Sức mạnh đồng tiền và băng đĩa lậu ở Triều Tiên
Băng đĩa lậu Hàn Quốc cùng quan niệm tiền bạc thay đổi đã tạo ra một thế hệ trẻ có tiêu chuẩn và mơ ước khác hẳn thế hệ trước.
Sinh viên đại học Ryu Hye Gyong, 19 tuổi, sửa lại tóc tại một sự kiện khiêu vũ tập thể ở Bình Nhưỡng hôm 9/4. Ảnh: AP.
Ryu Hye Gyong, một phụ nữ trẻ hay nhảy múa dưới hai bức chân dung cao ba mét của hai nhà lãnh đạo Triều Tiên, quay cuồng trong tiếng nhạc kêu gọi người dân dâng hiến cho lãnh đạo, theo AP.
Hàng trăm sinh viên nhảy theo cô, thề trung thành với lãnh đạo và đất nước, theo những khẩu hiệu như “Cuộc cách mạng của Nhà lãnh đạo Vĩ đại”, hay “Người lao động tin tưởng và tôn kính Lãnh tụ Kim Jong-un”. Đối với Ryu, Triều Tiên không có khoảng cách thế hệ.
“Tinh thần thanh niên vẫn nguyên vẹn như xưa!” Ryu khẳng định.
Tuy nhiên, theo Tim Sullivan, phóng viên AP, nếu nhìn kỹ hơn, bỏ qua lời của Ryu và các tấm áp phích tuyên truyền trên đường phố, các bài hát ca ngợi trên sóng truyền thanh, thì thực tế phức tạp hơn nhiều.
Ryu là sinh viên đại học, có mái tóc được chăm sóc cẩn thận và cái bắt tay đầy tự tin. Cô sống trong một thành phố đang có nhiều đổi thay. Bình Nhưỡng ngày càng có nhiều người giàu hơn, lái xe Mercedes, Audi, trong khi đa số người dân đất nước còn sống trong cảnh nghèo đói. Bình Nhưỡng có siêu thị bán táo nhập khẩu và tã giấy. Trên vỉa hè, nơi ngươi ta từng mặc trang phục bảo thủ giống nhau, có màu xam xám; thì nay là những cô gái mặc váy ngắn, cậu bé đội mũ bóng chày lệch, ăn mặc như ngôi sao Hàn Quốc.
Ở đất nước bị cô lập sâu sắc này, sự phân chia thế hệ đang âm thầm lớn lên. Thế hệ trẻ trưởng thành mà không mong đợi gì từ chính quyền. Cuộc sống của họ, từ ước vọng nghề nghiệp cho tới thói quen hẹn hò, đều hình thành từ nền kinh tế thị trường đang phát triển và các chương trình âm nhạc, tivi đưa lậu vào đất nước. Lòng hăng hái chính trị từng hiện hữu mạnh mẽ ở những thế hệ trước nay đang bị đẩy sang một bên, thay thế bằng niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh đồng tiền.
“Khi Kim Jong-un nói, thanh niên không lắng nghe”, Han Song Yi, 24 tuổi, người rời khỏi Triều Tiên năm 2014 để theo đuổi giấc mơ ngôi sao nhạc pop tại Hàn Quốc, nói. “Họ chỉ vờ lắng nghe”.
Han mặc quần jean bó sát và đánh mắt bóng vàng, miệt mài trong các cuộc chè chén ở Seoul và chủ nghĩa tiêu thụ. Cô thích nói về thời trang, về các ban nhạc K-pop mà cô và bạn bè từng lén lút nghe khi còn ở Triều Tiên.
Tuy nhiên, cô gái trẻ cũng nói về quê hương với sự phân tích thấu đáo, như tại sao trào lưu mặc váy ngắn lại nổi lên ở Triều Tiên từ mùa thu năm 2012, khi tân lãnh đạo Kim Jong-un xuất hiện cùng người vợ quyến rũ trong trang phục hàng hiệu; hay chủ nghĩa hoài nghi chính trị đang phát triển quanh cô.
