải qua thời gian, nhưng mỗi dịp Tết đến xuân về, lại được hát vang lên, hòa quyện vào tâm hồn người Việt từ già tới trẻ, từ phố thị đến nông thôn, làm cho không khí mùa xuân càng trở nên rộn ràng, ý nghĩa…
'Em nào có tội' - Sến kiểu Gen Z
Không quá đình đám, nhưng Em nào có tội (Thương Võ, ACV) lại có "sức sống bền bỉ" trong bảng xếp hạng âm nhạc vốn đầy biến động.
Ra mắt công chúng vào ngày 20/7, ngay trong tuần đầu , Em nào có tội đã xuất hiện trong BXH #zingchart tuần 29 tính từ ngày 18 đến 25/7. Không chỉ vậy, Em nào có tội đã chiếm ngay vị trí quán quân BXH âm nhạc này và đẩy quán quân của tuần trước đó là Sầu tương tư (Nhật Phong) xuống vị trí thứ 5.
Em nào có tội tiếp tục đứng ở vị trí cao trong BXH #zingchart trong 2 tuần liên tiếp sau đó (thứ 2 và thứ 3). Kể từ tuần 32 (từ 9 - 15/8) cho tới tuần 37 (từ 13 đến 19/9) Em nào có tội liên tục có mặt trong top 10 dù vị trí loanh quanh từ thứ 5 trở xuống.
Trong đó, tuần 36 ca khúc này đứng ở vị trí thứ 10, tưởng chừng sẽ bị rớt, nhưng bất ngờ sang tuần 37 vừa qua lại nhích lên được 1 bậc và hiện đứng ở vị trí thứ 9.
Hình ảnh trong MV "Em nào có tội"
Giai điệu bắt tai
Em nào có tội được sáng tác với bố cục khá gọn gàng gồm 2 đoạn nhạc, mỗi đoạn có khuôn khổ là 2 câu nhạc cân phương. Tức là các câu nhạc có độ dài tương đồng nhau.
Tương tự như vậy, các đoạn nhạc cũng có độ dài tương đồng nhau. Trong khi đó, trong nội tại 1 đoạn nhạc câu nhạc thứ 2 là sự nhắc lại có thay đổi nét giai điệu trong khi tính chất âm nhạc vẫn giữ nguyên. Ở khuôn khổ lớn hơn, mối quan hệ về tính chất âm nhạc giữa 2 đoạn nhạc cũng có nét tương đồng. Đoạn nhạc thứ 2 giữ vai trò đoạn điệp khúc của ca khúc, chất liệu âm nhạc của đoạn này là sự phát triển chất liệu đã có ở đoạn nhạc đầu tiên.
Nói như vậy để thấy rằng, việc sáng tác các ca khúc có cấu trúc rõ ràng, cân phương, vuông vắn luôn tạo cho người nghe một cảm giác có trật tự về bố cục và điều đó khiến cho người nghe cảm thấy dễ chịu khi thưởng thức, chứ không có cảm giác rườm rà, vòng vo dẫn đến rối rắm như không ít trường hợp.
Ca khúc mang tính chất trữ tình, đượm buồn, là một bản pop sáng tác trên màu sắc của giọng thứ, điều này hoàn toàn dễ hiểu. Và cũng vì cái chất buồn mang tính tự sự nội tâm nên những giai điệu mở đầu ca khúc có tính bình ổn. Trong đó, ca khúc cũng có vòng hòa âm tương đối đơn giản, được xây dựng trên mối quan hệ với các giọng nằm trên bậc VI - VII - V - I của giọng chủ. Điều này tạo cho ca khúc tính bình ổn phù hợp với cấu trúc âm nhạc được áp dụng khi triển khai ca khúc này.
