Sức mạnh nào sẽ giúp nhân loại chiến thắng đại dịch Covid-19?
Theo nhà nghiên cứu sử học lừng danh Yuval Noah Harari, các biện pháp đóng cửa biên giới hay phong tỏa đất nước chỉ là điều kiện cần để nhân loại đẩy lùi bệnh dịch.
Theo bài viết trên tờ Times, Yuval Harari chỉ ra rằng tri thức, tầm hiểu biết và niềm tin toàn cầu là những vũ khí lợi hại nhất giúp các quốc gia cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh, còn phong tỏa đất nước, cách ly hay cô lập chỉ là biện pháp nhất thời, có thể gây ra hệ luỵ khôn lường cho nền kinh tế thế giới.
Covid-19 cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người trên thế giới.
Bài học từ lịch sử
Không ít người đổ lỗi thảm họa Covid-19 cho toàn cầu hoá, nhưng từ khi nhân loại còn chưa kết nối chặt chẽ với nhau, đã xuất hiện những đại dịch giết chết cả trăm triệu người.
Thế kỷ 14, nhân loại chưa có máy bay, tàu thuyền, nhưng dịch hạch vẫn càn quét từ Đông Á sang Tây Âu trong hơn một thập kỷ, giết chết từ 75 triệu đến 200 triệu người, hơn một phần tư dân số lục địa Á – Âu thời ấy.
Tháng 3/1520, một người nô lệ tên Francisco de Eguia cập bến Mexico và mang trong mình căn bệnh đậu mùa. Thời điểm này, các nước Trung Mỹ chưa có tàu hoả, xe bus. Dù vậy, đến tháng 12 cùng năm, bệnh đậu mùa đã lây lan rộng khắp, khiến một phần ba dân số Trung Mỹ thiệt mạng.
Năm 1918, một chủng cúm đặc biệt có độc tính mạnh lây nhiễm cho nửa tỷ người (hơn một phần tư dân số thế giới lúc đó) chỉ trong vài tháng, khiến hàng chục triệu người chết. Con số nạn nhân có thể lên tới 100 triệu chỉ trong chưa đầy 1 năm, khủng khiếp hơn số người chết trong Chiến tranh thế giới thứ nhất.
“Cái chết đen” là một trong những thảm hoạ dịch bệnh tồi tệ nhất lịch sử.
Một thế kỷ trôi qua từ sau năm 1918, con người ngày càng dễ tổn thương trước dịch bệnh, do sự kết hợp giữa dân số tăng nhanh và giao thông tốt hơn. Những đô thị hiện đại như Tokyo hay Mexico City cung cấp mầm bệnh phong phú hơn nhiều so với Florence thời trung cổ.
Mạng lưới giao thông toàn cầu ngày nay cũng nhanh hơn nhiều so với năm 1918. Một loại virus có thể di chuyển từ Paris đến Tokyo và Mexico City trong vòng chưa đầy 24 giờ. Chúng ta đang sống trong địa ngục truyền nhiễm, với tốc độ lây bệnh theo cấp số nhân.
Tuy nhiên, loài người không hẳn đón toàn tin xấu. Tỷ lệ mắc và ảnh hưởng của dịch bệnh đã giảm đáng kể. Bất chấp những đợt bùng phát khủng khiếp như AIDS và Ebola, trong thế kỷ 21, tỷ lệ tử vong do dịch bệnh nhỏ hơn nhiều so với bất kỳ thời điểm nào trước đây kể từ thời kỳ đồ đá.
Điều này có được là do con người có sự bảo vệ tốt nhất để chống lại mầm bệnh, không phải bằng sự cô lập hay cách ly, mà là thông tin. Nhân loại đã thắng trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh bởi vì trong cuộc chạy đua vũ trang giữa mầm bệnh và bác sĩ, mầm bệnh dựa vào đột biến mù trong khi các bác sĩ dựa vào phân tích khoa học về thông tin. Chúng ta có đủ dữ liệu để đón đầu và đánh bại kẻ thù.
Video đang HOT
“Giãn cách xã hội” được nhiều chính quyền khuyến cáo sử dụng để giảm thiểu lây lan Covid-19.
Khi “Cái chết đen” lây lan ở thế kỷ 14, người ta không biết nguyên nhân dịch bệnh và làm gì để ngăn chặn nó. Cho đến thời kỳ hiện đại, con người thường đổ lỗi bệnh tật cho cơn giận của các vị thần, ác quỷ hay vận khí, và thậm chí không biết sự tồn tại của vi khuẩn và virus.
