Sức mạnh tàu ngầm diệt hạm mới của Trung Quốc
Tàu ngầm hạt nhân Type-093G sẽ trở thành át chủ bài của Trung Quốc trong các kịch bản tấn công tập thể chiến hạm nhờ trang bị hệ thống phóng thẳng đứng cơ động cùng tên lửa hành trình siêu thanh độ chính xác cao.
Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy ba tàu ngầm, có thể là mẫu Type-093G, của Trung Quốc, neo tại một bến cảng chưa rõ vị trí. Ảnh: Sina Military
Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đầu tuần trước trình chiếu một số hình ảnh vệ tinh cho thấy ba chiếc tàu ngầm được neo tại một bến cảng chưa rõ vị trí. Kênh này khẳng định đây là những tàu ngầm hạt nhân tấn công Type-093G tiên tiến nhất của Trung Quốc vừa hoàn thành và đang chờ xuất xưởng.
Trung Quốc là một trong ít quốc gia trên thế giới sở hữu tàu ngầm hạt nhân. Tuy nhiên, vì nền tảng công nghiệp còn yếu, kết hợp với những hạn chế trong đầu tư nghiên cứu, phát triển, nên các mẫu tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Bắc Kinh có thông số kỹ thuật tương đối kém.
Thế hệ thứ nhất Type-091 và Type-092 có tốc độ chậm, ồn và trang bị hỏa lực yếu hơn so với các tàu ngầm tương tự của Mỹ. Mãi tới những năm 1990, chương trình tàu ngầm của Trung Quốc mới đi đúng hướng và đạt những bước tiến như kỳ vọng.
Sau nhiều năm nỗ lực, mẫu tàu ngầm hạt nhân Type-093 và Type-094 đã giảm được tiếng ồn và có hỏa lực mạnh mẽ hơn, về cơ bản, phần nào rút ngắn khoảng cách so với Mỹ.
Trang thông tin quân sự Sina Military bình luận tàu ngầm hạt nhân Type-093G sẽ mang đến cho quân đội nước này một “sát thủ săn tàu sân bay” mới đầy tiềm năng.
Trích dẫn một bài viết trên tạp chí Defence International của Đài Loan, Sina Military cho biết quá trình đóng hai tàu Type-093G hoàn tất từ hồi tháng 12 năm ngoái, do Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Bohai thực hiện. Ngoài ra, một chiếc khác đang được hoàn thiện tại xưởng.
Type-093G nhiều khả năng là phiên bản nâng cấp của mẫu Type-093, được quân đội Trung Quốc đưa vào sử dụng cách đây vài năm. Điểm khác biệt cơ bản là Type-093G có hệ thống bệ phóng thẳng đứng dùng cho tên lửa hành trình và tên lửa chống hạm siêu thanh YJ-18.
Hiện thông số kỹ thuật chi tiết của Type-093G vẫn được giữ kín. Tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng nó sẽ được cải tiến với những chỉ số vượt trội so với mẫu Type-093. Tàu ngầm hạt nhân Type-093 dài 110 m, rộng 11m, mớn nước 7,5 m, trọng lượng rẽ nước 6.000 – 7.000 tấn khi lặn hoàn toàn, di chuyển nhờ lò phản ứng hạt nhân áp lực nước với tốc độ trung bình 30 hải lý, được trang bị 6 ống phóng ngư lôi.
Dựa trên những bức ảnh rò rỉ, trang China Daily suy đoán Type-093G có phần thân hình giọt nước, giống với các mẫu tàu ngầm hạt nhân hiện đại khác của nước ngoài, với mặt cắt ngang hình cánh được thiết kế đặc biệt để nâng cao tốc độ và giảm tối đa tiếng ồn khi hoạt động.
Video đang HOT
“Type-093G có khả năng chống hạm và chống ngầm mạnh mẽ”, chuyên gia quân sự Yin Zhuo bình luận. “Trong tương lai gần, nó sẽ được bổ sung chức năng tấn công cả các mục tiêu trên mặt đất bằng tên lửa hành trình”.
Với việc được trang bị tên lửa YJ-18, một số chuyên gia tính toán khả năng tấn công của tàu Type-093G ít nhất sánh ngang các tàu ngầm hạt nhân của phương Tây trong những năm 1980. Phân tích chi phí và giá thành, Sina Military cho rằng tên lửa YJ-18 sử dụng động cơ phản lực và động cơ nhiên liệu rắn, tương tự như những loại dùng trên tên lửa 3M-54E của Nga. Chi tiết này giúp đảm bảo đầu đạn của YJ-18 đạt vận tốc tối thiểu là 2,9 Mach, tương đương khoảng 3.580 km/h.
Theo một số nghiên cứu, tên lửa YJ-18 được thiết kế với mục tiêu cụ thể là đánh bại hệ thống chiến đấu Aegis. Dự án Aegis do hải quân Mỹ triển khai, được mệnh danh là cơ chế chiến đấu tiên tiến và phức tạp nhất thế giới, là trái tim của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo xuyên quốc gia mà Washington đang xây dựng. Aegis hiện được lực lượng hải quân các nước như Mỹ, Tây Ban Nha, Na Uy, Hàn Quốc, Nhật Bản sử dụng.