“Triều Tiên trong quá khứ và Triều Tiên ngày nay rất khác biệt”, Han nhận xét. Không ai ở Triều Tiên nói với người ngoài về chuyện này, mà nguyên nhân cũng dễ hiểu.
Tại thủ đô Bình Nhưỡng, bất kỳ góc phố nào cũng nhắc nhở về sức mạnh to lớn của đất nước như chân dung của nhà lập quốc Kim Nhật Thành và Kim Jong-il; hay các bảng hiệu ca ngợi quân đội, đảng cầm quyền và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Trên radio, ca khúc “Chúng tôi sẽ bảo vệ Tướng Kim Jong-un bằng mạng sống” được phát đi phát lại.
“Ai cũng phải cẩn trọng với lời mình nói”, Han cho biết.
Suốt nhiều thế hệ qua, người Triều Tiên luôn được tuyên truyền về những cống hiến của các nhà lãnh đạo bảo vệ người dân chống lại thế giới thù địch, thông qua sách truyện trẻ em tới khoa văn trong trường đại học, từ chương trình truyền hình tới các vở opera.
“Khi còn trẻ, tôi luôn tin những điều này”, một cựu cảnh sát Triều Tiên ngoài 40 tuổi đang sống ở Seoul nói. Ông giấu tên vì sợ người thân ở Triều Tiên bị trả thù. Người đàn ông này vẫn trong tâm trạng giằng xé, ông vừa chỉ trích chế độ cũ, nhưng lại tỏ ra khinh thường thế hệ trẻ không hiểu thế nào là lòng trung thành.
Video đang HOT
“Người trẻ bây giờ không biết thế nào là tin tưởng”, ông nói.
Nhiều người lớn tuổi ở Triều Tiên cũng cảm thấy tương tự. Một phần bởi họ nhớ lại những ngày thịnh vượng trước đây, khi nhà nước vẫn bao cấp mọi thứ, từ thực phẩm, nhà ở, quần áo tới quà cáp trẻ con. Nền kinh tế Triều Tiên lớn hơn Hàn Quốc vào những năm 1970.
Sự chuyển đổi kinh tế bắt đầu giữa thập niên 1990, khi Liên Xô ngừng trợ giúp và bão lũ liên tục tàn phá ruộng đồng khiến nạn đói lan rộng. Hệ thống bao cấp thực phẩm từng chu cấp gần như toàn bộ người dân hàng trong hàng thập kỷ đã sụp đổ, nạn buôn lậu ở biên giới với Trung Quốc nở rộ.
Khi nạn đói chấm dứt, nhà nước tái “thắt lưng buộc bụng”, doanh nghiệp tư nhân phát triển vì chính phủ nhận ra đây là con đường duy nhất để duy trì sức sống của nền kinh tế.
Đối với những người lớn tuổi sống sót sau nạn đói, họ đã hiểu rõ chế độ không đủ sức bao cấp hoàn toàn cho mình. Họ tập trung vào làm việc kiếm sống hoặc mua băng đĩa lậu.
“Sau một thời gian, tôi đã ngừng chú ý”, Lee Ga Yeon, người lớn lên trong một nông trại xa xôi ở vùng nghèo khó, nhớ lại. Lee bắt đầu phụ giúp gia đình khi còn là thiếu niên trong suốt nạn đói. Bà đạp xe qua những làng xóm kế bên, bán thực phẩm tận cửa. “Tôi thậm chí không còn suy nghĩ gì về chế độ này nữa”.
Sự thờ ơ này khiến chính quyền lo ngại.
“Họ biết thanh niên là nơi khởi nguồn cách mạng”, Hazel Smith, một học giả nghiên cứu về Triều Tiên ở đại học London và là cựu nhân viên cứu trợ ở Triều Tiên, nói. “Đây là sự chia tách mà chính quyền lo ngại”.
Kim Jong-un, người chưa tới 30 tuổi khi lên nắm quyền sau khi bố ông qua đời năm 2011, giờ phải đối mặt với thách thức của thế hệ mình, với khoảng một phần ba dân số Triều Tiên dưới 25 tuổi.