Người ta tin vào những thiên sứ, mà không thể tưởng tượng một giọt nước có thể chứa toàn bộ vũ khí của những kẻ săn mồi khát máu. Do đó, khi “Cái chết đen” hoặc bệnh đậu lây lan, điều tốt nhất mà chính quyền có thể nghĩ đến là tổ chức những buổi cầu nguyện, vì họ tin thần thánh gây ra đại hoạ.
Tất nhiên, những buổi cầu nguyện không có tác dụng. Khi người ta tụ tập, bệnh dịch càng có cơ hội lây lan.
Video: “Miễn dịch cộng đồng” gây tranh cãi ở Anh
Cả thế giới phải xích lại gần nhau
Nhiều thế kỷ qua, các nhà khoa học, bác sĩ và y tá trên khắp thế giới đã tổng hợp thông tin và cùng nhau tìm hiểu cơ chế đằng sau dịch bệnh và phương pháp điều trị. Thuyết tiến hóa đã giải thích nguyên nhân bệnh mới bùng phát và các bệnh cũ trở nên độc hại hơn.
Di truyền học cho phép các nhà khoa học theo dõi tiến triển của mầm bệnh. Các nhà khoa học chỉ mất hai tuần để xác định được virus corona chủng mới, giải mã bộ gen của chúng và phát triển bộ kit thử để phát hiện người nhiễm bệnh.
Khi các nhà khoa học hiểu nguyên nhân gây bệnh, việc chống lại chúng trở nên dễ dàng hơn nhiều. Tiêm vaccine, kháng sinh, cải thiện vệ sinh và cơ sở hạ tầng y tế cho phép loài người chiếm thế thượng phong trước những kẻ săn mồi vô hình.
Vaccine ngừa Covid-19 đang được thử nghiệm lâm sàng.
Năm 1967, bệnh đậu mùa vẫn lây nhiễm 15 triệu người và giết chết 2 triệu người trong số họ. Nhưng trong thập kỷ tiếp theo, chiến dịch tiêm phòng bệnh đậu mùa toàn cầu mang lại thành công mỹ mãn. Đến năm 1979, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố nhân loại đã chiến thắng, và bệnh đậu mùa đã bị xóa bỏ hoàn toàn. Năm 2019, không còn ai bị đậu mùa nữa.
Lịch sử mang tới bài học gì? Thứ nhất, chúng ta không thể tự bảo vệ mình bằng cách đóng cửa biên giới vĩnh viễn. Hãy nhớ rằng dịch bệnh lây lan nhanh chóng ngay cả trong thời Trung cổ, rất lâu trước thời đại toàn cầu hóa.
Thứ hai, lịch sử chỉ ra rằng tấm khiên vững chắc bảo vệ nhân loại đến từ việc chia sẻ thông tin khoa học đáng tin cậy và đoàn kết toàn cầu. Khi một quốc gia bị dịch bệnh tấn công, họ nên sẵn sàng chia sẻ trung thực thông tin về sự bùng phát mà không sợ thảm họa kinh tế, để các quốc gia khác có thể tin tưởng và giúp đỡ hơn là tẩy chay.
Ngày nay, Trung Quốc có thể chỉ cho thế giới nhiều bài học quan trọng về virus corona, nhưng điều này đòi hỏi sự tin tưởng và hợp tác quốc tế cao. Đừng tẩy chay, ta phải lắng nghe họ.
Trong cuộc chiến chống virus, loài người cần bảo vệ biên giới, nhưng không phải biên giới giữa các quốc gia, mà là biên giới giữa thế giới loài người và thế giới virus. Vô số loại virus mới đang liên tục phát triển do đột biến gen. Nếu loại virus nguy hiểm tìm cách xâm nhập biên giới này ở bất cứ đâu trên trái đất, nó sẽ khiến cả loài người gặp nguy hiểm.
Nhiều thế kỷ qua, nhân loại đã củng cố biên giới bằng hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện đại được xây dựng như một bức tường mà ở biên giới đó, các y tá, bác sĩ và nhà khoa học là những người bảo vệ tuần tra và đẩy lùi những kẻ xâm nhập.
Những thành phố sầm uất nhất thế giới giờ quạnh hiu thế này.
Tuy nhiên, một phần rất dài của biên giới này đang bị bỏ lại. Hàng trăm triệu người trên thế giới thiếu cả dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản. Điều này gây nguy hiểm cho tất cả chúng ta.
Đừng nghĩ sức khỏe là câu chuyện riêng của mỗi quốc gia. Đó là vấn đề toàn cầu. Cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người Iran và người Trung Quốc sẽ giúp bảo vệ người Israel và người Mỹ khỏi dịch bệnh. Chúng ta không được quên sự thật này.