Ngoài chức năng là một tên lửa chống hạm, YJ-18 có thể đồng bộ hóa với các hệ thống tên lửa khác của quân đội Trung Quốc nhờ khả năng tương thích với bệ phóng thẳng đứng. Cơ chế này đặt nền móng vững chắc cho việc chế tạo các chiến hạm với khả năng tàng hình tốt hơn.
Bàn về tên lửa hành trình chống hạm YJ-12, phiên bản cũ của YJ-18, một nhà phân tích nhận xét “đó là loại tên lửa nguy hiểm nhất mà Trung Quốc sản xuất được tính đến nay”. Với tầm xa 400 km, YJ-12 “còn là tên lửa hành trình có tầm bắn xa nhất”. YJ-12 sử dụng nhiều loại cảm biến để tìm diệt mục tiêu và có khả năng thực hiện những cú lượn vòng tinh tế nhằm xâm nhập lớp phòng thủ cuối cùng của đối phương. Các tính năng này khiến chúng trở thành những “sát thủ diệt hạm”.
Dù tầm bắn giảm nhưng tên lửa YJ-18 vẫn sở hữu nhiều đặc điểm tương tự đàn anh YJ-12. “Sau khi khai hỏa từ bệ phóng thẳng đứng, động cơ phản lực của YJ-18 có thể bay ở tốc độ hành trình 988 km/h trong khoảng 180 km. Sau đó, phần đầu đạn được tách ra. Động cơ nhiên liệu rắn sẽ đốt cháy và đẩy tốc độ đầu đạn lên 3.080 – 3.700 km/h trong khoảng 40 km. Tên lửa có khả năng chuyển hướng nhanh chóng để tránh sự can thiệp của hệ thống phòng thủ đất đối không hoặc không đối không từ kẻ thù”,Diplomat dẫn lời một nguồn thông thạo vấn đề miêu tả YJ-18 đồng thời thêm rằng những cải tiến về đặc tính giúp YJ-18 trở thành một vũ khí nguy hiểm trong các kịch bản tấn công tập thể chiến hạm.
Theo truyền thông quốc tế, lực lượng chiến lược của hải quân Trung Quốc hiện có khoảng 4 tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân Type-094, 6 tàu ngầm nguyên tử Type-093 và khoảng ba tàu ngầm hạt nhân Type-091. Việc bổ sung các tàu ngầm Type-093G mới sẽ góp phần củng cố thêm sức mạnh trên biển đang gia tăng nhanh chóng của nước này.
“Tuy Trung Quốc tương đối chậm chân trong việc phát triển các loại tàu ngầm hạt nhân như Type-093G nhưng chúng tôi sử dụng các công nghệ và thiết bị hiện đại nhất trên những tàu ngầm của mình, vì thế chúng đủ sức cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài”, Chi Yiliang, tổng biên tập tạp chíModern Ships, nhận xét.
Một mẫu tàu ngầm hạt nhân tấn công của Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Vũ Hoàng
Theo VNE
Át chủ bài của Trung Quốc dưới lòng đại dương
Một sáng mùa đông năm ngoái, một tàu ngầm tấn công hạt nhân của Trung Quốc, loại có trang bị đầy đủ tên lửa và được mệnh danh là "thợ săn - sát thủ", nổi lên mặt nước, xuyên qua eo biển Malacca rồi biến mất. Sau đó nó xuất hiện tận vịnh Ba Tư.
Tàu ngầm của Trung Quốc đang nổi trên biển. Ảnh: Asia News
Đây được xem như hành trình đầu tiên của một tàu ngầm Trung Quốc tới Ấn Độ Dương. Trước đó, vào một ngày tháng 12, Bộ Quốc phòng Trung Quốc triệu tập tùy viên quân sự từ các đại sứ quán tới trụ sở Bắc Kinh. Trước sự ngạc nhiên của những người nước ngoài, phía Trung Quốc cho biết, một trong những tàu ngầm hạt nhân của họ sẽ sớm vượt eo biển Malacca, vùng nước nằm giữa Malaysia và Indonesia.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hồi tháng 9 một lần nữa triệu tập các tùy viên, thông báo việc triển khai tàu ngầm khác tới Ấn Độ Dương. Lần này, tàu sử dụng động cơ diesel và dừng chân ở Sri Lanka.
Trung Quốc hiện sở hữu một trong những đội tàu ngầm chiến đấu lớn nhất thế giới, với 5 mẫu chạy bằng hạt nhân và ít nhất 50 mẫu dùng động cơ diesel, theo Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ (ONI). Đây là kết quả của nhiệm vụ phát triển tàu ngầm hạt nhân của Bắc Kinh, khởi động từ những năm 1960. Ông Mao Trạch Đông từng tuyên bố: "Chúng tôi vẫn sẽ xây dựng tàu ngầm hạt nhân ngay cả khi phải mất đến 10.000 năm".
