Sức mạnh quân sự châu Á đang chống lại Mỹ
Cán cân sức mạnh quân sự tại châu Á đang chuyển hướng chống lại Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc có thêm động thái hung hăng xâm chiếm chủ quyền và Triều Tiên tiếp tục theo đuổi phát triển hạt nhân.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ( CSIS) tại Washington, Mỹ nên tăng cường sức mạnh quân sự ở châu Á bằng cách triển khai thêm số lượng tàu ngầm tấn công hạt nhân và phát triển các loại tên lửa tầm xa hiện đại. Bởi chính sách “trục châu Á” ra đời từ năm 2011 của Tổng thống Obama dường như không đáp ứng được “những biến động ngày càng phức tạp” trong bức tranh an ninh quốc tế.
Trong khi đó, các ứng cử viên đảng Cộng hòa tham gia tranh cử chiếc ghế Tổng thống Mỹ năm 2016 liên tiếp cáo buộc ông Obama là một nhà lãnh đạo yếu kém khi đối mặt với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Nga và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của quân đội Trung Quốc đang ảnh hưởng không nhỏ tới phạm vi hoạt động của Mỹ tại châu Á.
“Theo thông lệ, hành động của Trung Quốc và Triều Tiên là mối thách thức với những cam kết đảm bảo an ninh của Mỹ cũng như năng phát triển năng lực của Washington. Nói cách khác, cán cân sức mạnh quân sự trong khu vực đang chuyển hướng chống lại Mỹ. Tăng chi tiêu quân sự là cách để khôi phục cán cân sức mạnh”, tờ The Guardian dẫn báo cáo của CSIS.
Trước đó, Tổng thống Obama từng hy vọng chính sách ngoại giao tại châu Á sẽ khôi phục lại mối quan hệ liên minh, mở rộng cơ hội đầu tư kinh tế trong khu vực và giúp Mỹ tránh xa vòng xoáy chiến tranh Trung Đông. Song mong muốn của ông Obama lại không hề dễ dàng thực hiện. Điển hình, sự lạnh nhạt của Trung Quốc và Nhật Bản là minh chứng cho thấy Washington vẫn chỉ đứng bên lề.
Trong bản nghiên cứu năm 2012, CSIS nhấn mạnh Mỹ nên tiếp tục duy trì 3 lợi ích lịch sử tại châu Á – Thái Bình Dương gồm bảo vệ Mỹ và các quốc gia đồng minh, thúc đẩy thương mại và ủng hộ nền dân chủ.
Tuy nhiên, trong bản nghiên cứu năm nay, CSIS đã vạch ra 4 chiến lược mà Mỹ nên thi hành tại châu Á. Thứ nhất, Washington cần tiếp tục điều chỉnh chiến lược châu Á ngay trong chính quyền Mỹ cùng các đối tác và liên minh của nước này.
Video đang HOT
Thứ hai, giới lãnh đạo Mỹ nên tăng tốc mở rộng quan hệ đối tác và đồng minh, tăng cường khả năng thích ứng và tương tác.
Thứ ba, Mỹ nên duy trì và mở rộng sự hiện diện quân sự ở châu Á – Thái Bình Dương.
“Trung Quốc đang đẩy mạnh các hành động đe dọa và ngang nhiên xây đảo nhân tạo ở cả Biển Đông và biển Hoa Đông. Còn Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển năng lực hạt nhân và tên lửa đạn đạo”, CSIS cảnh báo.
“Năng lực chống xâm nhập/chống tiếp cận của quân đội Trung Quốc đang mở rộng nhanh chóng tại chuỗi đảo thứ hai và các khu vực xa hơn, ảnh hưởng tới hoạt động của không chỉ các đồng minh và đối tác của Mỹ mà còn các vùng lãnh thổ của Mỹ như đảo Guam”, CSIS nhấn mạnh.