“Tôi là một trong số các bạn, chúng ta là tương lai đất nước”, ông Kim nói trong bài phát biểu kêu gọi lòng trung thành của người trẻ. Hồi đầu năm, Triều Tiên lần đầu tổ chức kỷ niệm 23 năm thành lập Đoàn thanh niên Xã hội chủ nghĩa Kim Nhật Thành, một tổ chức lớn quy tụ mọi người dân Triều Tiên trong độ tuổi từ 12 đến 30.
Trẻ tuổi, từng du học ở Thụy Sĩ, nhà lãnh đạo trẻ bắt đầu thanh lọc hàng chục thành viên quyền lực quanh mình, bao gồm cả chồng của cô mình, người bị cho là “gây tổn hại nghiêm trọng tới phong trào thanh niên trong nước”. Ông Kim cũng chỉ trích phim ảnh và âm nhạc từ bên ngoài là “cỏ độc”. Đa số thanh niên Triều Tiên trong quá trình trưởng thành đã có ít nhất một lần xem đĩa DVD hoặc usb lậu, có thể là phim Trung Quốc, phim Mỹ, hoặc các chương trình giải trí Hàn Quốc.
Lee Ga Yeon, một người Triều Tiên đào tẩu đang học ở một trong những trường đại học hàng đầu Hàn Quốc, nói về sự thay đổi trong xã hội Triều Tiên. Ảnh: AP.
Đối với người Triều Tiên, phim truyền hình Hàn Quốc không chỉ là những câu chuyện bi ai về tình yêu bị ngăn cấm. Chúng còn là cánh cửa mở ra thế giới hiện đại, nuôi dưỡng khát vọng của tầng lớp trung lưu, trong lúc thay đổi mọi thứ từ thời trang tới quan niệm yêu đương ở Triều Tiên.
Ngày nay, việc các cô gái trẻ mặc váy ngắn, áo bó sát đi lại trên đường phố Bình Nhưỡng, hay cảnh các đôi tình nhân nắm tay nhau đi trong công viên dọc sông Taedong, không còn xa lạ. Trước đây, hôn nhân ở Triều Tiên đều qua sắp đặt thì nay, thanh niên công khai hẹn họ và tự do lựa chọn bạn đời.
Có một số điều vẫn không hề thay đổi. Đó là sức mạnh của an ninh quốc gia, với mạng lưới các đơn vị và cơ quan tình báo trải rộng. Do đó, trong lúc sự chia tách thế hệ dần phát triển, ở đây vẫn không có mặt những dấu hiệu của tuổi trẻ giận dữ như biểu tình ở trường đại học, biểu ngữ chính trị hay tờ rơi giấu tên. Thanh niên luôn né tránh khi bàn về chính trị. Họ chỉ nói thật khi trò chuyện với gia đình và bạn thân. Ngoài ra, chính trị không phải là trung tâm của khoảng cách thế hệ.
Sức mạnh đồng tiền
“Vấn đề không nằm ở chế độ”, Lee, người từng đạp xe đi bán thực phẩm tận cửa, giờ đang nghiên cứu văn học tại một trong những đại học hàng đầu Hàn Quốc, nhận xét. “Vấn đề ở tiền bạc”.
“Người nào bây giờ cũng muốn kiếm tiền”, Han nói. Bố cô điều hành một cửa hàng kinh doanh gỗ thành công. Ở quê Han, nơi chỉ có những ngôi nhà thấp bé và các nhà máy nhỏ nằm dọc biên giới sông Áp Lục với Trung Quốc, gia đình cô được coi là giàu có.
“Tôi lớn lên như một công chúa”, Han khoe. Trong nhà cô có tivi, hai máy tính xách tay, dễ dàng truy cập các video nhạc K-pop mới nhất của Hàn Quốc.
Tiền bạc giờ đây chạy xuyên suốt Triều Tiên, làm rung động một thế giới mà những thế hệ trước đây tưởng rằng sẽ luôn bất biến. Các chuyên gia nhận thấy khu vực kinh tế tư nhân, một mạng lưới kinh doanh từ mậu dịch cho tới các nhà máy dệt đang chiếm một nửa nền kinh tế Triều Tiên, với hầu hết người dân phụ thuộc tài chính vào nó ít nhiều.