MV "Em nào có tội" của Thương Võ đang gây được sự chú ý của giới trẻ
Cuộc tình buồn
Chú ý nhất của Em nào có tội có lẽ là những giai điệu và lời ca mở đầu của đoạn điệp khúc, nghe khá bắt tai: "Anh ơi, anh ơi! Em nào có tội/ Mà sao anh nỡ, buông tay em rồi". Đoạn lời ca kiểu như thế này dễ chiếm được tình cảm của người nghe, nhất là những người đang cùng trong tâm trạng.
Toàn bộ ca khúc nói về câu chuyện của một cô gái dành trọn trái tim cho một chàng trai nhưng không được đáp lại một cách trọn vẹn. Và cô gái chỉ biết giãi bày bằng những lời lẽ chừng như không còn gì đau khổ bằng: "Một đời không xứng, trăm vạn lần đau/ Em cố kìm nén đi bao u sầu/ Sai lầm phút chốc, anh có ân hận/ Nếu đã không cần, xin đừng bận tâm". Tới đây, lý do khiến cô gái rơi vào tâm trạng buồn bã, u sầu được tiết lộ: "Anh thương thầm ai, vương vấn đêm ngày/ Chắc không phải em, có đúng như vậy/ Đôi tay nhỏ bé, không giữ anh được/ Khóc than cho một cuộc tình phải lìa tan".
Sau những giai điệu và ca từ bắt tai mở đầu đoạn điệp khúc, cô gái bảo rằng mình đâu có tội và cũng sẵn sàng tha thứ nếu chàng trai quay trở lại, nhưng tại sao vẫn chỉ là: "Người từng thương nhất, nay lại thờ ơ". Có lẽ giống như rất nhiều cô gái khác trong hoàn cảnh ấy, cô bị người mình yêu hững hờ đem ra so sánh: "Cô ta có tốt, như anh mong chờ" và "Xa em có chắc, anh hạnh phúc hơn". Cuối cùng cô gái không quên nhắn nhủ: "Một mai họ chẳng, thương anh thật lòng" thì "Đừng quên em nhé, em vẫn chờ mong".
"Em nào có tội" - Thương Võ:
Phá cách hay đơn giản hóa?
Trên kênh YouTube mang tên Thương Võ Official có sở hữu 511 nghìn lượt đăng ký, Em nào có tội đến nay thu hút được hơn 7,5 triệu lượt xem. Đó cũng là một con số khá ấn tượng với một gương mặt trẻ. Nhưng, điều khiến những khán giả tiếp cận kênh này và thưởng thức Em nào có tội ngạc nhiên nhất là phần hình ảnh.
Thông thường khi nghĩ đến MV, nhất là MV có nội dung gắn liền với câu chuyện yêu đương, thất tình của tuổi trẻ, thường khán giả sẽ nghĩ tới những nhân vật trai xinh, gái đẹp, những khung cảnh mộng mơ, những góc hình đầy ấn tượng, gợi lại hình ảnh ngày 2 người còn đang say đắm bên nhau. Thế rồi, có thêm nhân vật "người thứ 3"...
Nhưng ở Em nào có tội, không có nhân vật chàng trai, cũng không có nhân vật "người thứ 3", cũng chẳng có câu chuyện nội dung cụ thể, không có bối cảnh lãng mạn. Em nào có tội chỉ có duy nhất một bối cảnh trong không gian hẹp là một gian phòng. Dù vậy, có tới 6 nhân vật, bao gồm cả cô gái - nhân vật chính mà ca sĩ hóa thân. Toàn bộ 6 nhân vật không di chuyển, xuất hiện từ đầu đến cuối trong một bối cảnh cũng không thay đổi. Sự thay đổi chỉ diễn ra ở các góc máy toàn, trung, cận và "bắt" vào nhân vật chính hoặc các nhân vật phụ.
Trong khi phần bối cảnh và kịch bản gần như là con số không thì MV Em nào có tội được xử lý phần màu khá bắt mắt, theo đúng "gu" của giới trẻ hiện nay.
Nguyễn Quang Long - Tác giả bài viết
Đòi "bình quyền"?