Bắc Kinh sử dụng tàu ngầm động cơ diesel từ những năm 1950, nhưng chúng dễ bị phát hiện vì buộc phải nổi lên mặt nước vài giờ một lần để "thở". Tàu ngầm hạt nhân nhanh hơn và có thể ở dưới lòng đại dương hàng tháng. Nước này hạ thủy chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên vào đúng ngày sinh nhật của cố chủ tịch Mao năm 1970 và lần đầu thử nghiệm phóng tên lửa từ dưới nước năm 1988.
Trung Quốc chính thức công khai sức mạnh của lực lượng tàu ngầm hạt nhân hồi cuối tháng 10/2013 khi tuyên bố tàu ngầm của họ có thể tấn công tới Mỹ.
Thông điệp gửi đi quá rõ ràng: Trung Quốc đã hoàn thành nhiệm vụ trong bốn thập kỷ của mình, tham gia câu lạc bộ tinh hoa gồm các quốc gia sở hữu tàu ngầm hạt nhân có thể chinh phục mọi vùng biển, theo Wall Street Journal.
Tiềm năng và hoạt động ngày càng gia tăng của lực lượng tàu ngầm Trung Quốc tạo ra thách thức quân sự lớn trong khu vực. Việc mở rộng các đơn vị dưới đáy biển không chỉ làm đầy kho vũ khí hạt nhân của nước này mà còn góp phần tăng cường năng lực của Bắc Kinh nhằm hiện thực hóa tham vọng chủ quyền đối với các vùng biển trong khu vực, đồng thời ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ.
ONI nhận định, Trung Quốc sẽ vượt một mốc rất quan trọng trong năm nay khi họ triển khai thế hệ tàu ngầm boomer, lần đầu tiên được trang bị đầy đủ các loại tên lửa hạt nhân hiện đại nhất. Boomer là một từ lóng sử dụng rộng rãi để chỉ thế hệ tàu ngầm tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân có phạm vi hoạt động lớn.
Bắc Kinh không hề che giấu vũ khí mới của mình. Khách du lịch có thể nhìn rõ ba chiếc tàu loại này tại cơ sở nằm đối diện một khu nghỉ dưỡng ở tỉnh Hải Nam. Tên lửa của những chiếc tàu ngầm boomer có khả năng vươn đến Hawaii và Alaska từ Đông Á, hoặc chạm tới đất Mỹ từ giữa Thái Bình Dương, ONI cho biết.
Về phía Trung Quốc, "đây là quân át chủ bài khiến đất nước tự hào" và "kẻ thù phải khiếp sợ", đô đốc Wu Shengli, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, viết về đội tàu ngầm tên lửa trên tạp chí của đảng Cộng sản số ra tháng 12. "Đó là lực lượng chiến lược tượng trưng cho sức mạnh to lớn , bảo vệ an ninh quốc gia".
Số lượng tàu ngầm chiến đấu hiện tại và trong tương lai ở khu vực châu Á Thái Bình Dương. Đồ họa: WSJ
Đối với chỉ huy hải quân các nước khác, những chuyến đi tới Ấn Độ Dương của tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc đặc biệt ấn tượng. Chúng chứng minh rằng Bắc Kinh hoàn toàn có khả năng vươn tới trụ sở chính của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đặt ở Hawaii.
"Họ đưa những thông điệp rất rõ ràng để tuyên bố rằng: 'Chúng tôi là đơn vị hải quân chuyên nghiệp, chúng tôi là một đội tàu ngầm chuyên nghiệp, và chúng tôi xuất hiện trên toàn cầu. Chúng tôi không còn chỉ là một hạm đội ven biển nữa". WSJ dẫn lời phó đô đốc Robert Thomas, chỉ huy Hạm đội 7 của hải quân Mỹ, nhận định.
Trung Quốc những năm gần đây nỗ lực mở rộng kho vũ khí quân sự và đạt được nhiều thành tựu như: sở hữu tàu sân bay đầu tiên hay phát triển máy bay tàng hình. Điều này khiến dư luận thế giới chú ý. Nhưng tàu ngầm lại là một khía cạnh hoàn toàn khác, nó đóng vai trò một vũ khí vừa mạnh mẽ vừa mang tính chiến lược: chỉ cần sự hiện diện của một chiếc cũng giúp Bắc Kinh thị uy sức mạnh và ngăn chặn hoạt động của tàu nước khác.
Washington cho rằng tàu ngầm hạt nhân chiến đấu chính là một phần trong chiến lược mới của Bắc Kinh nhằm cản trở Mỹ can thiệp vào vấn đề Đài Loan, hay hợp tác với Nhật Bản và Philippines, hai đồng minh của Mỹ đang kẹt trong cuộc tranh giành chủ quyền trên biển với Trung Quốc.
Đội tuần tra tàu ngầm boomber là nấc thang đưa Trung Quốc sánh ngang cùng Mỹ và Nga, trở thành quốc gia đủ khả năng triển khai vũ khí hạt nhân cả trên biển, trên không và trên đất liền.
Bán kính hoạt động của tên lửa JL-2 trang bị cho tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc. Đồ họa: WSJ
Vũ Hoàng
Theo WSJ