“Người trẻ Triều Tiên ‘đều lớn lên trong nền kinh tế thị trường. Đối vợi họ, cố lãnh đạo Kim Nhật Thành đã lui vào dĩ vãng”, chuyên gia Smith nhận xét. “Họ có những tiêu chuẩn và mong muốn khác”.
Qua lời kể của những người đào tẩu và ảnh vệ tinh, khắp Triều Tiên là các nhà kho đầy ắp hàng hóa, từ rượu lậu cho tới linh kiện ôtô Trung Quốc.
“Trước đây, trở thành công chức là mong muốn của mọi người, đó là giấc mơ số một”, Lee nói. “Nhưng bây giờ, ngày càng nhiều người hiểu rằng tiền có thể giải quyết mọi chuyện. Ngày càng nhiều người quan tâm tới việc buôn bán làm giàu”.
“Phụ nữ trẻ không còn muốn ở lại những trang trại nhỏ xíu nữa”, Lee nói. “Họ muốn chuyển lên thành phố, yêu đương với những anh nhà giàu thành thị giống như trong phim Hàn Quốc”.
Hai cậu bé Triều Tiên đội mũ bóng chày đi bộ trên đường phố Bình Nhưỡng hôm 16/4. Ảnh: AP.
Tuy nhiên, tại Bình Nhưỡng, không ai nói những điều tương tự, nhất là với một phóng viên ngoại quốc bị nhân viên chính phủ chú ý khắp nơi.
Trong một buổi chiều mùa xuân ngập nắng, dưới tòa tháp ba tầng kỷ niệm lòng kính yêu của Triều Tiên với lãnh đạo, một sinh viên toán ở trường đại học hàng đầu đất nước kể cho Tim nghe cuộc sống đã đổi thay thế nào từ khi mẹ cô còn trẻ.
“Thời đó khác lắm”, Jang Sol Hyang, 19 tuổi, nói. “Mẹ tôi sống dưới sự lãnh đạo khôn ngoan của đại tướng Kim Nhật Thành và Kim Jong-il, còn tôi bây giờ sống dưới thời đại tuyệt vời của lãnh tụ Kim Jong-un”.
Khi cô nói, một người đàn ông ăn mặc chỉnh tề, có vẻ ngoài cáu kỉnh tới gần lắng nghe. Có thể ông ta là một quan chức đảng, hoặc mật cảnh, hay chỉ là một người qua đường tò mò. Nhưng không ai cất tiếng hỏi.
Jang vẫn tiếp tục nói về vinh quang của đất nước, về nhà lãnh đạo trẻ đang dẫn dắt con dân tới tương lai.
Hồng Hạnh
Theo VNE
Trẻ em Triều Tiên được giáo dục như thế nào?
Chương trình học phổ thông tại Triều Tiên kéo dài 11 năm, trong đó các học sinh sẽ được giao các bài tập với nội dung mang hàm ý chính trị như "có bao nhiêu tên gián điệp Mỹ bị bắt", Sputnik đưa tin ngày 30/7.