Đó là những suy nghĩ vui vui của tôi khi xem những hình ảnh trong MV Em nào có tội. Cái bối cảnh dựng lên kia phải chăng là một... bàn nhậu, một cuộc nhậu?
6 cô gái trẻ, vừa tròn xinh 1 mâm. Ngoại trừ nhân vật chính cầm micro và hát như kiểu buồn rồi, uống rồi, hơi hơi ngà ngà, rồi giãi bày. 5 nhân vật còn lại đóng vai các... "bợm nhậu", tất nhiên, mức độ nhậu khá nhẹ nhàng vì không có hình ảnh say xỉn. Cuộc nhậu cũng có đầy đủ đồ uống, đồ ăn bày la liệt, những cô gái thi thoảng lại chạm ly với nhau như chia sẻ nỗi đau thất tình của cô gái bị người yêu lạnh nhạt.
Xưa nay, những hình ảnh ấy hầu như chỉ diễn ra với trường hợp ngược lại, đối tượng thất tình là chàng trai. Sau khi bị người yêu "đá", để vơi đi nỗi buồn, chàng trai sẽ rủ hội bạn thân của mình đến tổ chức ăn uống, chén chú chén anh, mong trái tim được nguôi ngoai.
Vì vậy, việc tạo nên hình ảnh xem ra có vẻ như ngược ngược mắt này có khi lại là điểm nhấn hữu ý của ê-kíp sản xuất. Ngoài ra, nếu nhìn ở hướng tích cực, cũng có thể coi đây là thông điệp về sự bình đẳng giới của những cô gái trẻ trong thời điểm hiện nay - muốn bộc lộ mạnh mẽ cảm xúc của bản thân để được những người xung quanh chia sẻ.
Cộng thêm nữa, việc tối giản khi thực hiện MV dường như đang trở thành xu hướng xuất hiện trong 2 năm trở lại đây, khi mà dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực trong đó có sản xuất âm nhạc. Nếu đứng ở những góc độ như thế thì MV Em nào có tội cũng kha khá thú vị.
"Sến" đời mới
Thể hiện nỗi buồn tan nát về sự ăn ở 2 lòng của người mình yêu, trong một cuộc nhậu chừng như để quên đi tất cả... bản hòa âm khá đơn giản và cũng dễ nghe này khiến ta dễ hình dung đến dòng nhạc nhạc trữ tình bolero trước đây.
Cách thể hiện tậm trạng buồn của giọng ca vẫn ẩn chứa sự trong sáng của tuổi trẻ. Thương Võ có giọng hát ở mức khá, chất giọng có tình cảm, có xử lý giọng pha khá nhẹ nhàng. Thêm vào đó là các yếu tố đã đề cập ở phía trên, tất cả tạo cho người nghe cảm giác "bon lỗ tai" khi nghe Em nào có tội.
Những câu chuyện tình buồn vui là điều đương nhiên có trong cuộc sống của lớp trẻ. Thể hiện những cảm xúc yêu đương, những khoảnh khắc đẹp, kể cả đó là khoảnh khắc thất tình để rồi cho ra đời những bản nhạc tình buồn là điều thường thấy trong sáng tác. Sự khác biệt chỉ là dấu ấn âm nhạc, cách phối khí, cách thể hiện của giọng hát ở mỗi giai đoạn có những sự khác nhau. Người viết cho rằng, Em nào có tội là một trong những ca khúc có thể được xem là một dạng sến của giới trẻ hiện nay.
Điểm 6,7/10
Phương Oanh, Bảo Thanh cùng dàn diễn viên VTV hát nhạc xuân cực hot Phương Oanh, Bảo Thanh cùng những diễn viên quen thuộc trong phim VFC cùng hòa giọng trong ca khúc Như hoa mùa xuân hút 3,8 triệu lượt xem. Dàn diễn viên khoe giọng trong Như hoa mùa xuân Chương trình Gặp gỡ diễn viên truyền hình những năm qua luôn là "đặc sản" trên sóng VTV mỗi dịp năm mới quy tụ những...