Đây là lý do Mỹ cần tăng số lượng tàu chiến mặt nước, tàu ngầm tấn công hạt nhân tại đảo Guam từ con số 4 lên thành 6 chiếc. Ngoài ra, Washington nên tiếp tục đa dạng hóa vị trí hoạt động của lực lượng không quân, tăng cường sức mạnh phòng thủ tên lửa trong khu vực, tích trữ kho đạn dược tấn công chính xác và tăng cường hoạt động phối hợp tình báo, tuần tra và trinh sát với các đồng minh trong khu vực.
Thứ tư, CSIS kêu gọi Mỹ cải thiện “khoảng cách năng lực trong hai lĩnh vực” bao gồm khả năng phòng thủ trước những mối đe dọa mới nổi ảnh hưởng tới các lực lượng Mỹ như sự xuất hiện ngày càng nhiều tên lửa đạn đạo có thể đánh chìm tàu thuyền và phá hủy căn cứ quân sự của Mỹ cũng như “đề ra cái giá đắt phải trả” đối với những đối thủ trong khu vực.
Bản nghiên cứu của CSIS cũng kêu gọi Mỹ xây dựng lực lượng hành động chung cho khu vực Tây Thái Bình Dương bởi Nhật Bản dù là cường quốc kinh tế lớn thứ 3 thế giới và đồng minh quan trọng của Washington tại châu Á song hai nước lại thiếu khả năng phối hợp để phản ứng trước các cuộc khủng hoảng có diễn biến nhanh.
CSIS còn nhấn mạnh yếu tố địa chính trị trong tiến trình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. “Nếu tầm ảnh hưởng kinh tế, quân sự và địa chính trị của Trung Quốc tiếp tục mở rộng với tốc độ như hiện nay, thế giới sẽ chứng kiến những biến động lớn trong sự phân chia quyền lực so với thời kỳ Mỹ nổi lên là quốc gia số 1 thế giới vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Ngoài ra, nếu Trung Quốc vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng 10 – 15 năm tới, đây sẽ là lần đầu tiên trong nhiều thế kỷ qua, quốc gia lãnh đạo kinh tế thế giới không phải là một nước nói tiếng Anh, không ở phương Tây và không theo chế độ dân chủ”, theo CSIS.
Nội dung được thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin từ The Guardian, tờ báo thông tin đời sống xã hội có lượng bạn đọc đông đảo của Anh.
MINH THU (lược dịch)
Theo Infonet
Mỹ hụt hơi, đuối sức, các đồng minh hoang mang?
Cán cân sức mạnh quân sự ở Châu Á-Thái Bình Dương đang chuyển sang thế có phần bất lợi cho siêu cường Mỹ khi Trung Quốc và Triều Tiên liên tục thách thức sự đáng tin cậy của những cam kết an ninh của Mỹ và Lầu Năm Góc đang đối mặt với những hạn chế về chi tiêu quân sự. Đây là nội dung của một bản nghiên cứu vừa được công bố ngày hôm qua (19/1).
Ảnh minh hoạ
Các nhà nghiên cứu ở Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược đã thực hiện một nghiên cứu cho Bộ Quốc phòng Mỹ. Trong bản nghiên cứu này, giới nghiên cứu bày tỏ sự "quan ngại" về việc chính sách "tái cân bằng" của Tổng thống Barack Obama ở Châu Á có thể sẽ không đủ để đảm bảo các lợi ích của Mỹ trong khu vực.
Quốc hội Mỹ đã yêu cầu Bộ Quốc phòng thực hiện nghiên cứu nói trên theo Điều luật Quốc phòng năm 2015.
"Các hành động của Trung Quốc và Triều Tiên đang liên tục thách thức sự đáng tin cậy của các cam kết an ninh của Mỹ đối với khu vực Châu Á và ở tốc độ phát triển năng lực quân sự của Mỹ như hiện nay, cán cân sức mạnh quân sự trong khu vực đang thay đổi theo hướng bất lợi cho Mỹ", nghiên cứu đã chỉ ra như vậy.