Theo Sputnik, Điều 43 Hiến pháp Triều Tiên quy định "nhà nước giáo dục thế hệ trẻ để họ trở thành những nhà cách mạng đáng tin cậy, chiến đấu cho xã hội và dân tộc". Trọng tâm của nền giáo dục Triều Tiên được thể hiện qua câu tục ngữ: "Đừng tiết kiệm tiền, mà hãy dạy cho trẻ em biết đọc biết viết". Trong ảnh: Những trẻ em Triều Tiên mặc quần áo của quân nhân khi tới thăm sở thú ở thủ đô Bình Nhưỡng. (Ảnh: Sputnik)
Từ năm 2013, Triều Tiên đã xây dựng một hệ thống giáo dục phổ thông mới, trong đó quy định mọi trẻ em phải đến trường năm 7 tuổi. Trẻ em Triều Tiên sẽ phải học tổng cộng 11 năm trước khi lên đại học, trong đó có 5 năm học tiểu học, 3 năm học trung học cơ sở, và 3 năm học trung học phổ thông. Trong ảnh: Các thành viên của ban nhạc học đường biểu diễn trên đường phố vào cuối ngày ở Bình Nhưỡng. (Ảnh: AP)
Sau khi hoàn tất 11 năm học phổ thông, các học sinh tốt nghiệp cấp 3 có thể lựa chọn học đại học, cao đẳng hoặc trường dạy nghề. Trẻ em Triều Tiên cũng được dạy kính yêu lãnh tụ từ khi còn là học sinh mẫu giáo. (Ảnh: Sputnik)
Theo chuyên gia về Triều Tiên Andrey Lankov, trong giờ học toán trên lớp, học sinh Triều Tiên thường được giao các bài tập với nội dung có liên quan tới hàm ý chính trị, như: "Những người đi tiên phong đã bắt được bao nhiêu tên gián điệp Mỹ?". Nhà báo Anh Michael Breen cũng lấy một ví dụ về bảng chia động từ theo kiểu Triều Tiên, trong đó đề cập tới việc những người Triều Tiên chiến đấu với Mỹ. Trong ảnh: Các học sinh nữ biểu diễn một tác phẩm trong giờ học đàn ở Bình Nhưỡng. (Ảnh: AFP)
Các tư tưởng chính trị và xã hội chiếm khoảng 1/3 chương trình học của học sinh Triều Tiên. Các học sinh sẽ học về lịch sử hoạt động cách mạng của các nhà lãnh đạo đất nước như lãnh tụ Kim Nhật Thành, Kim Jong-il, Kim Jong-un. Trong ảnh: Các học sinh cúi đầu trước bức tranh vẽ cố lãnh tụ Kim Nhật Thành phát biểu với người dân Triều Tiên trước khi quét dọn khu vực này. (Ảnh: Sputnik)
Các môn học khác trong chương trình học của học sinh Triều Tiên gồm lịch sử và địa lý của Triều Tiên, văn học Triều Tiên, tâm lý học và logic, tiếng Anh và tiếng Triều Tiên, toán, khoa học và thể dục. Triều Tiên đặc biệt lưu ý đến việc rèn luyện trí nhớ, phát triển sự dẻo dai cả về thể chất và tinh thần cũng như cách thức tổ chức thời gian cho học sinh. Mục đích để đào tạo học sinh trở thành những nhà cách mạng trung thành thấm nhuần tư tưởng của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành. (Ảnh: Reuters)
Hệ thống giáo dục Triều Tiên cũng đặc biệt chú ý tới việc giáo dục quân sự cho trẻ em. Các học sinh sẽ được tham gia vào các cuộc diễn tập quân sự, tham gia các khóa học về phòng vệ dân sự, cũng như được thực hành trong các đơn vị quân đội trong các kỳ nghỉ hè. Ngoài ra, các hoạt động thể thao cũng là một phần không thể thiếu trong chương trình giáo dục tại Triều Tiên. Trong ảnh: Các học sinh dọn dẹp khu vực tượng đài cố lãnh tụ Kim Nhật Thành và Kim Jong-il ở Bình Nhưỡng. (Ảnh: AFP)
Triều Tiên cũng xây dựng hệ thống các trường chuyên dành cho học sinh có năng khiếu trong độ tuổi từ 3-5 tuổi. Các học sinh này sẽ được dạy chương trình giáo dục chuyên sâu đặc biệt và chủ yếu học về khoa học kỹ thuật. Các học sinh tốt nghiệp từ các trường năng khiếu được xem là giới tinh hoa tri thức của Triều Tiên và sẽ được tuyển dụng vào làm việc trong các viện nghiên cứu và là lực lượng nòng cốt của ban lãnh đạo Triều Tiên. Trong ảnh: Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới dự Đại hội Thiếu nhi Triều Tiên lần thứ 8 tại Bình Nhưỡng. (Ảnh: AFP)
Thành Đạt
Theo Sputnik
Muôn màu cuộc sống ngày hè ở Triều Tiên Hãng tin Sputnik đã đăng tải những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc chân thực về cuộc sống thường nhật của người dân Triều Tiên trong những ngày hè tháng 7. Các sinh viên đại học đi bộ cùng nhau trên đường phố ở thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên ngày 24/7. Một phụ nữ mang ô đi qua cây cầu vượt...