Nền tảng y học và chăm sóc sức khỏe bền vững, văn minh ở các quốc gia mới là kim chỉ nam giúp loài người chống lại dịch bệnh, không chỉ Covid-19, mà còn là rất nhiều thảm họa toàn cầu trong tương lai.
Các biện pháp mà chính phủ nhiều nước thực hiện chỉ mang tính ngắn hạn. Về lâu dài, con người cần những giải pháp căn cơ, bền vững hơn. Đó là bài học virus corona để lại, dù cái giá để học nó là quá đắt.
HỒNG NAM (vtc.vn)
Italy đóng trường học vì dịch, thầy hiệu trưởng viết thư gửi học trò
"Hãy tận dụng những ngày này để đi dạo, đọc thêm vài cuốn sách, chẳng lý do gì các em tự giam mình trong nhà cả ngày khi bản thân đang khỏe mạnh", thầy Domenico Squillace viết.
Zing.vn trích dịch tâm thư của thầy Domenico Squillace - hiệu trưởng trường trung học Volta (Milan, Ý) - nhắc nhở những học trò của mình khi ngôi trường này phải tạm đóng cửa vì sự lây lan của dịch Covid-19.
Các em thân mến, thực tế hiện hữu không phải chuyện lạ, trường buộc phải đóng cửa do tình hình dịch bệnh nên thầy viết những dòng này gửi tới các em.
Trường chúng ta là một trong những ngôi trường có về dày lịch sử và truyền thống tốt đẹp. Việc đóng cửa trường là quyết định hiếm hoi và đặc biệt của chính quyền tại thời điểm này.
Thầy không có đánh giá gì về quyết định này bởi bản thân thầy không phải một chuyên gia, cũng không giả vờ là mình am tường về nó. Thầy tôn trọng và tin tưởng quyết định của cơ quan chức năng, đồng thời tuân thủ và theo dõi mọi chỉ dẫn.
Domenico Squillace đã giữu chức hiệu trưởng trường Volta (Milan) suốt 6 năm.
Điều thầy muốn nói với các em là dù thế nào cũng hãy giữ tỉnh táo, đừng để tâm trí chìm sâu vào nỗi bi quan, tiếp tục cuộc sống bình thường nhưng không quên thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Hãy tận dụng những ngày này để đi dạo, đọc thêm vài cuốn sách, chẳng lý do gì các em tự giam mình trong nhà cả ngày khi bản thân đang khỏe mạnh.
Không việc gì phải đổ xô ra các siêu thị, nhà thuốc và điên cuồng mua sắm, khẩu trang là dành cho người bệnh, họ cần đến chúng hơn.
Bệnh dịch lan từ đầu này đến đầu kia của thế giới chỉ là vấn đề thời gian, chẳng bức tường nào cản ngăn được nó. Thời đại nào bệnh dịch cũng lây lan, chỉ là trước đây hàng thế kỷ tốc độ của chúng có chậm hơn một chút.
Dịch Covid-19 khiến nhiều trường học tại Italy phải tạm đóng cửa.
Một trong những mối đe dọa lớn trong bệnh dịch như thế này, mà tiểu thuyết gia Manzoni (hoặc có lẽ cả nhà văn Boccaccio) từng chỉ ra chính là mối quan hệ giữa người với người bị đầu độc, cái man rợ tiềm tàng của lòng người.
Bản năng của con người là khi đối mặt với một kẻ thù vô hình, nhìn đâu ta cũng sẽ thấy chúng ẩn hiện, ngay cả người xung quanh cũng thành mối đe dọa, coi đó là nguy cơ tiềm tàng.
So với những dịch bệnh xảy ra vào thế kỷ 14 hay 17, giờ chúng ta có nền y học tiên tiến hơn, và hãy tin thầy đi, sự tiến bộ và vững vàng của y học hiện đại là không hề nhỏ.
Hãy dùng suy nghĩ tiến bộ để sáng tạo nên tiếng nói nhằm bảo tồn những giá trị chung chúng ta đang sở hữu - là kết cấu xã hội, là nhân tính tốt đẹp.
Nếu không thể làm những điều đó, chúng ta đã để dịch bệnh chiến thắng.
Theo news.zing.vn
Đông y tham chiến chống virus corona Lực lượng đặc nhiệm chống dịch của chính phủ tại Vũ Hán gửi công văn khẩn tới các bệnh viện, cho họ 24 giờ để đảm bảo mọi bệnh nhân nhiễm nCoV được uống trà thảo dược. Trong khi số người chết vì Covid-19 tiếp tục tăng, trong tuần đầu tháng này có những ca xuất viện gây chú ý: hai ca tại...