Giới lãnh đạo Lầu Năm Góc và những người ủng hộ Bộ Quốc phòng trong Quốc hội cho rằng, những nỗ lực nhằm bắt kịp với tốc độ phát triển quân sự của Trung Quốc cũng như đối phó được với các mối đe doạ an ninh đang vấp phải cản trở từ việc cắt giảm chi tiêu ngân sách mà chính phủ Mỹ đưa ra từ hồi năm 2011 nhằm giải quyết tình trạng thâm hụt lớn ở nước này.
Quốc hội đã thông qua một dự luật chi tiêu đến cuối năm 2016 nhằm giải quyết những quan ngại nói trên nhưng chưa đưa ra được một giải pháp lâu dài.
Bản nghiên cứu vừa được công bố đã đưa ra 4 khuyến nghị:
Thứ nhất, Nhà Trắng nên phát triển một chiến lược tái cân bằng riêng sau khi nhận thấy có những sự bối rối, lúng túng trong bộ máy chính phủ về chiến lược này. Trong số nhiều vấn đề khác, bản nghiên cứu chỉ ra rằng, chính quyền của ông Obama nên tăng cường kết nối với Quốc hội và phối hợp tốt hơn với các đồng minh.
Khuyến nghị thứ hai là Washington nên tăng cường nỗ lực để củng cố sức mạnh cho các đồng minh cũng như đối tác, bao gồm trong lĩnh vực an ninh hàng hải. "Nhiều nước đang vật lộn một cách khó khăn để giảm thiểu các nguy cơ về an ninh khu vực. Những nguy cơ đó trải rộng từ các cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn đến những tranh chấp hàng hải và các mối đe doạ từ tên lửa", bản nghiên cứu phân tích.
Khuyến nghị thứ ba là Mỹ nên duy trì và mở rộng sự hiện diện quân sự ở Châu Á-Thái Bình Dương.
Thứ tư, Mỹ nên tăng cường phát triển các năng lực mới cho lực lượng vũ trang của nước này, như khả năng chống lại các mối đe doạ ngày càng tăng từ tên lửa đạn đạo đối với tàu thuyền và căn cứ của Mỹ.
Thông tin về việc cán cân sức mạnh quân sự ở Châu Á-Thái Bình Dương đang thay đổi theo hướng bất lợi đối với Mỹ thực sự khiến các nước đồng minh của họ lo ngại.
Châu Á vốn đang phải chứng kiến nhiều cuộc đối đầu, trong đó nổi bật là những cuộc đối đầu giữa các đồng minh của Mỹ như Philippines, Nhật Bản với Trung Quốc. Cả Philippines và Nhật Bản đều muốn trông chờ vào siêu cường Mỹ để đối phó với một Trung Quốc ngày càng "ghê gớm". Bản thân Washington cũng muốn cùng phối hợp với các đồng minh của mình để tạo thế đối trọng với Trung Quốc, kiềm chế bớt sự nổi lên một cách đáng ngại của cường quốc Châu Á này.
Trong thời gian qua, người ta đã thấy Mỹ liên tục thắt chặt mối quan hệ đồng minh với hai nước thân thiết là Nhật Bản, Philippines đồng thời đẩy mạnh các mối quan hệ đối tác khác trong khu vực. Washington cũng nỗ lực giúp đỡ các nước đồng minh và đối tác trong việc tăng cường sức mạnh quân sự. Tuy nhiên, những nỗ lực này có vẻ như là chưa đủ, nhất là trong thời điểm Mỹ có nhiều mối bận tâm cũng như bị hạn chế về năng lực tài chính.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Mỹ lo Trung Quốc dùng tàu sân bay độc chiếm Biển Đông Sự xuất hiện của các cụm tàu sân bay chiến đấu trên Biển Đông có thể khiến Bắc Kinh "chơi rắn" và lấn lướt các quốc gia láng giềng trong khu vực. Trung Quốc có thể sẽ lấn lướt trên Biển Đông bằng các cụm tàu sân bay chiến đấu. Ảnh minh họa: USNI Đến năm 2030, Trung Quốc sẽ có trong tay...